Bình luận phim

Tứ đại danh bổ

03/09/2012

Tứ đại danh bổ là phim cổ trang võ thuật tương đối bình thường tự hào về thiết kế sản xuất đẹp mắt nhưng bị kịch bản nghèo nàn và diễn biến thông thường kéo lại.

Cốt truyện

Một thành phố ở Trung Hoa cổ đại. Sáu nữ hiệp, do cao thủ Bồng Lai Cơ Diêu Hoa (Giang Nhất Yến) cầm đầu, báo cáo nhiệm vụ lên Lục Phiến Môn, một tổ chức an ninh quốc gia hùng mạnh do Bộ Thần (Thành Thái Tân) điều hành. Cơ Diêu Hoa và nhóm của cô được phân cho đệ tứ danh bổ Hàn Long (Đường Văn Long) trong vụ trộm khuôn đúc tiền từ Quốc khố do Giả Tam (Điền Khải Văn) thực hiện. Họ bao vây Túy Nguyệt Lâu, nơi Giả Tam đến bán khuôn; tuy nhiên các phe khác quan tâm đến vụ việc cũng có mặt ở đó, trong vụ đấu đá và hỗn loạn, Giả Tam chạy thoát. Trong số những người hiện diện có tên đòi nợ chuyên nghiệp Thôi Lạc Thương (Trịnh Trung Cơ) và các thành viên của một tổ chức điều tra bí mật, Thần Hầu Phủ, được đích thân một hoàng tử (Lý Tử Hùng) ban quyền hành và xếp trên Lục Phiến Môn. Khuôn đúc tiền được tìm lại, Lục Phiến Môn tiếp quản Quốc khố, viên tổng quản quốc khố họ Từ (Trương Tụng Văn) bị cách chức. Sau cái chết của Hàn Long, Cơ Diêu Hoa kế nhiệm vị trí đệ tứ danh bổ, dù thực ra cô bí mật làm việc cho An Thế Cảnh (Ngô Tú Ba), ông trùm thương thuyền với sức mạnh đặc biệt đang trù tính một âm mưu đê tiện.

Bộ Thần đình chỉ một trong những bổ khoái của ông tên là Lãnh Lăng Khí (Đặng Siêu), vì vi phạm kỷ luật nhưng bí mật ra lệnh cho anh xâm nhập Thần Hầu Phủ, nơi ông không tin tưởng. Cơ Diêu Hoa, bị Lãnh Lăng Khí hấp dẫn, nghe lỏm được cuộc nói chuyện của họ. Lãnh Lăng Khí gia nhập tổ chức nhỏ - Thần Hầu Phủ - do Gia Cát Chính Ngã (Huỳnh Thu Sinh) điều hành, gồm có cô gái tàn tật Thịnh Nhai Dư (Lưu Diệc Phi) có khả năng đọc được ý nghĩ – được Gia Cát Chính Ngã nhận nuôi sau khi gia đình cô bị giết hại – và hiệp khách Thiết Du Hạ (Trâu Triệu Long). Trong khi đó, Thôi Lạc Thương cũng nhập hội. Thịnh Nhai Dư bị Lãnh Lăng Khí hấp dẫn, mặc dù biết tính cách thật sực của anh. Gia Cát Chính Ngã nói với cả nhóm rằng vụ trộm khuôn tiền chưa kết thúc, tiết lộ một mưu đồ bất lương liên quan đến tiền giả có thể dẫn đến bất ổn xã hội và lật đổ hoàng gia. Việc này đưa Thần Hầu Phủ chống lại cả Lục Phiến Môn lẫn An Thế Cảnh hùng mạnh cùng toán gián điệp của y.

Bình luận

Gồm các nhân vật trong loạt tiểu thuyết đang tiếp tục của nhà văn sinh ra tại Malaysia Ôn Thụy An đã tạo nền tảng cho vô số loạt phim truyền hình ở Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc (bắt đầu với Tứ đại danh bộ (1984) của ATV), Tứ đại danh bổ là phim cổ trang võ thuật tương đối bình thường tự hào về thiết kế sản xuất đẹp mắt nhưng bị kịch bản nghèo nàn và diễn biến thông thường kéo lại. Được quay ở Trung Quốc với dàn diễn viên toàn người Trung Quốc và kinh phí chủ yếu là tiền Đại lục, tác phẩm có không khí giống với phim Hồng Kông thập niên 1980 hơn, nhưng không phải kiểu cố ý hoài cổ. Tương tự tác phẩm trước đó của đạo diễn Hồng Kông kỳ cựu Trần Gia Thượng, Họa bích, cũng được thực hiện với cùng các công ty và biên kịch Đại lục, nội dung thất bại trong việc tương xứng với vỏ ngoài đẹp đẽ.

Giống như Họa bích, Tứ đại danh bổ không thể thực sự quyết định mình là ai. Với những người quen thuộc với tiểu thuyết của Ôn Thụy An và/ hoặc chuyển thể truyền hình, không cần giải thích nhiều về các nhân vật; song với những người khác, đây là vấn đề lớn, vì kịch bản quá vội vã khớp với cốt truyện và duy trì sự hiện diện của dàn diễn viên đông đảo nên không ai thực sự thể hiện bất cứ đột phá cá nhân nào. Diễn viên Hồng Kông kỳ cựu Huỳnh Thu Sinh, trong vai lãnh đạo tôn quý của tổ chức điều tra bí mật, đem lại ấn tượng mạnh nhất, trong khi “tứ đại danh bổ” chỉ làm được những động tác thông thường của người hùng võ thuật. Trong số đó, diễn viên hài Hồng Kông Trịnh Trung Cơ (với bộ tóc giả dài) có vẻ hơi lạc điệu còn diễn viên Đài Loan Trâu Triệu Long và diễn viên Đại lục Đặng Siêu (cả hai đều tham gia Họa bích) không bộc lộ nhiều cá tính.

Nữ diễn viên Đại lục Lưu Diệc Phi (Thông cáo tình yêu (2010), Thiện nữ u hồn), vào vai một người ngồi xe lăn đọc được ý nghĩ với khả năng ngoại lực – một nhân vật thực ra là nam giới trong tiểu thuyết – bí ẩn phù hợp nhưng chi tiết khá mới mẻ: cuộc chiến tình yêu của cô với nữ kiếm khách do Giang Nhất Yến thủ diễn để tranh giành tình cảm của nhân vật do Đặng Siêu đóng gần như không vượt ra khỏi khuôn khổ. Cô gái tài năng Giang Nhất Yến (Thu Hỉ (2009), I Phone You) có những khoảnh khắc hứa hẹn nhưng thường xuyên bị kịch bản vô hiệu hóa. Giữa dàn diễn viên hùng hậu, nam diễn viên truyền hình kiêm ca sĩ Đại lục Ngô Tú Ba (tên sát nhân trong Nhân sơn nhân hải) đáng nhớ nhất trong vai phản diện lừa bịp, điềm tĩnh.

Trần Gia Thượng, lần này cùng chỉ đạo với nữ đạo diễn Hồng Kông Tần Tiểu Trân (Phỉ thúy minh châu (The Jade and the Pearl, 2010), All’s Well, End’s Well 2012) thay vì Cao Lâm Báo (Họa bích, Họa bì (2008), ném tất cả vào trong hũ: tổ chức an ninh bí mật (nhưng không có cảm giác đe dọa nào), khă năng thay đổi hình dáng (với các hiệu ứng bình thường), cảnh võ thuật (không có gì đặc sắc, sử dụng dây cáp kiểu phim truyền hình), và giống những phim như Địch Nhân Kiệt (2010) (giải quyết tội phạm) và Võ lâm ngoại truyện (cảnh “gia đình” của nhóm). Kết quả không đến nỗi nhàm chán – nhờ kịch bản và dàn diễn viên đông đúc – nhưng chỉ bình thường, không có căng thẳng, kịch tính hay hồi hộp thực sự.

Các cảnh hư cấu của Hà Kiếm Hùng – cỗ máy thép đối lập với cấu trúc bằng gỗ – duy trì sự thích thú trực quan, cũng như quay phim màn ảnh rộng ánh sáng tốt của đồng nghiệp Hồng Kông Lê Diệu Huy (Vô gian đạo (2002), Võ hiệp). Âm nhạc của Lê Duẫn Văn nhạt nhòa như trong Cẩm Y Vệ (2010) và Hồng Môn Yến truyền kỳ.

Đây là phần đầu trong bộ ba phim được công bố. Phần hai vừa mới khởi quay.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chinesefilms.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi