Nhân vật & Sự kiện

Hủy chiếu Novoland: 2019 không 'độ' cho phim cổ trang Trung Quốc rồi!

14/06/2019

Mới tuần trước, What’s on Weibo đưa tin Novoland: Eagle Flag / Cửu Châu phiêu miểu lục là một trong những phim truyền hình được mong đợi nhất ở Trung Quốc vào mùa hè này, với 1,4 tỉ lượt xem trang Weibo của bộ phim.

Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 6 lúc 21 giờ 40 phút, chỉ hai mươi phút trước khi bộ phim truyền hình được chờ đợi nhiều nhất phát sóng trên kênh Tencent, Youku và Chiết Giang, chương trình bất ngờ bị hủy.

Áp phích phim

Novoland: Eagle Flag, được coi là đáp trả của Trung Quốc với Game of Thrones, là phim bộ truyền hình cổ trang kể câu chuyện chiến tranh, âm mưu, tình yêu và tham nhũng trong vũ trụ giả tưởng Cửu Châu. Phim dựa theo bộ tiểu thuyết kỳ ảo trên mạng nổi tiếng của Giang Nam, do Linmon Pictures sản xuất. Chi phí sản xuất được báo cáo là lên tới 500 triệu nhân dân tệ (72 triệu USD).

Tại sao buổi ra mắt bộ phim bất ngờ bị hủy? Lý do duy nhất được đưa ra cho chuyện này vào ngày 3 tháng 6 là có ‘nguyên nhân truyền thông’.

Global Times bản tiếng Anh của Trung Quốc đưa tin ngày 4 tháng 6 rằng các nguồn chính thức của họ cũng không biết lý do hủy chiếu, mặc dù họ thừa nhận có lệnh từ “cấp cao hơn”, tức từ Cục Phát thanh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc (NRTA).

Hồi tháng 3 năm 2018, Cơ quan quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT), cơ quan quản lý hàng đầu trước đây giám sát các xuất phẩm truyền hình, đã chính thức được thay thế bằng ba cơ quan hành chính nhà nước khác nhau trong lĩnh vực tư tưởng.

Cảnh trong phim Novoland, với Lưu Hạo Nhiên (phải) đảm nhận nam chính

NRTA chịu trách nhiệm kiểm soát phương tiện truyền thông phát thanh và truyền hình, và trực thuộc Quốc vụ viện. Dưới sự quản lý của NRTA, quy định và kiểm duyệt phim truyền hình Trung Quốc nghiêm ngặt và được cho là chặt chẽ hơn SAPPRFT.

Phim bộ cổ trang: không đủ tính “định hướng tư tưởng”?

Sự kiểm soát chặt chẽ của NRTA đối với ngành công nghiệp truyền hình Trung Quốc đặc biệt thấy rõ trong năm nay. Theo CCTV News, cơ quan chức năng này đã bắt đầu trấn áp mạnh sự phổ biến ngày càng tăng của phim bộ cổ trang Trung Quốc từ tháng 3 năm 2019.

Các quy tắc kiểm soát áp dụng với phim bộ cổ trang có các chủ đề như kiếm hiệp, kỳ ảo, lịch sử, thần thoại hoặc cung đấu, nói rằng chúng sẽ không được phát sóng hoặc phải gỡ khỏi trang chủ xem phim trực tuyến. Sự khống chế nghiêm ngặt nhất này được cho là sẽ kéo dài đến tháng 7.

Diên Hy công lược

Từ đầu năm 2019, đã có tin đồn phim bộ cổ trang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một năm khó khăn.

Vào ngày 28 tháng 1 năm 2019, tờ Nhật báo Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận của Hội đồng thành phố Bắc Kinh, đã đăng một bài phê bình trên tài khoản mạng xã hội của họ, liệt kê những ảnh hưởng tiêu cực của các phim bộ truyền hình có chủ đề cung đình.

Bài phê bình bao gồm các lập luận như lối sống vua chúa đang được thổi phồng trong các bộ phim truyền hình này, rằng tình hình xã hội của thời phong kiến đang bị kịch tính hóa một cách tiêu cực, và những xuất phẩm này chỉ nhằm mục đích lợi ích thương mại trong khi làm suy yếu “định hướng tư tưởng tích cực” của Trung Quốc.

Vào tháng 2 năm nay, hai tuần sau bài đăng của tờ Tin tức Bắc Kinh, Eduardo Baptista của CNN.com đưa tin về việc đột ngột hủy bỏ kế hoạch phát sóng lại hai phim bộ truyền hình đã bị tờ Tin tức Bắc Kinh nhắm đến, cụ thể là phim bộ truyền hình siêu ăn khách Diên Hy công lược và phim bộ cổ trang Hậu cung Như Ý truyện.

Hậu cung Như Ý truyện

Các phim bộ cổ trang khác như Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ của iQiyi, hay The Longest Day in Chang’an / Trường An thập nhị thời thần cũng đã bị rút (hoặc hoãn) vào tháng 3. Phong thần đã được thay thế bằng một phim truyền hình khác trên đài Hồ Nam trong tháng này.

“Phim truyền hình lịch sử trong nhiều trường hợp đã làm sai lệch câu chuyện về quá khứ của đất nước và hình ảnh của các nhân vật lịch sử,” nhà phê bình truyền hình Shi Wenxue được Global Times trích dẫn gần đây: “[chúng] gây ảnh hưởng bất lợi cho thanh thiếu niên khiến họ có thể coi những câu chuyện hư cấu như thế là lịch sử thật.”

Chạy theo thị trường

Với việc Trung Quốc là thị trường tiêu dùng phim truyền hình lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp phim truyền hình là một kênh mạnh mẽ để truyền bá tư tưởng.

Chương trình nghị sự chính trị và văn hóa đặc biệt rõ ràng trong những phim bộ truyền hình là sản phẩm tuyên truyền chính thức. Nhưng kể từ khi ngành công nghiệp phim truyền hình ngày càng trở nên thương mại hóa và phim truyền hình trở nên định hướng thị trường hơn vào những năm 1990, chương trình truyền hình không còn là tấm gương phản chiếu ‘các câu chuyện của Đảng Cộng sản Trung Quốc’.

Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ

Số lượng xuất phẩm chạy theo lợi nhuận đã tăng lên trong 25 năm qua và đã tăng vọt với sự xuất hiện của các hạ tầng xem phim trực tuyến như iQiyi hoặc Tencent Video.

Mặc dù các sản phẩm phi-chủ đạo cuối cùng vẫn chịu quản lý và giám sát bởi các cơ quan chức năng liên quan, chúng cũng phải cạnh tranh xếp hạng của người xem trong một môi trường truyền thông (trực tuyến) cạnh tranh cao.

Có thể nhìn thấy rất nhiều xu hướng trong ngành công nghiệp phim truyền hình Trung Quốc. Ví dụ, đã có những đỉnh cao nổi tiếng trong các phim bộ truyền hình mô tả cuộc đấu tranh ở nông thôn hoặc cuộc sống gia đình ở thành thị, nhưng các phim truyền hình lịch sử (đặc biệt là phim truyền hình cung đấu) đã liên tục phổ biến và tăng lên từ giữa những năm 90.

Một lý do cho sự phổ biến ngày càng tăng của phim bộ cổ trang lịch sử hoặc kỳ ảo này là do cơ quan kiểm duyệt ban đầu có các tiêu chuẩn dành cho chúng khác hơn so với các cốt truyện đương đại, dẫn đến tự do sáng tạo hơn cho các nhà biên kịch.

Vương triều Ung Chính

Cũng đã có nhiều phim bộ truyền hình vương triều nổi tiếng của Trung Quốc vừa là thành công thương mại vừa là công cụ tuyên truyền.

Như Shenshen Cai đã chỉ ra trong tác phẩm Television Drama in Contemporary China [tạm dịch: Phim truyền hình ở Trung Quốc đương đại] (2017), chẳng hạn, các bộ phim truyền hình dài tập như Vương triều Ung Chính hay Hán Vũ đại đế đã thúc đẩy quan niệm chính quyền trung ương mạnh, mối quan hệ hài hòa giữa nhà cai trị và thần dân của mình, hay nhà cai trị mẫu mực triệt phá tham quan – những câu chuyện này đã góp phần vào chương trình nghị sự lãnh đạo trong việc “ổn định và tái tạo năng lượng cho trật tự đạo đức chủ đạo.”

Nhưng các bộ phim lịch sử gần đây đã theo hướng kỳ ảo, cộng hưởng với người xem nhưng không phù hợp với bộ máy tuyên truyền chính thức.

Việc rút đột ngột bộ phim cổ trang mới này thực sự không phải do vấn đề cổ trang gì cả. Mà cho thấy rằng mặc dù ngành công nghiệp phim truyền hình Trung Quốc không còn là cỗ máy tuyên truyền như từng có thời, nhưng vẫn cần phải tuân thủ những câu chuyện phù hợp hệ tư tưởng.

The Longest Day in Chang’an / Trường An thập nhị thời thần

Ngay cả khi kịch bản và xuất phẩm rõ ràng được bật đèn xanh ở các giai đoạn trước, cơ quan giám sát chính thức vẫn có quyền can thiệp đến tận giây phút cuối trước khi lên sóng – dù cho điều đó, rõ ràng, có nghĩa là hai mươi phút trước khi khởi chiếu.

“Tình hình không có vẻ quá lạc quan”

Đối với người hâm mộ phim truyền hình Trung Quốc, việc hủy chiếu bộ phim này là một cái tát vào mặt. Novoland: Eagle Flag đã rất nổi tiếng trước khi phát sóng: hashtag của nó có 1,4 tỉ lượt xem đáng kinh ngạc trên Weibo.

“Tôi đã khóc,” một ‘fan’ của Novoland ghi nhận xét: “Tại sao rút lại đột ngột và bất ngờ như vậy?”

“Rốt cuộc khi nào chúng ta mới có thể xem được phim này?” những người khác băn khoăn.

Còn hiện tại, buổi ra mắt bộ phim đã chính thức “hoãn lại” và đang “chờ thời gian phát sóng cụ thể.” Vẫn phải đợi xem liệu bộ phim 55 tập này có được phép phát sau tháng 6 hay không.

Phong thần

Trên Twitter, tài khoản người hâm mộ Lưu Hạo Nhiên, một trong những ngôi sao chính của bộ phim, viết: “Bạn sẽ thấy tin đồn về những ngày dự kiến chiếu, nhưng hãy lưu ý rằng đây là chuyện thời hạn chót để sắp xếp mọi thứ, chứ không phải ngày phát sóng. Ngay lúc này, tình hình không có vẻ quá lạc quan. Chúng ta cần phải kiên nhẫn!”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: What’s on Weibo