Nhân vật & Sự kiện

Hirokazu Kore-eda tiếp tục với thành công và nỗi buồn bằng Shoplifters

18/01/2019

Nỗi buồn và niềm vui luôn song hành cùng nhau trong phim của Hirokazu Kore-eda, biên kịch và đạo diễn người Nhật được yêu mến của những bộ phim gia đình thân tình, tinh tế như Like Father, Like Son (2014) và After the Storm (2017).

Nên không có gì ngạc nhiên khi sự đón nhận vui mừng dành cho Shoplifters, bộ phim lặng lẽ gây xúc động về một gia đình bị cuốn vào cảnh nghèo đói và trộm cắp vặt ở Tokyo hiện đại, lại đượm buồn.

Hirokazu Kore-eda trong ảnh kỷ yếu Những người thắng giải sau khi ông đoạt Cành cọ vàng cho Shoplifters tại Liên hoan phim Cannes thường niên lần thứ 71 năm 2018

Kể từ khi giành giải Cành cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes vào tháng 5/2018, vượt qua các ứng viên sáng giá nhất bao gồm BlacKkKlansman Cold War, Shoplifters đã trở thành một trong những bộ phim thành công nhất về mặt thương mại lẫn phê bình trong sự nghiệp của nhà đạo diễn 56 tuổi Kore-eda. Ra mắt tại một số rạp chọn lọc ở Mỹ, bộ phim đã thu về hơn 50 triệu đôla toàn cầu và được xếp hạng là phim có phòng vé lớn nhất Nhật Bản cho nhà đạo diễn.

Nhưng những tháng sau khi bộ phim phát hành quốc tế đã đưa đến nỗi đau của riêng họ, và không chỉ đơn thuần là do chủ đề nhức nhối và không ngừng liên quan với cuộc sống đương đại của câu chuyện. Phim có một trong những màn trình diễn cuối cùng của nữ diễn viên kỳ cựu người Nhật Bản Kirin Kiki, đã mất vì ung thư vào tháng 9/2018 ở tuổi 75. Trước đó, bà đã từng xuất hiện trong Still Walking (2009) và After the Storm của Kore-eda.

“Bao năm qua đã trở nên không chỉ là mối quan hệ giữa đạo diễn và nữ diễn viên, mà là quan hệ đối tác trong sáng tạo,” Kore-eda nói với Los Angeles Times về sự cộng tác của ông với Kiki, thông qua một phiên dịch viên. “Sự hiện diện của cô ấy là một sự hiện diện rất quan trọng đối với tôi.”

Nữ diễn viên kỳ cựu Kirin Kiki trong phim Shoplifters

Kore-eda đang ngồi ăn trưa tại London West Hollywood, nơi ông bận rộn quảng bá cho Shoplifters, sẽ đại diện Nhật Bản trong cuộc đua Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài. Ông đã dành chút thời gian rảnh từ công việc quay phim ở Paris, bối cảnh cho bộ phim tiếp theo của ông, La Vérité (The Truth), với sự tham gia của Juliette Binoche, Ethan Hawke và Catherine Deneuve; đây sẽ là phim đầu tiên của nhà đạo diễn này lấy bối cảnh bên ngoài nước Nhật.

Nhưng với bao nhiêu là phấn khích và xê dịch trong nhiều tháng qua (“Hiện tại tôi đã sống ở Paris đã được bốn tháng và tôi vẫn không hiểu một từ tiếng pháp nào”), Kore-eda có vẻ hoàn toàn thoải mái, nhẹ nhàng, trầm ngâm và dễ tiếp cận như bất kỳ bộ phim nào của ông.

Vẫn thế ngay cả khi cuộc trò chuyện hướng về Kiki. Trong Shoplifters, bà đóng vai một trong sáu con người — bốn người lớn và hai trẻ nhỏ — thoạt nhìn, có vẻ là một gia đình bình thường sống cùng nhau trong tù túng chật chội. Nhưng từ cảnh mở đầu, một trong hai đứa trẻ, Shota (Jyo Kairi), ăn cắp thực phẩm ở siêu thị khu phố trong khi người cảnh giới cho cậu ta, Osamu (Lily Franky), trông chừng, rõ ràng không có gì đơn giản hay trung thực về sự sắp đặt này.

Một cảnh trong Shoplifters, do Magnolia Pictures phát hành ở Mỹ

Thế nên Shoplifters là một trong những khắc họa mới nhất của Kore-eda về một gia đình hết sức phi truyền thống, chủ đề mà trước đây ông đã theo đuổi trong bộ phim hài ngọt ngào cay đắng Our Little Sister năm 2016, về ba chị em gái nhận nuôi người em có cùng nửa dòng máu của họ; và bộ phim chính kịch đen tối Nobody Knows năm 2004, dựa trên bản nhận tội của một người mẹ bỏ rơi các con nhỏ của mình nhiều tháng ròng trong một căn hộ hồi năm 1988.

Shoplifters không quá khổ sở đến vậy; các nhân vật cha mẹ là những người vô trách nhiệm nhưng không bỏ bê. Câu chuyện cũng lấy cảm hứng từ các tin tức có thật ở Nhật Bản, cụ thể là các báo cáo về những người phạm tội gian lận lương hưu và cha mẹ sử dụng con cái để ăn cắp vặt.

“Ngay từ đầu tôi đã nghĩ, ‘Sẽ thế nào khi tạo ra một gia đình không do kết nối huyết thống?” Kore-eda nói. Kết luận của ông rất đơn giản: “Tôi đã kết nối họ thông qua phạm tội.”

Jyo Kairi trong vai Shota

Kết quả, dù không hẳn là một phim ly kỳ, bộ phim vẫn đầy rẫy bí ẩn và bất ngờ. Kịch bản của Kore-eda, lần lượt đi theo từng nhân vật, phác họa từng chi tiết của một gia đình vận hành được một cách ngạc nhiên dù cuối cùng không thể trụ vững. Giữa cảnh hàng ngày phải vật lộn để sinh tồn của gia đình này, bộ phim dần trả lời các câu hỏi của chúng ta về việc làm thế nào những con người này biết nhau và động lực trước mắt và lâu dài của họ có thể là gì.

Các nhân vật khác bao gồm người tình của Osamu, Nobuyo (Sakura Andô) và một cô gái trẻ khác (Mayu Matsuoka) dường như có vài bí danh khác nhau. Một số cảnh quan sát tất cả sáu nhân vật trung tâm trong căn nhà chật chội, tù túng của họ, một bối cảnh được trang trí cẩn thận để máy quay của Kore-eda biến nó thành thế giới khép kín riêng mình.

“Tôi đã đề nghị bộ phận nghệ thuật hai điều: Tôi muốn nó bẩn hơn gấp ba lần và bừa bộn hơn ba lần so với trước,” Kore-eda nói, thêm rằng, “Bởi vì tôi hiểu nghèo đói không có nghĩa là thiếu đồ đạc.”

Miyu Sasaki lặng lẽ tan vỡ

Kore-eda nói rằng ông đã dựa rất nhiều vào người cộng tác thường xuyên của mình, Franky, từng xuất hiện trong Like Father, Like Son, Our Little SisterAfter the Storm, để đạt đúng tâm trạng và nhịp điệu trên trường quay. Điều đó đặc biệt hữu ích với việc làm cho các diễn viên nhí, Kairi và Miyu Sasaki lặng lẽ tan vỡ, thấy thoải mái.

“Lily Franky hiểu những gì tôi muốn từ một cảnh cụ thể có lẽ trước cả khi tôi làm. Chúng tôi kết nối mạnh mẽ đến mức tôi gọi anh ấy là đạo diễn trên màn ảnh của tôi,” vị đạo diễn nói.

Mặc dù đồng ý rằng anh và Kore-eda có tầm nhìn chung, Franky đã hạ thấp vai trò của mình trong quá trình làm phim của nhà đạo diễn này, mà anh mô tả là cả hai đều suy nghĩ tỉ mỉ và thích nghi với những gì diễn viên mang đến cho chất liệu.

“Quá trình làm phim của anh ấy rất nhẹ nhàng,” Franky nói trong một phỏng vấn qua email, lưu ý rằng anh và các bạn diễn làm tốt nhất công việc của mình “bằng cách điều chỉnh bản thân với bầu không khí và hơi thở của Kore-eda.”

Trong Shoplifters, Lily Franky là người mà Kore-eda trông cậy để đạt đúng tâm trạng và nhịp điệu trên trường quay

“Kore-eda là người duy nhất biết điều gì là đúng cho bộ phim. Mặc dù đưa ra một phác thảo ban đầu, anh thường thay đổi và thêm lời thoại, tùy thuộc vào cách mọi người thể hiện.”

Mặc dù phim của Kore-eda được đánh giá cao vì sự chăm chút và kỹ năng làm phim khéo léo, bản thân ông được coi là một người cần cù, loại nhà làm phim kết thúc một xuất phẩm này chỉ để lập tức bắt đầu hoặc tiếp tục công việc khác. Năm 2018 đã chứng kiến The Third Murder của Kore-eda ra rạp ở Mỹ, một bộ phim chính kịch tòa án về một kẻ giết người hàng loạt ba hoa thu hút nhiều ý kiến phê bình trái chiều.

Ngay sau The Third Murder, Shoplifters lập tức được chào đón vì không chỉ là sự trở lại với hình thức mà còn là một trong những bộ phim hay nhất của nhà đạo diễn. Tuy nhiên, sự tiếp nhận của nó ở nước ngoài không phải là không có phản ứng dữ dội hoặc tranh cãi.

Kết nối một nhóm người thành gia đình thông qua phạm tội, Shoflifters của Kore-eda đặt ra cho khán giả câu hỏi: Gia đình bạn có kết nối nhiều hơn và tốt đẹp hơn gia đình này không?

Sau chiến thắng Cành cọ vàng, Kore-eda đã từ chối tuyên dương chính thức từ chính phủ Nhật Bản, dẫn tới một số chỉ trích. Lưu ý rằng không ai lại nhận, chẳng hạn George Clooney đã từ chối một giải thưởng vì nguyên tắc của mình, đạo diễn trích dẫn các sự cố trong quá khứ của các chính phủ thao túng điện ảnh cho mục đích tuyên truyền của riêng họ. Ông cũng chỉ ra rằng sự khen thưởng đặc biệt này, không như một giải thưởng được ban giám khảo liên hoan trao tặng, không có tiêu chí rõ ràng đằng sau nó.

“Tôi cảm thấy không có tiêu chuẩn nào,” ông nói. “Mối quan hệ giữa điện ảnh và chính phủ cần phải cách rời. Điều đó rất quan trọng đối với tôi.”

Bất chấp thành công thương mại kỷ lục của bộ phim, một số người đã phản ứng vì bộ phim dám thể hiện sự đồng cảm với các nhân vật phạm pháp. Kore-eda nói rằng ông rất buồn nhưng không ngạc nhiên trước những phản ứng này.

Hirokazu Kore-eda: “Khi bạn nhìn một tên tội phạm, bạn cũng phải nhìn vào xã hội đã tạo ra tên tội phạm đó.”

“Khi bạn nhìn một tên tội phạm, bạn cũng phải nhìn vào xã hội đã tạo ra tên tội phạm đó,” ông nói. “Cái mà tôi tìm thấy ở Nhật Bản là khái niệm này đang biến mất, và càng ngày càng nhấn mạnh vào lỗi cá nhân. Và tôi cảm thấy như vậy là hết sức méo mó, và tôi nhấn mạnh quan điểm của con người về cuộc sống và xã hội đã bị bóp méo.

“Bạn có quyền nói nhóm người này không phải là một gia đình không? Đó là câu hỏi tôi quăng cho khán giả. Hay nói cách khác: Gia đình bạn có kết nối nhiều hơn và tốt đẹp hơn gia đình này không?”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times