Một số nhà làm phim hàng đầu châu Á đã trình chiếu tác phẩm mới của họ
để khởi động Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông hôm chủ nhật 20/3, dù niềm
vui bị lắng xuống do thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở Nhật.
Cuộc khủng hoảng của Nhật dẫn đến mối nghi ngờ liệu các diễn viên và đạo
diễn của nước này có tham dự liên hoan phim Hồng Kông hay không. Đạo
diễn nổi tiếng người Nhật Shunji Iwai, một cư dân của khu vực chịu tác
động mạnh nhất Sendai, đã hủy bỏ kế hoạch xuất hiện tại buổi chiếu ra
mắt châu Á bộ phim tiếng Anh đầu tiên của ông là Vampire. Vẫn chưa rõ
liệu các ứng viên nổi bật của Nhật như Koji Yakusho, Rinko Kikuchi và
Takako Matsu có tham dự lễ trao giải Giải thưởng Điện ảnh châu Á (AFA)
vào thứ hai 21/3 hay không.
Tuy nhiên, một phái đoàn của Liên hoan phim Quốc tế Tokyo đã dự lễ khai mạc hôm chủ nhật.
Chủ tịch liên hoan phim Vương Anh Vĩ bày tỏ sự đồng cảm với người dân và nền điện ảnh nước Nhật.
Một cảnh trong Quattro Hong Kong 2 - một trong hai phim khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông
“Từ khi Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông ra đời cách đây 35 năm, điện
ảnh Nhật đã chiếm một vị trí quan trọng tại sự kiện này. Những người bạn
từ nền điện ảnh Nhật Bản cũng đã liên tục hỗ trợ liên hoan phim,” ông
Vương nói. “Vào thời điểm khó khăn này, tôi muốn bày tỏ lời chia buồn
chân thành và lời chúc tốt lành đến toàn thể người dân Nhật Bản, bao gồm
nhiều người bạn của chúng tôi trong ngành điện ảnh.”
Hai bộ phim khai mạc liên hoan phim là Don’t Go Breaking My Heart (Đơn thân nam nữ),
một bộ phim hài lãng mạn do đạo diễn Hồng Kông kỳ cựu Đỗ Kỳ Phong và
người cộng sự thường xuyên của ông là Vi Gia Huy đạo diễn, và Quattro Hong Kong 2 (Khúc tứ tấu Hồng Kông 2),
bộ phim kết hợp bốn câu chuyện ngắn lấy bối cảnh trung tâm tài chính
phía nam Trung Quốc do các nhà làm phim Hồng Kông, Malaysia, Philippines
và Thái Lan thực hiện. Tác phẩm nhiều tầng này do liên hoan phim Hồng
Kông ủy thác.
Đơn thân nam nữ là một phần trong cuộc tấn
công gần đây của Đỗ Kỳ Phong vào thị trường Trung Quốc đại lục với
hương vị nhẹ nhàng hơn so với các bộ phim tội phạm ly kỳ đặc trưng của
ông, những tác phẩm này thường là quá bạo lực hoặc quá gai góc để có thể
vượt qua vòng kiểm duyệt ở đại lục. Nhưng câu chuyện trong phim về một
thương nhân là tay chơi người Hồng Kông và một kiến trúc sư người Hoa
gốc Canada đứng đắn làm hết sức mình để chiếm lấy trái tim của một nhà
phân tích tài chính người Trung Quốc nghe có vẻ như một bài tường thuật
chính trị về những ảnh hưởng địa chính trị đang phát triển.
Đỗ Kỳ
Phong không tham dự lễ khai mạc hôm chủ nhật, nhưng bạn đồng đạo diễn
của ông phủ nhận bất cứ ngụ ý chính trị nào trong phim.
“Không
phải như thế,” Vi Gia Huy nói với hãng tin AP. “Chuyện này đơn giản hơn
nhiều. Chúng tôi chỉ muốn nắm bắt tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phụ
nữ gặp phải khi lựa chọn giữa hai người đàn ông hoàn toàn khác nhau.”
Bộ
phim tìm thấy phần lớn chất hài hước của mình thông qua những cuộc tán
tỉnh bất bình thường giữa các nhân vật chính – họ làm việc trong những
cao ốc văn phòng kế cận nhau và giao tiếp bằng cách viết ra những ký
hiệu họ cho nhau xem. Cách tường thuật này đã gợi nên sự so sánh với bộ
phim ngắn thành công của đạo diễn người Úc Patrick Hughes Signs,
từng thu hút hơn 6,5 triệu lượt xem trên YouTube. Tuy nhiên, Vi Gia Huy
cho biết các nhà làm phim Hồng Kông đi đến ý tưởng này một cách hoàn
toàn độc lập và sau đó mới xem Signs.
Poster phim Đơn thân nam nữ
“Nếu bạn sống ở Hồng Kông, bạn sẽ lưu ý rằng có nhiều tòa cao ốc nằm rất gần nhau. Nhà của tôi cũng như thế,” ông nói.
Quattro Hong Kong 2
thu hút sự đóng góp từ hai đạo diễn từng đoạt giải Cannes – Brillante
Mendoza của Philippines và nhà làm phim Thái Lan Apichatpong
Weerasethakul – cũng như Quan Cẩm Bằng của Hồng Kông và Hà Vũ Hằng của
Malaysia. Mendoza đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Cannes 2009 cho bộ
phim tội phạm ly kỳ Kinatay, trong khi Apichatpong thắng giải cao nhất ở liên hoan phim của Pháp hồi năm rồi với bộ phim chính kịch Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives.
Mendoza,
quay phim ở chợ hoa của Hồng Kông và Tai O, một làng chài hẻo lánh nổi
tiếng với những ngôi nhà sàn, cho biết phân đoạn của ông khám phá khoảng
cách giữa các thế hệ ở Hồng Kông.
Ông nói với hãng tin AP rằng
bộ phim của ông đối chiếu những người dân địa phương cứ mãi đeo bám quá
khú với thế hệ trẻ nhanh chóng thích nghi hơn. “Đó là về sự phát triển
của Hồng Kông,” ông nói.
Mặc khác, Hà Vũ Hằng góp mặt với câu chuyện về hai đặc vụ chống ma túy người Malaysia làm việc với các đối tác Hồng Kông.
“Tôi mang một số yếu tố của Malaysia vào dự án Hồng Kông này vì tôi
thấy rất lạ lẫm khi đến Hồng Kông và quay một bộ phim về Hồng Kông, một
nơi khá táo bạo,” ông nói với AP, thêm rằng ông đã kế tục kiểu tiếp cận
theo “phong cách du kích” để quay phim trong những điều kiện tù túng của
thành phố có dân số dày đặc này.
Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Canadian Press