Tin tức

Một sáng kiến của chính phủ đã tạo nên nền điện ảnh Hồng Kông mới ra sao

25/01/2024

Bất kỳ ai quan tâm đến nền điện ảnh mới của Hồng Kông chắc hẳn đã nghe nói về Sáng kiến Phim truyện đầu tay (FFFI) được chính phủ đánh giá cao, được phát động vào tháng 3 năm 2013 nhằm xác định những tài năng mới và giúp tài trợ cho những bộ phim truyện đạo diễn đầu tay của họ.

Trong năm 2023, Time Still Turns the Pages đã ra rạp và Fly Me to the Moon chiếu ra mắt ở liên hoan phim, lần lượt là tựa phim thứ 14 và 15 trong hệ thống FFFI hoàn thành, South China Morning Post nhìn lại thập kỷ hoạt động đầu tiên của chương trình và đánh giá mức độ hiệu quả của các dự án được tài trợ.

1. Weeds on Fire (2016)
Sản xuất: Trần Khanh Gia, Kha Tinh Bái
Doanh thu: 4,6 triệu đôla Hồng Kông (589.000 USD)

Dự án FFFI đầu tiên ra rạp đã tạo ấn tượng với nỗ lực chân thành của họ nhằm kết nối lại với lịch sử địa phương (một trong những đội bóng chày trẻ đầu tiên của thành phố) và phản ánh tình cảm xã hội thời đó.

Bộ phim thể thao tuổi mới lớn của đạo diễn Trần Chí Phát đã nhận được tám đề cử tại Giải Điện ảnh Hồng Kông 2017 (HKFA) và thắng hai giải.

2. Mad World (2017)
Sản xuất: Triệu Sùng Cơ, Mạch Hy Nhân
Doanh thu: 16,9 triệu đôla Hồng Kông

FFFI lần đầu tiên đạt thành công về mặt thương mại với bộ phim của đạo diễn Hoàng Tiến, kể về một bệnh nhân lưỡng cực đang hồi phục (Dư Văn Lạc) quay về sống với người cha đầy mặc cảm tội lỗi của mình (Tằng Chí Vỹ) trong một căn hộ được chia nhỏ.

Những giải thưởng phim này đạt được bao gồm hai giải Kim Mã ở Đài Loan và ba giải Kim Tượng (HKFA). Bộ phim mang tính nhân văn, ảm đạm này cũng là tác phẩm được Hồng Kông cử dự giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và dẫn đầu xu hướng phim bi kịch về bệnh tâm thần ở địa phương trong những năm gần đây.

3. In Your Dreams (2018)
Sản xuất: Lưu Gia Linh
Doanh thu: 475.000 đôla Hồng Kông

Là dự án có doanh thu thấp nhất trong số các tựa phim FFFI phát hành thương mại, phim của đạo diễn Đàm Huệ Trinh kể câu chuyện một bà nội trợ giàu có nhưng bất hạnh (Lưu Gia Linh, lần đầu cô sản xuất) và một học sinh trung học (Ngô Triệu Hiên) trở nên ám ảnh về cô.

Mặc dù chắc chắn là dễ xem, nhưng quyết định của đạo diễn Đàm trong việc cấu trúc câu chuyện vụn vặt của mình thành một tác phẩm tâm trạng đầy nghệ thuật đã không kết nối được với lượng khán giả lớn hơn. Lưu Gia Linh vẫn chưa trở lại sản xuất.

4. Somewhere Beyond the Mist (2018)
Sản xuất: Nhĩ Đông Thăng
Doanh thu: 771.000 đôla Hồng Kông

Đáng buồn thay, có cách biệt thực sự giữa giá trị nghệ thuật và được hoan nghênh về mặt thương mại khi nói đến bí ẩn giết người dựa trên sự thật này do nhà làm phim tài liệu Trương Kinh Vĩ đạo diễn, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, KJ, là một thành công phòng vé lớn hơn nhiều.

Khán giả và các nhà phê bình đã chọn bỏ qua bộ phim mà theo South China Morning Post là một “kiệt tác cháy chậm”. Nỗ lực đầy ám ảnh của đạo diễn Trương đã nhận được ba đề cử Kim Tượng, nhưng lại ra về tay trắng.

5. G Affairs (2019)
Sản xuất: Hà Vĩnh Lâm, Ngô Huệ Phần
Doanh thu: 1 triệu đôla Hồng Kông

Câu chuyện phong cách rất riêng về cái chết khủng khiếp, tuổi trẻ lãng phí, tình dục bừa phứa và những cử chỉ khiêu khích chính trị do Lý Trác Bân đạo diễn và Khâu Lễ Đào điều hành sản xuất.

Lý Trác Bân là người duy nhất tham gia FFFI cho đến nay đã có bộ phim thứ hai ra rạp — mặc dù The Fallen (2020) tệ đến mức có lẽ đến phim thứ ba anh sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

6. Still Human (2019)
Sản xuất: Trần Quả
Doanh thu: 19,8 triệu đôla Hồng Kông

Thành công tương tự Mad World, câu chuyện cảm động của Trần Tiểu Quyên về một người đàn ông trung niên tàn tật (Huỳnh Thu Sinh) và cô giúp việc trẻ tuổi người Philippines của ông (Crisel Consunji) đã kết nối được với các nhà phê bình và công chúng.

Ngoài thành tích tốt ở phòng vé, điều hiếm thấy với một phim tâm lý nội địa kém tiếng như thế này, phim còn được đề cử ở tám hạng mục Kim Tượng, chiến thắng ba hạng mục.

7. Apart (2020)
Sản xuất: Khâu Lễ Đào
Doanh thu: không áp dụng

Bộ phim về mối quan hệ lấy bối cảnh phong trào ô dù này là một minh chứng cho thấy bối cảnh chính trị của Hồng Kông đã thay đổi như thế nào: phim được bật đèn xanh vào năm 2016, trình chiếu tại các liên hoan phim và các địa điểm phi thương mại vào năm 2020, và giờ đây có lẽ được cất kho vĩnh viễn trong thời đại hậu-luật-an ninh-quốc gia.

Do Trần Tiệp Văn đạo diễn, câu chuyện u sầu về tình yêu tuổi trẻ trong thời kỳ biến động vẫn là tác phẩm duy nhất của FFFI không được phát hành rộng rãi tại các rạp chiếu phim của thành phố — rõ ràng không phải vì thiếu sức hấp dẫn thương mại.

8. My Prince Edward (2020)
Sản xuất: Trần Khanh Gia, Kha Tinh Bái
Doanh thu: 5,2 triệu đôla Hồng Kông

Biên kịch Hoàng Ỷ Lâm đã ra mắt đạo diễn với bộ phim tâm lý nhẹ nhàng lấy bối cảnh khu dân cư thuộc tầng lớp lao động và xoay quanh các chủ đề quen thuộc đối với phụ nữ trong xã hội Trung Quốc bảo thủ: hôn nhân và tự do cá nhân.

Bộ phim đã mang lại cho Đặng Lệ Hân một trong những vai diễn quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ thần tượng nhạc pop thành nữ diễn viên nổi tiếng, đồng thời được đề cử tám hạng mục Kim Tượng và thắng hai giải, trong đó có đạo diễn mới xuất sắc nhất.

Bộ phim thứ hai của Hoàng Ỷ Lâm, The Lyricist Wannabe, gần đây đã được công chiếu tại các liên hoan phim và có vẻ sẽ được phát hành ở Hồng Kông vào năm tới.

9. Elisa’s Day (2021)
Sản xuất: Vương Nhật Bình
Doanh thu: 704.000 đôla Hồng Kông

Phim có doanh thu phòng vé tệ thứ hai trong danh sách này có thể là nạn nhân của tham vọng của chính mình. Bức chân dung cô đơn của biên kịch-đạo diễn Phùng Chí Hằng được kể thành câu chuyện rời rạc kéo dài hàng thập kỷ. Đề cập đến nguồn cảm hứng của nó — một tội ác của đam mê từ những năm 1990 — e là phải tiết lộ nội dung.

Bất chấp những diễn xuất sâu sắc của Trần Hán Na và Đào Hy Linh, cho đến nay bộ phim khó quảng bá được đến kỳ lạ này là tựa phim duy nhất trong danh sách FFFI đủ điều kiện nhưng không giành được dù chỉ một đề cử Kim Tượng.

10. Hand Rolled Cigarette (2021)
Sản xuất: Lưu Quốc Xương
Doanh thu: 8 triệu đôla Hồng Kông

Là phim lịch sử, có ý thức xã hội được đóng gói dưới dạng phim kinh dị xã hội đen bạo lực, dự án FFFI của diễn viên chuyển sang làm đạo diễn Trần Kiện Lãng cho thấy cựu quân nhân Anh của Lâm Gia Đống và cậu bé Nam Á bị gạt ra ngoài lề xã hội của Bipin Karma trên đường chạy trốn tạo thành một mối liên kết khó có thể xảy ra trong Chungking Mansions, khu dân cư và thương mại cao tầng Tiêm Sa Chủy nổi tiếng với dân số đa sắc tộc.

Bộ phim đã nhận được bảy đề cử Kim Tượng và Kim Mã; danh hiệu Kim Tượng đạo diễn mới xuất sắc nhất của Trần Kiện Lãng hóa ra lại là chiến thắng duy nhất từ cả hai giải thưởng.

11. Hong Kong Family (2022)
Sản xuất: Trang Lệ Trân
Doanh thu: 12,7 triệu đôla Hồng Kông

Có vẻ kỳ lạ khi cho rằng bộ phim thành công phòng vé vừa phải này bị đánh giá thấp, nhưng có thể là vậy, vì Hong Kong Family có sự tham gia của hai thành viên nhóm nhạc nam nổi tiếng Mirror (Lữ Tước An và Lư Hãn Đình) và được phát hành khi phòng vé địa phương đã thường xuyên phá kỷ lục.

Bộ phim gia đình tinh tế của Tằng Khánh Hoằng cũng chỉ nhận được một đề cử Kim Tượng (diễn viên mới xuất sắc nhất cho Lữ Tước An) — ngay cả khi được South China Morning Post chọn là phim Hồng Kông hay nhất năm 2022.

12. Lost Love (2023)
Sản xuất: Lý Gia Tuệ
Doanh thu: 7,3 triệu đôla Hồng Kông

Bộ phim gây cảm động này kể về một người mẹ đau buồn dấn thân vào công việc chăm sóc nhận nuôi, do Giả Thắng Phong đạo diễn, thành công về mặt nghệ thuật và gây được tiếng vang về mặt cảm xúc, không tuân theo các quy ước kể chuyện chính thống — và thế lại càng hay.

Một ví dụ điển hình về tác động giảm bớt áp lực tài chính của FFFI cho việc sản xuất và tạo điều kiện cho nhà làm phim hiện thực hóa tầm nhìn cá nhân của mình, Lost Love cũng giúp siêu sao Cantopop Trịnh Tú Văn lần đầu tiên trở thành Ảnh hậu Kim Tượng ở lần thử sức thứ 10.

13. A Light Never Goes Out (2023)
Sản xuất: Trần Tâm Dao
Doanh thu: 2,2 triệu đôla Hồng Kông

Thật khó tưởng tượng một tác phẩm thương mại thuần túy lại thể hiện sự nhiệt tình bảo tồn văn hóa địa phương như bộ phim của Tăng Hiến Ninh đã làm cho truyền thống làm bảng hiệu đèn neon đang nhanh chóng phai nhạt của Hồng Kông.

Trương Ngãi Gia được vinh danh Ảnh hậu Kim Mã với vai diễn góa phụ đau buồn trong bộ phim nghiên cứu nhẹ nhàng về sự mất mát và hồi phục này, bộ phim cũng được chọn đại diện cho Hồng Kông tại Lễ trao giải Oscar sắp tới.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post