Bình luận phim

The Book Thief: Không khác gì ăn cắp vặt

28/02/2014

Xem The Book Thief (phát hành ở Việt Nam với tựa Kẻ trộm sách), thật khó không gợi tưởng tới The Kite Runner.

Như phim năm 2007 kia, The Book Thief dựa theo tiểu thuyết bán chạy toàn cầu. Câu chuyện đầy lịch sử, diễn ra trong bối cảnh một đất nước trong chiến tranh. Câu chuyện kể về một đứa trẻ nhỏ và những mất mát và thiếu thốn và sinh tồn. (Cả hai đều là những bộ phim có vẻ muốn tham gia vào cuộc đối thoại giải thưởng.)

Nhưng như The Kite Runner, The Book Thief cũng tẻ nhạt một cách khó hiểu.

Một bộ phim về nước Đức thời chiến, những kẻ đi trốn, những loạt thả bom ban đêm có vẻ khó bị mất sự chú ý của khán giả. Nhưng bằng một cách nào đó, The Book Thief không bao giờ lấy được đà. Các nhân vật trong phim đơn giản từ đầu tới cuối với những mâu thuẫn không được khám phá.

Nhưng có thể vấn đề nằm ở tác phẩm gốc. Tiểu thuyết này, dù rất dài, được viết cho tuổi mới lớn. Nhưng cả trong tác phẩm gốc đó, nhân vật chính vẫn còn có góc cạnh: những khoảnh khắc nổi giận, những cảm xúc chờ chực bùng phát. Bộ phim mài mòn tất cả để biến cô bé thành một thiên thần tóc bím vàng hiền lành.

Câu chuyện được kể lại theo phong cách văn vẻ cường điệu bởi chính Thần Chết, và mở ra khi Liesel được đưa về miền quê để sống với bố mẹ nuôi mới. (Không rõ việc này được sắp xếp như thế nào. Chúng ta chỉ cần biết mẹ đẻ cô bé theo chủ nghĩa xã hội và vì thế là kẻ thù của đất nước.)

Ở miền quê, Liesel gặp người mẹ mới nghiêm khắc của mình, Rosa và người cha chiều chuộng cô bé hơn, Hans. Dù ban đầu còn chưa biết chữ, Liesel dần dần học đọc và tìm thấy niềm vui trong những cuốn sách. Nhưng niềm vui này đến đúng thời điểm với những vụ đốt sách và tuyên truyền tư tưởng của Đức Quốc xã.

Rồi cô bé gặp Max, con trai của một người bạn cũ của gia đình, một chàng trai Do Thái mà gia đình cô bất chấp tất cả che giấu.

Sophie Nelisse rất xinh xắn và nghiêm túc trong vai Liesel nhỏ bé, dù cách tiếp cận nhân vật một cách quá thánh thiện cho cô bé rất ít góc tối để tạo tương phản. Dù Geoffrey Rush và Emily Watson giỏi hơn bao giờ hết, họ cũng không có quá nhiều cơ hội chứng minh bản thân.

Trách thì phải trách đạo diễn Brian Percival và biên kịch Michael Petroni không khai thác được tiềm năng của tác phẩm. Bộ phim trông quá đẹp đẽ, từ phong cảnh đầy gió tới những căn nhà ấm cúng. Kể cả chiến tranh đang diễn ra và những cuộc đối thoại về Đế chế cũng được tiếp cận quá đơn giản. “Tớ ghét Hitler!” một đứa trẻ nói. “Tớ cũng thế!” một đứa bạn đáp lại.

Bộ phim, một tác phẩm hợp tác với một hãng phim Đức, vẽ nên một bức tranh quá màu hồng cho thời điểm này. Những người chúng ta được gặp, trừ khi họ mặc quân phục, đều tốt bụng. Trong phim cũng có một thằng bé xấu tính nhưng ai cũng biết nó là kẻ bắt nạt.

Bộ phim tránh hoàn toàn khái niệm rằng sự vô tâm và thờ ơ của dân thường cũng có thể có hậu quả và rằng bi kịch có từ trong nội bộ nhiều hơn là từ ngoài xâm lược vào.

Tất nhiên tất cả các yếu tố này có nghĩa bộ phim dễ được ủng hộ và kiếm nguồn đầu tư ở Đức hơn. Nhưng nó khiến bộ phim trở nên không đủ phức tạp và kém chín chắn. Bộ phim không bao giờ vươn xa hơn tham vọng chỉ chuyển thể một tiểu thuyết bán chạy, với vài hình ảnh diễn viên đẹp đẽ, kể một chút lịch sử và ngồi chờ giải thưởng.

Và…cứ chờ thôi.

The Book Thief, xếp loại PG-13, do Fox sản xuất, thời lượng 131 phút.
Đạo diễn bởi Brian Percival với các diễn viên Sophie Nelisse, Geoffrey Rush, Emily Watson.

Đánh giá: ★ ★

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi