Tin tức

Thân phận con người thời đại giám sát trong Stranger Eyes, Happyend, và 2073

15/10/2024

Stranger Eyes, Happyend, và 2073 lần lượt đưa ra cái nhìn lo ngại về sự giám sát ở Singapore, Nhật Bản, và tương lai dưới quyền của Chủ tịch Trump.

Đã 40 năm trôi qua kể từ 1984, năm mà tiểu thuyết phản địa đàng theo tiên tri của George Orwell lấy bối cảnh, nhưng thế giới mà nhà văn Anh dự đoán, nơi mà đời tư gần như biến mất và “Anh cả” (Big Brother) luôn theo dõi, dường như ngày càng gần hơn.

Lấy bối cảnh Singapore hiện đại, Stranger Eyes mở đầu bằng Junyang (Vu Kiến Hòa, trái, ngồi) và Peiying (Anicca Panna, trái, đứng) đang tuyệt vọng tìm kiếm con gái bị bắt cóc

Tại Liên hoan phim quốc tế Venice mới đây, các nhà làm phim châu Á đã tiếp cận chủ đề giám sát với những kết quả hấp dẫn.

“Ý tôi là, chúng ta đang sống trong thời điểm hiện tại… Tôi nghĩ nhiều phim cần phải đối mặt với thực tế này, đúng không?” Yeo Siew Hua, đạo diễn người Singapore đứng sau phim ly kỳ Stranger Eyes nói.

Lấy bối cảnh Singapore hiện đại, Stranger Eyes mở đầu bằng Junyang (Vu Kiến Hòa) và Peiying (Anicca Panna) đang tuyệt vọng tìm kiếm con gái bị bắt cóc, Bé Bo.

Chuyện trở nên tồi tệ hơn khi cặp đôi bắt đầu nhận được các DVD ghi lại những hoạt động hàng ngày của họ, một hiện tượng đáng sợ gợi nhớ đến phim ly kỳ Hidden của Michael Haneke năm 2005.

10 năm trước, chúng ta từng tự hỏi, ‘Liệu mình có nên cho phép xâm phạm quyền riêng tư hay không?’ Bây giờ đó là một thực tế, và chúng ta cần hỏi rằng: sống chung thế nào với việc bị giám sát liên tục?

Cảnh sát lắp đặt camera an ninh bên ngoài nhà họ — lại thêm một camera nữa ở thành phố mà mỗi góc phố đều có camera an ninh.

“Từ trước, tôi là người để ý đến số lượng camera xung quanh mình,” Yeo Siew Hua, viết kịch bản dựa trên vụ việc này, cho biết. “Thậm chí không hề bí mật. Khá là hiển nhiên, tình trạng giám sát ở Singapore, và tôi nghĩ nhà nước lấy làm tự hào.”

Đến tháng 5 năm 2023, Singapore có hơn 109.000 camera CCTV, tương đương khoảng 18 camera trên 10.000 người. Chính phủ dự định lắp thêm 90.000 cái nữa trước năm 2030 “vì an toàn của người dân,” Yeo Siew Hua nói. Anh lý giải sự gia tăng này là do đại dịch Covid-19.

“Đối với tôi, thời thế đã thay đổi rất nhanh chóng. Ví dụ, 10 năm trước, chúng ta từng tự hỏi, ‘Liệu mình có nên cho phép xâm phạm quyền riêng tư hay không?’ Bây giờ đó là một thực tế, và chúng ta cần hỏi rằng: sống chung thế nào với việc bị giám sát liên tục?”

Yeo Siew Hua tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81 vào ngày 5 tháng 9 năm 2024

Nhưng liệu việc chúng ta luôn bị giám sát có phải là xấu không? Chắc chắn, nếu bạn không có gì che giấu thì tại sao phải lo sợ?

Trong khi tỷ lệ tội phạm ở Singapore thấp, Yeo Siew Hua lưu ý rằng có những cái giá khác khi đánh đổi tự do dân sự lấy an toàn và trật tự.

“Ứng xử và tiếp tục cuộc sống hàng ngày khi biết rằng có ai đó luôn dõi theo nghĩa là sao? Có bao giờ bạn sẽ phát huy hết tiềm năng thực sự của con người mình không?”

Xem xét cùng chủ đề này từ một góc độ hơi khác là phim Nhật Bản Happyend, phim truyện đầu tay của Neo Sora, con trai của cố nhạc sĩ huyền thoại Ryuichi Sakamoto.

Happyend, bộ phim tương lai gần của Neo Sora cho vị hiệu trưởng lắp đặt trong trường hệ thống an ninh sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mới nhất

Xoay quanh một nhóm học sinh thân thiết, bộ phim tương lai gần của Neo Sora cho vị hiệu trưởng lắp đặt trong trường hệ thống an ninh sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mới nhất. Học sinh có hành vi xấu sẽ bị phân loại và trừng phạt, sử dụng hệ thống điểm trừ.

“Về cơ bản, sử dụng sự xấu hổ để kiểm soát và ngăn chặn hành vi xấu,” Neo Sora giải thích.

Neo Sora không tin sử dụng camera giám sát là cách “giải quyết triệt để” tội phạm.

“Tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng nguồn lực, nhân lực — tất cả những gì ta có — để giải quyết tận gốc vấn đề, thường là bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, mất cơ hội, tất cả những chuyện này.

Cảnh trong phim Happyend. “Về cơ bản, sử dụng sự xấu hổ để kiểm soát và ngăn chặn hành vi xấu,” Neo Sora giải thích

“Và chúng ta có đủ nguồn lực để làm điều đó, xét số lượng tỷ phú trên thế giới, nhưng họ sẽ không dùng tiền của mình cho chuyện như thế. Vì vậy, thay vào đó, chúng ta sử dụng sự đe dọa, sự xấu hổ, cảm giác tội lỗi và tất cả những thứ này để cố gắng kiểm soát hành vi con người.”

Bộ phim thậm chí còn nhắc đến thiết kế nhà tù “xây tròn” của triết gia và nhà lý luận xã hội người Anh thế kỷ 18 Jeremy Bentham, thiết kế theo kiểu hình tròn cho phép một lính canh duy nhất theo dõi tất cả tù nhân được mà họ không biết mình có thực sự bị theo dõi hay không.

“Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một kiểu nhà tù xây tròn như vậy, nhưng thú vị là, vì không giống như mô hình mà [Bentham] đề xuất, chúng ta tự nguyện làm điều này qua điện thoại của mình,” Neo Sora nói. “Ý tôi là, có một chiếc iPhone và cả đống mạng xã hội.”

Neo Sora tại Liên hoan phim Venice

Dù là thu thập dữ liệu qua Facebook hay chính phủ theo dõi các bài đăng của bạn trên X hoặc Instagram, rõ ràng hoạt động trên mạng xã hội của chúng ta đang bị giám sát. Tương tự, chúng ta cũng có thể theo dõi hoạt động của người khác qua tài khoản mạng xã hội.

“Quan hệ giữa việc quan sát và bị quan sát đã tăng cường theo hàm mũ ở thời điểm hiện tại,” Yeo Siew Hua nói. “Về phần mình, tôi nghĩ câu hỏi đặt ra [là], ‘Chúng ta tồn tại trong hiện thực này có ý nghĩa gì? Kết nối quá chặt chẽ nhưng lại rất xa lạ với nhau?’”

“Chúng ta không còn nhìn nữa, mà đang lướt qua. Chúng ta có thể dành một chút thời gian để chú ý đến những gì đang thấy không? Thậm chí để phóng chiếu nhân tính của mình vào những gì chúng ta đang thấy? Thậm chí cảm nhận những gì đang thấy?...

“Tôi ngày càng lo rằng chúng ta không còn như thế nữa. Tôi đang bị một loạt máy móc theo dõi, đúng không? Bây giờ tôi chỉ là dữ liệu thuần túy, đúng không? Cho dù là đối với nhà nước hay các tập đoàn lớn. Tôi sợ rằng chúng ta đang mất đi sự gắn kết khi nhìn thấy một con người khác: một con người nhìn vào một con người khác.”

Asif Kapadia tại Liên hoan phim Venice 2024

Trong khi đó, phim bộ tài liệu 2073 của Asif Kapadia cho thấy tình trạng của hành tinh 50 năm sau.

Lấy cảm hứng từ phim ngắn La Jetée (1962) của Chris Marker, phim có bối cảnh năm 2073 với Samantha Morton trong vai người phụ nữ sống dưới tầng hầm của một trung tâm mua sắm, dành cả ngày kiếm sống trong một thế giới phản địa đàng.

Đó là thế giới mà Chủ tịch Trump — Ivanka, chứ không phải Donald — sẽ kỷ niệm 30 năm cầm quyền.

Phim đan giữa hư cấu và phân tích thực tế về một thế gian toàn sai lầm, từ AI đến biến đổi khí hậu rồi sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Tất nhiên, cũng có cả giám sát hàng loạt — với các tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg của Facebook và Elon Musk của X bị lên án.

Phim có bối cảnh năm 2073 với Samantha Morton trong vai người phụ nữ sống dưới tầng hầm của một trung tâm mua sắm, dành cả ngày kiếm sống trong một thế giới phản địa đàng

Bức tranh u ám do Kapadia vẽ nên, phơi bày mọi vấn đề của thế giới, khiến một số nhà phê bình điếng hồn.

“So ra thì, tiểu thuyết phản địa đàng kinh điển 1984 của George Orwell còn trông vui tươi như quyển truyện tranh Peppa Pig,” The Hollywood Reporter viết.

May mắn thay, tiểu thuyết của Orwell — được đạo diễn Michael Radford đưa lên màn ảnh đáng ghi nhớ, vào năm 1984, với John Hurt vào vai chính Winston Smith — vẫn đầy tính đương thời.

Đầu năm nay, Audible đã phát hành phiên bản toàn sao mới của sách nói, có Andrew Garfield trong vai Smith và Tom Hardy trong vai Big Brother, thủ lĩnh Đảng Toàn tri.

Cảnh trong phim 2073. Bức tranh u ám do Kapadia vẽ nên, phơi bày mọi vấn đề của thế giới, khiến một số nhà phê bình điếng hồn

Một lần nữa, bi quan tràn ngập. Khi được hỏi, trong một video quảng cáo, 40 năm nữa thế giới sẽ như thế nào, Garfield trả lời đơn giản: “Tôi nghĩ [chúng ta] sẽ chỉ có một phiên bản tồi tệ hơn những gì chúng ta đang có bây giờ.”

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.