Giải thưởng - LHP

Khi hào quang Oscar lắng xuống, điều còn lại là… nghệ thuật

12/03/2014

Giữ mãi niềm tin vào tác phẩm và sự hy sinh của các nhà làm phim Oscar.

“Chẳng bao giờ nghe lời tôi cả.”

Đó là toàn bộ email từ một chuyên gia mùa giải được trả lương cao đã dự đoán Gravity sẽ đoạt giải cao nhất vào ngày 3/3 vừa rồi. Thiên hùng ca trong không gian của Alfonso Cuarón thắng lớn, tất nhiên rồi, với bảy giải Oscar, nhiều hơn bất cứ bộ phim nào (bao gồm hai giải cho Cuarón, với vai trò đạo diễn và biên kịch), nhưng quán quân lớn nhất, về thanh thế cũng như cốt truyện, là 12 Years a Slave. Giải phim hay nhất của bộ phim đã làm nên lịch sử, và thách đố các nhà phê bình tin rằng phim quá “khó nhằn” để đoạt giải. Trừ phi, dĩ nhiên, tác phẩm chiến thắng vì các ứng viên khác bỏ cuộc hay do sự cố trong hệ thống bầu chọn. May mắn thay – hay tức quá đi – chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

Trong năm năm đưa tin về quá trình Oscar, từ những buổi chiếu khai mạc và tạo dựng tin đồn trong khán giả tại các liên hoan phim như Sundance, Cannes và Toronto, đến nhiều bữa tiệc trước và sau lễ trao giải của Viện hàn lâm, tác giả bài viết đã học được nhiều điều. Về quá trình làm phim, về người nổi tiếng và thường là về cách giữ niềm tin nghệ thuật trong mối cân bằng với sự hoài nghi chuyên nghiệp. Đúng vậy: Oscar là cuộc thi nổi tiếng, với các giải thưởng thường được trao cho câu chuyện chuyên nghiệp hay diễn xuất độc đáo, và rõ ràng có sự nhúng tay của chính trị. Nếu không, các chiến dịch sẽ chán ngắt, và các cố vấn sẽ không được trả tất cả các khoản tiền đó.

Một điều cũng đúng là các thành viên Viện hàn lâm trao giải cho những bộ phim họ thích và thấy ý nghĩa. “Tôi đứng trước thử thách lớn,” Kimberly Peirce, đạo diễn Boys Don’t Cry và là thành viên Viên hàn lâm lưỡng lự giữa hai ứng viên dẫn đầu năm nay, nói, “vì tôi nghĩ khi bầu chọn, chúng tôi thực sự muốn làm điều đúng đắn.”

Phong bì công bố giải Oscar Phim hay nhất [Ảnh: Monica Almeida/The New York Times]

Cái nhìn cận cảnh về tất cả các công việc trong quá trình thực hiện những bộ phim đôi khi làm cho một chiến thắng Oscar có vẻ tùy tiện khó tin. Làm việc với đạo diễn J. C. Chandor, người dàn dựng âm thanh của All Is Lost tạo ra trải nghiệm điện ảnh được giới phê bình khen ngợi chỉ từ cốt truyện đơn giản: một người đàn ông trên con tàu đắm. Không có âm thanh nào được ghi trong quá trình quay phim phần lớn là Chandor hét lên những chỉ dẫn cho ngôi sao Robert Redford.

Sau đó, thêm vào những tiếng cót két của con tàu thật và tiếng sóng của đại dương – cùng với vô số tiếng ồn thay thế - êkíp âm thanh gồm hơn 20 người đưa sự căng thẳng và cảm xúc vào câu chuyện không lời. Họ ghi lại hơi thở trong bốn ngày của Redford, chỉ để nắm bắt mọi sắc thái có thể. Và họ trượt giải Oscar, đề cử duy nhất của bộ phim, về tay Gravity sử dụng công nghệ âm thanh nổi tiên tiến nhất, dù không gian, ngược lại, thật yên ắng.

Và có những quán quân mà chiến thắng của họ dường như là của chung. “Cô nàng hấp dẫn” – từ này quá nhẹ nhàng để miêu tả Lupita Nyong’o, với tài năng, sự đĩnh đạc và kinh nghiệm sống – cô gái 31 tuổi, có bằng đại học và xuất thân gia đình nổi tiếng – đưa cô thành nữ hoàng được ưa thích của mùa giải. Trên thảm đỏ, Nyong’o thừa nhận sự chú ý dữ dội đã làm tổn thương cảm giác cân bằng của cô.

“Nhưng chắc chắn chúng tôi đang cố gắng phục hồi, trên cơ sở hàng ngày,” cô nói, “làm những việc tôi luôn làm – dành thời gian cho bản thân và suy ngẫm.” Cô thở sâu trong chiếc limo trên đường đến lễ trao giải, cô nói, và chúc mừng bằng việc nhảy sau đó. (Và trong chương trình phát sóng, cô nhảy với Pharrell Williams).

Lupita Nyong’o nhảy cùng Pharrell Williams trong lễ trao giải

Giờ đây những người nổi tiếng có thể tham gia câu chuyện của riêng mình theo những cách chưa từng có, với tài khoản mạng xã hội của họ - Instagram của Nyong’o đưa ảnh tượng Oscar của cô, trải ra bộ đầm và giày cao gót Prada của cô (nhìn thấy rõ nhãn hiệu), với lời ghi chú bày tỏ sự khó tin và lòng biết ơn – con đường của họ khác nhau. Ba năm trước, Jennifer Lawrence là người đẹp vô danh lao vào trung tâm chú ý; giờ cô là tay ném bom ảnh có ý thức. Nyong’o bắt đầu tự ý thức; cô và Lawrence còn làm trò cười về cuộc cạnh tranh giả thiết giữa họ bằng màn tranh giành tượng Oscar của Nyong’o ở hậu trường.

Lawrence là quán quân Oscar với Silver Linings Playbook năm ngoái, và là ngôi sao phim bom tấn, với The Hunger Games. Nyong’o, với tác phẩm phim truyện duy nhất khác ngoài 12 Years a Slave là phim ly kỳ gần đây Non-Stop, không có dự án nào khác được công bố, theo người đại diện. Nếu Hollywood có thể hình dung cô cũng là nữ nhân vật chính trong loạt phim, còn nhiều việc phải làm để xua tan những hoài nghi về nghề nghiệp.

David O. Russell cũng làm trò với giải Oscar mà anh đã bỏ lỡ, vồ lấy tượng Oscar của anh bạn Spike Jonze bên ngoài buổi tiệc Vanity Fair sau lễ trao giải. Họ được đề cử cùng một giải, kịch bản gốc, và trong khi một số nhà phê bình dự đoán Russell sẽ đoạt giải và là giải duy nhất vì American Hustle của anh không được dự đoán sẽ đoạt nhiều giải khác, giải thuộc về Jonze và kịch bản sáng tạo vô cùng được yêu thích Her. (Thấy chưa? Niềm tin nghệ thuật đó.) Russell đã đưa Jonze những ghi chú cho bản nháp đầu tiên của câu chuyện, một mối tình tương lai; có vẻ đây là sở trường của anh. “Tôi là một người to lớn, ủy mị, không châm biếm,” Russell nói với tác giả bài viết.

David O. Russell “bỏ chạy” với giải Oscar của Spike Jonze [Ảnh: Danny Moloshok/Reuters]

Jonze nằm trong số ít các nhà làm phim của các xưởng phim, và có lẽ là người duy nhất được đề cử Phim hay nhất năm nay, không chiếu phim để thử phản ứng của khán giả trước khi phát hành. Tầm nhìn của anh luôn mang phong cách riêng, nhưng anh tin tưởng vào điều đó. Russell một lần nữa ra về tay trắng sau khi được đề cử năm lần trong ba năm có thể là ví dụ về việc những cuộc thi nghệ thuật vô nghĩa ra sao. Rõ ràng, các thành viên Viện hàn lâm – và có lẽ quan trọng hơn, khán giả - thích phim của anh. (American Hustle kiếm được trên 146 triệu đôla ở phòng vé.) Anh nói anh dự định nghỉ ngơi trong năm tới để viết, dù cho chuyện gì xảy ra chăng nữa.

Hàng năm, mỗi khi loạt danh sách xuất sắc nhất của các nhà phê bình, các giải thưởng tiền trạm và hàng giờ cocktail rượu trắng liên tục trong những tháng hướng tới khởi động giải thưởng của Viện hàn lâm có vẻ vô nghĩa – một loạt khen ngợi rỗng tuếch và tâng bốc được trả tiền dành cho những thành viên đã giàu có và phần lớn có vai vế trên bầu trời điện ảnh – tác giả bài viết nghĩ về những người làm phim tài liệu.

Ngày 18/3/2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra một cách hòa bình ở Yemen trong làn sóng Mùa xuân Ảrập biến thành cuộc thảm sát; 53 nhà hoạt động bị những tay bắn tỉa giết chết. (Những cái chết cuối cùng dẫn đến sự lật đổ chính phủ.) Ngày hôm sau, Abdurahman Hussain, nhà làm phim trẻ tự học, gặp một người bạn là nhà nhiếp ảnh, và họ quyết định ghi lại ngày lịch sử ấy.

Cảnh trong phim Karama Has No Walls

Lúc đầu, họ muốn làm một đoạn băng hình trên YouTube, nhưng sau đó, theo lời Hussain, họ nhận ra đó là câu chuyện lớn hơn. Bộ phim ngắn có thời lượng 30 phút, Karama Has No Walls – “karama” trong tiếng Ảập có nghĩa là phẩm giá – sử dụng các thước phim quay kiểu đánh du kích của những người ở giữa trận đánh. Đạo diễn Sara Ishaq, một phụ nữ người Scotland-Yemen, đưa bộ phim đến các liên hoan, dẫn tới đề cử Oscar của phim.

Về phương diện văn hóa, Oscar không nổi tiếng ở Yemen, theo lời Hussain. Tuy nhiên, sau đề cử, các nhà làm phim gặp thủ tướng Yemen, và có các buổi chiếu được chính phủ tài trợ.

“Nếu chúng tôi không thực hiện bộ phim này,” mọi người trên khắp thế giới “sẽ lãng quên ngày đó,” Mussain nói. “53 người đã mất mạng chỉ vì cất tiếng nói cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Karama Has No Walls không đoạt giải Oscar, nhưng, trong trường hợp này, được đề cử thực sự đã đủ vinh dự rồi. Những người nổi tiếng cũng có mặt mềm yếu hơn; tất cả chúng ta không thể tham gia, nhưng Oscar giúp chúng ta mở ra một câu chuyện mà tất cả chúng ta đều muốn góp phần mình vào đó.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi