Với một số lượng phim chuyển thể đang triển khai, cuối cùng Tinseltown đã
chộp lấy tiềm năng bao la của truyện tranh Nhật Bản. Một nguồn tin trong
cuộc nói: "Có cái mùi của cơn lốc đào vàng."
Cơn phẫn nộ “cái sự da trắng hóa” của việc chọn Scarlett Johansson vào
vai Kusanagi trong phiên bản chuyển thể bộ manga được sùng bái
Ghost in the Shell
sắp tới của DreamWorks/Paramount không phải là cơn phẫn nộ cuối cùng.
Một nhúm những chuyển thể manga khác đang phát triển ở nhiều giai đoạn
tại các hãng phim Hollywood, và các đơn hàng đang đáp lên bàn làm việc
của các nhà xuất bản ở Tokyo cho nhiều truyện khác nữa.
Scarlett Johansson vào vai Kusanagi trong phiên bản chuyển thể bộ manga Ghost in the Shell sắp tới của DreamWorks/Paramount
|
Tuy phụ thuộc rất lớn vào thành bại của
Ghost, giếng sâu đầy
những câu chuyện của manga Nhật đang dần trở nên được biết đến nhiều hơn
và dễ dàng tiếp cận hơn ở Mỹ. Ngành công nghiệp manga trị giá nhiều tỉ
đôla của Nhật vốn đã là suối nguồn lợi nhuận nhượng quyền nội dung làm
phim truyền hình và điện ảnh trong nước, cả hoạt hình lẫn người đóng.
Nên chẳng ngạc nhiên khi các nhà xuất bản và họa sĩ manga lại không cảm
thấy nhất thiết phải bán quyền cho Hollywood.
Tuy nhiên, với việc
thị trường phim ảnh của Nhật Bản dần teo tóp theo dân số, nhiều tác giả
manga và nhà xuất bản giờ đây ngày càng mở hơn với chuyển thể phiên bản
Mỹ cho các tác phẩm của họ. Ngoài
Ghost in the Shell, một số chuyển thể manga nổi tiếng đang được triển khai ở Hollywood, trong đó có
Death Note
của Netflix, dựa theo bộ manga gốc của Tsugumi Ohba về một cậu bé mới
lớn phát hiện cuốn sổ tay bí ẩn cho cậu năng lực giết chóc, và bản khởi
động lại bộ manga kinh điển
Akira của Warner Bros., đưa Marco J. Ramirez người sáng tạo loạt phim truyền hình
Daredevil viết kịch bản cho dự án này.
“Có nhiều quan tâm hơn từ Hollywood,” Sam Yoshiba, giám đốc kinh doanh quốc tế tại Kodansha, nhà xuất bản bộ manga
Ghost in the Shell của Masamune Shirow. “Chào mua tăng lên và việc đàm phán đang diễn tiến về một số tài sản manga, tuy nhiên ngoài
Ghost in the Shell,
các dự án khác vẫn còn trong giai đoạn chưa có gì.” Yoshiba thừa nhận
quá trình bị chậm nhiều năm nay có thể là do “thiếu hiểu biết trong làm
ăn quốc tế và thậm chí người phiên dịch cho các cuộc đàm phán” ở các nhà
xuất bản, tuy nhiên ông nói tình hình đã được cải thiện.
Cách biệt nhận thức giữa Hollywood với nền công nghiệp manga, chắc chắn
càng trầm trọng thêm do khác biệt văn hóa Mỹ-Nhật, đi kèm với quy trình
lê thê cổ hủ trong việc thông qua bất kỳ dự án phim nào, dẫn tới lộ
trình chuyển thể chậm chạp.
Ghost in the Shell mất 10 năm từ lúc bắt đầu đàm phán đến sản xuất.
Cũng mất cả thập kỷ từ khi bộ phim người đóng chuyển thể bộ manga
Death Note
của Nhật Bản đánh thức chú ý từ Hollywood. Ở nhiều thời điểm trong quá
trình triển khai phim này, từ Gus Van Sant đến Shane Black từng được đồn
đoán tham gia dự án.
“Khuynh hướng ở Hollywood đối với việc sản
xuất rất giống kẻ hậu đậu với nguồn nguyên liệu, hơi thiếu nhạy cảm văn
hóa manga và anime,” Michael Arias nói, anh là nhà làm phim ở Tokyo và
là người Mỹ đầu tiên đạo diễn một phim anime Nhật với việc chuyển thể bộ
manga
Tekkonkinkreet. Phim đó đã đem lại cho anh Giải Hàn lâm
Nhật Bản dành cho phim anime xuất sắc năm 2008. Arias nói bây giờ anh
thường chuyển cuộc gọi từ các nhà sản xuất Mỹ đang tìm kiếm nội dung và
có “cảm giác của cuộc đổ xô đào vàng.”
Stuart Levy, nhà sáng lập
Tokyopop đã giới thiệu manga đến với rất nhiều ‘fan’ Mỹ, nói: “Những
người sáng tác manga đã công nhận các bản chuyển thể Mỹ được làm rất
tốt.”
Nhưng ngoài rào cản ngôn ngữ và văn hóa, còn có khó khăn trong việc mua
tác quyền các tựa sách. Vì hầu hết chuyển thể điện ảnh manga đều được
nhiều bên đồng sản xuất, vấn đề tác quyền có thể cực kỳ phức tạp. Nhưng
nhờ
Ghost in the Shell và
Death Note cuối cùng cũng tiến triển được, một lần nữa sự quan tâm lại tăng cao.
“Tôi
nghĩ Hollywood đang thăm lại các thư viện ở Nhật,” Yasumasa Kutami,
giám đốc phát triển kinh doanh của Amuse Group USA, nói. Hồi tháng 3
Amuse tổ chức sự kiện cầu nối hành lang Hollywood-Nhật thu hút nhà điều
hành đủ các cấp từ các hãng phim như Fox đến Bad Robot. Công ty này hy
vọng làm trung gian tạo thuận lợi cho việc thương thảo. “Luật lệ và các
bộ truyện không đổi, nhưng lèo lái dễ hơn khi các nhà xuất bản hợp tác
với chúng tôi,” Kutami nói.
Một vấn đề khác lặp đi lặp lại bao
năm là thiếu đại diện/quản lý cho các tác giả manga giữ quyền đối với
tác phẩm của họ, mà nhà xuất bản được coi là đảm nhận vai trò đó. Đây là
chỗ trống mà Cork, một công ty quản lý đặt tại Tokyo đại diện cho
khoảng 20 tác giả manga và nhà văn viết tiểu thuyết, cố gắng điền vào.
“Là một công ty mới, tôi ngạc nhiên thấy chúng tôi có thể có biết bao
nhiêu cuộc gặp ở Hollywood,” Yuma Terada, đối tác và đồng sở hữu Cork,
nói. “Sau tôi phát hiện ra các nhà sản xuất Hollywood bao năm có trải
nghiệm tệ hại trong việc đàm phán với Nhật, vì họ không biết ai sở hữu
cái gì hoặc ai là người để trao đổi.”
Vì đội ngũ Cork còn làm
biên tập cho các tác giả, làm việc chặt chẽ về mọi khía cạnh quản lý đầu
ra sáng tác của họ, công ty này còn đại diện cho các tác giả với nhà
sản cuất và nhà xuất bản ở Nhật hay ở bất kỳ nơi nào khác một cách hiệu
quả, theo Terada.
Terada tin rằng khoảng cách giữa các nhà làm
phim Hollywood và tác giả sáng tạo Nhật Bản là do nhận thức hơn là mục
tiêu. “Ai cũng biết nước Nhật có một kho báu các tác giả tài ba và tài
sản trí tuệ (IP),” anh nói. “Nhưng điều nhiều người không hiểu đó là hầu
hết tác giả luôn thích xem một phim điện ảnh hoặc truyền hình Hollywood
được làm từ tác phẩm của họ.”
Nhưng đâu chỉ có Hollywood quan tâm khai thác đế chế manga Nhật Bản. Bất
chấp cơ man nguồn lực có sẵn, nhiều khả năng là các hãng phim Mỹ thấy
mình phải đấu giá cùng một tài sản manga với các đồng cấp người Trung
Quốc.
“Bây giờ có nhiều chào mua đến từ Trung Quốc, và chúng tôi
mới ký hợp đồng cả phim điện ảnh lẫn truyền hình,” Ichiro Takase, quản
lý bộ phận kinh doanh quốc tế của một trong những nhà xuất bản manga lớn
nhất, Shogakukan, nói. “Các nhà sản xuất Trung Quốc thường quan tâm đến
loại manga ‘tuyệt tác’ cổ điển hơn vì họ đã đọc chúng lúc nhỏ. Tuy chỉ
có 10 bộ manga Nhật chính thức được phát hành ở Trung Quốc mỗi năm, các
nhà sản xuất thực ra đã đọc rất nhiều.”
Tuy nhiên, Tereda của
Cork nói rằng việc gia tăng toàn cầu hóa trong công nghiệp điện ảnh có
nghĩa là thay vì dấn thân vào các cuộc chiến đấu giá, hợp tác có thể là
con đường phía trước cho Hollywood và cách đối thủ cạnh tranh. “Thị
trường Trung Quốc và Nhật Bản đang hội tụ; đó là một thị trường ngày
càng toàn cầu,” anh nói.
Các manga của Shogakukan, nhà xuất bản manga lớn nhất Nhật Bản
|
Levy của Tokyopop cũng nhìn thấy tiềm năng trong việc liên minh. “Tam
giác Hollywood, Trung Quốc và Nhật Bản đang trở nên mạnh mẽ trong lĩnh
vực IP, và Hàn Quốc cũng đang chen chân vào,” anh nói. “Sẽ có rất nhiều
cơ hội.”
Bốn bộ manga nên được Hollywood chuyển thể
Sát thủ, tội phạm và một Game of Thrones của Nhật — những truyện tranh này có đủ những gì cần thiết để lên màn ảnh rộng.
• The Tenth Prism của Matsuhisa Soda
Câu chuyện kỳ ảo theo chân Tsunashi, một hoàng tử trẻ khi anh đấu tranh
với số phận để phục hồi vương quốc sụp đổ của mình. Vị hoàng tử khiêm
tốn này, theo truyền thuyết sở hữu những năng lực to lớn và bí ẩn, thích
cả ngày đắm chìm trong sách hơn là phát triển kỹ năng võ thuật. Khi
thần dân lâm nguy, Tsunashi phải mở khóa bí mật đằng sau một con mắt bịt
kín của anh, mà anh không thể gỡ miếng bịt mắt. Tác giả của The Tenth Prism là
Masahito Soda có những tác phẩm khác đã bán hơn 15 triệu bản và từng
được chuyển thể thành phim truyền hình, phim hoạt hình và phim người
đóng ở Nhật. Tác giả bộ manga này đã không bỏ qua sự thành công toàn cầu
của Game of Thrones, và đây là một trong số nhiều bộ truyện kỳ ảo có tiếm năng hấp dẫn toàn cầu.
• The Fable của Katsuhisa Minami
Câu chuyện nóng dần lên về một sát thủ giang hồ kỹ năng cao cường, có
thể giết bất kỳ mục tiêu nào khiến hắn trở thành huyền thoại trong thế
giới ngầm, và đối tác của hắn, lấy bối cảnh vùng Kansai (xuang quanh
Osaka). Cuộc sống của “The Fable” trải qua một sự biến đổi khi hắn nhận
một mệnh lệnh bất ngờ từ ông chủ. ‘Fan’ Nhật so sánh bộ manga bạo lực
kiểu cách này với Golgo 13, trường thiên manga dài nhất của Nhật Bản, từng được Hollywood mua quyền chọn nhưng không đi đến kết quả.
• Kurosagi — The Black Swindler của Takeshi Natsuhara
Loạt manga này, xuất bản từ năm 2003 đến 2008, theo chân các cuộc mạo
hiểm của chàng trai trẻ mà gia đình anh gánh chịu một bi kịch chí tử sau
khi trở thành nạn nhân của một kẻ lừa đảo gạt lấy số tiền dành dụm cả
đời họ. Chàng trai cũng trở thành kẻ lừa tiền, nhưng chỉ lừa những kẻ
bịp bợm và giúp nạn nhân lấy lại của bị mất. Bộ manga này đã được Tokyo
Broadcasting System chuyển thể thành phim truyền hình rất nổi tiếng phát
sóng từ năm 2006, hai năm sau dẫn đến một phim điện ảnh với Tomohisa
Yamashita đảm nhận lại vai chính của anh.
• Freesia của Jiro Matsumoto
Lấy bối cảnh phiên bản nước Nhật khác mệt mỏi dưới sức nặng của một cuộc
chiến tranh kéo dài, bộ truyện ly kỳ tâm lý bạo lực này với nội dung
kiểu Purge xem ra sẵn sàng cho Hollywood chuyển thể: Vì các tù
nhân bị giết để tiết kiệm tiền bạc, những vụ giết chóc trả đũa đã được
hợp pháp hóa cho các gia đình nạn nhân theo Luật Báo thù. Nhân vật chính
là là một sát thủ do quân đội đào tạo được một công ty mà đối với công
chúng có tên là “Vengeance Proxy” thuê thực hiện giết người trả hận. Sát
thủ này sở hữu những năng lực đặc biệt nhưng cũng bất ổn tâm lý và lảo
đảo bên bờ vực suy sụp.
|
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter