Nhân vật & Sự kiện

Dương Phàm: Một Hồng Kông hỗn loạn trong No.7 Cherry Lane chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên với hiện tại

16/09/2019

“Một số bài bình phim nói rằng có tiếng cười khúc khích và bỏ ra ngoài,” đạo diễn Dương Phàm nói, tò mò hơn là cay đắng, về phản ứng dành cho No. 7 Cherry Lane – bộ phim đầu tiên của ông trong một thập kỷ – tại Liên hoan phim Venice.

Đội chiếc mũ bóng chày màu vàng, quàng chiếc khăn màu xanh quanh cổ, nhà làm phim kỳ cựu người Hồng Kông nói chuyện với South China Morning Post trong không gian Club 76 của Lido ở trung tâm liên hoan. No. 7 Cherry Lane đã làm khán giả ở đó mê mẩn lẫn bàng hoàng.

Dương Phàm và Sư Tử Bạc kịch bản xuất sắc nhất dành cho No. 7 Cherry Lane tại Venice 2019

Xét vì Dương Phàm đã bị giới phê bình chỉ trích ở bộ phim trước, Prince of Tears năm 2009 – phản ứng đã khiến ông quay lưng với việc làm phim và chuyển sang viết phê bình, viết về du lịch và viết tiểu thuyết – sự quan tâm của ông đối với phản ứng của giới phê bình dành cho bộ phim mới là điều dễ hiểu.

“Sau Prince of Tears, tôi cảm thấy cần phải giải tỏa chính mình, xác định lại chính mình,” ông nói.

Chính sự tiến vào công việc viết lách đã đưa ông trở lại với phim ảnh; ba trong số những truyện ngắn của ông là xương sống của No. 7 Cherry Lane, bức thư tình hoang dã, xúc động gửi cho sự lãng mạn, văn chương và Hồng Kông năm 1967, thời biểu tình chống lại sự thống trị của thực dân Anh.

Không như Quentin Tarantino, nhìn lại Los Angeles năm 1969 trong Chuyện ngày xưa ở Hollywood, Dương Phàm thấy năm 1967 là thời hình thành. “Đó là năm đẹp nhất trong cuộc đời tôi,” ông nói.

Một cảnh trong No. 7 Cherry Lane, lấy bối cảnh năm 1967, năm cuối cùng Hồng Kông bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn trên đường phố

“Năm 1967, tôi 20 tuổi, và một người tuổi 20... bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra.” Ông từ Đài Loan đến Hồng Kông năm 1964, khi hòn đảo này thiết quân luật. “Khi tôi mới đến Hồng Kông, tôi có thể ngửi thấy sự tự do. Mùi muối trên Phà Star và mùi nấu nướng trên đường phố từ những người bán hàng rong... tất cả là tự do.”

Khi cuộc bạo loạn bắt đầu vào năm 1967, những người ủng hộ Cộng sản đã đụng độ với chính quyền Hồng Kông; lời thoại trong No. 7 Cherry Lane ám chỉ các lực lượng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. “Cách mạng văn hóa này đã khiến Hồng Kông đảo lộn,” Dương Phàm nói.

“Cảnh sát Hồng Kông và quân đội Anh đã cố gắng đàn áp người dân nhưng không thành công. Đột nhiên, thế lực này biến mất. Biến mất trong vòng sáu tháng. Thế lực đó lấy tất cả mọi thứ. Rồi 52 năm sau, có một thế lực kỳ lạ khác đến Hồng Kông bây giờ.”

Dương Phàm nói rằng “hoàn toàn là trùng hợp ngẫu nhiên” khi mà bộ phim của ông, bắt đầu làm từ năm năm trước, thể hiện các cuộc bạo loạn giống như Hồng Kông bị lôi kéo vào một thời kỳ hỗn loạn mới, được thúc đẩy bởi cái mà ông gọi là “thế lực chưa biết”. Các cuộc đụng độ trên đường phố rõ ràng khiến ông bực mình.

Một cảnh trong No. 7 Cherry Lane, phim hoạt hình đầu tiên – và Dương Phàm nói, cũng là phim hoạt hình cuối cùng của ông

“Hồng Kông đang bị đảo lộn với tình trạng bạo lực,” ông nói. “Chúng ta mất hết cả sự tuân thủ pháp luật, sự tự do... và mọi người tự tung tự tác. Và thế lực này mở chiếc hộp Pandora ra, và tất cả tà ác xuất hiện từ mọi người, ở mọi nơi. Tôi chỉ hy vọng trong hộp Pandora vẫn còn lại niềm hy vọng.”

Tuy nhiên, Dương Phàm không muốn bộ phim của mình bị chú ý quá mức vì những lý do sai lầm. “Tôi thà không có bộ phim này được chiếu ở đây, để không có những gì đang xảy ra ở Hồng Kông lúc này,” ông thở dài. “Ở đâu người ta cũng đều hỏi tôi về điều đó.”

Với tất cả sự tương đồng với hiện tại, No. 7 Cherry Lane không khiêu khích. Khơi gợi tình yêu và tất cả những mâu thuẫn của nó, ở trung tâm của bộ phim hoạt hình này là một sinh viên tiếng Anh tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, Tử Minh (do Lâm Đức Tín lồng tiếng), được thuê làm gia sư cho Mỹ Linh (Triệu Vy lồng tiếng), con gái của một người phụ nữ tự lưu vong, Ngu thái thái (Trương Ngãi Gia), đến từ Đài Loan.

Vị đạo diễn 71 tuổi nói rằng ông quyết định làm một phim hoạt hình, mặc dù không có kinh nghiệm về thể loại này, một phần vì ông không muốn bị kìm hãm với cơ chế làm phim người đóng.

Một cảnh trong No. 7 Cherry Lane. Tuy bộ phim mô tả những hỗn loạn trên đường phố, đạo diễn nói việc bộ phim xuất hiện vào thời điểm các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông là một sự trùng hợp ngẫu nhiên

“Bạn phải dựng cảnh và bạn có rất nhiều tùy tùng, và rất nhiều người. Như vậy là quá nhiều với tôi! Tôi là một nhà sản xuất độc lập, nhà làm phim độc lập, con người độc lập,” ông nói.

Đã 35 năm kể từ bộ phim đầu tiên của ông, A Certain Romance năm 1984, và “đối mặt với những ngôi sao điện ảnh” đã quá đủ, ông nói. “Tôi quyết định tôi không muốn gặp người, nên tôi bắt đầu làm hoạt hình. Và tôi thấy điều này thật tuyệt vời. Cần có thời gian. Bạn tận hưởng nhiều hơn.”

Ông bắt đầu bằng cách làm việc với họa sĩ hoạt hình Tạ Văn Minh ở Đài Bắc trên các bảng phân cảnh. Dần dần nhiều người tham gia dự án, và nó được chuyển đến một nhà sản xuất ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ở đó Dương Phàm làm việc với bậc thầy hoạt hình Zhang Gang. Điều quan trọng, Zhang làm hoạt hình 3D trước, và sau đó, với đội ngũ hơn 60 họa sĩ hoạt hình của mình, chúng được vẽ tay ở dạng 2D.

“[Zhang nói], sẽ tốn kém nhưng nó sẽ cung cấp cho bạn chính xác những gì bạn muốn cho chuyển động,” Dương Phàm nhớ lại.

Một cảnh trong phim No. 7 Cherry Lane. Điện ảnh là trung tâm của bộ phim

No. 7 Cherry Lane mơ mộng và gợi tưởng. Trong khi xem thành quả tuyệt đẹp này, người hâm mộ khó có thể không nghĩ đến kiệt tác lấy bối cảnh thập niên 1960 Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ. Dương Phàm đã viết 12 bài về nhà đạo diễn người Hồng Kông đồng nghiệp của mình trong cuốn sách của ông xuất bản năm 2015 Fu Hwa.

“Tôi nghĩ Vương Gia Vệ là một đạo diễn phim thực sự giỏi. Tôi yêu những bộ phim của ông, nhưng tôi không nghĩ bộ phim này chịu ảnh hưởng ông ấy,” Dương Phàm nói. Ông sẽ thừa nhận để tỏ lòng tôn kính mến mộ, với cách xử lý âm nhạc và thậm chí là một cảnh Mỹ Linh đi bộ về nhà âm hưởng thủ pháp “Vương Gia Vệ nổi tiếng [sử dụng] cảnh chuyển động chậm.”

No. 7 Cherry Lane – bộ phim lấy tên theo địa chỉ nhà của Ngô thái thái ở khu phố thuộc khu Bắc Giác ở Hồng Kông – thực sự cất cánh là trong những khoảnh khắc gây ảo giác hơn. Những người “cười cợt” và “bỏ về” mà một số nhà phê bình nhắc đến nhiều nhất là với một cảnh, một cảnh tình dục giả tưởng điên rồ liên quan đến kích thích núm vú nam giới và một con mèo đen từ hộp thuốc lá Craven A sống dậy.

“Tôi có một anh bạn biết rành tất cả những thứ lập dị này, và anh ấy nói, ‘Không ai từng thực hiện những cảnh mèo như thế!’,” đạo diễn Dương Phàm nói.

Từ trái qua: Điền Tráng Tráng, lồng tiếng cho một vai nhỏ trong No. 7 Cherry Lane, Trương Ngãi Gia (Ngô thái thái), Dương Phàm và Lâm Đức Tín (Tử Minh) tại Liên hoan phim Venice nơi bộ phim ra mắt

Cũng như việc phủ nhận bất kỳ kết nối nào với Vương Gia Vệ, Dương Phàm từ chối nói rằng cảnh này là liên tưởng với Fritz the Cat và các hoạt hình người lớn khác. “Bộ nhớ của tôi đầy phim,” ông nhún vai. “Có lẽ tôi lấy dưỡng chất từ chúng!”

Nếu có đi chăng nữa, với việc tham khảo cuốn tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, bộ phim là một sự tôn vinh hoài niệm ký ức lấp lánh. Như lời mở đầu phim đã nói, “Hãy nhìn những năm tháng hoàng kim trôi qua.”

Điện ảnh là trung tâm của bộ phim – không chỉ bởi vì Tử Minh đưa Ngô thái thái đi xem Simone Signoret; thậm chí còn có một liên hệ không-giấu-giếm với The Grad, phản ánh tình cảm lãng mạn nảy nở giữa hai người.

Thú vị thay, bên cạnh những tên tuổi lớn hơn của bộ phim, còn có diễn xuất lồng tiếng từ các nhà làm phim Điền Tráng Tráng, Hứa An Hoa và Trần Quả. “Họ đều là bạn của tôi, những người mà tôi đã làm việc cùng... những người bạn thân nhất của tôi,” ông nói. “Đây giống như một bộ phim gia đình. Bộ phim nhỏ hèn mọn này giống như một bộ phim gia đình! Và tất cả chúng tôi đều thích nó!”

Có phải Dương Phàm muốn trở lại hoạt hình? “Không. Bởi vì tôi không lặp lại chính mình. Tôi là một người sáng tạo độc lập,” Dương Phàm nói. Thậm chí ông không chắc liệu có sẽ làm phim người đóng nữa không. Ít nhất là không phải lúc này.

Dương Phàm tại buổi chụp ảnh cho bộ phim của mình ở Venice

“Tôi muốn cảm thấy mình có gì đó để nói, với khán giả, với thế giới. Bạn phải mang tiếng nói của mình đến với đời, không thì sao phải tiêu hết năng lượng của mình và tiền bạc của người khác?”

Căn cứ No. 7 Cherry Lane thì Dương Phàm vẫn còn nhiều điều để nói.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post