Bình luận phim

The Monuments Men: Clooney và Damon ra trận

07/03/2014

Bạn có nhớ những bộ phim về Thế Chiến 2 toàn những ngôi sao mà mọi người quan tâm điện ảnh thời những năm 1960 đều biết đến không? Những phim bóp méo sự thật dữ dội (The Great Escape) hay hài hước (Kelly’s Heroes), nhưng đem lại sự phấn khích nhờ những tên tuổi lớn, những chuyến phiêu lưu cổ vũ người tốt?

George Clooney hẳn là nhớ.

Vì bộ phim mới của anh, The Monuments Men (phát hành ở Việt Nam với tựa Kho báu bị đánh cắp), như trở về những ngày xưa của Jim Garner với những câu chuyện cười của lính tráng, từ âm nhạc vui nhộn đến những yếu tố cổ lổ sĩ (bất cứ khi nào Franklin Delano Roosevelt hay Truman xuất hiện, họ luôn được thể hiện cắt bóng, để tỏ sự kính trọng).

Từ trái sang: John Goodman, Matt Damon, George Clooney, Bob Balaban và Bill Murray

Bản thân phim không phải lúc nào cũng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ánh sáng và bóng tối – Clooney với vai diễn của anh đôi lúc độc thoại kiểu dạy bảo người khác về tầm quan trọng của nghệ thuật, nghe giống như là tờ nháp đầu tiên của một bài phát biểu, và tạo cảm giác khó ưa trong phần lớn thời lượng phim.

Nhưng dù sao thì đó vẫn là một bộ phim công phu, với cách chăm chút và dàn dựng thủ công cổ điển – những địa điểm thực ở châu Âu, vật dụng của con người – nổi bật giữa thời buổi cái gì cũng làm bằng vi tính bây giờ.

Câu chuyện, dựa trên sự thật, xoay quanh một nhóm học giả Mỹ, phần lớn họ đã quá già hoặc đã không còn phù hợp để làm việc thường xuyên nữa - tình nguyện mặc quân phục và tham gia vào chiến trường châu Âu, theo ngay phía sau lực lượng đặc nhiệm D-Day (cuộc đổ bộ của lực lượng quân Đồng Minh lên bờ biển vùng Normandy ngày 6/6/1944, còn gọi là Trận chiến vì nước Pháp, một trong những cột mốc lịch sử quan trọng trong Thế chiến thứ 2 - BTV).

Nhiệm vụ không chắc xảy ra chăng? Cứu những kiệt tác của thế giới trước khi quân Đức quốc xã đánh cắp (hoặc phá hủy) rất nhiều!

Trước đây rất lâu John Frankenheimer và Burt Lancaster đã thực hiện một bộ phim cảm động cùng chủ đề với tựa The Train. Nhưng kịch bản của Clooney — cùng cộng sự lâu năm Grant Heslov – bám sát lịch sử hơn, và chia nhóm chuyên gia ô hợp này vào nhiều câu chuyện riêng.

Matt Damon đến Paris, cố theo dấu kho báu và moi thông tin từ người cộng sự đáng ngờ (nhưng vô tội). Bill Murray và Bob Balaban đi một hướng, tìm kiếm những nơi xa xôi hẻo lánh mà Đức quốc xã lẩn trốn; John Goodman và Jean Dujardin đi một hướng khác.

Matt Damon và Cate Blanchett (phải) trong một cảnh phim

Khá giống với phim The Great Escape, các nhân vật chính đi theo những hướng khác nhau mặc dù kịch bản không thực sự phát triển câu chuyện, nhất là ý tưởng chính của phim: Quân đội cần những sử gia nghệ thuật giúp xác định cái gì có giá trị. (Ngoài việc phát hiện con dấu Rothschild đằng sau một tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng, những học giả này chẳng phát hiện được gì hết.)

Nhưng Clooney là một diễn viên đủ hào phóng (và là một đạo diễn đủ khôn ngoan) để chừa đủ đất diễn cho hết thảy các ngôi sao khách mời trong phim.

Ví dụ, có một trò đùa khá nổi về tiếng Pháp tệ hại của Damon, và một cái dở khóc dở cười khác trong phim khi Murray nghe tin nhắn về kỳ nghỉ từ nhà gửi. Goodman đã có một cảnh mạnh mẽ và trầm trọng khi anh thấy một đồng đội bị thương và Cate Blanchett – một người độc lập chống phát xít dữ dội – một cảnh buồn vui lẫn lộn khi Paris vừa được giải phóng.

Và thật thú vị khi xem một phim chiến tranh khá trí tuệ; chủ đề không phải là đánh nhau (mặc dù được vũ trang đầy đủ, chẳng có người hùng nào trong phim giết ai cả) hay lý tưởng chiến đấu. Phim cho rằng Đức quốc xã không chỉ chống lại chúng ta. Chúng chống lại từng cá nhân, chống lại trí tưởng tượng, chống lại tự do.

George Clooney (trái) trên trường quay

Thế thì tuyệt tác nghệ thuật nói lên điều gì khác?

Bản thân The Monuments chẳng phải là một tuyệt tác nghệ thuật. Không có gì quá phức tạp (ngoài khả năng ngoại tình của các nhân vật xa nhà), không gì quá bất ngờ. Phim có người tốt, kẻ xấu, khung cảnh đẹp và đạo lý đơn giản của bộ phim — các tác phẩm nghệ thuật — liên tục được nhấn mạnh.

Không chừng phim đã được độc đáo hơn 50 năm trước, với Garner hoặc Steve McQueen. Nhưng ở mặt nào đó, yếu tố quen thuộc của phim là một trong những nét hấp dẫn nhỏ nhoi của phim — và, trong một thế giới hiện đại đầy rẫy những đại nghĩa không hoàn mỹ, là đôi chút hoài niệm dễ chịu.

Lưu ý phân loại: Phim có cảnh bạo lực và ngôn từ thô tục.

The Monuments Men (PG-13) Columbia (118 phút)
Đạo diễn: George Clooney. Diễn viên: Clooney, Matt Damon, John Goodman, Bill Murray.

Đánh giá: ★ ★ ½

Dịch: © Nhật Nguyên @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi