Nhân vật & Sự kiện

Disney-hóa Hoa Mộc Lan: Weibo cho biết người Trung Quốc nghĩ gì

29/07/2019

Bộ phim làm lại hoạt hình Mulan người đóng sắp tới của Disney đã trở thành chủ đề tranh luận định kỳ trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây. Rất được mong đợi ở Trung Quốc, nhưng cũng có những chỉ trích cho rằng công ty Disney của Mỹ, “không hiểu gì Trung Quốc cả.” Mulan của Disney thực sự ‘Trung Hoa’ đến mức nào?

Kể từ khi có tin Disney sẽ biến Mulan thành phim người đóng, chủ đề này thường xuyên xuất hiện trong danh sách xu hướng hàng đầu trên mạng xã hội Trung Quốc.


Bộ phim đã trở thành xu hướng đặc biệt hàng đầu trên Weibo kể từ khi trailer chính thức được phát hành.

Mulan là bản làm lại người đóng rất được mong đợi của bộ phim hoạt hình Mulan năm 1998 của Disney, kể câu chuyện của nữ chiến binh huyền thoại Hoa Mộc Lan cải nam trang để thay cha tòng quân.

Trong những năm gần đây, Disney đã phát hành và công bố chuyển thể người đóng nhiều tác phẩm hoạt hình kinh điển. Các phiên bản làm lại như Cinderella (2015), The Jungle Book (2016), Beauty and the Beast (2017), Dumbo (2019) và Aladdin (2019), đều đã thành công và, cùng với Mulan, giờ đây tiếp nối là Vua sư tử, The Little Mermaid, Lady and the Tramp, và Thằng gù Nhà thờ Đức Bà.

Mulan mới của Disney do đạo diễn người New Zealand Niki Caro chỉ đạo.

Vai Hoa Mộc Lan do nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa (sinh ra ở Đại lục) Lưu Diệc Phi đảm nhận. Bộ phim còn có sự tham gia của Yoson An trong vai người yêu của Mộc Lan, Tzi Ma trong vai cha của Mộc Lan, Chân Tử Đan trong vai trò chỉ huy cũng là thầy của Mộc Lan, Củng Lợi trong vai phù thủy độc ác, Jason Scott Lee trong vai thủ lĩnh của quân địch và Lý Liên Kiệt là Hoàng đế Trung Quốc.

Hoa Mộc Lan do nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa (sinh ra ở Đại lục) Lưu Diệc Phi đảm nhận

MULAN: MÊ CUỒNG VÀ CHỈ TRÍCH TRÊN WEIBO

Vì câu chuyện Hoa Mộc Lan là một huyền thoại có lịch sử hơn 1.500 năm ở Trung Quốc, khán giả Trung Quốc đặc biệt đầu tư vào chủ đề về bộ phim Disney sắp ra mắt này. Mỗi chi tiết mới liên quan đến Mulan dường như đều trở thành một chủ đề dậy sóng trên mạng xã hội.

Trên Weibo, đến nay hashtag “Mulan của Disney” có hơn 420 triệu lượt xem, trong khi đó, chỉ riêng hashtag “Mulan Trailer” đã nhận được 1,2 tỉ lượt xem sửng sốt.

Sau khi phát hành poster phim do nghệ sĩ thị giác Trung Quốc Trần Mạn thực hiện, hashtag liên quan (#HuāMùLánhǎibàoshìChénMànpāide#) đã được xem hơn 260 triệu lần.

Một chủ đề dành riêng cho việc không có Mushu, con rồng biết nói là bạn đồng hành thân thiết nhất với Mulan trong bộ phim hoạt hình, cũng nhận được 310 triệu lượt xem.

Các thảo luận trực tuyến về Mulan cho thấy đã có khá nhiều lời chỉ trích bộ phim và tính chính xác lịch sử của nó, mặc dù vẫn còn nhiều tháng nữa phim mới ra rạp. Một số bình luận chỉ trích trang điểm của Hoa Mộc Lan trong một cảnh phim là quá cường điệu và không đẹp.

Trang điểm cho Hoa Mộc Lan của Lưu Diệc Phi trong phim bị chỉ trích là quá cường điệu và không đẹp

Việc các diễn viên trong phim đều nói tiếng Anh cũng không hợp với một số người, họ nói: “Tại sao tất cả đều nói tiếng Anh?!” Và “Tôi hiểu cái lý của nó, nhưng tại sao một nhóm người Trung Quốc lại nói tiếng Anh trong khi phim được quay ở Trung Quốc? Dù là một phim Disney, nhưng thế này có vẻ sai sai.”

Một tranh cãi khác liên quan đến kiến trúc thổ lâu truyền thống bao bọc khu dân cư được giới thiệu trong trailer phim (#hoamộclanphúckiếnthổlâu#, 170 triệu lượt xem).

Thổ lâu là kiến trúc nhà đất ở nông thôn Trung Quốc. Tuy là một phần trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc, nhưng thổ lâu chỉ có ở khu vực miền núi của tỉnh Phúc Kiến. Không những Hoa Mộc Lan không đến từ Phúc Kiến, câu chuyện của cô còn xảy ra rất lâu trước khi những khu thổ lâu được xây dựng - điều mà nhiều cư dân mạng Trung Quốc thấy là “vô nghĩa” và “gây mất tập trung”.

“Người Mỹ thực sự không biết gì về Trung Quốc,” một số người bình luận trên Weibo, một số khác thì viết: “Chúng ta đâu thể mong đợi Disney nghiên cứu mọi thứ, nhưng họ không làm nghiên cứu. Họ không nên để Hoa Mộc Lan sống trong thổ lâu chỉ vì kiến trúc này trông xinh đẹp, cô ấy không đến từ Phúc Kiến!”

Kiến trúc thổ lâu trong phim Mulan 2020 của Disney

“Thế quái nào mà cô ấy lại sống trong thổ lâu vậy chứ,” người khác viết. “Chẳng phải cô ấy là người phương bắc sao?”

“Người nước ngoài chả hiểu gì Trung Quốc,” một trong số hàng ngàn bình luận.

Một người dùng Weibo khác viết: “Trước tiên, người Mỹ nên tìm hiểu kỹ về các triều đại phía bắc và phía nam, và địa lý Trung Quốc, và nguồn gốc gia tộc Mộc Lan, rồi hẵng thử sức.”

TỪ HY SINH BẢN THÂN ĐẾN KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Mặc dù nhiều người bên ngoài Trung Quốc chỉ biết về Mulan thông qua bộ phim hoạt hình Disney năm 1998 đã đưa câu chuyện nữ chiến binh Trung Quốc này đi khắp toàn cầu, nhưng câu chuyện Hoa Mộc Lan không ngừng phổ biến ở Trung Quốc hơn một nghìn năm.

Phiên bản viết đầu tiên của truyền thuyết Hoa Mộc Lan là Mộc Lan từ của tác giả khuyết danh thế kỷ thứ 6, tiếp theo là các vở kịch và tiểu thuyết khác trong thế kỷ 16 và 17. Đặc biệt từ thế kỷ 20, câu chuyện về Mộc Lan đã trở thành chủ đề lặp đi lặp lại trong văn hóa đại chúng Trung Quốc, xuất hiện trong nhiều vở kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình, opera và thậm chí trong các trò chơi. Một số bộ phim đầu tiên của Trung Quốc là về Hoa Mộc Lan; từ năm 1927 đến 1939, ba phim khác nhau về nữ anh hùng này đã ra mắt, tất cả đều có tựa Hoa Mộc Lan tòng quân.

Hoa Mộc Lan tòng quân là một phim chiến tranh lịch sử năm 1939 của Trung Quốc về huyền thoại Hoa Mộc Lan

Ý nghĩa của truyền thuyết Hoa Mộc Lan thay đổi tùy thuộc vào cách kể, kể lúc nào và kể với ai. Câu chuyện đã chứng kiến một giai đoạn thay đổi và phát triển dài nhiều thế kỷ, với những quan điểm khác nhau được trình bày tùy theo khu vực và thể loại.

Phác thảo cơ bản của câu chuyện luôn giống nhau: Hoa Mộc Lan là gái cải nam trang để thay cha đi lính, cô chiến đấu suốt mười hai năm và được vua phong chức cao. Mộc Lan từ chối và xin giải ngũ để có thể trở về nhà với gia đình. Khi về nhà, Mộc Lan trở lại trang phục nữ giới.

Trinh tiết, hiếu thảo, nữ quyền, kiên trì, hy sinh, yêu nước – câu chuyện Hoa Mộc Lan có tất cả, nhưng động cơ nào được đưa lên hàng đầu luôn khác nhau. Ở Trung Quốc, kể chuyện Mộc Lan có liên quan đến các vấn đề về bản sắc và mục tiêu chính trị quốc gia.

Trong các phiên bản văn học Trung Quốc trước thế kỷ 20, Hoa Mộc Lan được giới thiệu là người phía bắc của một dân tộc không xác định, một kháng chiến quân, người hy sinh sự an toàn của bản thân để bảo vệ cha mình và thể hiện lòng hiếu thảo. Giá trị Nho giáo và tầm quan trọng của gia đình là cốt lõi của câu chuyện Hoa Mộc Lan.

Trong các phiên bản Trung Quốc sau thế kỷ 20, Hoa Mộc Lan mặc nhiên được trình bày là người Hán và là “một người yêu nước trung thành bảo vệ Trung Quốc”. Trọng tâm không còn tập trung vào việc Mộc Lan từ bỏ tự do của bản thân vì cha mình; thay vào đó sự hy sinh của cô là vì đất nước và tầm quan trọng của tinh thần yêu nước được đề cao.

Nàng Mộc Lan trong bản hoạt hình năm 1998 của Disney

Với chuyển thể câu chuyện Hoa Mộc Lan thành phim hoạt hình năm 1998 của Disney, trọng tâm chính của câu chuyện một lần nữa được thay đổi. Disney đã giới thiệu Mulan không phải là một người yêu nước hay là con gái của một nhà Nho, mà là một cô gái trẻ có phần ngốc nghếch và có tinh thần tự do trên “hành trình tự nhận thức bản thân được Mỹ hóa”.

Câu chuyện tuổi mới lớn và nữ quyền về Mulan được cộng hưởng trong bài hát tự sự của bộ phim, trong đó Mulan hát:

“I am now
In a world where I have to hide my heart
And what I believe in
But somehow
I will show the world
What’s inside my heart
And be loved for who I am”


tạm dịch:

“Tôi bây giờ
Trong một thế giới mà tôi phải che giấu trái tim mình
Và những gì tôi tin tưởng
Nhưng bằng cách nào đó
Tôi sẽ cho cả thế giới thấy
Những gì trong tim tôi
Và được yêu vì chính con người mình”

Cảnh Mulan quyết cắt đi mái tóc con gái để cải nam trang thay cha tòng quân trong bản hoạt hình

Mặc dù câu chuyện người con gái trẻ tìm thấy tiếng nói của mình đã gây được tiếng vang với nhiều người trên khắp thế giới – Mulan trở thành tác phẩm ăn khách phòng vé quốc tế – nhưng nó không gây được tiếng vang với khán giả Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, bộ phim của Disney chỉ thu được khoảng một phần sáu dự kiến thu nhập phòng vé và thậm chí còn nằm trong số những phim nhập khẩu lớn từ Mỹ ghi điểm thấp nhất kể từ năm 1994.

Theo học giả Lan Dong, Mulan thất bại ở Trung Quốc cho thấy Disney không lường trước bộ phim sẽ được đón nhận ở Trung Quốc như thế nào và sự quen thuộc của khán giả Trung Quốc với câu chuyện Hoa Mộc Lan đã định hình kỳ vọng của họ về bộ phim như thế nào: Mulan của Disney không giống Hoa Mộc Lan của Trung Quốc.

DISNEY-HÓA MỘT NỮ ANH HÙNG DÂN GIAN TRUNG QUỐC

“Bộ phim hoạt hình Mulan rõ ràng đã Disney-hóa câu chuyện bằng cách cổ vũ cho các khuôn mẫu khác nhau của người Mỹ về Trung Quốc thời phong kiến.”

Nhưng “Mộc Lan của Trung Quốc” là ai? Còn “Mộc Lan của Disney” là ai?

Theo mô tả, phiên bản Hoa Mộc Lan của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể qua thời gian. Và Mulan của Disney năm 2020 cũng rất khác với nàng công chúa Disney đã đánh cắp trái tim người xem toàn thế giới vào năm 1998.

Đánh giá từ trailer, Mulan sắp tới sẽ là một bộ phim nghiêm túc hơn nhiều, tập trung vào hành động và võ thuật, và có vẻ trình bày Mulan là một nữ chiến binh hy sinh thân mình (chứ không có gì ngớ ngẩn).

Có một rủi ro rõ ràng trong lối đi này mà Disney đang theo. Trên mạng xã hội Trung Quốc, những phàn nàn về bộ phim chủ yếu liên quan đến việc bộ phim không đủ ‘Trung Quốc’ nói về độ chính xác lịch sử và ngôn ngữ.

Trên các phương tiện truyền thông tiếng Anh, bộ phim bị chỉ trích vì bỏ qua con rồng biết nói và các bài hát và vì “nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc” bằng chủ đề yêu nước.

Con rồng biết nói, bạn đường của Mulan trong phim hoạt hình sẽ không xuất hiện trong bản làm lại người đóng

Công ty Disney nhằm mục đích giải trí cho trẻ em và người lớn trên toàn thế giới. Để làm vậy, họ chuyển đổi “vốn văn hóa” thành “vốn kinh tế” và tạo ra nội dung có sức hấp dẫn phổ quát đối với khán giả toàn cầu, hầu như luôn đòi hỏi sự nhượng bộ có tính thương mại để thích ứng với thị hiếu và kỳ vọng của khán giả đại chúng.

Vì thị hiếu và kỳ vọng của khán giả thay đổi theo thời gian, có vẻ hợp lý khi Disney đưa ra những lựa chọn khác nhau cho phim Mulan năm 2020 so với năm 1998, và không chỉ bởi vì công ty có thể đã học được từ những sai lầm trong quá khứ ở Trung Quốc Đại lục. Vai trò của Trung Quốc trên thế giới, và cách người ta nhìn Trung Quốc, cũng đã thay đổi rất nhiều trong hai mươi năm qua.

Các nền văn hóa, câu chuyện và truyền thuyết quốc gia trải qua quá trình ‘Disney-hóa’ khi trở thành một phần trong danh mục phim của Disney. Thuật ngữ ‘Disney-hóa’ (Disneyfication) đã được đặt ra từ những năm 1990 để mô tả hiện tượng này và đã được sử dụng theo nhiều cách khác nhau kể từ đó.

Nói về toàn cầu hóa và văn học, tác giả David Damrosch (What is World Literature? 2003) sử dụng thuật ngữ ‘Disneyfication’ để mô tả có bao nhiêu tác phẩm văn học nước ngoài sẽ chỉ được dịch và bán ở phương Tây khi nội dung của nó ‘phù hợp’ với hình tượng mà khán giả có về văn hóa đó. Những gì còn lại thực sự là một sản phẩm văn hóa ‘giả mạo’ củng cố cho các khuôn sáo nhất định để làm hài lòng khán giả.

Tại sao một nhóm người Trung Quốc lại nói tiếng Anh trong khi phim được quay ở Trung Quốc?

Trong bộ phim hoạt hình năm 1998, Mulan rõ ràng được ‘Disney-hóa’ bằng cách thể hiện nhiều giá trị và định kiến khác nhau của người Mỹ về Trung Quốc thời phong kiến đang chiếm ưu thế nhất vào thời điểm đó.

Mặc dù Mulan sắp ra mắt sẽ rất khác so với bộ phim hoạt hình tiền nhiệm, nhưng chúng ta đã biết rằng nó sẽ thể hiện một số khuôn mẫu đó lần nữa theo cách mà bạn có thể gọi là ‘thực tiễn thị trường’: người xem sẽ thấy một Hoa Mộc Lan nói tiếng Anh sống trong khu thổ lâu Phúc Kiến truyền thống. Một số cảnh và bối cảnh sẽ hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện xác thực, nhưng lại liên quan rất nhiều đến cách người xem trên toàn thế giới hình dung về Trung Quốc.

Bộ phim chắc chắn sẽ giới thiệu nữ anh hùng dân gian Hoa Mộc Lan và Trung Hoa cổ đại theo cách hài lòng về mặt thẩm mỹ và dễ tiếp cận, khiến Mộc Lan và câu chuyện của cô trở nên dễ hiểu, dễ cảm thụ và yêu mến.

THẾ THÌ HOA MỘC LAN LÀ CỦA AI?

Điều trớ trêu trong những chỉ trích nổi lên gần đây về Mulan của Disney là trong mắt nhiều khán giả Trung Quốc, Hoa Mộc Lan đã trở nên ‘quá Mỹ’, trong khi truyền thông nước ngoài chỉ trích xuất phẩm là ‘quá Trung Quốc’.

Đây không phải là lần đầu tiên Disney bị tấn công về cách mà họ chuyển thể các truyền thuyết hoặc câu chuyện địa phương thành phim truyện quốc tế.

Với Pocahontas, Disney đã bị cáo buộc “tẩy trắng quá khứ kinh hoàng”, Moana được cho là thể hiện “sự vô cảm đối với các nền văn hóa Polynesia”, một số nhà phê bình thấy Aladdin được “bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phong cách phương Đông”, và mới đây, lựa chọn một nữ diễn viên da đen của Disney cho bản làm lại Nàng tiên cá gây ra tranh cãi vì đã loại bỏ “tinh túy của Ariel”.

Đồng xu tranh cãi ‘Disney-hóa’ có hai mặt. Một mặt, người ta có thể lập luận rằng một số giá trị văn hóa của các huyền thoại, truyền thuyết và câu chuyện địa phương ban đầu bị mất khi chúng được biến đổi và đơn giản hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường đại chúng.

Mặt khác, Disney cũng thực sự làm cho những câu chuyện địa phương này trở nên toàn cầu và làm như vậy, càng làm tăng thêm ý nghĩa văn hóa của chúng và sự nhận diện toàn cầu.

Mộc Lan bây giờ là một huyền thoại Trung Quốc đã vượt ra khỏi biên giới nước này và không còn ‘thực sự Trung Hoa’ nữa – bất kể điều đó có thể có ý nghĩa gì. Cô đã trở thành một phần ký ức thời thơ ấu của con người và văn hóa đại chúng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Mộc Lan bây giờ là một huyền thoại Trung Quốc đã vượt ra khỏi biên giới nước này

Giống như Nàng tiên cá không còn chỉ thuộc về văn học dân gian Bắc Âu thời phong kiến, Quasimodo không chỉ tồn tại trong văn học kinh điển của nước Pháp, và cũng như Aladdin đã lớn hơn nhiều so với chỉ là một nhân vật trong Nghìn lẻ một đêm, Hoa Mộc Lan cũng đã trở nên đại diện nhiều hơn chỉ là một nữ anh hùng dân gian Trung Hoa. Cô đã trở thành một nữ chiến binh nổi tiếng thế giới với câu chuyện sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tháng tới đây.

Về Mulan sắp ra mắt và những chỉ trích dành cho nó, một bình luận trên Weibo viết: “Tôi thấy khó hiểu nổi sao mọi người lại quá cầu kỳ. Họ có vấn đề với việc trang điểm Mộc Lan, hoặc với thực tế là không có ca hát và không có Mushu, hoặc với phong cảnh. Đây là một bộ phim. Nó chỉ có thể gần với tác phẩm gốc, nhưng nó sẽ không bao giờ là tác phẩm gốc.”

May cho Disney, nhiều khán giả Trung Quốc vẫn rất muốn thấy Mulan ra rạp bất chấp – hay có lẽ là nhờ – những tranh cãi đang diễn ra. Việc Lưu Diệc Phi hóa thân Hoa Mộc Lan cũng đã được khen ngợi và phấn khích.

Kevin (@KevintạiNữu Ước), blogger luật nổi tiếng trên Weibo, viết: “Vào ngày đầu tiên được phát hành, trailer phim Mulan người đóng của Disney đã nhận 175,1 triệu lượt xem trên toàn cầu, trở thành trailer phim chuyển thể của Disney được xem nhiều thứ hai. Số một là Vua sư tử có 224,6 lượt xem toàn cầu [vào ngày đầu tiên]. Mặc dù người Mỹ đã cho Mộc Lan sống trong thổ lâu, và khiến cô nói tiếng Anh giọng Trung Quốc, nhưng tất cả đều sẽ không ngăn cản Hoa Mộc Lan có được thành công lớn ở năm 2020.”

Nhiều khán giả Trung Quốc vẫn rất muốn thấy Mulan ra rạp bất chấp – hay có lẽ là nhờ – những tranh cãi đang diễn ra

Các cư dân mạng khác cũng đồng ý và dường như họ không ngại chia sẻ Hoa Mộc Lan ‘của họ’ với phần còn lại của thế giới.

“Một số người đang quá cố chấp,” một người dùng Weibo nữ viết để đáp lại mọi chỉ trích. “Đây là công ty Disney của Mỹ và tất cả các công chúa đều nói tiếng Anh từ đầu. Jasmine trong phim Aladdin cũng đâu nói tiếng Ảrập. Tôi suy ra rằng trong phim chắc chắn sẽ có một số ý tưởng chủ quan hoặc sai sót dựa trên quan niệm của phương Tây về Trung Quốc. Là người Trung Quốc, chúng ta có thể thấy họ diễn đạt sai hoặc buồn cười. Nhưng từ trailer, tôi có thể thấy [bộ phim này] phù hợp với thẩm mỹ và trí tưởng tượng của chúng ta. Quan trọng nhất, bộ phim thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của phụ nữ Trung Quốc, và phụ nữ nói chung – những cái đó mới quan trọng.”

Các cuộc thảo luận về Mulan của Disney chắc chắn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bộ phim dự kiến sẽ được phát hành rạp vào ngày 27 tháng 3 năm 2020.

Quá Trung Quốc? Quá Mỹ? Quá Disney-hóa? Quá yêu nước? Mulan của Disney có thể không làm hài lòng tất cả người xem. May mắn thay, đã và sẽ có hàng chục phiên bản Mulan khác cung cấp cho người xem và độc giả những quan điểm mới mẻ và khác biệt về truyền thuyết có lâu đời hàng nhiều thế kỷ này.

Nhưng cuối cùng thì ai mới là Hoa Mộc Lan ‘thật’? Có lẽ ta sẽ không bao giờ biết.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Whats on Weibo