Bình luận phim

Nhất đại tông sư: Một thế giới võ lâm đã mất

07/02/2013

Nhất đại tông sư / The Grandmasters của Vương Gia Vệ không chỉ về Diệp Vấn, mà thay vào đó là về chốn võ lâm nơi mộn phái sinh sống và tồn tại đã không còn nữa.

Áp phích phim

Diệp Vấn, được khắc họa bởi Lương Triều Vỹ, là nhân vật chính đồng thời là giọng trần thuật của phim. Huyền thoại Diệp Vấn đã khiến cho trường phái Vịnh Xuân quyền nổi tiếng tại Hồng Kông, và học trò của ông Lý Tiểu Long đã làm cho kung fu cùng phim kung fu nổi danh khắp thế giới.

Nhất đại tông sư mở đầu với một cảnh chiến đấu tuyệt vời dưới mưa, có lẽ được lấy cảm hứng từ The Matrix của Larry và Andy Wachowski. Không mấy ngạc nhiên, cả hai bộ phim này có cùng một nhà biên đạo võ thuật, Viên Hòa Bình. Nhưng Nhất đại tông sư nhiều chất thơ trong hành động hơn, không chỉ trong cảnh mở đầu mà toàn bộ bộ phim.

Lương Triều Vỹ trong vai Diệp Vấn

Ngoài ra, Nhất đại tông sư có nhiều hơn những cảnh hành động được biên đạo tốt. Vương Gia Vệ lần đầu tiên nảy ra ý tưởng cho phim này là vào năm 1997, đăng ký kịch bản gốc năm 2001, và bắt đầu quay năm 2009. Qua những năm làm việc miệt mài, bản thân Vương Gia Vệ đã sưu tầm được hàng tấn tư liệu và bí kíp võ thuật, đi khắp Trung Quốc và ghé thăm hàng trăm sư phụ kung fu còn sống. Anh gửi những diễn viên chính của mình, Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di và Trương Chấn đến học võ thuật thật sự trong vòng hơn ba năm. Kết quả, Trương Chấn thậm chí còn thắng giải kung fu toàn quốc bên cạnh sự nghiệp diễn xuất của mình.

Có thể nói Vương Gia Vệ đã tạo nên một dạng như “thơ ca ngợi kung fu” – bởi nghệ thuật quay thẩm mỹ, phong phú và làm người xem nín thở gần như một tác phẩm gây quá tải cảm xúc. Vương Gia Vệ thậm chí còn mượn một phần thực tế từ Once Upon a Time in America, cho thấy khát vọng tạo nên một phiên bản võ lâm giang hồ đã tồn tại trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Nhất đại tông sư ghi lại những ngày cuối cùng của Diệp Vấn tại quê nhà Phật Sơn những năm 1930, một thị trấn nay thuộc Quảng Châu, trước khi ông chuyển đến Hồng Kông. Vương Gia Vệ cũng chạm đến những đau khổ của ông trong suốt cuộc xâm lược của Nhật Bản, nhưng ông không đi khắp nơi đánh bại binh sĩ Nhật và trở thành người hùng dân tộc, như những bộ phim về Diệp Vấn khác đã làm, như một phim của đạo diễn Diệp Vỹ Tín.

Chương Tử Di trong một cảnh phim

Phim của Vương Gia Vệ cũng kể câu chuyện về Cung Nhị, một nhân vật do Chương Tử Di đảm nhiệm. Cô là con gái của một sư phụ trường phái Bát quái chưởng thế hệ cũ. Cô đã đem đến màn trình diễn tuyệt vời nhất trong số các phim võ thuật kể từ Ngọa hổ tàng long của Lý An. Chính Chương Tử Di nghĩ rằng cô không thể vượt qua vai diễn này trong tương lai – cô cho biết trong một buổi phỏng vấn gần đây rằng cô có thể sẽ không thực hiện một phim kung fu nào nữa sau Nhất đại tông sư.

Thế mạnh của cô được thể hiện trong từng cảnh quay – từ cảnh cô đấu với Diệp Vấn để bảo vệ danh dự gia đình mình cho đến cảnh cô đánh bại kẻ phản bội Ma San (do Trương Chấn đảm nhiệm) để trả thù cho cha mình, là cao trào của phim.

Câu chuyện của Cung Nhị thực sự chiếm nhiều không gian của phim hơn chuyện của Diệp Vấn. Nói Nhất đại tông sư là một phim tiểu sử của Cung Nhị cũng được. Để trở thành một đại sư, Cung Nhị nói trong phim, bạn phải tự ý thức, nhìn thế giới và khai sáng cho con người. Cung Nhị chọn thỉnh giáo Diệp Vấn để bước tiếp trên hành trình chưa thành.

Câu chuyện của hai võ sư này được giao hòa trong phim. Và tình yêu giữa Cung Nhị và Diệp Vấn được khắc họa trong phim rất có chất Vương Gia Vệ. Họ cảm kích nhau, nhưng giữ tình yêu của mình bên trong (Diệp Vấn có một người vợ phải chăm sóc; Cung Nhị phải trả thù vì danh dự gia đình cô). Tình cảm và cảm xúc tiếp nối những tác phẩm kinh điển của Vương Gia Vệ trước đây như Ashes of Time, 2046In the Mood for Love / Tâm trạng khi yêu. Một số lời thoại trong phim này sẽ trở thành kinh điển, như “Mỗi lần một người gặp ai đó trên thế giới, đó là cuộc gặp gỡ sau một sự chia ly dài.”

Cốt truyện có thể có vẻ chậm, lộn xộn và rời rạc, và các nhân vật nhỏ như của Trương Chấn có thể có vẻ không liên quan và hợp lý, nhưng những bất lợi này cũng có thể được xem là lợi thế trong phim Vương Gia Vệ. Nhất đại tông sư không phải là một bước nhảy hay sự đột phá lớn trong dòng phim của Vương Gia Vệ, nhưng nó sẽ được nhớ đến với hình ảnh tráng lệ, hành động kung fu tuyệt vời, triết lý về tình yêu và cuộc sống, thế giới tinh thần của các đại võ sư, cũng như cách nhìn của Vương Gia Vệ về ‘thế giới võ lâm đã mất’.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chinese Films


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi