Tin tức

Một lý giải tổng quát cho thành công siêu đình đám của Diên Hy công lược

17/09/2018

Diên Hy công lược có gì mà khiến khán giả chết mê chết mệt, trở thành phim bộ truyền hình Hoa ngữ được xem nhiều nhất năm nay, lấy 530 triệu lượt xem chỉ trong một ngày ở Trung Quốc?

Với tổng cộng hơn 14,5 tỉ lượt xem tính đến ngày 29/9 theo Maoyan, trang dữ liệu phim của Trung Quốc, bộ phim làm dấy lên bàn luận nóng hổi trên mạng, không chỉ về cốt truyện mà cả dựng cảnh và đạo cụ chi tiết làm bật lên văn hóa truyền thống.

CÂU CHUYỆN CUNG ĐẤU KHỐC LIỆT VỚI NHỮNG NHÂN VẬT ĐƯỢC XÂY DỰNG CẨN THẬN

Bày mưu tính kế. Ném đá giấu tay. Đâm sau lưng. Diên Hy công lược có hết.

Người xem nuốt chửng bao nhiêu cũng không thấy đủ với bộ phim truyền hình hiện đang phát sóng ở Trung Quốc, Hồng Kông và phát trực tuyến khắp Đông Nam Á và Bắc Mỹ.

Một miêu tả hư cấu về hậu cung của Hoàng đế Càn Long có thật ở thế kỷ 18, bộ phim dài 70 tập vẽ lộ trình vươn lên và thất bại của một số phụ nữ trong triều đình nhà Thanh khi họ tranh giành sự chú ý và tình cảm của quân vương, hy vọng, một ngày nào đó, được trở thành hoàng hậu.

“Nếu khéo tính toán, thì mọi mối nguy đều có thể trở thành bàn đạp,” Ngụy Anh Lạc, một trong những cung tần mỹ nữ của nhà vua trong phim, suy ngẫm.

Những kẻ leo trèo đầy tham vọng này là ai và liên quan với nhau thế nào trong cuộc đua? Bốn đấu thủ chính khôn ngoan và quyết tâm chơi đến cùng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực chốn hậu cung. (Lưu ý: có tiết lộ đôi chút.)

Ngụy Anh Lạc

Dựa trên phi tần có thật của Càn Long và do nữ diễn viên Ngô Cẩn Ngôn đóng, Ngụy Anh Lạc là nhân vật chính của cả bộ phim. Xuất thân từ một gia đình người Hán nghèo và vào cung hầu hạ người vợ cả của Càn Long, Phú Sát Hoàng hậu, vị hoàng hậu có được tình yêu của đấng chí tôn.

Được Phú Sát Hoàng hậu giới thiệu với Càn Long, cuối cùng Ngụy Anh Lạc đã trở thành phi. Trong phim Diên Hy công lược và trong lịch sử, Ngụy Anh Lạc đã vươn lên địa vị hoàng quý phi sau 20 năm, vị trí cao nhất có thể với một người xuất thân khiêm tốn như cô.

“Trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, cô là người chiến thắng cuối cùng,” nhà sử học Yan Li nói trong chương trình truyền hình văn hóa Trung Hoa The Lecture Room. “Ngụy Anh Lạc là người phụ nữ dám thách thức giới hạn.”

Phú Sát Hoàng hậu

Phú Sát kết hôn với Càn Long trước khi ông đăng cơ. Cặp đôi có cuộc hôn nhân hạnh phúc và đáng kính trong phim lẫn trong lịch sử, và khi Càn Long lên ngôi, Phú Sát được phong hoàng hậu.

Do Tần Lam thủ vai, Phú Sát Hoàng hậu được khắc họa là một người nhân hậu, thích cuộc sống đơn giản bất chấp thân phận cao quý của mình. Điều này khiến cô trở thành hiếm có giữa một hậu cung mưu sâu kế độc trùng trùng điệp điệp.

Theo học giả Zhang Hongjie: “Trong đời mình, Càn Long đã sáng tác khoảng 40.000 bài thơ, đa phần chẳng có gì hay. Chỉ có khoảng 100 bài chân thành và cảm động – đều là những bài thơ tưởng nhớ Phú Sát.”

Cao quý phi Cao Ninh Hinh

Do nữ diễn viên Trung Quốc Đàm Trác thể hiện, Cao quý phi là nhân vật khiến người xem ghê tởm. Cô cũng kết hôn với Càn Long trước khi ông trở thành hoàng đế và chiếm một địa vị cao hơn hầu hết các phi tần khác. Cao quý phi kiêu ngạo và bắt nạt mọi người xung quanh.

Câu chuyện của cô trong phim không có kết thúc tốt đẹp, để lại một khoảng trống quyền lực cho các phi tần đầy tham vọng khác chiếm lấy.

Nhàn phi Huy Phát Na Lạp Thục Thận

Nhàn phi là nhân vật phản diện tột cùng trong phim và dựa trên vị hoàng hậu thứ hai có thật của Càn Long, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Do nữ diễn viên Hồng Kông Xa Thi Mạn thủ vai, Nhàn phi thủ đoạn và tàn nhẫn giết hại một phi tần địa vị thấp hơn để trở thành người giám hộ của con trai nạn nhân – một vị a ca có thể trở thành người thừa kế ngai vàng.

Nhàn phi leo lên địa vị hoàng hậu thèm muốn sau cái chết của các đối thủ bao gồm Cao quý phi và Phú Sát. Tuy nhiên, về sau cô mất đi thiện cảm của hoàng đế và bị tước hết đặc quyền. Các sử gia quy sự thất sủng của cô là do Ngụy Anh Lạc, được Càn Long sủng ái hơn.

Mặc dù phần lớn kịch bản Diên Hy công lược thuần túy là hư cấu, cuộc sống hậu cung nhà Thanh thế kỷ 18 thực sự là một hệ thống thứ bậc khắc nghiệt.

Chỉ một người có thể trở thành hoàng hậu. Dưới hoàng hậu là một hoàng quý phi, tiếp theo có hai quý phi, rồi đến vị trí phi thì có bốn người. Chỉ khi có chỗ trống thì mới có người được thăng lên địa vị cao hơn.

Hậu cung đầy rẫy người đẹp, cuộc chiến giành lấy ngôi vị hoàng hậu, sự sủng ái của hoàng đế, người kế nghiệp ngai vàng... là một trận cung đấu tàn khốc

Hoàng hậu được hưởng nhiều quyền lợi nhất trong hậu cung và người thừa kế ngai vàng thường được chọn từ con cái của bà. Một phi tần không được nhà vua sủng ái hoặc có gia thế chống lưng thì may mắn nhất là có thể sống cuộc sống cô độc bị những người khác xa lánh; tệ hại hơn thì có thể mất mạng.

SỨC MẠNH DỮ LIỆU LỚN CỦA iQiyi VÀ SỰ MẠNH DẠN TIN VÀO DÀN DIỄN VIÊN TRẺ

Giám đốc điều hành iQiyi Cung Vũ đã tin cậy nhà sản xuất kỳ cựu Vu Chính thực hiện bom tấn Diên Hy công lược, phim bộ truyền hình 70 tập về cuộc cung đấu trong hậu cung triều Thanh.

Rốt cuộc, thuật toán đã kết luận rằng bộ phim, lấy bối cảnh thời Hoàng đế Càn Long (1711-1799), có khả năng là người chiến thắng, dựa trên phân tích dữ liệu lớn về khẩu vị người xem các phim truyền hình cùng chủ đề trước đây.

Cả người lẫn máy tính đã chứng minh là đúng khi Diên Hy công lược kết thúc phát trên hạ tầng trực tuyến lớn nhất này của Trung Quốc, với hơn 14,5 tỉ lượt xem cho đến nay và phá kỷ lục tỷ suất người xem trong một ngày vào đầu tháng này. Phân tích dữ liệu lớn một lần nữa được vận dụng để xác định thời gian tối ưu và nhịp độ phát hành các tập mới làm cho sự trông đợi của người xem ngày càng tăng.

.Nam diễn viên Hứa Khải 26 tuổi trong vai Phó Hằng (trái) và Ngô Cẩn Ngôn 28 tuổi trong vai Ngụy Anh Lạc là cặp đôi trai xinh-gái đẹp làm điên đảo khán giả cả một phần ba đầu tiên của loạt phim

Tuy nhiên, sự thành công siêu đình đám của Diên Hy công lược đã khiến nhiều người trong ngành bất ngờ khi chỉ có duy nhất nữ diễn viên Hồng Kông Xa Thi Mạn được cho là nổi tiếng với rất nhiều khán giả toàn cầu.

“Mặc dù đa phần diễn viên và êkíp làm phim trẻ trung và chưa có kinh nghiệm, Vu Chính bảo tôi rằng tôi có thể tin tưởng diễn xuất của họ sẽ làm nên một bộ phim xuất sắc,” Cung Vũ phát biểu trong sự kiện mừng thành công tại Bắc Kinh hôm 9/9. “Là một bộ phim đề tài hiện đại ẩn dưới lớp cổ trang, câu chuyện cốt lõi của Diên Hy công lược là chúng ta khao khát lòng tốt và mong muốn tội lỗi phải bị trừng phạt.”

Giống như Netflix ở Mỹ, các hạ tầng trực tuyến như iQiyi ngày càng tập trung sức lực vào việc làm ra và phát hành chương trình giải trí mới nguyên mà theo truyền thống vốn dành riêng cho các đài truyền hình cấp địa phương và quốc gia.

Sự gia tăng đầu tư vào giải trí đã tạo ra cuộc đua giữa các nhà sản xuất và hãng phim nhằm có được các diễn viên nổi tiếng nhất. Hậu quả là lạm phát về chi phí dẫn đến các trường hợp trốn thuế và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, khiến gần đây nhiều cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp mở cuộc điều tra nhắm vào những người nổi tiếng.

Vương Mậu Lôi chiếm lấy sự băn khoăn trăn trở của khán giả cho số phận nhân vật Viên Xuân Vọng (phải)

Trong bối cảnh đó, CEO Cung Vũ nói rằng Diên Hy có thể làm nên một “bước ngoặt” cho ngành công nghiệp giải trí trong việc cho thấy xuất phẩm chất lượng cao “có thể lôi kéo tình cảm khán giả”. Do iQiyi và Huanyu Film đồng sản xuất, hiện Diên Hy đã có mặt trên hơn 70 thị trường toàn cầu, trở thành một trong những phim bộ truyền hình cổ trang Trung Quốc được phát hành rộng rãi nhất.

Đầu tháng này, ba khổng lồ trực tuyến của Trung Quốc – iQiyi, Tencent Video và Youkou Tudou – cam kết chi trả cho các ngôi sao truyền hình 1 triệu nhân dân tệ (145.200 đôla Mỹ) mỗi tập và không quá 50 triệu nhân dân tệ cho cả một mùa. Trong tháng 9 chính phủ Trung Quốc đã ra quy định thù lao cho diễn viên không thể vượt quá 40% tổng kinh phí sản xuất.

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: CÁI ĐẸP TINH TẾ

Vu Chính, nhà sản xuất bộ phim, nói rằng Diên Hy “đã khiến một số ước mơ của tôi trở thành sự thực, chẳng hạn quảng bá di sản văn hóa phi vật thể.” Để thực hiện công tác nghiên cứu, Vu Chính thường xuyên thăm thư viện tại Bảo tàng báu vật Tử Cấm Thành và ghi chép tay vì ở đó cấm chụp ảnh.

Cũng không cho phép sử dụng máy tính luôn.

Cảnh Cao quý phi biểu Ca kịch Côn khúc trong phim. Ca kịch Côn khúc là một trong những loại hình cổ nhất của nghệ thuật Ca kịch Trung Quốc. Đây là loại hình nghệ thuật đầu tiên của Trung Quốc được UNESCO đưa vào danh sách Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại

Trong Diên Hy công lược, Cao quý phi mời các nghệ nhân dân gian đến luyện tập biểu diễn nghệ thuật Dashuhua, nghĩa là “đốn ngã cây hoa”, để làm tiết mục Vạn tử thiên hồng mừng thọ hoàng thái hậu.

Đây là lần đầu tiên Dashuhua, di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hà Bắc có lịch sử hơn 500 năm, được trình bày trong một phim bộ truyền hình Trung Quốc.

Năm 2016, bộ phim tài liệu của BBC Chinese New Year: The Biggest Celebration on Earth đem đến những hình ảnh “tán hoa” ngoạn mục hình thành từ những mảnh kim loại nóng chảy.

Dashuhua là một hình thức biểu diễn pháo hoa truyền thống diễn ra trong một số lễ hội. Sử dụng những chiếc gàu đặc biệt được làm từ rễ cây liễu, những người biểu diễn, mặc áo khoác da cừu và đội mũ tre rộng vành, hất sắt nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 1.600 độ C lên các bức tường thành phố. Sắt nóng chảy sau đó phát nổ thành tia lửa trông giống như cành cây lấp lánh.

Tái hiện màn trình diễn pháo hoa sắt nóng chảy Dashuhua trên phim Diên Hy công lược

Thời cổ, thợ rèn biểu diễn Dashuhua để mô phỏng pháo hoa - một sự xa xỉ mà chỉ những thị dân thượng lưu mới có thể chi trả được.

Theo truyền thông đưa tin, ở Trung Quốc chỉ còn bốn người thành thạo màn diễn cổ xưa này, và trong số họ có ba người ở tuổi trung niên hoặc cao niên.

Do tính chất của màn trình diễn -liên quan đến việc hất than nóng dữ dội và sắt nóng chảy lên không trung, khiến người biểu diễn rất dễ bị thương. Đây là một trong những lý do khiến rất ít người thuộc thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về phong tục cổ này, Yu Zhangliang, một trong những người biểu diễn Dashuhua tham gia bộ phim nói.

Vu Chính, nhà sản xuất Diên Hy công lược, đã viết trong một bài đăng trên Sina Weibo rằng những người biểu diễn phải đi từ những nơi rất xa để trình bày một màn tiêu biểu cho di sản có nguy cơ tuyệt chủng này, với hy vọng đưa nghệ thuật cổ xưa đến với khán giả đại trà.

Trình diễn Dashuhua rất nguy hiểm, cả Trung Quốc hiện chỉ còn lại bốn người có thể biểu diễn thành thạo. Còn trên phim, Cao quý phi đã trở thành nạn nhân của chính tiết mục mà nàng muốn dâng lên thái hậu, dẫn đến cái kết đau đớn của nhân vật

“Để kế thừa và chuyển tải những di sản văn hóa phi vật thể như Dashuhua qua phim truyền hình là điều chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa, và chúng tôi hy vọng làm tốt,” Yu Zhangliang nói.

Cùng với một nhóm các nhà nghiên cứu hậu trường, Vu Chính nỗ lực tích hợp nhiều yếu tố văn hóa vào trong bộ phim chân thực hết mức có thể.

Một số bối cảnh được dựng theo kiến trúc của Cố cung. Theo các nhà dựng cảnh, trang trí nội thất của các cung phù hợp với tính cách của nhân vật trong phim.

Đồng thời, trang phục, trang điểm và phụ kiện của những nhân vật một phần được lấy cảm hứng từ các bức họa truyền thần cung tần mỹ nữ thời này.

Dựng cảnh theo kiến trúc của Cố cung

Trang sức của phụ nữ trong cung được miêu tả trên phim cũng thu hút rất nhiều sự chú ý. Theo các tài liệu lịch sử, phụ nữ Mãn Châu đeo hoa tai ba hạt ngọc trai mỗi bên tai, đó là một hình thức nghi thức quan trọng để phân biệt họ với những phụ nữ khác, kể từ khi Trung Hoa do người Mãn Châu cai trị trong triều đại nhà Thanh.

Nhờ sự nổi tiếng của bộ phim, nghệ nhân làm trâm nhung hoa tại Nam Kinh Zhao Shuxian, 64 tuổi, đã dành phần lớn thời gian của mình cho các buổi phỏng vấn - ít nhất hai lần một ngày, thường từ các phương tiện truyền thông quốc gia.

Ông là một trong số ít nghệ nhân vẫn còn làm trâm nhung hoa, một mẫu vật còn lại của di sản phi vật thể bắt nguồn từ Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, có từ thời nhà Đường (618-907).

Được làm bằng lụa và dây đồng, trâm nhung hoa thịnh hành trong thời cổ là “hoa” lâu bền. Tên tiếng Trung của nó, ronghua, đồng âm với từ “vinh quang”, được coi là đầy triển vọng hứa hẹn.

Trâm nhung hoa cài tóc Phú Sát Hoàng hậu, hoa tai ba hạt ngọc trai đặc trưng của phụ nữ Mãn Châu

Năm ngoái, Zhao và những người học nghề được mời tạo ra 19 kiểu trâm nhung hoa cho loạt phim dựa theo những bức ảnh trang sức tóc trong Bảo tàng báu vật Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Trong phim, Phú Sát Hoàng hậu bắt đầu cài trâm nhung hoa thay vì ngọc trai hay ngọc bích để đưa cách sống cần kiệm vào hậu cung - một chi tiết phản ánh lịch sử có thật.

Độ phức tạp của chiếc trâm nhung hoa biến thiên theo địa vị người sử dụng, theo Zhao. Trong phim, hoàng hậu và phi tần thường cài trâm có hoa văn là hoa mẫu đơn, hoa cúc hoặc kết hợp của các loài cây cỏ, trong khi cung nữ dùng trâm đơn giản và ít màu sắc hơn.

Khán giả truyền hình thoạt đầu không hiểu về trâm nhung hoa, so sánh đùa với xương rồng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi đoàn làm phim tiếp tục công bố những câu chuyện nền về các yếu tố văn hóa này, khán giả bắt đầu nhận thức được công sức của họ, một số người chủ động cố gắng giải thích nguồn gốc của những yếu tố này qua tính năng “bullet screen”, cho phép gửi ‘comment’ tức thì lên cảnh phim đang chiếu trên màn hình.

Trang trí nội thất của các cung phù hợp với tính cách của nhân vật trong phim

“Bộ phim truyền hình này đã đưa di sản phi vật thể trở lại trong mắt công chúng,” Zhao nói. Theo ông cho biết, ngoài các nhà làm phim và sản xuất truyền hình, người trẻ hâm mộ Hán phục đã trở thành khách hàng chính mua trâm nhung hoa của ông.

Dịch và tổng hợp: Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post, China.org.cn