Movie Blogs

The Great Beauty: Bên kia phù hoa

28/12/2013

Không hề bùng nổ với bạo lực đẫm máu, cũng không thô ráp với những hiện thực ảm đạm, điện ảnh Ý mang đến cho 2013 một bộ phim bay bổng, sắc nét và khoa trương không kém tên gọi của nó: The Great Beauty (tựa gốc: La Grande Bellaza).

Không được chú ý khi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 66 nhưng phim đã chiến thắng ngoạn mục ở European Film Awards với bốn giải, trong đó có Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Phần lớn xoay quanh một nhân vật, The Great Beauty dẫn khán giả trên một chuyến đi xuyên qua đường hầm của thế giới thượng lưu. Chắc lại là câu chuyện của một quý ông tuổi trung niên đang ngán ngẩm cái thế giới ấy tận cùng – một dạng nhân vật của Nick Carraway tầm 25 năm sau The Great Gatsby, bạn có thể nghĩ thế. Cho dù bắt đầu với suy đoán gì thì năm phút mở màn của bộ phim cũng có thể làm dịu mọi cái đầu nóng lòng chứng minh tài đoán của mình hay những mong mỏi một tiết lộ về nội dung phim. Những cú máy lia chậm mà không áp đặt tầm nhìn khán giả nhẹ nhàng tóm tắt một sáng yên bình trên nóc thành phố Rome cổ kính qua băng ghế đá, khu du lịch, những gương mặt người dân, du khách bình thản. Trên nền bài thánh ca vang vọng vừa thực vừa huyền ảo, những hình ảnh được xếp khéo léo qua chuyển động nhịp nhàng của camera khiến khán giả như được bay trên khung cảnh bình minh mơ màng.

Nhưng nhanh và mạnh như một cú “tát”, The Great Beauty “đánh thức” người xem bằng một tiếng hét và một cú chuyển cảnh dứt khoát đột ngột, ném họ vào một buổi tiệc đang lên đỉnh điểm về đêm với những bản nhạc sàn nhảy thời thượng đối lập hẳn giọng đồng ca êm ái. Không dừng lại ở đó, một loạt thủ pháp biên tập cảnh nhanh đẩy khán giả vào sâu trung tâm bữa tiệc với đám người ăn mặc sang trọng đang quay cuồng trong hơi men, những tràng cười nói không dứt trên những màn uốn éo pha tạp điên rồ. Thả khán giả trong sự hoang mang giữa cũ-mới, tĩnh-động, bắt họ bỏ qua cái nhìn của du khách để chìm vào cuộc vui xa hoa, lúc này Paolo Sorrentino mới cho nhân vật chính xuất hiện.

Khi những cơn hoan lạc qua đi cô đơn trống rỗng lại quay về

Jep Gambardella, một nhà văn với gia tài một tác phẩm được xuất bản, trung tâm của bữa tiệc, xuất hiện với phong thái khoan thai đầy thỏa mãn về sinh nhật lần thứ 65 của mình. Đứng giữa hàng người nhảy nhót chúc mừng sinh nhật ông, Jep nhẹ nhàng châm điếu thuốc và nghĩ về thứ ông mong muốn nhất: “mùi hương của nhà người già”. Ông chán thế giới giàu có này hay chỉ quá hiểu nó? Đi vào cuộc sống của ông, khán giả mới biết thêm sự đa diện của giới thượng lưu mà Jep đã quá quen thuộc.

Đó là một hành trình đầy thú vị nhưng cũng xa lạ đến kỳ quặc: Paolo Sorrentino lồng ghép những chi tiết tưởng bị thổi phồng như việc ông bố bắt con phải trổ tài vẽ tranh trừu tượng trước cả trăm vị khách, hay việc Jep chỉ cho cô bạn gái Ramona cách hành xử trong đám ma. Khán giả xem mà không khỏi phì cười cho đám người thượng lưu sống chỉ vì bề mặt này.

Nhưng những câu chuyện đó cũng được lồng ghép bằng những chi tiết phụ họa rất đẹp như khu vườn trải dài đằng sau phông tranh cô bé đang vẽ, kiến trúc phòng thử áo tang phá cách như mục đích hiện diện của nó. Xem The Great Beauty, khán giả được thấy mặt trái của giới thượng lưu, nhưng cùng đó là một vẻ đẹp xa hoa nhắc người xem chính họ cũng một lần mong muốn được bước vào thế giới đó.

Bên cạnh phù hoa là cuộc sống đời thường xuất hiện ngẫu nhiên, đối lập và trớ trêu với câu chuyện 

Châm biếm hơn, Jep cũng nói thẳng vào mặt cô bạn Julia tự phụ của ông hay khán giả tò mò muốn phán xét họ: rằng trong thành phố đang rạn nứt từ đạo đức tới kinh tế, việc duy nhất có thể làm là nhìn nhau với một chút tình cảm bởi bản chất tất cả ai cũng như nhau. Lời nói của Jep chua chát là vậy, tóm gọn trong một cảnh dài không cắt. Ông cũng tự mình vươn lên từ một người bình thường thành ông vua của giới thượng lưu, ông hiểu rõ thế giới này và đắng cay hơn, chấp nhận khi đã quá muộn rằng thứ ông muốn không nằm ở đỉnh cao danh vọng.

Nhưng không hờn ghét như Julia, cách ông nhìn cuộc sống vẫn còn ẩn chứa bao sự trìu mến: êm ái như cách máy quay đi chậm dọc phố đêm vắng, lướt nhẹ qua khuôn mặt buồn qua cửa kính limousine, qua những bóng người trong nhà hàng. Theo bước Jep, Rome phù hoa cũng có sự sống riêng. Không còn là một tấm phông nền tẻ nhạt như trong mọi bộ phim khác, Rome trong The Great Beauty cựa mình với những mảng sáng tối trong mỗi người qua đường, mỗi góc phố, hộp đêm.

Nhà quay phim Luca Bigazzi đã vẽ nên một Rome đa diện phức tạp như một bức tranh lập thể: mỗi góc cạnh lại có màu sắc, nhịp điệu, một nền nhạc xoa dịu, day dứt hay sôi động riêng rất ấn tượng. Phim cũng không thể hoàn chỉnh mà không nhờ công của Toni Servillo vai Jep Gambardella. Không hề có một phút nào ông thoát khỏi nhân vật: sự ung dung, điệu hài hước châm chọc ngầm, và đặc biệt là đôi mắt chứa đầy tâm sự của bản thân nhưng cũng sẵn sàng hướng đến câu chuyện của người khác – qua con mắt ông, mọi nhân vật cũng có một câu chuyện riêng, không còn nhạt nhòa giữa những bữa tiệc mù quáng.

Trang phục của Jep Garbadella chỉnh tề và tinh tế như để khoác lên một tâm hồn già nua trống trải

Giây phút hiếm hoi khi Jep bật khóc là cả một sự bất lực của con người có tuổi, khi còn chưa kịp hiểu cốt lõi của cuộc sống thì đã phải thấy nó rời khỏi bản thân, rời khỏi những người thân yêu quanh mình. Những giọt nước mắt mà ông hứa sẽ không để trào ra cứ tự động rơi. Jep bật khóc như đứa trẻ, không chỉ cho ông mà còn cho bao người khác ta đã thấy thoáng qua trong phim, khi hiểu rằng cuộc sống phù hoa mình mong muốn đã chẳng mang đến gì mà ngược lại, còn rút mòn đi những thứ giản đơn ông hằng yêu quý. Toni Servillo đã thể hiện sự bứt rứt trầm lặng đó suốt chiều dài phim với tài hóa thân tự nhiên đến kinh ngạc. Giải Nam diễn viên chính xuất sắc ở European Film Awards vừa rồi thật xứng đáng với một Jep Gambardella mà Toni Servillo mang lại cho điện ảnh.

Jep luôn mong mỏi trở về với cảm xúc chân thật của mối tình đầu bên bờ biển Naples, cảm hứng cuốn tiểu thuyết duy nhất ông viết; ông tiếc nuối cuộc sống phù hoa đã cuốn ông đi khỏi những rung động đầu đời. Nhưng vẫn còn sự lặng yên dưới chốn ồn ào, vẫn còn ý nghĩa dưới những giả tạo, vẫn còn cuộc sống đâu đó dưới sự trống rỗng của người đời. Khi Jep Gambardella hiểu điều đó, ông có thể mỉm cười biết rằng cuốn tiểu thuyết tiếp theo sẽ không phải về hư vô.

...sau những hình ảnh đẹp tuyệt diệu là những nỗi lo tầm thường nhất của mỗi người về bản ngã của chính mình

Châm biếm mà day dứt, sau những hình ảnh đẹp tuyệt diệu là những nỗi lo tầm thường nhất của mỗi người về bản ngã của chính mình trong cuộc sống. Xen với những cú chuyển cảnh đầy trái khoáy mang phần giễu cợt là sự hoài nghi về xã hội đương đại trên bờ vực vô định. Với cái kết của phim, Paolo Sorrentino mang lại một niềm lạc quan nhỏ, một niềm hy vọng từ những tâm hồn đẹp luôn sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp tiềm ẩn của chính họ và cuộc đời. Hẳn sau The Great Beauty, khán giả có thể tin tưởng đón nhận những vẻ đẹp khác được nhìn từ đôi mắt của vị đạo diễn này.

The Great Beauty (La Grande Bellaza) 2013
Đạo diễn: Paolo Sorrentino
Kịch bản: Umberto Contarello & Paolo Sorrentino
Diễn viên chính: Toni Servillo, Carlo Verdone, Sabrina Ferilli
Nước sản xuất: Ý/Pháp

Vài điều thú vị bên lề bộ phim
  • Toni Servillo và đạo diễn Paolo Sorrentino đều là đồng hương từ thành phố Naples của Ý. Đây cũng là xuất thân của nhân vật Jep Gambardella.
  • Các bộ trang phục của Jep Gambardella đều được lựa chọn thể hiện sự tinh tế mà không lẫn mốt. Nhà thiết kế Daniela Cianco chọn những bộ trang phục sáng màu và rất nhiều phụ kiện đi cùng tạo nên nhà văn lịch thiệp đầy tự tin. Bên cạnh nhãn hiệu Armani cô chọn những bộ vest được làm riêng bởi nhà thiết kế Sartoria Attolini – thêm một cái tên khác đến từ Naples.
  • Các nhãn hiệu trong phim bao gồm Luxottica (kính), Marzi (mũ), Tino Cosma (cà vạt). . . tất cả đều là nhãn hiệu thời trang hàng đầu của Ý.
(Nguồn: Esquire)


© Phương Hà @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi