Nhân vật & Sự kiện

Diên Hy công lược và hiện tượng gây nghiện của thể loại 'cung đấu' Trung Quốc

18/10/2018

Những phim bộ truyền hình như Diên Hy công lược cho khán giả Trung Quốc đang thất vọng với cuộc sống của chính mình thấy được trao quyền, dù chỉ trong độ dài của một tập phim.

Còn hơn hai tháng nữa mới hết năm, nhưng 70 tập phim bộ Trung Quốc Diên Hy công lược đã trở thành một trong những hiện tượng văn hóa đại chúng lớn nhất 2018 rồi. Kể từ khi tập đầu tiên được tải lên hạ tầng trực tuyến iQiyi của Trung Quốc chưa đầy ba tháng trước, bộ phim đã thu hút hơn 15 tỉ lượt xem, trở thành một trong những phim bộ truyền hình được xem nhiều nhất lịch sử Trung Quốc.

Diên Hy công lược là điển hình của một thể loại được gọi là “cung đấu” sôi sục của Trung Quốc

Về nội dung, Diên Hy công lược là điển hình của một thể loại được gọi là “cung đấu” sôi sục của Trung Quốc, khởi nguồn từ phim bộ truyền hình Thâm cung nội chiến năm 2004 của Hồng Kông. Như tựa phim gợi ra, phim “cung đấu” thường xoay quanh những cuộc đấu đá khắc nghiệt của triều đình Trung Hoa, và đặt trong bối cảnh xa hoa, sang trọng. Mặc dù mô tả đó có thể gợi tưởng đến những phim bộ truyền hình phương Tây như The Tudors hay Game of Thrones, nhưng phim “cung đấu” không giống những phim này ở chỗ vướng mắc tình cảm và cuộc chiến quyền lực chính trị giữa các phi tần tranh giành tình cảm của hoàng đế.

Song, mặc dù Diên Hy công lược rõ ràng lấy cảm hứng từ thể loại này, thành công vang dội của nó ít nhất phần nào do việc cách tân cấu trúc trong phim bộ truyền hình “cung đấu”. Những điều chỉnh đó mang lại kết quả là một bộ phim gây nghiện đến nỗi cư dân mạng đã chế ra từ mới để mô tả: shuangju — thuật ngữ dịch thô nghĩa là “luyện phim bộ”.

Ngụy Anh Lạc, nhân vật chính đi từ thân phận một kẻ dưới cơ lên đỉnh cao quyền lực qua hành trình “cung đấu” trong phim, đem đến cho người xem đang đầy rẫy thất vọng với cuộc đời thực của mình cơ hội sống tưởng tượng thông qua hành động trên màn ảnh

Từ shuangju thực ra là chuyển thể một thuật ngữ văn học: shuangwen — luyện truyện chưởng. Shuangwen phổ biến trong ngành công nghiệp tiểu thuyết mạng ‘khủng’ của Trung Quốc, trong đó khả năng gây chìm đắm là một yếu tố quan trọng của mô hình kinh doanh này. Những tiểu thuyết mạng nổi tiếng như Fighter of the DestinyMartial Universe kể về những người đàn ông trẻ tuổi nhiệt huyết từ tầng lớp dưới đáy xã hội, với sự giúp đỡ của số phận, có thể luyện được bí kíp võ công và trở thành chiến binh huyền thoại — mỗi lần đăng một chương. Những tiểu thuyết này — một số đã được chuyển thể thành shuangju của chính mình, mặc dù không thành công như Diên Hy công lược — giữ chặt độc giả bằng cách cung cấp đều đặn các nhân vật phản diện để người hùng của họ đánh bại trong lúc vươn lên về địa vị và cuối cùng mang lại hòa bình và thịnh vượng cho xứ sở.

Shuangju đi theo mô hình tương tự. Bằng cách không ngừng tập trung vào sự đi lên của một nhân vật dưới cơ, những phim bộ này đem đến cho người xem đang đầy rẫy thất vọng với cuộc đời thực của mình cơ hội sống tưởng tượng thông qua hành động trên màn ảnh. Bất luận cuộc sống thật của chúng ta có tầm thường vô vị đến thế nào, những câu chuyện phải “cày để xem cho hết” này cung cấp một sự thoát ly hiện thực để đi vào thế giới trong đó người hùng — tức chúng ta — luôn thắng, và kẻ xấu — những con người có quyền hành và thế lực trong cuộc sống của chúng ta — nhận quả báo, rất nhanh.

Các phi tần trong Thâm cung nội chiến năm 2004 của đài truyền hình Hồng Kông TVB

Yếu tố sau mới là then chốt. Cái làm cho những phim như Diên Hy công lược gây nghiện là chúng cung cấp cho người xem đỉnh cao cảm xúc chiến thắng gián tiếp ngay lập tức và thường xuyên. Trong những phim bộ truyền hình “cung đấu”, nhân vật chính thường xuyên bị hại. Chiến thắng của họ là một quá trình lâu dài và tăng dần, trì hoãn cảm giác thỏa mãn của người xem cho đến cuối phim — nếu cái kết có hậu có đến. Ví dụ, trong Thâm cung nội chiến, các phi tần của hoàng đế tiếp tục ủ mưu và chiến đấu, ngay cả giữa lúc phiến quân công thành. Cuối cùng, tất cả họ đều bị đuổi khỏi cung hoặc bị giết. Có thể là nhẹ nhõm khi thấy họ nhận quả báo, nhưng như thế không đặc biệt trao quyền cho khán giả.

Diên Hy bỏ qua các quy ước kể chuyện này để ủng hộ cấu trúc giống như trò chơi video, với nhân vật-chèn vào-khán giả — Ngụy Anh Lạc, một cô gái trẻ xuất thân tốt, mặc dù không phải là đặc biệt cao quý — nhảy vọt từ bậc này lên bậc khác. Từ lúc cô vào cung để tìm cách trả thù cho chị gái bị sát hại, hầu như không có tập phim nào mà cô không cao mưu hơn hoặc đánh bại một trong nhiều đối thủ của cô — bộ phim tương đương với một cuộc chiến lên sếp. Đây là công thức gây say, và là một công thức cho phép người xem sống trong tưởng tượng riêng của họ về trao quyền và biến động xã hội.

Từ lúc Ngụy Anh Lạc vào cung để tìm cách trả thù cho chị gái bị sát hại, hầu như không có tập phim nào mà cô không cao mưu hơn hoặc đánh bại một trong nhiều đối thủ của cô

Không như các thể loại phổ biến khác — chẳng hạn “phim bộ thần tượng” lấy sức mạnh ngôi sao — tuy Diên Hy có các tuyến phụ lãng mạn, nó không bao giờ lạc mất tâm điểm. Có vẻ như bộ phim nhận ra rằng sức hút lớn nhất của nó — và điều khiến người xem quay lại để xem nhiều hơn — không phải là chuyện tình lãng mạn, mà là sự đi lên đỉnh cao của Ngụy Anh Lạc.

Song, không phải mọi thứ của Diên Hy đều mới, và đôi khi mã di truyền “cung đấu” của bộ phim phản bội chính nó. Mặc dù chính phủ Trung Quốc gần đây đã tỏ ra lo ngại về đạo đức và các giá trị đang được những bộ phim truyền hình nổi tiếng cổ vũ, các nhân vật trong phim bộ truyền hình “cung đấu” gần như cực kỳ phi đạo lý. Mặc dù chánh luôn thắng tà — hiện thân trong trường hợp này qua Ngụy Anh Lạc — công lý trên những phim đó mang kiểu “máu trả bằng máu” rõ rệt, và Ngụy Anh Lạc cũng có thể thẳng tay hạ độc kẻ thù của mình cũng như tìm cách khiến cho họ bị bắt.

Khi đã trả thù cho chị xong, Ngụy Anh Lạc lại trở thành một phi tần nữa tranh giành tình cảm của hoàng đế

Cũng mắc nợ các quy ước của phim bộ truyền hình “cung đấu” là chính trị tình ái. Như nhiều phim bộ truyền hình “cung đấu”, dàn diễn viên của Diên Hy hầu như toàn là nữ, phụ nữ trong phim được mô tả là những đối tượng tình dục thâm hiểm, không ngừng gấu ó trong nỗ lực giành lấy sự chú ý và chấp thuận của nam giới. Ngay cả Ngụy Anh Lạc cũng rơi vào cái bẫy này: khi đã trả thù cho chị xong, cô lại trở thành một phi tần nữa tranh giành tình cảm của hoàng đế.

Hơn nữa, trong bao nhiêu cách để bộ phim đem lại thỏa mãn trong việc thành toàn mơ ước và tưởng tượng được trao quyền, nó không bao giờ thực sự xem xét rằng Ngụy Anh Lạc có thể đi theo cách của mình lên đỉnh cao thực sự. Cô có thể chinh phục được hiện thân của chế độ gia trưởng trong phim, nhưng cô sẽ không bao giờ thay chỗ của ông. Và thậm chí bộ phim không bao giờ nghĩ rằng biết đâu cô không hề muốn đấu đá gì cả, mà chỉ việc xuất cung và sống cuộc sống của mình trong yên lành.

Bộ phim nhận ra rằng sức hút lớn nhất của nó — và điều khiến người xem quay lại để xem nhiều hơn — không phải là chuyện tình lãng mạn, mà là sự đi lên đỉnh cao của Ngụy Anh Lạc

Dành cho những ai tự hỏi làm thế nào một phim truyền hình với chính trị tình ái lạc hậu như vậy lại được người xem hiện đại ưa thích đến thế, câu trả lời có thể là vì họ có được sự thông cảm. Trong Diên Hy công lược, hoàng đế là quyền lực tối thượng: ông ta có quyền tạo ra hay phá hủy bất cứ ai bất cứ lúc nào. Cách duy nhất để những phụ nữ trong cung có được một phần của quyền lực này là giành được tình cảm của hoàng đế — thường xuyên nhất là bằng cách trừ khử các đối thủ của họ. Mặc dù nghe có vẻ cũ kỹ, điều này không xa rời với thực tế của xã hội Trung Quốc hiện đại. Ví dụ, ở nơi làm việc, đàn ông thống trị các cấp bậc quản lý, trong khi phụ nữ thường được tuyển dụng hoặc được thăng chức dựa trên ngoại hình và việc sẵn sàng thỏa mãn sự tán tỉnh của sếp cũng quan trọng như trình độ chuyên môn của họ. Và với rất ít ghế quản lý dành cho ứng viên không phải nam giới, sự cạnh tranh giữa những phụ nữ có thể vô cùng tàn khốc.

Yi Zhongtian, một tác giả và học giả về văn học cổ Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, từng chỉ ra các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc từ Tả truyện đến Hồng lâu mộng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có lịch sử đam mê với sự đấu đá — bất luận giữa những người giàu có quyền lực hay láng giềng kế bên. Thời của những âm mưu “cung đấu” thực sự đã là quá khứ, nhưng kiểu đấu đá này rõ ràng vẫn còn cộng hưởng với khán giả Trung Quốc, những người tìm thấy trong đó các sắc thái trải nghiệm của riêng họ.

Thời của những âm mưu “cung đấu” thực sự đã là quá khứ, nhưng kiểu đấu đá này rõ ràng vẫn còn cộng hưởng với khán giả Trung Quốc: bộ phim tương đương với một cuộc chiến lên sếp

Những người trẻ Trung Quốc đôi khi có thể cảm thấy như cua kẹt trong giỏ: bế tắc và khó lòng thoát ra mà không bị ai đó kéo xuống. Vậy thì, không bất ngờ khi người xem cả nam lẫn nữ đều tìm thấy cái gì đó để ngưỡng mộ trong năng lực tàn nhẫn của Ngụy Anh Lạc. Từ khi ra mắt, đã có một làn sóng các bài báo trực tuyến tuyên bố dạy người đọc cách áp dụng các bài học từ Diên Hy vào nơi làm việc hoặc chuyện hẹn hò.

Thành công phi thường của Diên Hy chắc chắn sẽ sinh ra một loạt những kẻ bắt chước. Một số trong những kẻ bắt chước đó sẽ hay, một số sẽ dở; nhưng chừng nào nhiều người Trung Quốc còn cảm thấy dễ bị tổn thương và mất hết quyền lực trong cuộc sống thực, họ còn tiếp tục làm khán giả cho những bộ phim thoát ly thực tế cho phép người xem tưởng tượng mình là người hùng của câu chuyện, dù chỉ trong một hoặc hai tiếng đồng hồ — hay là trong 70 tập.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone