Nhân vật & Sự kiện

Bom xịt và thua lỗ: Những vấn đề doanh thu phòng vé Hollywood không nói với bạn

26/12/2016

Hollywood đang kết lại một năm một lần nữa tạo nên kỷ lục phòng vé, nhờ công của một dãy dài những phim bom tấn kể các vấn đề từ cuộc đời thú cưng tới siêu anh hùng nói tục.

Trong khi tổng doanh thu năm được kỳ vọng 11,3 tỉ USD từ doanh thu phòng vé ở Mỹ và Canada có vẻ là kết quả đáng được khen ngợi, những con số sáng lóa này lại che đậy những thách thức lớn hơn trong một ngành điện ảnh đang đối mặt với những thay đổi tốc độ cao trong thế giới kỹ thuật số mới này.

The Secret Life of Pets

Chi phí làm phim và quảng bá phim cao hơn, kết hợp với doanh thu từ việc bán băng đĩa tụt giảm, đã giảm lợi nhuận mà các hãng phim thu về. Cách kiếm tiền đáng tin cậy cũ – việc bán băng đĩa xem ở nhà – giờ đã giảm lợi nhuận đến 30% từ năm 2010, theo Digital Entertainment Group.

Việc khán giả giờ càng ít mua đĩa dẫn tới doanh thu phòng vé ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với lợi nhuận của các hãng phim. Với những lựa chọn chiếu phim truyền tải trực tiếp qua internet và trò chơi điện tử chơi ở nhà ngày càng nhiều, ngày càng có ít người tiêu dùng trẻ đi xem phim màn ảnh rộng. Doanh thu phòng vé ngày càng hoạt động theo kiểu “một đập ăn quan”, với phần lớn doanh thu thuộc về những bộ phim rầm rộ nhất ra mắt trong tuần đó, như Finding Dory của Disney hay The Secret Life of Pets của Universal.

“Con số có thể lừa bạn,” Adam Goodman, từng là giám đốc sản xuất của Paramount Pictures cho biết. “Nếu nhìn doanh thu phòng vé, bạn thấy tình hình khá an toàn. Nhưng thực tế chỉ có một, hai phim có doanh thu ổn vậy thôi.”

Lợi nhuận của bảy hãng phim lớn nhất trong ngành đã giảm 17% trong chín tháng đầu năm xuống khoảng 3 tỉ USD, theo nghiên cứu của công ty đầu tư Cowen & Co. Một nửa con số lợi nhuận này thuộc về chỉ duy nhất một hãng phim — Disney.

Fantastic Beasts and Where to Find Them

Thị trường quốc tế vẫn đang tăng dần và vẫn là điểm sáng cho ngành, thị trường nước ngoài lớn nhất của Hollywood, Trung Quốc, cũng đang cho thấy xu hướng tổng doanh thu giảm trong năm nay.

Ở Mỹ và Canada, tổng doanh thu cuối năm dự tính tăng 2% so với năm ngoái, nhưng sự tăng trưởng này không đúng thực tế, và chỉ phán ánh việc giá vé tăng cao chứ không phải là thực tế có nhiều người đi xem phim hơn.

Số vé bán ra dự tính sẽ không tăng và giữ nguyên ở con số khoảng 1,3 tỉ vé, theo những dự đoán trong ngành. Con số này so với tổng số 1,4 tỉ vé bán ra trong năm 2006 sẽ là sự suy giảm 6%, theo Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.

Những diễn biến đó đã khiến các lãnh đạo các hãng phim và chủ rạp phải cân nhắc lại một trụ cột lớn trong ngành điện ảnh: thời gian chiếu rạp.

Warner Bros. Pictures và Universal Pictures đã phải có những cuộc nói chuyện với các cụm rạp để giảm thời gian giữa lúc bộ phim được chiếu ngoài rạp và thời điểm khán giả có thể xem phim ở nhà – một quyết định có thể dẫn tới sự phản đối của những người trong ngành kinh doanh rạp chiếu.

Deadpool

Một đề xuất được đưa ra là những bộ phim mới có thể sẽ được khán giả mua về xem ở nhà chỉ khoảng hai đến bốn tuần sau khi phim ra rạp. Đây sẽ là thay đổi mới so với thời gian bình quân khoảng 90 ngày sau khi phim chiếu ở rạp đang áp dụng hiện nay.

Lãnh đạo các hãng phim đã tìm cách rút ngắn khoảng cách thời gian mà khán giả phải đợi để mua được đĩa hoặc mua được quyền tải phim trên mạng sau khi phim kết thúc thời gian chiếu rạp – một khoảng thời gian gọi là “vùng đen tối”, có thể khiến các hãng phim mất hàng tỉ đôla cho nạn tải phim lậu.

Nhưng họ mới chỉ có chút thành công những tháng gần đây trong việc thuyết phục được giới chủ rạp. Giới chủ rạp từ lâu vốn chống lại việc rút ngắn khoảng cách này, vì sợ khoảng cách càng ngắn sẽ càng ít người muốn đi xem phim ở rạp.

“Một phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền để xem phim sớm hơn,” Benjamin Mogil, nhà phân tích của công ty đầu tư Stifel với chuyên môn về ngành điện ảnh, cho biết. “Các hãng phim đều biết họ vẫn sẽ trả khoản tiền này.”

Rogue One: A Star Wars Story

Lãnh đạo các hãng phim và chủ rạp ở Mỹ hiện chưa đưa ra lời bình luận nào, nhưng những nguồn tin trong ngành cho biết những cuộc đàm phán vẫn còn đang ở trạng thái ‘tìm thông tin’. Bất cứ quyết định nào được đưa ra chắc hẳn sẽ phải trả một phần doanh thu bán đĩa và nguồn truyền cho những chủ rạp, và cũng có thể chỉ áp dụng cho một số phim ngân sách hạng trung.

“Việc đáp ứng được sự nôn nóng của khán giả là không thể tránh khỏi,” Jason E. Squire, giáo sư kinh doanh điện ảnh tại Đại học Nam California, cho biết. “Nhưng quyết định đưa ra phải theo dạng tùy từng phim.”

Đối mặt với những thử thách này, một số rạp chiếu phim đã cố gắng tăng doanh thu bằng những tiện ích hấp dẫn như ghế ngửa, thức ăn và đồ uống cao cấp và công nghệ chiếu phim đời mới.

“Ngày càng có nhiều chỗ có trải nghiệm xem phim cao cấp, với những rạp chiếu sang trọng và giá vé bị thổi phồng,” giám đốc phân phối trong nước của 20th Century Fox cho biết.

Suicide Squad

Một số nhà phân tích cho biết việc tăng giá vé để tăng tiện ích có thể dẫn tới việc ngày càng ít người ra rạp hơn.

Giá vé trung bình ở Mỹ trong quý 3 là 8,51 đôla/vé, tăng 3% so với năm ngoài. Khán giả ở các thành phố lớn như Los Angeles hay New York có thể trả gấp đôi.

Các hãng phim ngày càng chịu nhiều áp lực phải thay đổi để cạnh tranh với các dịch vụ truyền phim trực tuyến được áp dụng cho cả phim điện ảnh và truyền hình. Họ đang tập trung ngân sách vào những bộ phim bom tấn có khả năng tạo tiếng vang lớn và có nhiều khả năng kéo khán giả tới rạp hơn. Nếu không phải là phim bắt buộc phải xem, nhiều người sẽ ở nhà đợi phim được bán trên iTunes hay xuất hiện trên Netflix.

Walt Disney Co. hiện tập trung phần lớn tâm trí vào những phim bom tấn như Finding Dory của chi nhánh Pixar, Doctor Strange của Marvel và Rogue One: A Star Wars Story của Lucasfilm. Đối thủ cạnh tranh của họ, Warner Bros., cũng đổ hết ngân sách vào thế giới phim truyện tranh DC ngày càng lớn mạnh và loạt phim ăn theo Harry Potter, Fantastic Beasts and Where to Find Them.

Finding Dory

Điều này có nghĩa rằng ngày càng có nhiều đồng tiền trong ngành tập trung vào việc quảng bá một số nhỏ những bộ phim lớn. Trong vòng hai năm vừa qua, mười phim lớn nhất năm là chủ của khoảng một phần ba doanh thu phòng vé cả năm.

“Doanh thu cô đọng vào một số phim nhất định, và phim nào có doanh thu cao thì thật cao, phim nào có doanh thu thấp thì rất thấp,” Greg Foster, giám đốc điều hành Imax Entertainment, cho biết.

Rõ ràng không phải ai cũng đang thu lời. Disney là chủ của năm trong số 10 phim có doanh thu cao nhất ở Bắc Mỹ trong năm nay. Nếu doanh thu Rogue One được như mong đợi, số phim này có thể lên tới sáu phim.

Warner Bros. hiện có ba trong số 10 phim đứng đầu (Batman v Superman, Suicide Squad và Fantastic Beasts), trong khi Fox (Deadpool) và Universal (The Secret Life of Pets) mỗi hãng có một phim. Sony Pictures và Paramount bị cho ra rìa vì năm nay không có phim bom tấn nào nổi bật.

Batman v Superman

“Disney có một năm thật tuyệt nhưng chính vì thế lại áp đảo tất cả các hãng khác,” Cowen & Co. cho biết trong một báo cáo gần đây.

Rủi ro thất bại cũng tăng cao. Năm nay, có những hãng phim lớn cho ra mắt những bộ phim cũng có nhiều tên tuổi lớn mà không ai đi xem. Ví dụ, Billy Lynn’s Long Halftime Walk, bộ phim có ngân sách 40 triệu USD của Sony Pictures do Lý An đạo diễn thu về chỉ 2 triệu USD ở phòng vé Mỹ. Keeping Up with the Joneses của Twentieth Century Fox với Jon Hamm và Zach Galifianakis đóng chính cũng thất thu với 15 triệu USD. Kể cả Disney cũng có một quả bom xịt với Alice Through the Looking Glass.

Những cú tiếp đất đau đớn cho những bộ phim này ngày càng là hậu quả của mạng xã hội. Khán giả giờ rất dễ dàng biết được đâu là phim đáng bỏ tiền và thời gian đi xem.

Goodman, giờ là chủ tịch Le Vision Entertainment, cho biết các hãng phim ngày càng phải nghĩ lại cách chọn phim của mình. Nhưng đó là nỗ lực khó khăn khi không có nhiều dữ liệu đa dạng về thị hiếu khán giả.

Billy Lynn’s Long Halftime Walk

“Cách thu thập dữ liệu hồi xưa khá đáng tin cậy,” Goodman nói. “Nhưng giờ đây thì chẳng khác gì việc lôi phi tiêu ra ném rồi chọn bừa một ý tưởng nào đó.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times