Nhân vật & Sự kiện

Điện ảnh võ thuật Hồng Kông: Vì sao Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ đạt địa vị kinh điển

28/04/2020

Vào ngày 23 tháng 4 năm 1995, Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ đã thắng hai giải — cho chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và thiết kế trang phục và hóa trang đẹp nhất — tại Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) nhưng đã thua trong hai hạng mục hàng đầu: Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất về tay bộ phim năm 1994 cũng của đạo diễn họ Vương, Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm).

Hai mươi lăm năm sau, Đông Tà Tây Độc được nhìn nhận miễn tranh cãi là một tác phẩm kinh điển mà nó xứng đáng.

Lương Triều Vỹ vào vai một kiếm sĩ mù trong phim Đông Tà Tây Độc

Là một điều dị thường trong dòng phim kiếm hiệp vì Đông Tà Tây Độc tập trung vào đời sống nội tâm của các nhân vật hơn là những màn trình diễn võ thuật của họ. Vương Gia Vệ sử dụng thể loại kiếm hiệp làm nền cho một bộ phim nội tâm tập trung vào tính chất chủ quan của thời gian, việc không thể quay về quá khứ để sửa chữa những hành động hối tiếc, và những sự khó khăn phát sinh từ các mối quan hệ.

Trong phim, Vương Gia Vệ sử dụng thế giới giang hồ (cộng đồng của các nhân vật trong truyện kiếm hiệp) để khám phá một mạng lưới những mối quan hệ cá nhân điều thường được thể hiện thông qua các cảnh chiến đấu, thay vào đó bằng cách sử dụng những đoạn hội thoại sâu sắc và hình ảnh thơ mộng. Kết quả là một kiệt tác độc đáo tồn tại cả bên trong và bên ngoài thể loại kiếm hiệp.

Tốn hai năm để hoàn thành — thật ra quay chỉ mất bốn tháng — Đông Tà Tây Độc được phát hành năm 1994. Xuất hiện khoảng một năm sau khi thể loại kiếm hiệp được hiện đại hóa trở nên phổ biến bởi các phim Tiếu ngạo giang hồ của Từ Khắc bị quên lãng dần, Đông Tà Tây Độc đã vấp phải sự thờ ơ từ khán giả, nhưng được hoan nghênh bởi các nhà phê bình ở Hồng Kông.

Ảnh tĩnh trích từ phim Đông Tà Tây Độc

Do Vương Gia Vệ viết kịch bản dựa trên tiểu thuyết bốn tập của tác giả kiếm hiệp Kim Dung, một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất của làn sóng tiểu thuyết gia võ hiệp mới đã hiện đại hóa thể loại văn học lâu đời này vào thập niên 50.

Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung được chính thức đăng từng kỳ trên Nhật báo thương mại Hồng Kông (Hong Kong Commercial Daily) vào năm 1957. Là điển hình của thể loại văn học này, bộ truyện kể chi tiết các mối quan hệ đan xen và kỳ công chiến đấu của các hiệp khách giang hồ.

Bộ truyện trở nên nổi tiếng ở Hồng Kông, và cũng đã được chuyển thể thành phim trước đó, đáng chú ý là bộ ba phim Anh hùng xạ điêu do Trương Triệt đạo diễn. Nó cũng đã được chuyển thể bốn lần cho truyền hình.

Với Đông Tà Tây Độc, Vương Gia Vệ chọn ba nhân vật từ cuốn tiểu thuyết — thành viên của một nhóm trong sách gọi là “Võ lâm ngũ bá”, những người không phải là nhân vật chính — và tự do hư cấu câu chuyện về cuộc đời của họ xuyên suốt thời gian trước khi cuốn tiểu thuyết bắt đầu.

Trương Quốc Vinh trong vai Tây Độc Âu Dương Phong

Vương Gia Vệ được yêu cầu chuyển thể cuốn sách vào mùa đông năm 1992, và cảm thấy ông không thể bỏ lỡ cơ hội để làm một bộ phim kiếm hiệp với ngân sách khổng lồ.

“Tôi đọc lại cả bốn cuốn của bộ tiểu thuyết, và cuối cùng, thay vì làm một phiên bản điện ảnh của cả cuốn sách, tôi quyết định chỉ sử dụng hai trong số nhiều nhân vật của nó, Đông Tà Hoàng Dược Sư và Tây Độc Âu Dương Phong, và phát triển một câu chuyện tách biệt về xuất thân của hai người họ,” Vương Gia Vệ nói trong ghi chú sản xuất ban đầu của phim.

Vương Gia Vệ cũng sử dụng nhân vật thứ ba từ tiểu thuyết, Bắc Cái Hồng Thất Công.

“Tôi chọn họ vì họ có những tính cách cực kỳ khác biệt nhau, đôi khi đến mức người này là đối chọi với người kia. Tôi đã cố gắng làm khác đi một chút từ thể loại võ thuật truyền thống. Thay vì đối xử với những nhân vật này như những anh hùng, tôi muốn xem họ như những người bình thường, trước khi họ trở thành những anh hùng,” ông nói.

Trương Mạn Ngọc trong phim Đông Tà Tây Độc

Câu chuyện của Vương là mê cung theo cách của một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp điển hình, nhưng hầu như không thể dò đường cho đến khi các mối quan hệ của những tính cách tréo nhau được thấu hiểu.

Tây Độc Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh thủ vai) là một kiếm sĩ vỡ mộng sống cô độc trong sa mạc, ở đó anh làm công việc sát thủ đánh thuê — anh là trục chính của bộ phim để tất cả các nhân vật khác tương tác với. Âu Dương Phong thương tiếc bỏ lại người phụ nữ anh yêu (Trương Mạn Ngọc thủ vai) để theo đuổi cuộc đời giang hồ hiệp khách.

Âu Dương Phong được một bạn giang hồ ghé thăm, Đông Tà Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy), do người tình cũ của anh phái đến. Nhiều nhân vật đáng sợ khác có tương tác với Âu Dương Phong.

Những vai này do Lương Triều Vỹ, Trương Học Hữu (vai Bắc Cái Hồng Thất Công, nhân vật thứ ba được lấy trực tiếp từ tiểu thuyết của Kim Dung), Dương Thái Ni, Lưu Gia Linh, và Lâm Thanh Hà đóng.

Lâm Thanh Hà trong phim Đông Tà Tây Độc

Lâm Thanh Hà đóng cả nhân vật nam và nữ, đề cập đến vay trò linh hoạt giới tính trong tiểu thuyết kiếm hiệp.

“Tôi luôn thích nhấn mạnh vào sự giao tiếp trong những bộ phim của tôi. Nhưng Đông Tà Tây Độc có rất nhiều các nhân vật mà bản thân họ không muốn giao tiếp vì không muốn cảm thấy bị chối bỏ,” Vương Gia Vệ nói với người viết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1995.

Bộ phim kết thúc với cảnh Âu Dương Phong lên đường đảm nhận vai trò của anh trong cốt truyện của Kim Dung — trong đó anh là một nhân vật phản diện — theo sau là Hoàng Dược Sư và Bắc Cái Hồng Thất Công.

Phần lớn câu chuyện được truyền tải thông qua dẫn chuyện (voice-over). Mặc dù kỹ thuật này đã được phổ biến bởi Làn sóng mới đến từ Pháp như một cách tiết lộ những suy nghĩ nội tâm của nhân vật, Vương Gia Vệ nói rằng nó cũng là một tham khảo từ việc tiểu thuyết kiếm hiệp được kể lại trên sóng phát thanh.

Đông Tà Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy)

“Những lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với những câu chuyện kiếm hiệp không phải ở dạng từ ngữ trên sách,” ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Liên hoan phim New York.

“Vào thời điểm đó, tôi đã nghe chúng trên chương trình truyền thanh. Vì vậy, tôi muốn Đông Tà Tây Độc được nghe cũng như được thấy. Đó là lý do vì sao tôi đã vào lời dẫn chuyện — để bạn cũng có thể tưởng tượng đó là một chương trình phát thanh.”

Vương Gia Vệ còn tham khảo từ những cuốn sách bằng cách bao gồm các tít theo phong cách của tựa chương hồi trong sách.

Cảnh hành động, do Hồng Kim Bảo biên đạo, rất ít.

Có một vài phiên bản khác nhau của bộ phim tại thời điểm phát hành, bao gồm phiên bản quốc tế, phiên bản Hồng Kông, và những phiên bản cho thị trường Đông Nam Á có chứa nhiều cảnh hành động hơn. Phiên bản 2008 của Redux, được phục chế để bảo tồn bộ phim, cắt đi một vài phân cảnh hành động vì các cảnh quay bị thất lạc hoặc không thể sử dụng.

Bắc Cái Hồng Thất Công (Trương Học Hữu) trong bản phục chế của Redux

Phần lớn các cảnh hành động được quay bằng kỹ thuật quay 10 khung hình trên giây và sau đó in mỗi khung hình hai lần để đạt được hiệu ứng mờ, không tự nhiên.

Vương Gia Vệ đã nhắm Đông Tà Tây Độc trở thành một bản trích yếu của phong cách kiếm hiệp.

Phần mở đầu có các cảnh chiến đấu được tăng tốc độ gợi nhớ đến các phim kiếm hiệp thời kỳ đầu, và liên tưởng đến các cảnh một chọi nhiều người máu me của Trương Triệt và kiếm thuật Samurai của Akira Kurosawa. Những cảnh của Lâm Thanh Hà được quay bởi phong cách cường điệu của các phim Tiếu ngạo giang hồ mà cô từng đóng.

“Tôi muốn tổng hợp các hình thức khác nhau của thể loại này thành tầm nhìn của riêng tôi,” Vương Gia Vệ nói.

“Phim võ thuật truyền thống được làm để kích thích các giác quan của người xem. Tôi muốn biến phim của tôi thành phương tiện biểu đạt cảm xúc của nhân vật,” Vương Gia Vệ nói với nhà phê bình người Pháp Michel Ciment. “Ví dụ, khi tôi quay Lương Triều Vỹ là một chiến binh mù trong tuyết, trọng lượng thanh kiếm của anh ấy là phương tiện để cho thấy anh mỏi mệt với cuộc đời.”

Trương Quốc Vinh trong Đông Tà Tây Độc bản phục chế của Redux

Vương Gia Vệ cũng nói rằng ngoại trừ các cảnh của Lương Triều Vỹ, ông đã cố gắng tránh kỹ xảo dây cáp đã trở thành đặc trưng cho các phim hành động của Từ Khắc vì “nó dường như đã hết thời… Tôi muốn các diễn viên chiến đấu trên mặt đất nhờ đó có cảm giác thực.”

Ý nghĩa của bộ phim được diễn tấu đậm chất thơ, nhưng nó không tối nghĩa. Trong ghi chú, Vương Gia Vệ hướng người xem đến đoạn mở đầu của phim bằng kinh kệ Phật giáo: “Những lá cờ đứng yên/Gió không thổi/Đó là trái tim của người đàn ông đang trong hỗn loạn.”(tạm dịch)

Ý tưởng về bản chất nhất thời của sự tồn tại của con người được củng cố bằng việc Vương Gia Vệ dùng “24 Tiết Khí” từ Niên giám Trung Hoa để phân chia bộ phim. “Sử dụng Niên giám cho phép tôi tạo cấu trúc cho câu chuyện. Các mùa thay đổi trong bộ phim, và nó theo một chu kỳ. Mùa xuân luôn đến vào năm sau, nhưng những dung mạo thay đổi,” Vương Gia Vệ phát biểu tại Liên hoan phim New York.

Vương Gia Vệ phát biểu tại lễ trao giải Kim Tượng lần thứ 14

Cảm giác của thuyết định mệnh xuyên suốt trong Đông Tà Tây Độc, Vương Gia Vệ nói trong những ghi chú của ông, là kết quả từ việc ông đã biết câu chuyện của các nhân vật kết thúc như thế nào ngay từ đầu. Vương thường không biết một bộ phim sẽ kết thúc thế nào cho đến khi ông bắt đầu biên tập.

“Với Đông Tà Tây Độc, tôi đã biết cái kết của các nhân vật trước khi tôi bắt đầu, và tôi không thể thay đổi chúng. Điều này thấm nhuần một cảm giác của thuyết định mệnh trong tôi lẫn bộ phim,” ông nói.

Dịch: © Luân Trần @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post