Có lẽ, là một đứa trẻ, hàng đêm bạn ru mình vào giấc ngủ với hy vọng một sinh vật mèo khổng lồ trong rừng sẽ đưa bạn bay đi khắp bầu trời. Hay bạn thấy
mình là cô bé có sức mạnh siêu nhiên, với một quái vật mèo biết
nói. Bạn có giả trang làm chiến binh trong bộ lông thú, tưởng tượng
mình được bầy sói nuôi dưỡng? Hay là thấy những nhân vật bí ẩn
của một lâu đài biết đi là một trải nghiệm mê hoặc hơn?
Bất kể ký ức phim hoạt hình Ghibli nào mà bạn yêu dấu mãi trong tim, hẳn
bạn sẽ có một cảm giác hoài niệm nhói lòng khi bước vào triển lãm
“Studio Ghibli Layout Designs: Understanding the Secrets of Takahata and
Miyazaki Animation” (tạm dịch: Bản vẽ thiết kế của Ghibli: Khám phá bí
mật phim hoạt hình của Takahata và Miyazaki) ở Bảo tàng Di sản Hồng Kông
(diễn ra từ 14/5 đến 31/8/2014).
Với hơn 1.300 thiết kế hoạt
hình gốc, triển làm này không chỉ là một cách kể chuyện dễ hiểu qua tư
liệu của Ghibli, mà còn là công cụ giáo dục trực quan cho khách tham
quan về nghệ thuật hoạt hình. Từ
Nausicaa Valley of the Wind (1984) đến
The Wind Rises
(2013), các hình vẽ từng khung (frame-by-frame) của Hayao Miyazaki và
Isao Takahata, hai nhà sáng lập hãng phim, cùng tác phẩm của các họa sĩ
hoạt hình khác, lần đầu tiên được trưng bày ở Hồng Kông.
Chưa từng thấy một cô bé và một con mèo cưỡi chổi phải không?Phim Kiki's Delivery Service (1989)
Triển lãm này là lần thứ nhì tại Bảo tàng Di Sản Hồng Kông khám phá chi
tiết quá trình hậu trường làm phim hoạt hình – một triển lãm các phim
Pixar nổi tiếng hồi năm 2011 tập trung nhiều hơn vào việc tạo hình vi
tính hiện đại. “Triển lãm [Ghibli] này có cái nhìn tổng quát về hệ thống
thiết kế (layout system),” Rose Lee, trợ lý quản lý Bảo tàng Di sản
Hồng Kông, nói. “Đạo diễn hay họa sĩ sẽ vẽ tay mọi thứ và viết ra các
bước và chỉ đạo thực hiện cho các bộ phận khác nhau – một người sẽ lo
phông nền, người khác quay phim, chẳng hạn. Đến tận bây giờ, Ghibli vẫn
khăng khăng giữ thiết kế hoạt hình vẽ tay theo truyền thống.”
Những
chỉ đạo nay thể hiện rõ ràng trên các bức vẽ, với chữ thảo li ti của
Miyazaki hay Takahata chỉ định các khu vực dành cho phông nền, tiền
cảnh, các phần được làm nổi bật và những phần nào làm bóng. Thiết kế của
phim hoạt hình trước thời Ghibli – từ khi Miyazaki còn là một họa sĩ
hoạt hình cho những loạt phim như
Heidi, Girl of the Alps
(1974) – cũng được trưng bày trong triển lãm này, nghiên cứu sâu lịch sử
hoạt hình, từ flipbook đến tạo hình vi tính. “Khi Miyazaki làm phim
Heidi,
mỗi tuần ông sẽ phải vẽ hơn 300 thiết kế – tưởng tượng mà xem, chỉ một
người làm hết bao nhiêu đó!” trợ lý Lee kêu lên. “Giờ thì, Ghibli có hơn
300 nhân viên ở các bộ phận khác nhau, tất nhiên rồi, nhưng với mỗi
giây phim hoạt hình, họ sẽ vẫn phải làm ra 24 khung hình.” Khỏi phải
nói, rất nhiều sức người và sự hợp tác đổ vào chuyển động ảo trong phim
2D. Sau khi hoàn chỉnh thiết kế, thì 80% công việc đạo diễn đã được hoàn
thành, dù tất nhiên còn tám bước sau đó nữa (trong đó có đổ màu và
tiếng) trước khi phim thành phẩm sẵn sàng để trình chiếu.
Hãy là hàng xóm My Neighbour Totoro (1988) của tôi
Triển lãm, kéo dài đến tháng 8, đã thu hút hàng đoàn gia đình, học sinh
và những người yêu phim Ghibli, trẻ già đều có. Trợ lý Lee, sinh trưởng ở
Hồng Kông, nhớ lại vùng đất này phản ứng ra sao với
My Neighbor Totoro,
phát hành năm 1988. “Hồi thập niên 80, hoạt hình rất ấn tượng, và các
nhà hoạt hình Hồng Kông hoan nghênh mô hình này,” cô nói. “Totoro còn là
một đề tài tuyệt vời – qua con mắt trẻ em, những người có khả năng
nghe được tiếng nói của thiên nhiên hay các sinh vật trong rừng.” Dù
tưởng chừng ngây thơ, phim đã khám phá sâu những lĩnh vực đen tối, chạm
nhanh vào sự mong manh của cuộc sống con người – người mẹ của các nhân
vật trong phim bị ốm và không xuất hiện trong hầu hết thời lượng phim –
và sự mất đi phép màu khi lớn lên, không có người lớn nào nhìn thấy
Totoro.
Các phim khác của Ghibli cũng đề cập đến lưỡng phân thú
vị giữa ngây thơ khờ khạo với khôn ngoan, kỳ ảo và hiện thực. Trong phim
Grave of the Fireflies (1988) do Takahata đạo diễn, hai anh em
nỗ lực tìm ra vẻ đẹp cuộc sống trong lúc phải tự xoay xở giữa nỗi kinh
hoàng của Thế chiến thứ II (nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert xem phim
này là một trong những phim chiến tranh xúc động nhất từng được làm ra).
Và trong bộ phim đoạt giải Oscar
Spirited Away (2001), giả định rằng khởi đầu của Chihiro ở nhà tắm hơi là ẩn dụ cho ngành công nghiệp tình dục.
Áp phích Laputa Castle in the Sky (1986) và Spirited Away (2001)
Thiết kế từ tất cả những phim nói trên, cùng các áp phích hiếm, được
trưng bày tại Bảo tàng Di sản. Thật đúng lúc để nhắc nhớ tác động của
Ghibli đã tạo ra trong nền công nghiệp hoạt hình, và thế giới châu Á.
Năm tới đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập, mặc dù Miyazaki đã cho ra tác
phẩm đạo diễn cuối cùng của ông
The Wind Rises năm 2013. Và,
thực sự, gió đã nổi – từ Ghibli lấy cảm hứng từ tên bằng tiếng Ảrập cho
gió thổi qua Địa Trung Hải, mà hồi năm 1985 hai nhà đạo diễn và họa sĩ
hoạt hình đã có ý định thổi luồng gió mới vào nền hoạt hình Nhật Bản.
Giờ đây, nhiều thập niên sau, chúng ta nói rằng họ đã làm được điều đó.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TimeOut Hong Kong
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi