Giải thưởng - LHP

Điện ảnh châu Á nhẹ nhàng tiến đến Cannes

07/05/2011

Điện ảnh châu Á có lẽ sẽ khá yên ắng khi đến Cannes, liên hoan phim lớn nhất thế giới, vào tuần tới. Điện ảnh khu vực này đã rất hy vọng sẽ lại có một sự xuất hiện ấn tượng ở Croisette, đại lộ chạy dọc bờ biển thành phố Cannes.

Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có hai phim châu Á của hai đạo diễn Nhật Bản Takashi Miike và Kawase Naomi lọt vào danh sách 19 phim tranh giải Cành cọ vàng của liên hoan phim, một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất.

Năm ngoái, có năm phim châu Á tranh giải Cành cọ vàng và bộ phim của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives đã bất ngờ đoạt giải thưởng cao nhất của liên hoan.

Nhưng 30 năm sau khi các nhà làm phim châu Á bất ngờ nổi bật trong làng điện ảnh thế giới, một sự thay đổi dường như đang xuất hiện trong ngành điện ảnh toàn khu vực.

Sự thật là các nhà sản xuất phim tại những thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản đang tập trung hơn vào tiềm năng to lớn của thị trường trong nước ngày một phát triển hơn là tiến vào thị trường quốc tế cạnh tranh gay gắt hơn và đôi khi khá thờ ơ.

Việc có một bộ phim được lựa chọn tại một liên hoan phim như Cannes rõ ràng là một thành công lớn đối với các nhà làm phim châu Á. Tuy nhiên Jacob Wong đến từ Liên hoan phim Hồng Kông cho biết: “Giờ là thời đại của phòng vé, thời đại của lợi nhuận. Thị trường trong nước quá rộng lớn.”

Hanezu no Tsuki của đạo diễn Kawase Naomi

Phim của Miike và Naomi cũng đối lập sâu sắc với dòng phim thông thường trong ngành điện ảnh Nhật Bản, nơi các công ty truyền hình lớn đưa những phim truyền hình được yêu thích thành những xuất phẩm thành công tại phòng vé.

“Các đạo diễn Nhật Bản chẳng gặp mấy vấn đề trong việc kiếm tiền ở thị trường trong nước,” Kim Ji Seok đến từ Liên hoan phim Busan cho biết. “Đây là lý do khiến họ ít quan tâm hơn đến thị trường quốc tế.”

Kim Ji Seok cũng ước tính các phim do Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia sản xuất ngày nay chiếm trung bình 50% doanh thu phòng vé tại mỗi nước. Và như vậy, họ có thể trụ vững trước các phim Hollywood. Không như mọi năm, năm nay không có một phim Trung Quốc nào được trình chiếu tại các hạng mục chính của Cannes. Phim Trung Quốc cũng ít xuất hiện tại Liên hoan phim Berlin hồi tháng 2, liên hoan phim châu Âu lớn đầu tiên của năm.

“Có lẽ quy trình sản xuất phim đã khiến các phim Trung Quốc và Hàn Quốc vắng bóng tại hạng mục tranh giải chính của Liên hoan phim Cannes năm nay,” Kim Ji Seok nói.

Nhưng ông nói tiếp rằng vấn đề ở chỗ “số lượng đạo diễn được kỳ vọng sẽ tham gia tranh giải dường như bị giới hạn”.

Tuy nhiên, năm nay, các đạo diễn châu Á đại diện cho khu vực tại các hạng mục quan trọng khác của Liên hoan phim Cannes với ba phim Hàn Quốc và phim của đạo diễn Singapore Khâu Kim Hải trong hạng mục Un Certain Regard, quảng bá cho một thế hệ các nhà làm phim mới.

Ba phim Hàn Quốc được trình chiếu trong hạng mục Un Certain Regard là The Day He Arrives của Hong Sang Soo, Arirang của Kim Ki Duk và bộ phim rất thành công tại phòng vé của Na Hong Jin The Yellow Sea.

Sự xuất hiện bộ phim hoạt hình của Khâu Kim Hải, tưởng nhớ nhà làm phim hoạt hình Yoshihiro Tatsumi nhấn mạnh làn sóng làm phim độc lập đang nổi lên khắp Đông Nam Á, ở các nước như Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Hồng Kông cũng sẽ ghi dấu ấn tại liên hoan phim năm nay. Đạo diễn Hồng Kông Đỗ Kỳ Phong và nhà sản xuất Thi Nam Sinh đã được chọn vào hội đồng giám khảo gồm chín người do Robert De Niro, từng đoạt giải Oscar, làm chủ khảo.

Ngoài ra, Võ hiệp, bộ phim hành động kinh phí 20 triệu USD của đạo diễn Hồng Kông Trần Khả Tân sẽ được chiếu tại hạng mục Midnight Screenings của liên hoan. Phim có sự tham gia của ngôi sao hành động Chân Tử Đan, diễn viên người Trung Quốc gốc Nhật Takeshi Kaneshiro và Thang Duy của Trung Quốc.

Ichimei của đạo diễn Takashi Miike

Điều này khiến Miike, kẻ lập dị của điện ảnh Nhật và Naomi, từng đoạt giải Grand Prix tại Cannes năm 2007, trở thành niềm hy vọng lớn duy nhất của điện ảnh châu Á tại Cannes năm nay.

Ichimei (Hara-Kiri: Death of a Samurai) của đạo diễn 50 tuổi Miike là phiên bản 3D làm lại từ tác phẩm kinh điển Seppuku của đạo diễn Nhật Bản Masaki Kobayashi kể về một võ sĩ đạo ở thế kỷ 17 dưới thời Edo. Ichimei có sự tham gia của diễn viên Ichikawa Ebizo và diễn viên gạo cội Yakusho Koji.

Hanezu no Tsuki, phim truyện thứ năm của đạo diễn 41 tuổi Kawase, kể về sự chuyển mình của thị trấn Asuka Nhật Bản.

Cannes cũng giới thiệu điện ảnh Ấn Độ bằng việc trình chiếu không tranh giải bộ phim tài liệu của Bollywood The Greatest Love Story Ever Told, đem đến những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử phim âm nhạc của Ấn Độ. Bộ phim được sản xuất đặc biệt dành cho Liên hoan phim Cannes.


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Monsters and Critics