Bình luận phim

If You Are the One 2

25/02/2011

Ba cuộc hôn nhân thất bại và một đám tang là những bi kịch thể hiện sự khủng hoảng trong cuộc sống, hội chứng tâm lý sợ yêu và mối quan hệ ràng buộc trong tình yêu hay cuộc tìm kiếm tình yêu hoàn hảo của những con người thành thị ưu tú ở Bắc Kinh trong bộ phim Phi thành vật nhiễu 2 (If You Are the One 2) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương.

Tuy bộ phim không nói quá rõ về một điều gì cụ thể, nhưng lại khắc hoạ nên một vấn đề vô cùng bất thường dựa vào sự lạc quan (dù cứng đầu) dễ lây của nam diễn viên chính Cát Ưu về khả năng thuyết phục nhân vật nữ chính khó nắm bắt nhưng lại khó cưỡng lại do Thư Kỳ đảm nhận.

Trong phần tiếp theo này, tình cảm giữa các nhân vật dường như có hơi nhạt đi và nội dung lại u buồn nặng nề hơn, có thể bởi vì đôi uyên ương vẫn chưa thể dung hoà được tình yêu với hôn nhân. Cảm giác như trong niềm hạnh phúc vẫn luôn ẩn chứa mối họa tiềm tàng nào đó.

Tuy nhiên khán giả Trung Quốc lại không vì thế mà không đón nhận bộ phim hài này. Tiếp bước đà thắng lợi đánh bại Xích bích để trở thành bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất trong năm 2008 của phần đầu, phần sau cũng dễ dàng đứng đầu bảng xếp hạng khi thu về ước tính 31,7 triệu đôla chỉ trong năm ngày.

Poster phim Phi thành vật nhiễu 2

Phần hai cũng tạo nên lịch sử khi trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên được phát hành ở Bắc Mỹ (công chiếu vào đêm Giáng sinh trên tám thị trường điện ảnh) gần như cùng lúc với thời điểm công chiếu ở nước nhà.

Trong phần đầu, một nữ tiếp viên hàng không tên Smiley (Thư Kỳ) và một doanh nhân về công nghệ thông tin đã về hưu Tần Phấn (Cát Ưu) gặp gỡ nhau trong một cuộc xem mắt. Họ đã vượt qua những rào cản về tình cảm trong chuyến đi đến Hokkaido ở Nhật Bản. Phần tiếp theo được bắt đầu từ lời cầu hôn Tần Phấn dành cho Smiley (giờ đây ở phụ đề tiếng Anh gọi là Tiếu Tiếu) trên Vạn lý Trường Thành. Là người thực dụng, anh đã cam đoan với cô một lần nữa là anh không kết hôn vì tình yêu: “Tình yêu luôn có hạn sử dụng. Anh sẽ không cầu hôn nếu anh yêu em.”

Cặp đôi đính hôn này đến dự lễ ly hôn của người bạn thân Hương Sơn (Tôn Hồng Lôi) và Mãng Quả (Diêu Thần). Điều trớ trêu là buổi lễ được diễn ra với mọi nghi thức và trình tự giống như một đám cưới, trừ việc “cô dâu” mặc váy màu đen và lời thề của họ là sẽ không bao giờ tái hợp.

Buổi lễ ly hôn kỳ lạ của Hương Sơn và Mãng Quả

Tần Phấn và Tiếu Tiếu chuyển đến một khu nghỉ dưỡng phía nam đảo Hải Nam để bắt đầu cuộc sống thử. Không gian như thiên đường của ngôi biệt thự nằm trên đỉnh núi đã trở thành ngoại cảnh tuyệt vời cho kiểu phim hài quái gở theo như nhận định của Andrew Sarris – một bộ phim hài về tình dục nhưng lại không hề có tình dục. Những trò hề ngớ ngẩn của Tần Phấn khi vui đùa cùng cô nàng lươn lẹo Tiếu Tiếu lại được thêm thắt bằng những lời cạnh khoé hay kiểu chơi chữ táo tợn mang đậm phong cách Phùng Tiểu Cương.

Việc Tần Phấn nặng nhọc lê người theo cầu thang để lên phòng ngủ, cuộc đi dạo chênh vênh dọc chiếc cầu treo của đôi tình nhân, và thậm chí cả sự cố gắng làm một kẻ vô dụng trên chiếc xe lăn để luyện cho Tiếu Tiếu biết yêu anh “ngay cả khi ốm đau hay khoẻ mạnh” đều là những gợi ý thuộc thuyết Freud ám chỉ sự bất lực trong quan hệ tình dục giữa họ. Tần Phấn không hề đòi hỏi hay kích thích Tiếu Tiếu, và tình tiết này kết thúc trong nỗi niềm chua xót được khắc hoạ một cách tế nhị.

Không khí trong phim còn trở nên nặng nề hơn với việc Hương Sơn phát hiện mình mắc trọng bệnh và tổ chức một buổi lễ tiễn đưa vừa uỷ mị vừa hết sức tĩnh lặng. Hình ảnh Hương Sơn xuất hiện trên chiếc thuyền của anh cũng không xua tan được tâm trạng u ám đó. Lời nói của anh về việc tiền không phải là tất cả với ý nhắn nhủ rằng đừng chăm chăm nghĩ đến tương lai mà phải biết nắm bắt những niềm hạnh phúc trước mắt đã làm lay động một bộ phận khán giả Trung Quốc đại lục, tuy nhiên đối với hầu hết khán giả quốc tế, thì thông điệp cũ rích này không tương xứng với độ dài lê thê của cảnh phim. Khi buổi lễ kết thúc bằng bài thơ của cô con gái như thiên thần đang rất đau khổ của Hương Sơn, có lẽ sẽ có một số người còn mong ông “đi” nhanh hơn một chút.

Một cảnh giữa hai nhân vật chính trong phim

Phim tập hợp tất cả những yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm gây tiếng vang mang thương hiệu Phùng Tiểu Cương – diễn viên đẹp, dựng hình lung linh và ngoại cảnh đẹp đến sững sờ. Tuy nhiên, việc quảng cáo trong phim lại quá lộ liễu đến mức đôi khi chúng làm giảm hứng thú trong việc thưởng thức bộ phim. Một ví dụ tiêu biểu là cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại một khách sạn cũng là nhà tài trợ cho bộ phim. Vì thế mà kịch bản phải sắp đặt làm sao cho các nhân vật phải xướng tên khách sạn đó cả chục lần.

Thư Kỳ và Cát Ưu thể hiện lời thoại của mình rất trơn tru và truyền cảm nhưng đó lại là sự trôi chảy gượng gạo ngầm cho thấy họ đang chán ngấy các vai diễn được giao. Tôn Hồng Lôi và Diêu Thần cũng không thêm vào được chút hứng thú hay phần kịch tính nào cho bộ phim. Còn về phần nữ diễn viên truyền hình chuyển sang đóng phim điện ảnh Diêu Thần, cô đã mắc lỗi trong việc tạo dáng cho diễn xuất của mình.

Công chiếu: Ở Trung Quốc (22/12), ở Mỹ (24/12)
Phát hành: Hoa Nghị Huynh đệ
Công ty sản xuất: Hoa Nghị Huynh đệ, Trung tâm Truyền bá Văn hoá Điện ảnh và Truyền hình của Phùng Tiểu Cương tại Bắc Kinh, hãng phim Emperor Motion Pictures, Tập đoàn Ảnh thị Triết Giang
Diễn viên: Cát Ưu, Thư Kỳ, Tôn Hồng Lôi, Diêu Thần, An Dĩ Hiên, Thiệu Binh Đẳng
Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản kiêm giám chế: Phùng Tiểu Cương
Sản xuất: Vương Trung Quân, Dương Thụ Thành, Vương Đồng Nguyên
Giám chế: Vương Trung Lỗi, Trần Quốc Phú
Đạo diễn hình ảnh: Lữ Nhạc
Âm nhạc: Loan Thụ
Phục trang: Zhang Chufeng
Không xếp loại, thời lượng 120 phút.


Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter