Tầm nhìn vững chắc – đó là cách con mắt chúng ta giữ hình ảnh vừa thấy
trong khoảng giây ngay sau khi hình ảnh đó biến mất, và cũng là phép màu
thị giác cho phép các bộ phim tồn tại.
Đó cũng là thứ làm nên một bộ phim hay.
Tầm nhìn của những nhà làm phim có được giữ chắc từ cảnh phim đầu tiên
tới cảnh cuối cùng? Bộ phim có là một tác phẩm sáng tạo chặt chẽ với cảm
xúc hiện lên một cách mạch lạc không? Bộ phim có tạo ra thế giới riêng
của mình và tồn tại trong logic của thế giới đó?
Với
Maleficent, câu trả lời là không.
Và
sự thiếu kém đó lại quá rõ ràng, vì một câu chuyện cổ tích – nhất là
khi mang tính đổi mới như thế này – rất cần sự kiên định. Chúng ta có
thể tin bất cứ những gì nếu có cơ hội, nhưng đừng thoắt chút lại đổi các
quy luật lý lẽ.
Vậy mà bộ phim đưa các nhân vật của mình qua những bước ngoặt đau đớn và từ đầu phim đã bỏ rơi khán giả.
Bộ phim mang chủ nghĩa nữ quyền nhằm xem xét lại câu chuyện
Công chúa ngủ trong rừng, Maleficent bắt
đầu với nhân vật chính – trong truyện cổ tích là một mụ phù thủy độc ác
– là một nàng tiên có cánh trẻ, sống trong rừng và trị vì mảnh đất nhỏ
bé của mình trong vai trò một nữ hoàng mồ côi dịu dàng.
Bạn phải
tự hỏi tại sao một nàng nữ hoàng dịu dàng lại bị đặt tên Maleficent (có
nghĩa hắc ám) từ lúc sinh ra – thật là một cái tên ám chỉ bao điều
không hay – nhưng nàng là một nàng tiên yêu hòa bình. Nhưng rồi một
người đàn ông độc ác đem lòng yêu nàng, bỏ thuốc mê và cắt cánh của
nàng, sử dụng hành động bạo lực đó để chiếm đoạt ngai vàng của vương
quốc láng giềng.
Và như thế, Maleficent thề sẽ trả thù – bằng cách bỏ bùa cô con gái nhỏ của hắn.
Thoạt
đầu nghe có vẻ ổn (với kịch bản của Linda Woolverton, một biên kịch lâu
năm của Disney) nhưng cách đạo diễn của Robert Stromberg khiến bộ phim
nhanh chóng trở nên lộn xộn. Là một kỹ thuật viên kỹ xảo giờ đây lần đầu
ngồi ghế đạo diễn, anh nhét các cảnh phim đầy những sự phô trương. Cảnh
mở đầu bằng đồ họa vi tính trông thô đến mức không khác gì phim hoạt
hình.
Phong cách phim cũng lộn xộn không kém. Phim có những con
vật trông giống ếch và những cảnh hài với đám yêu tinh, có vẻ để mua vui
cho khán giả là trẻ nhỏ. Nhưng rồi phim cũng có đủ rồng thở ra lửa, sói
ăn thịt người và tay kiếm khát máu để làm nên một bộ phim
Hobbit.
Phụ huynh trẻ nhỏ nên cẩn thận, phim này thực tế nên được xếp loại PG-13 nhưng hẳn được cho qua vì đây là phim của hãng lớn.
Tất
nhiên, biến truyện cổ tích trở nên đen tối hơn là xu hướng thịnh hành
hiện nay. Bộ phim có mục tiêu cao cả cho chủ nghĩa nữ quyền khi biến ông
vua thành kẻ phản diện, Maleficent thành nữ anh hùng và hoàng tử (cùng
nụ hôn của chàng) trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Thoáng nhìn thì cũng có vẻ chẳng sao cả, và cũng hợp với những phim Disney dành cho khán giả nữ gần đây như
Frozen (mặc dù là, để dễ quảng bá phim, Disney vẫn còn vấn vương những nàng công chúa xinh đẹp).
Nhưng
kịch bản trở nên kém thuyết phục khi ban đầu cho Maleficent mục tiêu
trở nên độc ác, nhưng rồi lại cho phép nhân vật đổi ý giữa chừng. Phim
đối xử không công bằng với chính truyền thuyết của mình, không cho phép
Maleficent sử dụng phép thuật nếu phép thuật can thiệp những diễn biến
của phim.
Angelina Jolie trông tuyệt vời trong vai Maleficent,
kể cả với gò má góc nhọn kia. Và Sam Riley hoàn toàn quyến rũ trong vai
Diaval, trợ lý biết đổi dạng của cô. (Thỉnh thoảng hắn trở thành con
quạ.)
Nhưng Sharlto Copley có vẻ chán hơn mọi khi trong vai Vua
Stefan đáng ghét, một ông vua có vẻ sống bằng mật đắng và thịt nguội.
Còn chính nàng công chúa ngủ trong rừng ư? Elle Fanning hấp dẫn và tự
nhiên không khác gì bông hoa nhựa.
Bộ phim có vài cảnh hay,
Jolie tuyệt vời khi bộ phim thực sự cho cô tỏ ra độc ác thay vì cố bắt
chúng ta phải hiểu cho cô. Cô có một đôi sừng tuyệt vời, đôi cánh vĩ đại
và một đội quân cây biết đi. Bộ phim có nhiều thứ để xem.
Tiếc là nó lại thiếu tầm nhìn.
Maleficent (PG) Disney (97 phút)
Đạo diễn Robert Stromberg, với các diễn viên Angelina Jolie, Elle Fanning, Sharlto Copley.
Đánh giá: ★ ½
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi