Nhân vật & Sự kiện

Trong kỷ nguyên Netflix, Hollywood muốn biết: Thế nào là một bộ phim?

27/06/2019

Gianluca Sergi đã si mê phim ảnh từ khi là đứa trẻ lớn lên ở Milan.

Giờ là một giáo sư 54 tuổi tại Đại học Nottingham, ông sáng lập câu lạc bộ điện ảnh ở quê nhà khi ông mới 13 tuổi, chuyển tới Anh Quốc học đại học năm 1991 để học bộ môn này, và đã dành sự nghiệp học thuật để phân tích ngành công nghiệp — đặc biệt là tiền tệ và quyền lực xã hội của nó. Người này yêu phim, và sự hào hứng của ông có tính lây lan như bệnh.

Tiến sĩ Gianluca Sergi

Sau khi viết ba cuốn sách và trình bày một dự án nghiên cứu mới về đổi mới phim, công trình của ông đã thu hút sự chú ý của chủ tịch Lucasfilm, Kathleen Kennedy, đã mời Sergi trình bày các phát hiện của mình tại cuộc họp hội đồng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2016. Đó là một thời gian đặc biệt khó khăn trong ngành điện ảnh: Sean Parker trước đó đã đưa ra đề xuất Screening Room (tạm dịch: Phòng Chiếu) của mình — một khái niệm không bao giờ được thành sự thực, cho phép người tiêu dùng xem phim mới tại nhà theo một gói cao cấp — và một chuỗi các phần tiếp theo và khởi động lại chắc ăn trước đó đã thất bại trong việc kết nối với người xem phim. (Zoolander 2 không hẳn là một cơn sốt gì.) Có vẻ như phim ảnh lại một lần nữa đứng trước sự tuyệt chủng. Sergi được đưa vào như một cứu đắm cho một Viện Hàn lâm đầy thương tích.

Không, vị học giả nói với khán giả lo lắng, ngành phim ảnh không có đang sụp đổ. Thay vào đó, thông qua các nghiên cứu của ông về doanh thu từ 1980 đến 1999 và một lần nữa từ 2000 đến 2016, các con số tương đối ổn định: 1,2 tỉ vé bán ra so với 1,38 tỉ trong vòng 20 năm kế tiếp. Tin đồn về sự suy tàn của ngành điện ảnh, một lần nữa, là lời nói sớm.

Trong suy nghĩ của Sergi, những năm gần đây, việc đi xem phim đã trở thành một đóng góp quan trọng hơn cho sức khỏe tổng thể của xã hội. Các kết quả nghiên cứu của ông, dựa trên dữ liệu người dùng được công bố bởi Học viện Điện ảnh Hoa Kỳ, Hiệp hội Chủ sở hữu rạp chiếu phim, Viện Điện ảnh Anh Quốc và các tổ chức điện ảnh của các quốc gia khác, cho thấy rằng trong các hoạt động văn hóa hàng đầu, nhiều người đi xem phim hơn tham dự các sự kiện sân khấu hay múa. Dù tin rằng công việc kinh doanh vẫn ổn, Sergi cảnh báo sự suy tàn của nó không chỉ có nghĩa là đóng cửa các rạp chiếu phim, mà còn là sự sụp đổ của các tập tục xã hội. Và điều này thậm chí còn trước khi Netflix tuyên bố ý định chi 8 tỉ đôla cho nội dung chỉ trong năm 2018. (Thực tế dịch vụ trực tuyến này cuối cùng đã chi hơn 12 tỉ đôla năm 2018 và có thể chi tới 15 tỉ đôla trong năm nay.)

Sự suy tàn của kinh doanh phim ảnh không chỉ có nghĩa là đóng cửa các rạp chiếu phim, mà còn là sự sụp đổ của các tập tục xã hội

“Đó là chạm đáy,” ông nói. “Nếu bạn loại bỏ phim, mọi người sẽ bị đói văn hóa. Không có quốc gia nào trên Trái Đất có thể chịu đựng điều đó. Sẽ là thảm họa.”

Sergi đã tái khẳng định thuyết phục về công việc mà Viện Hàn lâm thực hiện đến nỗi ông gợi ý cho họ vào đêm tháng 12 đó tạo ra một lực lượng đặc nhiệm để điều tra về tương lai của điện ảnh. Đứng đầu là nhà sản xuất Little Miss Sunshine, Albert Berger, ủy ban sẽ là một dạng nhóm nghiên cứu, với nhiệm vụ trò chuyện với nhiều người khác nhau trong Viện Hàn lâm về hướng đi của ngành này và cách họ có thể thích nghi với bối cảnh đang thay đổi. Với khán giả phân khúc, dịch vụ trực tuyến phát triển và các nhà làm phim thử nghiệm định dạng và hình thức, dường như nhóm này có thể định nghĩa những điều kiện đủ để là một bộ phim trong nền kinh tế nội dung ngày càng hỗn loạn ngày nay. Suy cho cùng, đây là cơ quan giám sát các quy định khác nhau cho giải Oscars. Câu hỏi này dường như đã được định sẵn.

Tính tới tuần đầu tháng 5/2019, họ vẫn đang xem xét vấn đề này mặc dù nhiều người nghĩ rằng vấn đề sẽ lên mức khủng hoảng vào cuối tháng 4, khi Viện Hàn lâm họp để thảo luận về quy định của họ. Sau cùng, có tin đồn rằng chính Steven Spielberg đang lên kế hoạch đề xuất thay đổi quy định sẽ khiến những bộ phim được chiếu chủ yếu trực tuyến thiếu điều kiện để được Viện Hàn lâm xem xét – tức phim Netflix.

Khoa trương và tin đồn bủa vây tình huống này, nhưng cuối cùng hóa ra là tin vịt: Spielberg không xuất hiện, thay đổi quy định còn chưa bao giờ được đề xuất, và buổi họp kết thúc như bắt đầu, với điều kiện tranh giải phim-hay-nhất giữ nguyên như trước.

“Chúng tôi nhận ra rằng nếu một bộ phim đáp ứng yêu cầu thời lượng tối thiểu 40 phút và phát hành rạp, thì nó nằm trong quy tắc của chúng tôi: 7 ngày tại rạp chiếu phim ở Hạt Los Angeles, thì nó đủ điều kiện,” trích lời thành viên điều hành Viện Hàn lâm Lois Burwell, người đứng đầu ủy ban quy tắc giải thưởng. “Mục tiêu [của lực lượng đặc nhiệm], thực sự, là tổ chức các cuộc thảo luận với các thành viên Viện Hàn lâm để có quan điểm đối với các quy tắc về tính đủ điều kiện của phim truyện Oscar và các chủ đề khác.”

Về nhiều phương diện, tiểu ban đã trở thành biểu hiện thể chất của nỗi lo âu mới nhất đang bủa vây Hollywood. Trong khi Avengers: Endgame đang phá vỡ các kỷ lục phòng vé toàn cầu từng ngày một, các khu vực lớn của Hollywood vẫn chìm trước cách Thung lũng Silicon phá vỡ hoạt động kinh doanh của họ, cuỗm đi các nhà sáng tạo nội dung của họ, và tránh các phim phát hành ngoài rạp truyền thống bằng các phim ăn khách đến thẳng với người xem.

Rihanna (trái) và Donald Glover trong Guava Island

Chỉ cần nhìn vào màn gây sốc mới nhất của Amazon Studios, với bộ phim ngắn Guava Island, từ gã gây rối nổi tiếng Donald Glover. Bộ phim dài 56 phút đã ra mắt tại Coachella trước khi chào khán giả với giá miễn phí trên dịch vụ Amazon, một kịch bản không bao giờ có thể xảy ra trong một thế giới trước khi có phát trực tuyến. Khi được hỏi định nghĩa của cô về một bộ phim, điều hành Amazon Studios, Jen Salke, đã nói thế này: “Khách hàng của Amazon thích những bộ phim nguyên bản. Cho dù họ xem chúng trong rạp hay trên Amazon Prime, tình yêu và sự tận tình y nhau được rót vào quan hệ hợp tác với các nghệ sĩ có câu chuyện hấp dẫn để kể mà chúng tôi có thể khuếch đại ra khắp thế giới.”

Nhưng “khuếch đại” nghe không như “phát hành ngoài rạp”. Truyền hình, DVD, kể cả tải lậu cũng không giết được điện ảnh — nhưng cuối cùng có lẽ phát trực tuyến sẽ làm được chuyện đó.

Các tín hiệu hoảng loạn khắp nơi. Lấy vụ lùm xùm tưởng là Spielberg làm cuộc thập tự chinh chống lại Netflix mà xem. Khi Viện Hàn lâm quyết định không đi vào vấn đề này, nó đã khiến một số người ở Hollywood tự hỏi ý nghĩa của ủy ban và những nghiên cứu này là gì nếu tổ chức không vật lộn với vấn đề quan trọng nhất: định nghĩa về một bộ phim.

Đạo diễn Martin Scorsese (trái) và Robert De Niro trên phim trường The Irishman, sẽ phát hành trên Netflix và một số rạp trong 2019

“Tôi nghĩ rằng đó hoàn toàn là công việc của Viện Hàn lâm [định nghĩa một bộ phim và thiết lập các nguyên tắc], nhưng họ đã bị Netflix mua chuộc,” theo một người kỳ cựu trong ngành, từ chối tiết lộ danh tính. “Netflix với ngành điện ảnh giống như các công ty dược với Quốc hội Mỹ. Không ai muốn ăn cháo rồi đá bát cả.”

Thậm chí còn làm phật ý những người như Martin Scorsese, hiện đang chuẩn bị cho bộ phim sắp tới của mình The Irishman — nhiều khả năng sẽ là điểm tiếp theo trong cuộc chiến để Netflix đầu tư nghiêm túc vào kinh doanh phim rạp. Nhà làm phim 76 tuổi đã nhiệt tình bảo tồn các cuộn phim trong nhiều thập kỷ, nhưng Netflix là hãng phim duy nhất ho ra 125 triệu đôla cho bộ phim xã hội đen hùng tráng của ông với sự tham gia của Robert De Niro, Al Pacino và các khuôn mặt trẻ trung nhờ kỹ thuật số của họ. Giờ ông yêu cầu cả làng phải kiên nhẫn với trang trực tuyến này đợi họ tìm ra mô hình kinh doanh, nói với đồng nghiệp Yohanna Desta của người viết tại lễ kỷ niệm 50 năm của Hiệp hội Điện ảnh ở Trung tâm Lincoln vào đầu tháng 5/2019: “Họ sẽ tìm ra. Tôi muốn mọi người kiên nhẫn với họ, bởi vì họ cần phải thử những thứ khác nhau… tranh luận cho ra nhẽ, bởi vì nó khiến bạn phải suy nghĩ, ‘Phim là gì? Và một bộ phim nên được trình chiếu như thế nào, đặc biệt trong một thế giới mới?’”

Khi Sergi trở lại thăm ủy ban phim của Berger, mùa hè năm ngoái, ông được yêu cầu chia sẻ với họ định nghĩa riêng về một bộ phim. Câu trả lời của ông có ba ý. Một: ít nhất 90 phút nội dung. (Xin lỗi, Guava Island.) Hai: một niềm tin vào các tiêu chuẩn, như được thiết lập bởi lịch sử của loại hình truyền thông này. Ba: Tạo khế ước xã hội giữa bên trả tiền và bên trình chiếu theo đó để có thể trải nghiệm bộ phim, bạn phải rời khỏi nhà, ngồi trong một rạp tối và giao lưu với những người mà bạn không biết. (Cúi chào, Spielberg!) Ông thấy rằng điểm cuối cùng là quan trọng nhất.

Cảnh trong phim The Irishman: Netflix là hãng phim duy nhất ho ra 125 triệu đôla cho bộ phim xã hội đen hùng tráng với sự tham gia của Robert De Niro, Al Pacino và các khuôn mặt trẻ trung nhờ kỹ thuật số của họ

“Khế ước xã hội đó không được Netflix, Apple hay Disney+ cần đến,” Sergi nói. “Hãy xem xét thực tế rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà chúng ta bị chia rẽ. Cơ hội nào để mọi người đi và chia sẻ một không gian chung và tận hưởng trải nghiệm cùng nhau, mà không cần lo lắng liệu mình đã bỏ phiếu cho Trump hay cho Brexit? Hầu như mọi quốc gia hiện nay đều có vấn đề cơ bản là thiếu sự gắn kết xã hội và thiếu cơ hội để mọi người có thể nhắc nhở nhau rằng, về cơ bản, chúng ta yêu thích những câu chuyện. Chúng ta thích cười; chúng ta thích khóc; chúng ta không phải người ngoài hành tinh ở đây. Nếu quý vị loại bỏ yếu tố đó, nếu quý vị bảo, ‘Điện ảnh có thể chết, đó không phải là vấn đề, chúng ta vẫn có thể xem phim trực tuyến’, thì những gì quý vị đang làm là xóa bỏ khế ước xã hội đó và làm thế là thiệt cho chính quý vị.”

Những món vội vàng cho ngành công nghiệp đã mang đến cho chúng ta The Emoji Movie! Nhưng thực sự, điện ảnh là một ngành kinh doanh nguy nan cung cấp cho các nhà làm phim ngày càng nhiều băn khoăn hơn về nghĩa vụ của họ đối với lợi ích xã hội lớn hơn. Đối với hầu hết, nguồn tiền là cuộc chiến trung tâm, và sự xa xỉ của một phim phát hành rạp đang trở nên dễ bỏ qua hơn trước khi các nhà phát hành trực tuyến nhiều tiền vào cuộc.

Jonathan King, chủ tịch của phim truyện và truyền hình tại Participant Media, đã có một điểm thuận lợi độc đáo để theo dõi cuộc tranh luận. Năm ngoái, Participant sản xuất hai ứng viên phim hay nhất là RomaGreen Book, có các thỏa thuận phát hành rất khác nhau. Netflix đã phát trực tuyến phim đầu, sau một thời gian ngắn ở rạp; phim sau đến với Universal Pictures và một đợt phát hành rạp truyền thống. Đầu tháng 5, người viết hỏi ông thế nào là một bộ phim.

Cảnh phim Roma

“Các câu hỏi về cách phim được phát hành chắc chắn có giá trị đối với những ai có chân trong công nghệ làm phim như một nghề kinh doanh,” King nói. “Tuy nhiên, đối với những người có chân trong việc làm phim như những nỗ lực sáng tạo, vốn là điều đầu tiên và quan trọng nhất chúng tôi làm, điều tối quan trọng là ý định của chúng tôi và cách bạn thực hiện nó. Đó là cách duy nhất tôi có thể trả lời câu hỏi phim là gì.”

Bản thân King định nghĩa phim là một chương trình dài từ 90 đến 120 phút, được kể liền tù tì, có ý định gì đó, và có thứ muốn nói về thế giới nói chung.

“Chúng tôi làm mọi phim như một,” King nói. “Một số phim chúng tôi làm với việc phát hành có sẵn. Một số chúng tôi làm tách riêng… nhưng chúng tôi tiếp cận tất cả phim với cùng một ý định.”

Sau tất cả, Participant đã bán ba phim cho Netflix: Beasts of No Nation năm 2015, Roma, và phim ra mắt tại Sundance năm nay The Boy Who Harnessed the Wind. King nói rằng cả ba đều được thực hiện với cùng một mục đích: để ủng hộ tầm nhìn của nhà làm phim và những gì bộ phim muốn nói.

The Boy Who Harnessed the Wind

“Lúc chúng tôi chiếu ra mắt Roma tại Liên hoan phim Venice trước khi được phát hành rạp ở bất cứ dạng nào, tôi không nghĩ có ai xem nó và nói, ‘Đó không phải là một bộ phim,’” King nói. “Khi Alfonso [Cuarón] nói ‘Tôi sẵn sàng’ và tôi bay từ kỳ nghỉ bên bờ Đông về một phòng chiếu ở Los Angeles, trước khi chúng tôi quyết định về việc phát hành nó, tôi thấy một tác phẩm nghệ thuật quyến rũ và cảm động. Và nó là một bộ phim.”

Sergi không coi Netflix là một thế lực xấu xa trong ngành này. Thay vào đó, ông tin rằng Netflix có khả năng khuyến khích nhiều người xem phim hơn vì nó nuôi dưỡng khẩu vị cho phim ảnh. Đó cũng là khái niệm phản-trực giác đã tạo ra hiện tượng vào năm 2009, khiến Avatar đồng thời trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới và là bộ phim được tải lậu nhiều nhất thế giới. Ông hy vọng sẽ trở lại Viện Hàn lâm vào tháng 10, mang theo những dữ liệu mới về cách khán giả cho phim chiếu rạp đang bị thu hẹp song song với các thể loại phim được phát hành tại rạp cũng đang bị thu hẹp, một thực tế khiến ông rất lo lắng. Thêm vào mối lo ngại đó là ở Mỹ lương tối thiểu giậm chân tại chỗ còn giá vé xem phim tăng. Điều đó sẽ tiếp tục thu hẹp khán giả, ông nói.

Những chủ đề này vẫn là lĩnh vực được Viện Hàn lâm lưu tâm. Và họ dự định tiếp tục lắng nghe, Burwell nói. Nhưng có hành động là vấn đề khó khăn hơn nhiều, với vài nỗ lực thực hiện các thay đổi gần đây nhất của tổ chức này đã lệch hướng khủng khiếp.

“Mọi người đã mệt mỏi với cuộc tranh luận, và muốn nó tạm ngưng,” người kỳ cựu trong ngành nói. “Vẫn có những thành phần ở cả hai phía của cuộc chiến, nhưng tôi không biết cuộc bỏ phiếu mới sẽ chỉ về hướng nào.”

Cho đến lúc đó, hãy rủ một người bạn của mình ra rạp đi. Tương lai của chúng ta có thể phụ thuộc cả vào đó.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair