Nhân vật & Sự kiện

Die Hard: Bộ phim làm thay đổi cuộc chơi hành động của Hollywood

23/11/2018

“Nếu Willis kiếm được 5 triệu đôla, thì Redford bao nhiêu?” một tít tin trên tờ The New York Times ngày 16 tháng 2 năm 1988 đặt câu hỏi, có vẻ để lưu ý cho sự bối rối và hoảng hốt chào đón tin về khoản thù lao lớn của Bruce Willis cho Die Hard, một phim hành động mới từ 20th Century Fox.

Những bộ phim trả thù lao cao kinh hoàng là chuyện cũ rích đáng tin cậy trong ngành báo chí giải trí; các nhà điều hành và hãng đại diện đã lên tiếng lo ngại về sự kết hợp chi phí nhân tài ngày càng tăng sau khi Marlon Brando đạt thỏa thuận siêu nhân của anh (4 triệu đôla) và Dustin Hoffman hái ra tiền cho Tootsie (5,5 triệu đôla). Họ cũng lên tiếng như vậy khi Jim Carrey nhận 20 triệu đôla cho The Cable Guy vào năm 1996, hoặc khi Keanu Reeves được trả 30 triệu USD cho hai phần tiếp theo của Ma trận. Nhưng thỏa thuận của Willis thậm chí không phải là lớn nhất trong mùa hè năm 1988 — như bài báo của The New York Times lưu ý, Sylvester Stallone đang kiếm được khoảng 12 triệu đôla cho Rambo III.

Điều làm cho thỏa thuận của Die Hard đáng lên báo đó là khoản tiền 5 triệu đôla cho một diễn viên truyền hình, trong một thời đại cách-đây-không-lâu trước khi có thế giới khác biệt giữa một diễn viên truyền hình và một ngôi sao điện ảnh. Hollywood gần đây đã theo dõi Shelley Long, Don Johnson, và Bill Cosby thử sức và không chuyển đổi thành công. Tại sao Bruce Willis, được biết đến chủ yếu với vai diễn trên phim truyền hình Moonlighting của đài ABC, đã đóng vai chính trong hai phim thất bại (Blind Date năm 1987 và Sunset năm 1988), thì khác? Hơn nữa, anh là một diễn viên phim hài truyền hình. Anh mặc áo thun lót chạy khắp cao ốc với một khẩu súng máy như Stallone để làm chuyện gì vậy?

Xuất thân diễn viên phim hài truyền hình, nhận kịch bản đã bị nhiều nam diễn viên hành động cùng thời từ chối, Bruce Willis bước vào vai John McClane

Nhưng anh có chiến lược. “Nếu một diễn viên có thể đóng vai chính trong một bộ phim hành động và thuyết phục được khán giả,” Willis giải thích trong cuộc phỏng vấn với Video Review, “thì anh ta có thể làm các loại phim khác và sau đó trở lại với phim hành động vì công chúng đã chấp nhận anh ta là một người hùng trong thể loại này.” Và Willis ở vị trí quyền lực cho bộ phim hành động cụ thể đó; dù chủ tịch 20th Century Fox, Leonard Goldberg nói với The New York Times, “Chúng tôi đã liên hệ với Bruce Willis vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một phim lớn tiềm năng vốn là phương tiện tạo ngôi sao,” tờ báo này cũng đưa tin rằng hãng phim “quá cần một ngôi sao cho Die Hard... diễn viên nào cũng từ chối kịch bản phim, trong đó có Richard Gere và Clint Eastwood.” Kể từ đó, tin đồn còn có Burt Reynolds, Don Johnson, Harrison Ford, Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone đều bỏ qua kịch bản.

Ồ, và Frank Sinatra nữa. Die Hard dựa trên một cuốn tiểu thuyết năm 1979 của Roderick Thorp có tựa đề Nothing Lasts Forever - phần tiếp theo cuốn The Detective năm 1966 cũng của Thorp, vốn đã được chuyển thể thành phim với Sinatra đóng vai cảnh sát New York chuyển sang làm thám tử tư tên Joe Leland. Hợp đồng của Sinatra ràng buộc hãng phim phải chào vai này với ông trước, nhưng ông đã từ chối (có lẽ là trước sự thở ra nhẹ nhõm của các nhà làm phim). Các biên kịch Jeb Stuart và Steven E. de Souza viết lại vai này thành John McClane, một cảnh sát điều tra NYPD trẻ tuổi hơn, đến California để thăm người vợ xa cách đã lâu tại bữa tiệc Giáng sinh ở nơi làm việc của cô (trong truyện anh đến thăm con gái) khi tòa cao ốc này bị bọn khủng bố chiếm đóng. Các nhà sản xuất Lawrence Gordon và Joel Silver đã thuê John McTiernan, đạo diễn bộ phim hành động đình đám Predator năm trước, chỉ đạo.

Đạo diễn John McTiernan, giữa, chỉ đạo trên trường quay Die Hard

McTiernan nói với Variety rằng ông đã đẩy chất “giải trí” lên, chuyển những mối quan tâm chính trị nghiêm trọng của nhân vật Gruber trong cuốn sách thành một vụ cướp: “Tôi thích ý tưởng hình dung điều gì sẽ xảy ra khi một trong những gã kiểu Băng đảng Baader-Meinhof* đã chán chuyện tranh đấu chính trị và quyết định cho người ta biết tội phạm là gì.” Phim khởi quay ngày 2 tháng 11 năm 1987 — với tòa nhà Fox Plaza của chính hãng phim đóng đúp thành tòa nhà Nakatomi Plaza trong phim, được bổ sung bởi các cảnh quay ở Stage 15 của khu trường quay Century City — và đóng máy vào tháng 3 sau, bốn tháng trước khi phát hành vào mùa hè.

Khi ngày phát hành đến gần, Fox bắt đầu toát mồ hôi với khoản đầu tư 5 triệu đôla của họ. Bài điểm phim hè của The New York Times dự đoán bộ ba đối thủ hành động của Die Hard (Rambo III của Stallone, Red Heat của Schwarzenegger, và The Dead Pool của Eastwood) “có khả năng thành công”, trong khi băn khoăn liệu Willis có “đủ sức mạnh ngôi sao điện ảnh để gánh vác bộ phim hay không.” Sau đó, tờ báo này đưa tin rằng sự trông đợi dành cho bộ phim là yếu ớt và khán giả được khảo sát cho biết “không có hứng thú xem anh ta chạy nhảy khắp tòa nhà chọc trời bắn bọn khủng bố.” (David Ansen của Newsweek thẳng thừng hơn, gọi Willis là “diễn viên không nổi tiếng nhất từ trước đến nay mà kiếm được 5 triệu đôla cho một phim.”) Đi nước đôi một chút, bộ phận tiếp thị của Fox đẩy cảnh tòa nhà nổ tung ra trước và ở trung tâm trên các quảng cáo và áp phích, và giảm nói đến ngôi sao của họ trong trailer cuối cùng.

Một cảnh sát điều tra NYPD trẻ tuổi, ôm gấu bông làm quà bay đến California để tặng người vợ xa cách đã lâu tại bữa tiệc Giáng sinh: John McClane trở thành người đại diện trực tiếp cho khán giả

May mắn cho Fox, khi khán giả xem phim, họ thích. Phản ứng tại các buổi chiếu trước tốt hơn dự kiến rất nhiều, và truyền miệng mạnh đến mức dù mở màn ở vị trí thứ ba với 7 triệu đôla, bộ phim vẫn nằm trong tốp 5 suốt mười tuần một cách đáng kinh ngạc, mãi đến tháng 10 mới rớt xuống vị trí thứ sáu. Tổng kết phòng vé mùa hè năm đó của The New York Times trích dẫn thành công của bộ phim là bằng chứng cho thấy “thể loại phim hành động không chết” (trong khi nói qua loa về Rambo III kém hiệu quả là “thất vọng lớn” và không đề cập chút gì đến phim của Schwarzenegger và Eastwood). Die Hard đã hoàn thành thời gian chiếu rạp với 83 triệu đôla ở Bắc Mỹ và 57 triệu đôla toàn cầu — một khoản hoàn vốn đầu tư tuyệt vời không chỉ cho thù lao của Willis mà còn chi phí 28 triệu đôla tổng cộng — và tiếp tục thành công trên cả tuyệt vời ở thị trường video gia đình. Khi phần tiếp theo của Die Hard ra rạp vào mùa hè hai năm sau, nó còn vượt hơn phim đầu.

Điều gì khiến người ta thích? Hai tuần sau khi được phát hành, Vincent Canby của The New York Times đã đăng bài, tuyên bố rằng đó “không phải là phim dành cho trẻ em, cũng không phải là phim dành cho người lớn. Thay vì thế, đó là một bộ phim cho người Mỹ mới của kỷ nguyên điện tử, những người lớn-trẻ con, có thể là 8, 18, 38 hoặc 80 tuổi.” Không phải là Canby đã sai, tất nhiên, mà là Die Hard không đặc biệt tượng trưng cho cái mà bây giờ chúng ta gọi là một phim “bao hết” (nguyên văn “four-quadrant”: thuật ngữ trong tiếp thị chỉ sản phẩm dành cho mọi người mọi lứa tuổi, giới tính… - ND), cũng không đánh dấu sự lên ngôi của phim sự kiện nhiều hơn Jaws hay Star Wars (hoặc bất kỳ bộ phim hành động nào của thời đại đó — đang nói anh đấy, Top Gun).

Cú nhảy bằng ống dây vòi chữa lửa rất thú vị vì rất phức tạp

Ngược lại, có vẻ như hết sức sáng tỏ rằng khán giả không chỉ hưởng ứng “yếu tố ly kỳ không cần động não” của bộ phim. Chắc chắn, đó là một phim bắn-chết-hết đếm-được-vô-số-xác, đầy ắp hiệu ứng và cảnh hành động dàn dựng. Nhưng nó cũng có cốt truyện thông minh (nhất là những màn giả vờ rồi lộ tẩy) và được xây dựng khéo léo (cú nhảy bằng ống dây vòi chữa lửa rất thú vị vì rất phức tạp), và khán giả có nhân vật có thể thông cảm và nhân bản hơn nhiều so với những phim hành động thập niên 80 về người máy điển hình. Và đó là chỗ Willis đề cao. “Đối với dự án để đóng phim, bạn phải cảm thấy nhân vật có thể không thành công,” nhà sản xuất Larry Gordon giải thích, “và Bruce là người bình thường hơn hầu hết các ngôi sao lớn của bạn.”

Đó không chỉ là tính cách du côn, một-gã-từ-Jersey của anh. Die Hard được định vị là một trải nghiệm bản năng một cách chính đáng vì John McClane trở thành người đại diện trực tiếp cho khán giả; phim trở thành một kịch bản tình huống “bạn sẽ làm gì”, và một bài tập ứng biến. Đây là một phần trong sự khéo léo của kịch bản chuyển thể của Stuart và de Souza — trong Nothing Lasts Forever, Joe Leland là một chuyên gia an ninh làm việc theo hợp đồng có chuyên môn về khủng bố quốc tế, nên anh có kiến thức, nghiên cứu và kinh nghiệm thực chiến (anh ta còn biết xuất thân và sinh học của Gruber) để hành động. John McClane là một cảnh sát đường phố, trượt đũng quần để băng qua vụ việc này, giống như chúng ta.

Cảnh McClane đau đớn gỡ miểng kính ra khỏi lòng bàn chân khôn ngoan lấy được sự ủng hộ của khán giả khi John McClane trở thành một anh chàng bình thường, dễ bị tổn thương

Và đi tới kết thúc đó, Willis chuyển tải một sự thất thế dễ tổn thương nhiều hơn xa so với chuẩn thông thường. Một trong những chi tiết đau đớn nhất trong Die Hard là tổn thương trên đôi chân trần của McClane, biến thành gót chân Achilles của anh theo đúng nghĩa đen, đặc biệt là sau khi Gruber chỉ thị đám tay chân của hắn “bắn bể kính”, khiến McClane bị cắt trúng, chảy máu bê bết trong suốt phần đêm dài còn lại. Cảnh McClane ngồi trong bồn tắm, đau đớn gỡ miểng kính ra khỏi lòng bàn chân của anh, được thể hiện không như kiểu tự phẫu thuật dễ sợ mà bạn thấy trong một phim Rambo, mà như một khoảnh khắc đau đến nhăn nhó — nhưng là một mánh khóe tinh khôn khác để làm tăng sự quan tâm ủng hộ cho nhân vật chính của chúng ta.

Willis biết anh đang làm gì. “Chúng tôi đã dành rất nhiều công sức để khiến John McClane trở thành một anh chàng bình thường, dễ bị tổn thương,” anh nói với Frank Lovece của tờ New York Post trong một phỏng vấn trước phát hành. “Ai cũng biết một người nào đó giống như anh ấy — anh không phải là siêu anh hùng, Rambo nào đó. Anh mệt mỏi và anh cảm thấy đau đớn và anh sợ hãi.” (Đó là một phần lý do tại sao các phần tiếp theo sau thất bại thấy rõ đến vậy: Lúc McClane một tay hạ chiếc máy bay phản lực chết tiệt trong Live Free or Die Hard, anh lại trở thành một siêu anh hùng hành động khác nữa rồi.)

Hans Gruber từng là một người có lý tưởng cao đẹp, giờ đây bị lòng tham thúc đẩy

Die Hard đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên phim hành động — cụ thể là, kỷ nguyên “Die Hard trên một phim xảy ra ở một địa điểm hoặc phương thức vận chuyển.” Kỷ nguyên này có phần tiếp theo riêng (ở sân bay), Speed (trên xe buýt), Under Siege (tàu chiến), Under Siege 2 (xe lửa), Passenger 57 (máy bay), và trong hè vừa qua, hơi có chút vòng tròn khép kín không thể tránh khỏi, Skyscraper (trở lại một tòa nhà). Nhưng khởi đầu của một kỷ nguyên này cũng là kết thúc của một kỷ nguyên khác, và nhắc đến Rambo là có ý cả; với Willis mới nổi vượt trội so với các phim mới của Stallone và Schwarzenegger vào mùa hè năm 1988 đó, rõ ràng thời của siêu nhân vật được điểm danh. Họ là những người hùng thời Reagan, và Hans Gruber của Die Hard, từng là một người có lý tưởng cao đẹp, giờ đây bị lòng tham thúc đẩy, không nghi ngờ gì nữa là một nhân vật phản diện thời Reagan.

“Tất cả những người hùng từng đại diện cho sự chắc chắn, can đảm và tự tin không lay chuyển đã bị quét sạch, những tượng đài bị lật đổ,” Adam Sternbergh viết trên The New York Times Magazine. “Và người vẫn còn đứng đó là người đại diện cho sự sợ hãi, lo âu, thất vọng, bất ổn và, bất chấp tất cả, hy vọng phi lý. Đây là một thế giới bồn chồn, và càng ngày càng phức tạp, nằm ngoài sự hiểu biết, và đôi khi tất cả dường như được chắp nối với nhau bằng những sợi chỉ sờn sứt, và cảm giác này trở nên còn tồi tệ hơn khi bạn già đi.”

Chắc chắn Die Hard là một phim bắn-chết-hết đếm-được-vô-số-xác, đầy ắp hiệu ứng và cảnh hành động dàn dựng. Nhưng nó cũng có cốt truyện thông minh và được xây dựng khéo léo

Thập niên 1980 có thể là lần cuối cùng người Mỹ thuyết phục được bất cứ ai rằng họ không thể sai lầm và không thể hủy diệt. Thật là nhảm nhí, và hầu hết chúng ta đều đã biết. Và kể từ đó người Mỹ đã dành rất nhiều thời gian gỡ miểng kính ra khỏi bàn chân họ.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vulture


* Nhóm Baader-Meinhof hoặc Băng đảng Baader-Meinhof, là tổ chức chiến binh hiếu chiến theo xu hướng cực tả của Tây Đức. (Wiki)