Nhân vật & Sự kiện

Toàn cảnh tổn thương của ngành công nghiệp điện ảnh trước đại dịch Covid-19

15/03/2020

Có lẽ không ngành công nghiệp nào đang bị thiệt hại nhanh chóng — hay rộng khắp — bởi sự lan truyền thần tốc Covid-19 bằng ngành giải trí.

Các nhà phân tích ước tính loại virus này đã làm hại phòng vé toàn cầu mất 5 tỉ đôla, chủ yếu do đóng cửa rạp chiếu ở Trung Quốc (thị trường phim lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ), mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Pháp.

Người đeo khẩu trang đi ngang qua các áp phích phim của một rạp chiếu ở Seoul hôm 11/2/2020

Lượng người đi xem phim chiếu rạp ở nhiều nước châu Á khác giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng phim Hollywood đang bị buộc phải hoãn phát hành các bộ phim bom tấn và thay đổi mạnh mẽ lịch trình sản xuất trên toàn thế giới.

Một ngành công nghiệp thực sự toàn cầu

Ngành công nghiệp điện ảnh đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự bùng phát dịch do cả sản xuất lẫn việc tiêu thụ đầu ra của nó đòi hỏi số lượng lớn con người chen chúc nhau trong không gian nhỏ. Đây cũng là một ngành thực sự toàn cầu: Các hãng phim và công ty chế tác có văn phòng và phim trường ở nhiều quốc gia, và họ thường yêu cầu người lao động di chuyển qua lại. Chỉ cần nhìn vào dòng chạy chữ cuối phim của hầu hết các bộ phim lớn là biết có bao nhiêu địa phương mà một bộ phim hai tiếng đồng hồ dựa vào trên đường tới được màn ảnh.

Chẳng hạn, No Time to Die, phim James Bond sắp ra mắt có kế hoạch phát hành vào tháng 4 đã bị hoãn đến tháng 11, được quay ở Anh, Ý, Jamaica, và Na Uy. Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã làm việc cho bộ phim. Và họ đã làm việc trong cự ly cực kỳ gần.

Tất cả đều ở trên cùng một chiếc thuyền

Không như nhiều công việc khác, bạn không thể làm việc tại nhà khi làm cho một bộ phim đang quay. Đạo diễn không thể chỉ đạo diễn viên qua hội nghị trực tuyến. Nghệ sĩ trang điểm không thể làm công việc của họ qua ứng dụng Slack.

Do tính chất toàn cầu của việc sản xuất phim điện ảnh và truyền hình, những người trong ngành dễ bị nhiễm bệnh hơn. Nhưng họ cũng có nguy cơ lây lan virus cao hơn, do có bao nhiêu tiếp xúc vật lý cần thiết để làm một bộ phim. Nhà tạo mẫu tóc phải chạm vào khuôn mặt diễn viên. Diễn viên thường phải chạm (và hôn!) diễn viên khác. Cả đoàn làm phim liên tục sử dụng cùng các thiết bị.

Một phim đang yêu cầu nghệ sĩ trang điểm và nhà tạo mẫu tóc phải mang bao tay và đeo khẩu trang để chạm vào người biểu diễn. Nếu một diễn viên chính bị ốm và không có mặt trong một thời gian dài, có thể khiến toàn bộ lịch trình sản xuất rơi vào hỗn loạn.

Một phụ nữ đeo khẩu trang đợi băng qua đường trước một poster quảng cáo bộ phim Mulan của Disney ở Vientiane, Lào, ngày 11/3/2020

Những gì đã bị hủy hoặc hoãn

Nhiều xuất phẩm của Hollywood đã cảm nhận được ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh, và mỗi ngày một có thêm nhiều thông báo thay đổi. Không ngạc nhiên, bất kỳ xuất phẩm nào được quay tại một trong những khu vực bùng phát dịch (cụ thể là Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý) đều buộc phải thay đổi lịch trình, di chuyển địa điểm hoặc ngừng hoàn toàn. Và một số hội nghị và liên hoan phim dự kiến sẽ có những người tham dự từ những nơi trên thế giới cũng làm điều tương tự.

• Bộ phim Mission: Impossible tiếp theo, đang trong kế hoạch thực hiện quay ba tuần công phu ở Venice, đã cho đoàn làm phim về nhà vào tuần trước. Trường quay bị bỏ hoang, và một số đoàn làm phim địa phương không chắc chắn liệu bộ phim có trở lại hay không.

• Sau khi một số công ty truyền thông, bao gồm Netflix, Apple, Amazon, và WarnerMedia, rút khỏi liên hoan phim điện ảnh và truyền hình SXSW năm nay, thành phố Austin, bang Texas đã hủy liên hoan, lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm SXSW.

• Loạt chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng toàn cầu của CBS Cuộc đua kỳ thú đã đình sản xuất và cho các thí sinh về nhà “do lo ngại và bất ổn ngày càng tăng liên quan đến virus corona trên toàn thế giới,” CBS nói trong một thông báo.

Mission: Impossible 7 hủy kế hoạch quay ba tuần ở Venice, Ý

• Netflix đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Ý, nơi họ đang lên kế hoạch quay một số cảnh cho bộ phim hành động sắp tới, Red Notice, với sự tham gia của Dwayne “The Rock” Johnson.

The Bachelorette muốn quay một phần của mùa tới ở Ý. Bây giờ nó đang tìm nơi khác.

• Disney+ đã hủy buổi ra mắt báo chí châu Âu tại London trong tuần này.

• Hàng chục buổi hòa nhạc, liên hoan và hội nghị khác trên khắp thế giới đã bị hủy.

Nghi thức mới ở Trung Quốc

70.000 rạp chiếu phim Trung Quốc đã đóng cửa từ tháng 1. Đất nước này đã mất khoảng 2 tỉ đôla phòng vé kể từ khi dịch bệnh bùng phát, và chưa có phát biểu chính thức nào từ chính phủ về thời điểm các rạp chiếu sẽ được mở cửa lại và các bộ phim được phát hành lại.

Một người đeo khẩu trang đi ngang qua poster phim ở Thượng Hải ngày 18/2/2020

Nhưng khi có, quốc gia này sẽ thực thi các quy tắc nghiêm ngặt về cách hoạt động. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh và Cục Điện ảnh đã ban hành một chỉ thị chung, Variety đưa tin. Các rạp chiếu phim và các bộ phim phải làm như sau nếu muốn tiếp tục hoạt động ở Bắc Kinh, trung tâm văn hóa và giải trí lớn nhất Trung Quốc:

• Rạp chiếu phim chỉ bán vé theo hàng xen kẽ, nghĩa là chỉ có thể ở mức tối đa là một nửa công suất.

• Người xem phim phải đăng ký tên họ đầy đủ và các chi tiết khác.

• Rạp chiếu phải được khử trùng sau mỗi suất chiếu.

• Đoàn làm phim dưới 50 người có thể trở lại làm việc, nhưng chỉ những thành viên có nhiệt độ cơ thể từ 37,3 độ C trở xuống mới được tham gia.

• Tất cả các thành viên đoàn làm phim (trừ người biểu diễn) phải đeo khẩu trang trong quá trình sản xuất.

• Đoàn làm phim hơn 50 người không thể làm việc trở lại cho đến khi dịch cúm virus corona kết thúc.

70.000 phòng chiếu phim Trung Quốc đã đóng cửa từ tháng 1 và chưa có thông báo chính thức về việc mở cửa lại

Hollywood đang phản ứng thế nào

Có thể Hollywood cũng ban hành các hướng dẫn tương tự — nhất là khi virus này xâm nhập vào nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, bao gồm cả California, nơi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần rồi. Ít nhất 24 người Mỹ đã chết do virus corona cho đến nay.

Trong khi đó, hầu hết các hãng phim Mỹ đều vào chế độ chờ. Quartz đã nói chuyện với đại diện của một số công ty và các công đoàn Hollywood về cách họ đối phó với dịch bệnh và hầu hết đều theo cùng một phiên bản: Họ lắng nghe những gì WHO và CDC khuyến nghị, nhưng nói cách khác là tiến hành như bình thường, với một vài biện pháp phòng ngừa tăng cường cho diễn viên và đoàn phim.

Một số hãng phim đã triệu tập các “nhóm chiến lược” liên bộ phận để tìm cách làm sao cho nhân viên ở các khu vực bị nhiễm bệnh có thể vẫn an toàn, Variety đưa tin. Sony Pictures đã đóng cửa các văn phòng của hãng tại London, Paris và Gdynia, yêu cầu nhân viên ở những nơi đó làm việc tại nhà. IMAX khuyến khích nhân viên của mình trên toàn thế giới làm việc tại nhà, và họp hành thay bằng hội nghị trực tuyến. Amazon, bao gồm cả hãng phim điện ảnh và truyền hình, đã tạm dừng tất cả các chuyến đi của nhân viên không chủ chốt.

Giám đốc điều hành AMC Theaters, Adam Aron, cho biết công ty cảm thấy “chưa hề hấn hoặc không đau” tại một cuộc họp về doanh thu gần đây

Hãng đại diện nhân tài CAA đang buộc tất cả các chuyến công tác phải được chấp thuận và muốn các đại diện gặp gỡ ảo với thân chủ có giá trị thay vì gặp mặt trực tiếp.

Ngay cả khi virus lây lan khắp nước Mỹ, các chuỗi rạp vẫn chưa lo lắng. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành AMC Theaters, Adam Aron, cho biết công ty cảm thấy “chưa hề hấn hoặc không đau” tại một cuộc họp về doanh thu gần đây. Chưa có rạp chiếu phim nào ở Mỹ đóng cửa do virus.

Nhưng hãy nói điều đó với các nhà đầu tư. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, giá cổ phiếu AMC đã tụt so với mức trung bình của chỉ số Dow Jones, giảm hơn sáu điểm vào ngày 9 tháng 3, phần nào do hoảng loạn virus corona. Mặc dù không có rạp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, công ty này có sở hữu các rạp ở Ý, phòng vé ở đó đã giảm 95% vào cuối tuần này so với cùng kỳ năm ngoái, do đóng cửa hàng loạt.

Đứa trẻ ngắm nhìn các poster phim trong sảnh một rạp Arclight ở Manhattan Beach

Danh sách các phim hoãn phát hành do virus corona

Tuy phòng vé Mỹ đến nay chưa thấy rõ tác động, phòng vé toàn cầu đãng trúng đòn nặng khi những quốc gia như Trung Quốc và Ý đóng cửa rạp chiếu và hoãn phát hành tất cả các phim. Hậu quả là, phim có thể công chiếu ở một số vùng lãnh thổ nhất định nhưng nơi khác thì không sẽ làm tăng nguy cơ sao chép lậu. Đối với các hãng phim, điều này nghĩa là rất khí tính chính xác khi nào thì nên ra mắt những tựa phim lớn nhất của họ.

Tính đến nay, chỉ một ít tựa phim lớn và đặc biệt thay đổi kế hoạch phát hành ở Mỹ, nhưng tốc độ thay đổi đang tăng mỗi ngày.

Từ A Quiet Place phần tiếp theo đến James Bond mới nhất, nhiều tựa phim đình đám đang sắp lại lịch phát hành để tối thiểu hóa rủi ro của COVID-19 ở rạp chiếu phim và những nơi tụ tập đông người khác. Dưới đây là danh sách tất cả những phim chịu ảnh hưởng của virus corona (đã công bố đến ngày 13/3/2020):

• Military Wives (Bleecker Street)
Ngày phát hành ban đầu: 27/3/2020 (hạn chế)
Ngày mới: 22/5/2020 (hạn chế)

• Mulan (Disney)
Ngày phát hành ban đầu: 27/3/2020 (đại trà)
Ngày mới: Chưa định

• New Mutants (Fox)
Ngày phát hành ban đầu: 3/4/2020 (đại trà)
Ngày mới: Chưa định

• Antlers (Searchlight)
Ngày phát hành ban đầu: 17/4/2020 (đại trà)
Ngày mới: Chưa định

• The Truth (IFC)
Ngày phát hành ban đầu: 20/3/2020 (New York, Los Angeles)
Ngày mới: Hè 2020, chưa định

• The Artist’s Wife (Strand)
Ngày phát hành ban đầu: 3/4/2020 (New York); 10/4/2020 (Los Angeles)
Ngày mới: Chưa định

• F9 (Universal)
Ngày phát hành ban đầu: 22/5/2020 (đại trà)
Ngày mới: 2/4/2021

• A Quiet Place: Part II (Paramount, ảnh trên)
Ngày phát hành ban đầu: 20/3/2020 (đại trà)
Ngày mới: Chưa định

• The Lovebirds (Paramount)
Ngày phát hành ban đầu: 3/4/2020 (đại trà)
Ngày mới: Chưa định

• Peter Rabbit 2: The Runaway (Sony)
Ngày phát hành ban đầu: 3/4/2020 (đại trà)
Ngày mới: 7/8/2020

• Slay the Dragon (Magnolia)
Ngày phát hành ban đầu: 13/3/2020 (New York, Los Angeles)
Ngày mới: 3/4/2020

• No Time to Die (MGM)
Ngày phát hành ban đầu: 10/4/2020 (đại trà)
Ngày mới: 25/11/2020

Nguồn: Los Angeles Times

Rạp chiếu thua thì phát trực tuyến thắng

Các hãng phim Hollywood đã bắt đầu chuyển một số bộ phim kinh phí trung bình ra khỏi rạp chiếu và đưa lên các dịch vụ phát trực tuyến đang phất của họ. Virus corona có thể cung cấp một cái cớ để họ chuyển nội dung lên internet nhiều hơn, để người tiêu dùng có thể tránh những nơi công cộng đông đúc.

Nếu thêm nhiều người nữa sẽ ở nhà, họ sẽ thấy xem tivi tiện lợi hơn

Không phải vì nghĩ tới đại dịch mà các dịch vụ phát trực tuyến như HBO Max và Peacock được tạo ra. Nhưng sự khó đoán của thị trường rạp chiếu toàn cầu chắc chắn là được cân nhắc đến, và virus này nhấn mạnh mức độ thách thức mà phòng vé phải vượt qua. Phát trực tuyến cung cấp cho các công ty này thêm một lối thoát trong trường hợp khẩn cấp.

Cho đến nay, không có hãng phim nào nói họ đang hủy bỏ việc phát hành rạp của một bộ phim và ra mắt nó trực tuyến. Nhưng virus càng lan truyền lâu dài — và thị trường Mỹ càng bị ảnh hưởng — thì khả năng một hãng phim quyết định cắt lỗ phát hành rạp và đưa một bộ phim ra mắt trên dịch vụ phát trực tuyến càng cao. HBO Max của WarnerMedia ra mắt ở Mỹ vào tháng 5, trong khi Peacock của NBCUniversal ra mắt tháng 7, dành cho khách hàng của Comcast TV quyền truy cập sớm vào tháng 4.

Khi nhiều cổ phiếu Hollywood lao dốc giữa lúc dịch bùng phát, cổ phiếu Netflix chỉ bị hề hấn chút xíu. Nhiều nhà phân tích đang khuyến khích các nhà đầu tư mua ngay bây giờ. Mặc dù phim của công ty này lấy bối cảnh quay khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng như bất kỳ hãng phim Hollywood nào khác, nhưng họ không phải lo việc đưa người ta tới rạp.

Phim của Netflix lấy bối cảnh quay khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng như bất kỳ hãng phim Hollywood nào khác, nhưng họ không phải lo việc đưa người ta tới rạp

Giám đốc điều hành WarnerMedia, John Stankey, không có vẻ quá quan tâm đến virus vì cùng lý do, lập luận rằng, trên thực tế, có thể là trời cho dịch vụ HBO Max sắp tới. “Có thể nếu thêm nhiều người nữa sẽ ở nhà, họ sẽ thấy xem tivi tiện lợi hơn trong một thời gian có thể giúp chúng ta trước mắt,” ông nói ở Hội nghị Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông Morgan Stanley Technology, tại San Francisco.

Điềm báo của sự diệt vong?

Mặc dù chắc chắn đây là một năm khó khăn ở phòng vé toàn cầu cho ngành công nghiệp, hầu hết các nhà phân tích hy vọng cuối cùng điện ảnh sẽ phục hồi. Nhưng virus đã cho thấy ngành công nghiệp giải trí dễ bị tổn thương đến mức nào chỉ sau vài tháng. Trong hoàn cảnh rạp chiếu ở Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn đóng cửa cả năm — hoặc nếu Hoa Kỳ bắt đầu đóng cửa rạp — thì ngành công nghiệp có thể sụp đổ.

Sản xuất, phân phối và trình chiếu đều dựa vào nhau để giữ cho ngành công nghiệp phát triển nội dung. Nếu một trong những chức năng đó bị đình trệ, hai chức năng còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà phân phối và các công ty vận hành rạp có thể không có phim để mua và chiếu.

Virus corona đã cho thấy ngành công nghiệp giải trí dễ bị tổn thương đến mức nào chỉ sau vài tháng

Phóng viên lâu năm của Hollywood Richard Rushfield đã phác ra các khả năng trong bản tin hàng tuần của mình, The Ankler:

Thời buổi này không có vẻ thiên hạ nghiện phim ảnh đi xem, nhưng dù sao đi nữa sẽ có một khoảng trống trong cuộc sống của họ nếu người ta tránh xa các cụm rạp chiếu trong vài tháng.

Viễn cảnh các rạp chiếu phim có thể bị đóng cửa ở phần lớn thế giới trong phần lớn năm nay phải được xem xét trong phạm vi các kịch bản có thể xảy ra, có lẽ nghiêng về phía có khả năng.

Thật khó tưởng tượng làm thế nào tất cả các hãng phim bập bênh trên khả năng thanh toán duy trì được. Chẳng hạn, Sony sẽ làm gì nếu bộ phận điện ảnh bị tước mất phần lớn doanh thu phòng vé trong năm?

Có rất ít hãng phim thực sự có thể làm được gì, ngoài việc hoàn toàn xoay qua phát trực tuyến. Bản chất của cả nhu cầu làm phim và đi xem phim đòi hỏi con người tụ tập trong cự ly gần nhau. Ý niệm cộng đồng và trải nghiệm chung là cái làm cho điện ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật được tôn sùng như vậy. Và đó cũng là nguyên nhân tối hậu dẫn đến sự hủy diệt của nó.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Quartz