Nhân vật & Sự kiện

Điện ảnh và truyền hình Hồng Kông sau 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa: Tương lai nào cho Hollywood phương Đông một thời?

27/12/2018

40 năm cải cách và mở cửa ở Trung Quốc không chỉ là về các khoản đầu tư ‘khủng’, các dự án cơ sở hạ tầng và biến đất nước này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những năm tháng Cách mạng Văn hóa khiến người dân Đại lục không xem gì khác ngoài phim tuyên truyền trên tivi và rạp chiếu. Khi Trung Quốc mở cửa, các phim bộ truyền hình và điện ảnh Hồng Kông đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về thế giới bên ngoài, cuộc sống đô thị và những thay đổi lớn của Trung Quốc có thể mang tới điều gì.

Thành Long trong loạt phim Câu chuyện cảnh sát thập niên 80 và 90

Khi Đại lục sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh của họ, các nhà sản xuất và làm phim Hồng Kông đã đóng một vai trò quan trọng, nhưng hoàn cảnh sớm thay đổi với “Hollywood phương Đông”. Ngày nay, phim truyền hình và điện ảnh của Trung Quốc Đại lục nổi tiếng dữ dội ở Hồng Kông, và chiếm ưu thế về sản lượng, lượng người xem và doanh thu phòng vé.

Tình thế thay đổi với truyền hình

Chỉ trong một ngày chủ nhật tháng 8 năm nay, một tập phim bộ truyền hình Trung Quốc Đại lục đình đám Diên Hy công lược đã thu được 530 triệu lượt xem trực tuyến, lập kỷ lục.

Đầy ắp kịch tính, phản bội và mưu mô, bộ phim dài 70 tập này đã chinh phục không chỉ khán giả Đại lục, mà cả Hồng Kông, trở thành phim bộ truyền hình nổi tiếng nhất năm 2018 do TVB, đài truyền hình lớn nhất đặc khu, phát sóng.

Chi phí sản xuất 300 triệu nhân dân tệ (tương đương 338 triệu đôla Hồng Kông), bộ phim kể về một cung nữ vào Tử Cấm thành làm việc để điều tra cái chết của chị gái và cuối cùng trở thành một phi tần của Hoàng đế Càn Long.

Chỉ trong một ngày chủ nhật tháng 8 năm nay, một tập phim bộ truyền hình Trung Quốc Đại lục đình đám Diên Hy công lược đã thu được 530 triệu lượt xem trực tuyến

Thành công ‘khủng’ của Diên Hy công lược là điển hình cho sự thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền hình và làm phim truyền hình qua 40 năm cải cách kinh tế và mở cửa của Trung Quốc.

Một thời khán giả Đại lục từng vồ vập phim điện ảnh và phim truyền hình Hồng Kông, giờ đây các xuất phẩm của Đại lục chiếm ưu thế về sản lượng, doanh thu phòng vé và lượng người xem, kể cả trực tuyến.

Thỉnh thoảng có căng thẳng và tranh cãi về các lằn ranh đỏ - những điều cấm kỵ chính trị và kiểm duyệt - khi chính phủ Đại lục trở nên cứng rắn hơn.

Và ở nơi một thời các chủ đề và cốt truyện bị soi kỹ lưỡng, ngày nay niềm tin chính trị và hoạt động công chúng của các nghệ sĩ có thể trở thành vấn đề, và có người đã phải trả giá.

Đối với ngành công nghiệp giải trí Hồng Kông, câu hỏi lớn là liệu thành công trong tương lai nằm ở việc hội nhập với Đại lục, hay duy trì sự khác biệt.

Nam diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Hồng Kông Điền Khải Văn nói: “Chúng tôi từng là Hollywood phương Đông.”

Nhớ lại những ngày huy hoàng, nam diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Hồng Kông Điền Khải Văn nói: “Chúng tôi từng là Hollywood phương Đông. Một số lượng lớn các cá nhân tài năng đã tập trung tại một nơi nhỏ như vậy, cạnh tranh với những người giỏi nhất và bán cho các thị trường trên khắp châu Á.”

Nam diễn viên kiêm nhà sản xuất, đứng đầu Liên đoàn các nhà làm phim Hồng Kông, gia nhập ngành năm 1979 ở tuổi thiếu niên. Bây giờ 56 tuổi, anh nói anh cảm thấy may mắn khi trở thành một phần của kỷ nguyên vàng những năm 1980 và đầu những năm 1990.

Từ năm 1979 đến 1999, Hồng Kông đã sản xuất trung bình 133 phim mỗi năm, đạt đỉnh 200 phim một năm vào năm 1992 và 1993. Trong khi đó ở Đại lục, chưa tới 100 phim được sản xuất mỗi năm vào thập niên 1980 và ngành công nghiệp điện ảnh thậm chí đã giảm trong thập niên 1990 khi truyền hình thịnh hành.

Tiến sĩ Lô Vỹ Lực, phó giáo sư chuyên về lịch sử điện ảnh Trung Quốc của Baptist University, kể lại rằng vào năm 1983, bộ phim võ thuật Thiếu Lâm Tự của Lý Liên Kiệt được 50 triệu lượt người xem ở Đại lục.

Vào năm 1983, bộ phim võ thuật Thiếu Lâm Tự của Lý Liên Kiệt được 50 triệu lượt người xem ở Đại lục

Đó là một trong số ít phim được phát hành rộng rãi ở các rạp chiếu phim Đại lục vào những năm 1980 vì nó được Chung Yuen Motion Picture do nhà nước tài trợ sản xuất.

Nhiều tựa phim Hồng Kông khác của các công ty độc lập như Cinema City và Golden Harvest, bao gồm cả những phim có sự tham gia của Châu Tinh Trì, được lưu hành qua băng video.

“Bạn có thể tưởng tượng mọi người ở Tân Cương tụ tập để xem một bộ phim của Châu Tinh Trì bằng cách phát băng video không?” tiến sĩ Lô nói.

Phim Hồng Kông có sức hấp dẫn do việc hạn chế chủ đề, cốt truyện và nhân vật của Đại lục đối với các bộ phim được thực hiện ở đó. Điền Khải Văn nói: “Hồng Kông có thể làm những câu chuyện mà các nhà sản xuất phim ở Đại lục không dám thực hiện, chẳng hạn, về cảnh sát biến chất và các quan chức bị lên án.”

Nữ diễn viên-người dẫn chương trình Uông Minh Thuyên tin rằng tài năng trẻ trong truyền hình và điện ảnh ở Hồng Kông có cơ hội ở vùng “Greater Bay Area”

Phim Hồng Kông là cửa sổ nhìn ra thế giới

Đến giữa thập niên 1970, ba đài truyền hình Hồng Kông đã cho ra hàng loạt phim truyền hình dài hơn 100 tập, trong khi ở Đại lục, Cách mạng Văn hóa vẫn chưa kết thúc và còn nhiều năm nữa phim bộ truyền hình mới được sản xuất.

Trong suốt những năm 1980 và 1990, một làn sóng phim truyền hình từ Hồng Kông đã quét qua Đại lục.

Uông Minh Thuyên, nữ diễn viên kiêm người dẫn chương trình, một diễn viên truyền hình kỳ cựu của Hồng Kông hơn 50 năm, nhớ cô được mời đến Quảng Châu cho chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên của cô ở đó vào năm 1979.

“Có rất nhiều xe tư nhân. Cây cầu bắc qua sông Châu Giang đầy xe đạp trong giờ cao điểm. Và những người ở đó mặc trang phục đen, trắng, xám và xanh - nói chung rất khiêm tốn,” Uông Minh thuyên nói, hiện 71 tuổi.

“Tôi có thể thấy sự ghen tị của họ khi họ nhìn chằm chằm vào chúng tôi, những ngôi sao đến từ Hồng Kông.”

The Legendary Fok / Hoắc Nguyên Giáp của Rediffusion Television là phim bộ truyền hình Hồng Kông đầu tiên được nhập khẩu và chiếu ở Đại lục, vào năm 1983

The Legendary Fok / Hoắc Nguyên Giáp của Rediffusion Television là phim bộ truyền hình Hồng Kông đầu tiên được nhập khẩu và chiếu ở Đại lục, vào năm 1983, hai năm sau khi nó được phát sóng tại địa phương.

Người anh hùng, bậc thầy võ thuật yêu nước Hoắc Nguyên Giáp, nổi tiếng đến mức loạt phim dài 20 tập cuối cùng được phát sóng toàn quốc, thậm chí vào khung giờ vàng trên CCTV.

Các phim bộ truyền hình dài tập được chuyển thể từ tiểu thuyết võ thuật Kim Dung đã tiếp theo sau, bao gồm Anh hùng xạ điêuLộc đỉnh ký. Những ngôi sao như Huỳnh Nhật Hoa, Ông Mỹ Linh, Miêu Kiều Vỹ, Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa sớm trở thành những cái tên quen thuộc ở Đại lục.

Thời điểm xác định cho sự nổi tiếng của các xuất phẩm Hồng Kông ở Đại lục đến với Máu nhuộm Bến Thượng Hải, có siêu sao Châu Nhuận Phát và cựu hoa hậu Triệu Nhã Chi trong một câu chuyện tình bi thảm được mệnh danh là “Bố già của phương Đông”. Ca khúc chủ đề tiếng Quảng Đông của bộ phim vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay trong số những khán giả nói tiếng phổ thông Đại lục.

Phim bộ truyền hình Lộc đỉnh ký năm 1984 của TVB đưa Lương Triều Vỹ (thứ hai từ phải qua) thành một cái tên quen thuộc ở Đại lục

“Hồng Kông đại diện cho sự mới lạ, sung túc, thời trang và cơ hội để khán giả Đại lục thoát khỏi hàng thập kỷ cô lập,” Zhu Ying, giáo sư nghiên cứu văn hóa truyền hình Trung Quốc tại học viện điện ảnh thuộc Baptist University, cho biết. “Phim bộ truyền hình Hồng Kông cung cấp cửa sổ cho khán giả Đại lục nhìn ra thế giới bên ngoài.”

Tiến sĩ Lô cho biết phim Hồng Kông được sản xuất vào những năm 1980 bởi một làn sóng mới các công ty sản xuất độc lập và có nhiều ngoại cảnh, địa điểm đời thực, cũng có tác động tương tự.

“Khán giả Đại lục giờ đây thực sự có thể nhìn thấy thành phố này - ví dụ, trung tâm mua sắm ở Thái Cổ Thành nơi Thành Long đuổi bắt những tên trộm trong loạt phim Câu chuyện cảnh sát - cũng như giao thông hiện đại, cách ăn mặc thành thị và các tình huống làm ăn như họp hội đồng quản trị,” tiến sĩ Lô nói.

Tất cả những hình ảnh về cuộc sống đô thị Hồng Kông đã mang đến cho người đi xem ở Đại lục, vốn được tuyên truyền chống chủ nghĩa tư bản, một cái nhìn thoáng qua về những điều sẽ đến ở Trung Quốc. Nhãn “tư bản độc hại” trước đây dán trên các phim này đã dần dần được loại bỏ.

Một cảnh trong phim bộ truyền hình Đại lục Người Bắc Kinh ở New York năm 1993, đề cập đến vấn đề di cư

“Người Đại lục nhận ra rằng bên ngoài có một nơi có hệ thống văn hóa riêng gọi là Hồng Kông, ở đó họ có thể tìm thấy những thứ không có ở quê nhà,” tiến sĩ Lô nói.

Nhưng sau đó, Đại lục bắt đầu khuyến khích ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh của riêng họ, và Hồng Kông đã giúp đỡ bằng cách cung cấp vốn tư bản, chuyên gia và bí quyết.

Uông Minh Thuyên nói: “Chúng tôi đã đóng góp rất lớn cho Đại lục ở giai đoạn đầu của quá trình cải cách và mở cửa, mang đến cho họ kỹ thuật, đạo diễn nghệ thuật, máy móc, mô hình hoạt động và đội ngũ chuyên nghiệp, bởi vì chúng tôi biết nhiều hơn họ. Họ đã không dừng lại ở việc mua bản quyền. Họ thuê cả êkíp đứng sau một chương trình để vận hành chương trình cho đến khi họ nắm bắt được từng chút một tay nghề.”

‘Sức mạnh kinh tế quyết định địa vị văn hóa’

Vận may đảo ngược bắt đầu vào những năm 1990, khi các đài truyền hình mới mọc lên như nấm ở Đại lục, sản xuất chương trình bùng nổ, và đất nước này đã chào đón vốn tư nhân và nước ngoài cho các xuất phẩm hợp tác.

Có lẽ phim bộ truyền hình lớn cuối cùng của Hồng Kông thành công vang dội ở Đại lục là Thâm cung nội chiến, dài 30 tập của TVB về bốn phi tần tranh sủng của Hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh

Khán giả Đại lục sớm có nhiều sự lựa chọn hơn. Vẫn còn các chương trình về lịch sử cách mạng của Đảng Cộng sản và danh tác kinh điển, nhưng các phim truyền hình mới nổi tiếng như Khát vọngNgười Bắc Kinh ở New York đã trình diễn các chủ đề di dân và khởi nghiệp.

Có lẽ phim bộ truyền hình lớn cuối cùng của Hồng Kông thành công vang dội ở Đại lục là Thâm cung nội chiến, dài 30 tập của TVB về bốn phi tần tranh sủng của Hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh.

Bộ phim của TVB năm 2004 này được phát sóng ở Đại lục hai năm sau đó và được cho là đã truyền cảm hứng cho một làn sóng xuất phẩm mới cực kỳ nổi tiếng những phim cổ trang cung đấu.

Trong năm 2011, có ít nhất tám bộ phim như vậy được sản xuất ở Đại lục, trong đó có Hậu cung Chân Hoàn truyện dài 76 tập, đã thu hút sự chú ý đến mức Truyền hình cáp Hồng Kông mua quyền để phát sóng vào năm 2012.

Đến năm 2007, Trung Quốc Đại lục đã trở thành nhà sản xuất phim truyền hình lớn nhất thế giới, sản lượng 15.000 tập mỗi năm.

Hậu cung Chân Hoàn truyện dài 76 tập, đã thu hút sự chú ý đến mức Truyền hình cáp Hồng Kông mua quyền để phát sóng vào năm 2012

Sản lượng lớn đến nỗi các kênh truyền hình truyền thống không thể theo kịp, và vào năm 2013, internet đã trở thành hạ tầng chính. Năm tiếp sau đó có 250 phim bộ tổng cộng 2.918 tập được thực hiện bởi hoặc cho các cổng phát trực tuyến.

Ở Hồng Kông ngày nay, cả ba đài truyền hình phát sóng miễn phí đang ngày càng phụ thuộc vào các phim bộ truyền hình nhập từ Đại lục và Hàn Quốc.

“Thời thế giờ đã thay đổi khi Đại lục đạt được đẳng cấp thanh lịch và thời trang và kỹ thuật riêng trong việc sản xuất những phim bộ truyền hình tinh tế của họ,” theo giáo sư Zhu thuộc Baptist University. “Đại lục đã tích cực định lại thương hiệu thành vùng đất mới của cơ hội. Sức mạnh kinh tế quyết định địa vị văn hóa.”

Trong thập kỷ qua, một số phim bộ truyền hình nổi tiếng ở Đại lục đã được đạo diễn hoặc đồng đạo diễn bởi các đạo diễn Hồng Kông.

Thời điểm xác định cho sự nổi tiếng của các xuất phẩm Hồng Kông ở Đại lục đến với Máu nhuộm Bến Thượng Hải, có siêu sao Châu Nhuận Phát và cựu hoa hậu Triệu Nhã Chi trong một câu chuyện tình bi thảm được mệnh danh là “Bố già của phương Đông”

“Đại lục có rất nhiều không gian, tài năng và vốn,” Uông Minh Thuyên nói, chỉ ra rằng khu phức hợp phim trường Hoành Điếm ở tỉnh Chiết Giang có bản sao nguyên cỡ các cung điện xưa cho phim bộ cổ trang, điều mà một Hồng Kông đói không gian không thể có được.

Đại lục còn trả thù lao tốt hơn. “Một số nghệ sĩ có thể kiếm được vài trăm nghìn nhân dân tệ bằng cách hát một vài bài hát. Điều này là không thể tưởng tượng được ở Hồng Kông,” Uông Minh Thuyên nói thêm.

Đi chênh vênh trên dây kiểm duyệt

Ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã lưu ý việc rút cạn tài năng, Điền Khải Văn nói.

“Thị trường Đại lục vẫn chưa đạt đến đỉnh,” anh nói, thêm rằng tiền nhiều không chỉ dành cho các ngôi sao mà còn cả êkíp ở các hậu trường, với sự hỗ trợ mạnh mẽ cho công nghiệp văn hóa từ chính quyền địa phương.

Năm ngoái, tổng doanh thu phòng vé Đại lục đạt kỷ lục 55,9 tỉ nhân dân tệ, gần gấp 3,5 lần Hồng Kông.

Toàn cảnh Viên Minh Viên tái dựng trong phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc - bản sao nguyên cỡ các cung điện xưa cho phim bộ cổ trang, điều mà một Hồng Kông đói không gian không thể có được

Nhưng các tác phẩm của Hồng Kông khó tiếp cận thị trường Đại lục, bởi vì Trung Quốc đặt ra hạn ngạch từ 64 đến 74 phim nhập khẩu mỗi năm.

Tuy nhiên, các xuất phẩm đồng sản xuất cung cấp cho các nhà làm phim Hồng Kông một giải pháp. Một thỏa thuận xem những bộ phim do các công ty hai bên sản xuất là xuất phẩm trong nước và mang lại cho các nhà sản xuất Hồng Kông 35% doanh thu vé, thay vì chỉ 15%. Thỏa thuận này là một phần của Thỏa thuận đối tác kinh tế chặt chẽ hơn (CEPA) giữa chính phủ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông vào tháng 10 năm 2003 nhằm thúc đẩy nền kinh tế của đặc khu, khi nó đang vật lộn để phục hồi sau suy thoái từ đại dịch Sars năm đó.

15 năm qua, tỷ lệ xuất phẩm đồng sản xuất tăng vọt từ khoảng 15% đến hơn 60% tổng sản lượng của Hồng Kông. Ba trong số 10 phim bom tấn hàng đầu ở Đại lục là xuất phẩm chung, thu được từ 2,44 tỉ đến 3,65 tỉ nhân dân tệ.

Nhưng vấn đề về các chủ đề cấm kỵ và kiểm duyệt vẫn còn đó.

Quảng cáo phim Đại lục ở một góc phố Hồng Kông

“Lằn đỏ luôn luôn tồn tại,” Điền Khải Văn nói. “Chúng tôi không biết chính xác chúng ở đâu, hoặc sẽ được sử dụng khi nào và chống lại ai.”

Anh cho biết nhiều bộ phim đã không được kiểm duyệt của Đại lục thông qua và không có ai có thể làm gì về điều đó.

Kết quả là, anh nói, một số nhà sản xuất Hồng Kông đã chọn tự kiểm duyệt, trong khi những người khác cài cắm một vài cảnh mà họ hy vọng các nhà kiểm duyệt vạch lá tìm sâu sẽ cắt ngay và thông qua cho phần còn lại của bộ phim.

Khi nhà cầm quyền không hài lòng, cơn thịnh nộ của họ đến ngay và luôn.

Các nghệ sĩ Đài Loan, những người công khai ủng hộ sinh viên tham gia “phong trào hoa hướng dương”, cuộc biểu tình chống lại một thỏa thuận thương mại dịch vụ với Đại lục năm 2014 bị các phương tiện truyền thông nhà nước ở Đại lục chỉ trích nặng nề là “đập vỡ nồi cơm đang ăn.”

Diễn viên Đỗ Vấn Trạch không được các cơ quan chức năng Trung Quốc ưa thích vì bảo vệ những người biểu tình và chỉ trích chính quyền Hồng Kông

Hình phạt có thể đi từ đánh sập mạng, hủy hợp đồng, giảm thời gian xuất hiện trên màn ảnh hoặc cấm hoàn toàn việc biểu diễn ở Đại lục.

Một số nghệ sĩ Hồng Kông đã bị trừng phạt vì ủng hộ những người biểu tình trong phong trào Occupy, làm đóng cửa một số khu vực kinh doanh trong 79 ngày hồi năm 2014.

Họ bao gồm các ca sĩ Hoàng Diệu Minh và Hà Vận Thi, những người tham gia cuộc biểu tình, và các diễn viên Đỗ Vấn Trạch và Huỳnh Thu Sinh, đã bảo vệ những người biểu tình và chỉ trích chính quyền Hồng Kông.

Phim Hồng Kông bản sắc Trung Quốc?

Diễn viên hài Hồng Kông Vương Tổ Lam, đã hoạt động ở Đại lục từ năm 2010 và thành lập hãng phim riêng ở đó hai năm trước, cho biết: “Các hợp đồng hiện nay quy định rằng nếu một nghệ sĩ hoặc đạo diễn gây thiệt hại cho xuất phẩm do đạo đức cá nhân, hành vi phạm tội hình sự hoặc lập trường chính trị, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Họp báo ngày 21/3/2018 công bố “Hiệp hội vì sự phát triển tốt hơn cho ngành giải trí Hồng Kông ở Trung Quốc Đại lục”, chính thức thành lập hiệp hội giúp đỡ nghệ sĩ ở Hồng Kông và Macau tiếp cận cơ hội trong ngành giải trí Đại lục. Thành viên của hiệp hội gồm Thành Long, Uông Minh Thuyên, Đàm Vịnh Lân, Tằng Chí Vỹ, Cổ Thiên Lạc, Tạ Đình Phong, Lưu Vỹ Cương, Mạc Hoa Luân, Vương Tổ Lam (ảnh trên, phải) và nhiều người khác

Vương Tổ Lam, có chân trong cơ quan cố vấn chính trị cho chính quyền tỉnh Quảng Tây, đã thẳng thắn về áp lực đối với các nghệ sĩ xuyên biên giới.

“Một số người Hồng Kông có thể chỉ trích tôi khi tôi nói tôi là một người yêu nước, nhưng nếu tôi không nói như vậy, một số khán giả yêu nước có thể chỉ trích tôi,” anh nói.

Vương Tổ Lam cho biết anh không tin xuất phẩm đồng sản xuất là cách để giữ cho ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông phát triển mạnh. “Tôi thà làm phim hoặc phục vụ cho Đại lục, hoặc theo phong cách Hồng Kông,” anh nói. “Tại sao chúng ta không làm cái gì có bản sắc đích thực của Hồng Kông và giới thiệu với khán giả Đại lục?”

Tiến sĩ Lô của Baptist University không cho rằng xuất phẩm đồng sản xuất sẽ phá hủy hương vị phim Hồng Kông.

Project Gutenberg được khán giả Đại lục yêu thích,” Lô Vỹ Lực nói, đề cập đến một bộ phim phát hành hồi tháng 10.

Được đầu tư vốn và các ngôi sao từ Hồng Kông và Đại lục, bộ phim có kịch bản và đạo diễn người Hồng Kông. Lô Vỹ Lực không nghĩ câu chuyện về một họa sĩ thất vọng trở thành bậc thầy làm tiền giả lại có thể chiếu ở Đại lục hoặc Đài Loan.

“Điện ảnh Hồng Kông phải tìm ra đặc sắc riêng,” tiến sĩ Lô nói. “Phim Hong Kong không phải tìm cách phát hành ở Đại lục nếu có thể kiểm soát tốt kinh phí và thu hút khán giả địa phương.”

“Ở chừng mực nào đó, phim Hồng Kông mất đi sức hấp dẫn bởi vì chúng ta đồng ý thỏa hiệp với sự đánh giá chuyên môn và tính chuyên nghiệp của chúng ta,” Điền Khải Văn nói.

Uông Minh Thuyên tin rằng tài năng trẻ trong truyền hình và điện ảnh ở Hồng Kông có cơ hội ở vùng “Greater Bay Area” (Quảng Đông – Hồng Kông – Macau), nơi có gần 70 triệu người hiểu tiếng Quảng Đông.

Tầm nhìn Bắc Kinh là kết nối Hồng Kông, Macau và chín thành phố ở tỉnh Quảng Đông và tạo ra một siêu cường công nghệ và đổi mới để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của California.

Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới của Trung Quốc, nối ba thành phố Hồng Kông, Macau và Chu Hải đã được khánh thành vào sáng 23/10 sau chín năm xây dựng

“Ở đó có rất nhiều người có thể hiểu ngôn ngữ của chúng ta và thưởng thức tác phẩm của chúng ta,” Uông Minh Thuyên nói. “Và quy mô thị trường không lớn bằng cả Đại lục nên sẽ phù hợp cho tài năng trẻ thực tập.”

Hồi tháng 3, Uông Minh Thuyên, ngôi sao kung fu Thành Long và diễn viên hài kỳ cựu Tằng Chí Vỹ đã tham gia thành lập một hiệp hội để giúp các nghệ sĩ Hồng Kông tiến vào Đại lục.

Mặc dù Uông Minh Thuyên cho biết cô tôn trọng những người kiên định với niềm tin chính trị của họ, cô cũng nói: “Nếu bạn muốn tham gia vào một thị trường nào đó, bạn phải suy nghĩ kỹ về việc bạn có nên kiểm tra các quy tắc ở đó không.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post