Các tòa nhà trường quay của Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc, một doanh
nghiệp nhà nước bao la, màu xám, thiếu cửa sổ và trông giống hệt nhau.
Dù ở ngoài Bắc Kinh 20km, không khí vẫn ô nhiễm nặng.
Bên trong, Khương Văn đang quay bộ phim mới nhất của anh,
Gone with the Bullets,
về một cuộc tranh tài khiêu vũ ở Thượng Hải thập niên 1920. Anh đang
đứng trên sân khấu với các vũ công rất dẻo. Khoảng hơn 400 người thắt cà
vạt đen thưởng thức từ nhà hát Gaudiesque, được dựng cho cảnh quay này.
Khương Văn, mặc áo thun xám đeo kính 3D, hối hả chạy lên chạy xuống sân
khấu để chỉ đạo. Khương Văn giương tấm bảng trắng có chữ “Sexy” viết
bằng mực đỏ, và chỉ cho các vũ công biết phải làm thế nào. Máy quay xoay
quanh các vũ công, nắm bắt chuyển động quay tròn của họ và phản ứng của
khán giả.
Một cảnh trong Gone With the Bullets, bộ phim có kinh phí
'khủng' so với chuẩn ở Trung Quốc, được quay 3D
Khương Văn, diễn viên đồng thời là đạo diễn, là một trong những ngôi sao
của ngành điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim năm 2010 của anh,
Let the Bullets Fly,
muốn sáng tạo ra một thể loại mới: Viễn Tây Trung Quốc. Phim nói về một
tên cướp tự xưng là thị trưởng một thành phố vùng sâu vùng xa của Trung
Quốc. Chính quyền Trung Quốc không đề cao việc khắc họa một kẻ cầm đầu
bất hợp pháp lừa bịp cả đám đông, nhưng bộ phim nổi tiếng cùng khắp. Nếu
mọi sự suôn sẻ thì
Gone with the Bullets, được quay 3D, sẽ ra
các rạp Trung Quốc và thế giới vào cuối năm 2014. Về kinh phí, bộ phim
này đã vượt rào. Phim có kinh phí khoảng 50 triệu đôla, một con số
‘khủng’ theo chuẩn làm phim ở Trung Quốc. Một biên đạo múa Broadway và
các vũ công người Mỹ đã được đưa đến đây. Trên sân khấu gần bên phòng
thay đồ, Keith Collea, một chuyên gia 3D của Mỹ, ngồi trong tối nhìn màn
hình của anh. “Trung Quốc là đây,” anh nói.
Năm 2012 Trung Quốc
qua mặt Nhật Bản trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ nhì thế giới sau
Mỹ, với doanh thu phòng vé khoảng 17 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ đôla). Có
người nghĩ năm năm nữa nước này sẽ trở thành thị trường phim ảnh lớn
nhất thế giới. Dân số trẻ, rủng rỉnh tiền, khao khát ra khỏi nhà. Điện
ảnh trở thành trọng tâm để người Trung Quốc tìm hiểu và tiêu thụ. Những
rạp IMAX màn hình khổng lồ và rạp chiếu 3D là mốt đang lên, và vé xem
phim tại những thành phố lớn ngang ngửa ở Mỹ. Rạp chiếu phim lập lòe
khắp đất nước. Cứ mỗi ngày lại có hơn mười rạp mới dựng lên trong năm
2012; đến nay có khoảng 18.000 rạp, gấp bốn lần số lượng rạp cách đây
năm năm.
Journey to the West, bộ phim phiêu lưu ra rạp năm 2013, đã thu hoạch hơn 1,2 tỉ nhân dân tệ (205 triệu đôla).
Một rạp IMAX ở Trung Quốc đang chiếu phim Trung Quốc
Phần lớn phim Trung Quốc thua lỗ: chỉ có chừng một phần tư các phim
Trung Quốc ra đến rạp, và nạn sao chép lậu có nghĩa là không có thị
trường đĩa DVD hợp pháp. Nhưng rồi nhiều phim Hollywood và những nơi
khác không có lời thời buổi bây giờ: theo một báo cáo của Viện Điện ảnh
Anh Quốc hồi tháng 12/2013, chỉ có 7% phim Anh có lời. Người Trung Quốc
thích phim và họ thích đánh cược, nên tiền bạc đang đua nhau đổ vào kinh
doanh điện ảnh. Chẳng hạn, tháng 9/2013, Vương Kiện Lâm, người giàu
nhất Trung Quốc, công bố xây khu phức hợp phim trường lớn nhất thế giới,
với kinh phí ước tính 8,2 tỉ đôla, ở Thanh Đảo.
Hollywood đang
cố gắng nhảy vào. Chỉ có 34 phim kinh phí lớn, và một nhúm phim độc lập
nước ngoài, được vào Trung Quốc mỗi năm, và các nhà sản xuất nước ngoài
chỉ được phép có phần nhỏ — thường chưa đến 25% — trong doanh thu phòng
vé. Dù thế, người nước ngoài vẫn thèm muốn đưa phim vào Trung Quốc. Đôi
khi các bộ phim được chuyển thể riêng cho thị trường này: thêm bốn phút
phim, thể hiện các diễn viên Trung Quốc, được thêm vào phiên bản Trung
Quốc của
Iron Man 3, do Marvel của Disney làm.
Để đặt chân vào thị trường Trung Quốc, các hãng phim Hollywood đang giúp đầu tư hoặc đồng sản xuất.
Gone with the Bullets
của Khương Văn được Sony, một hãng phim Hollywood, hỗ trợ; DreamWorks,
hãng làm ra những phim hoạt hình thành công đình đám như
Shrek,
đã thành lập Oriental Dreamworks, một liên doanh với Tập đoàn Truyền
thông Thượng Hải, một hãng phim nhà nước, và hai hãng khác, để làm phim
hoạt hình cho thị trường Trung Quốc. Có những rủi ro trong khi làm ăn ở
Trung Quốc như Relativity Media, một hãng phim Hollywood, đã thấy hồi
năm 2011. Hãng này hứng chịu búa rìu của truyền thông phương Tây khi
quay phim ở Lâm Nghi, một thành phố đầy tham vọng thuộc tỉnh Sơn Đông,
khi Trần Quang Thành, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, bị giam
giữ trong nhà riêng ở thành phố này. Nhưng hấp lực của thị trường Trung
Quốc thường lấn át rủi ro, và Relativity đã rót tiền vào một phim mới
quay tại Lâm Nghi.
Một cảnh trong phim Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon 3D
Ảnh hưởng của Mỹ trong ngành điện ảnh Trung Quốc không phải là chuyện
mới. “Mọi thứ chúng tôi đã học, chúng tôi học từ Hollywood,” Vu Đông,
lãnh đạo Tập đoàn Điện ảnh Bona, một trong những hãng phim độc lập lớn
nhất Trung Quốc, nói. Ở một số phương diện nào đó nền điện ảnh Trung
Quốc tương tự Hollywood những năm 1930, khi các hãng phim kiểm soát tất
cả các khía cạnh làm ăn — từ nhân tài đến sản xuất đến nhà rạp — trước
khi Tòa án tối cao ra đạo luật năm 1948 buộc họ phải tách ra. Ở Trung
Quốc, đây được gọi là “làm rồng từ đầu chí đuôi”. Hoa Nghị Huynh Đệ, một
trong những hãng phim lớn nhất Trung Quốc, cái tên của hãng gợi tưởng
anh em nhà Warners, giám sát diễn viên, chế tác, phát hành và rạp chiếu.
Nhưng
khác biệt thì rõ rệt hơn là tương đồng. Công nghiệp điện ảnh Trung Quốc
thiếu sự tinh tế kỹ thuật của Hollywood. Ngay cả những phim Trung Quốc
tốn kém trông vẫn nghiệp dư. “Tôi đã ngủ gật,” một phụ nữ thú nhận khi
đèn bật lên trong khán phòng khu phức hợp rạp chiếu Bắc Kinh. Cô đã đi
làm về sớm vài phút để kịp xem buổi chiếu cuối giờ chiều bộ phim
Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon 3D. Trong một số cảnh phim hiệu ứng đặc trông như trò chơi video những năm 1990. Cốt chuyện và lời thoại thì không khá gì hơn.
Điện
ảnh Trung Quốc còn thiếu sức mê hoặc của Tinseltown. Phòng làm việc của
Vu Đông trên tầng 18 của một tòa nhà xỉn màu ở Bắc Kinh trên con phố
náo nhiệt. Khói thuốc lá của ông ngập trong phòng; tiếng còi xe ầm ĩ từ
con đường bên dưới. Không có cảnh tiệc tùng kiểu Hollywood vì các ngôi
sao thường tháo chạy khỏi một Bắc Kinh ô nhiễm. Họ đối xử với những buổi
chiếu ra mắt như sự kiện công việc và kỳ vọng được trả thù lao để xuất
hiện.
Áp phích phim The Founding of a Republic / Kiến quốc đại nghiệp,
bộ phim năm 2009 chào mừng sinh nhật nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
là một sử thi hào nhoáng kiểu Hollywood thể hiện rất nhiều ngôi sao mà
một số đã bị cắt khỏi phiên bản cuối cùng
|
Nhưng khác biệt lớn nhất là vị trí của quyền lực. Ở Mỹ quyền lực trong
tay các hãng phim; ở Trung Quốc nằm trong tay nhà nước. Nhà nước kiểm
soát phim nào được làm và thọc tay vào mọi khía cạnh của kinh doanh điện
ảnh, từ sản xuất đến trình chiếu. Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc sản xuất
phim và phát hành phim Hollywood và phim Trung Quốc. Nhà nước khen
thưởng những nhà làm phim độc lập làm phim được nhà nước chấp thuận —
Desen International Media, một công ty chế tác, nhận 3 triệu tệ tiền
thưởng cho phim
Full Circle, đề cao lòng hiếu thảo, chẳng hạn — và chặn phim Hollywood trong những ngày nghỉ lễ của cả nước, để giúp phim Trung Quốc.
Hollywood
luôn là nhà kiến tạo giấc mơ của thế giới, nhưng chính phủ Trung Quốc
muốn đất nước này tự mình làm lấy. Một thông cáo được phát hành sau khi
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp năm 2011 nói rằng “nhiệm
vụ cấp bách là tăng cường quyền lực mềm của văn hóa” và để “xây dựng đất
nước trở thành một siêu cường văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Khi Tập đoàn
Truyền thông Thượng Hải ký kết với DreamWorks năm ngoái, Tập Cận Bình,
lúc đó là phó chủ tịch giờ là chủ tịch nước, đã tham dự lễ ký kết ở Los
Angeles.
Chính phủ Trung Quốc có hai tham vọng kép trong việc
thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh, một trong nước và một trên toàn cầu. Ở
trong nước, Trung Quốc muốn người dân xem những phim khắc sâu văn hóa
và giá trị Trung Hoa. Ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc muốn lan truyền
một hình ảnh hấp dẫn hơn của Trung Quốc. Đăng cai thế vận hội là một
trong những nỗ lực nhằm mục đích này; nhưng việc ra mắt phim có thể diễn
ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện ảnh Trung Quốc làm
ăn kém hơn kỳ vọng: chỉ một lần đoạt Cành cọ vàng ở Cannes, hơn 20 năm
trước, cho bộ phim
Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca — mà lúc
đó bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc muốn thay đổi điều
đó, và gần đây đã giúp tổ chức các sự kiện trình chiếu phim Trung Quốc ở
những địa điểm khác nhau như Fiji, Campuchia và New York.
Cảnh trong phim Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca, bộ phim
đưa điện ảnh Trung Quốc đăng quang với Cành cọ vàng tại Cannes 1993
Như với Thế vận hội, chính phủ Trung Quốc không thấy thoải mái tạo cơ
hội cho các yếu tố sáng tạo. Ngoại lệ trong thập niên 1930, khi Trung
Quốc có một nền điện ảnh độc lập nở rộ tập trung ở Thượng Hải và vận
hành hầu như không bị can thiệp, thời tiết chính trị được định nghĩa và
xác định bằng điện ảnh. Các hãng phim tư nhân bị giải tán sau khi Nhật
chiếm đóng Thượng Hải năm 1937. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền
năm 1949, họ nhận ra rằng phim ảnh rất hữu ích. Các hãng phim nhà nước
làm phim toàn về nông dân và tuyên truyền, và xe chiếu phim lưu động đến
các vùng thôn quê để đảm bảo những phim đó tiếp cận với hàng triệu
người. Vé xem phim được cấp phát ở nơi làm việc, và mọi người phải đi
xem. Phim độc lập bắt đầu trở lại vào thập niên 1970, và sau đó phập
phều suốt. Giờ đây một vài hãng phim độc lập mới hoạt động trong vòng
giới hạn của một hệ thống do nhà nước kiểm soát.
“Nhà sản xuất
phim Trung Quốc là nhà sản xuất phim giỏi nhất thế giới,” Vu Đông tuyên
bố. “Anh ta phải thương lượng với nhà nước và thị trường.” Trung Quốc
không có hệ thống phân loại phim kiểu như hệ thống phân loại ở phần lớn
thế giới còn lại để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng phim sẽ
không được trình chiếu khi chưa được các nhà kiểm duyệt tại Cục Báo chí,
Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình thông qua. Nhà làm phim
phải nộp bản thảo kịch bản trước khi quay, và sau đó là bản phim đã biên
tập hoàn chỉnh. Hội đồng kiểm duyệt, khoảng 36 thành viên, nhắm vào bạo
lực, tình dục, ma túy và bất cứ gì chỉ trích đảng, công khai hay ẩn ý —
nói cách khác, đủ mọi thành phần có thể được viện tới. Thành công xuất
phát từ việc đoán được các nhà kiểm duyệt sẽ nhắm vào cái gì, và viết
kịch bản sao cho họ không nhắm được. Công khai phê bình về chính trị là
không chấp nhận được; đó có lẽ là lý do tại sao có quá nhiều phim lấy
bối cảnh thời xưa.
Một cảnh trong phim So Young của đạo diễn Triệu Vy
Các nhà kiểm duyệt thường đòi hỏi viết lại kịch bản nhiều lần trước khi
thông qua, và, sau khi xem bản phim biên tập hoàn chỉnh, sẽ đòi cắt bỏ
một số cảnh. Phản ứng của các nhà làm phim trước các thể loại hạn chế đi
từ chấp nhận đến giận dữ. Triệu Vy, nữ diễn viên nổi tiếng và đạo diễn
phim
So Young, một phim tâm lý về học sinh trung học thập niên
1990 ra rạp năm 2013, đã phải cắt đi một cảnh thủ dâm. Cô tự thấy mình
may mắn: nhiều phim bị treo hàng nhiều năm trời. Hồi tháng 4/2013, Hiệp
hội đạo diễn Trung Quốc đã vinh danh đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Trong
phát biểu nhận giải, ông phàn nàn về “sự tra tấn” của khâu kiểm duyệt.
Thậm chí khi phim đã được bật đèn xanh rồi, đôi lúc các nhà kiểm duyệt
còn đổi ý.
Trong lúc các nhà sản xuất phim Hollywood cố đấm ăn
xôi để phim của họ được chú ý, các nhà sản xuất phim Trung Quốc giữ im
lặng, để tránh khiêu khích sự chú ý hay ngờ vực của giới kiểm duyệt. Có
một nhà báo tham quan phim trường của một bộ phim phải sửa kịch bản đến
20 lần mới được chấp thuận. Các nhà kiểm duyệt chỉ chịu thông qua sau
khi một nhân vật đảng viên cộng sản Trung Quốc đáng mến được đưa vào.
Thành viên đoàn làm phim này tiết lộ rằng các nhà kiểm duyệt vẫn tiếp
tục duyệt đi duyệt lại kịch bản, dù việc quay phim đã bắt đầu, và tìm
cách loại bỏ cảnh cao trào cuối phim. Khi các nhà sản xuất phim nghe nói
nhà báo có mặt ở phim trường, họ kinh hoàng, sợ báo chí viết tới tên bộ
phim.
Có người nói rằng việc kiểm duyệt đang được nới lỏng đôi chút. Chẳng hạn, một cảnh phô trong
So Young đã bị cắt, nhưng việc phá thai được chừa lại.
No Man’s Land,
một phim ly kỳ hắc ám, bị treo hai năm vì các nhà kiểm duyệt nghĩ rằng
phim “quá đen tối” và “quá xa với đời thực”. Nhưng sau khi có một số
điều chỉnh đáng kể, phim đã được ra rạp vào đầu tháng 12/2013.
Hunger Games: Catching Fire
— bom tấn mùa thu của Hollywood, trong đó một chế độ chuyên quyền hy
sinh người trẻ cho đám đông giải trí — thì, trước sự sửng sốt của hầu
hết mọi người, được chiếu ở các rạp Trung Quốc. Những trang phim trực
tuyến nổi tiếng, như Youku, chiếu các phim độc đáo, gọi là “microfilm”,
vốn không phải đối tượng của quy trình kiểm duyệt như phim, nhưng đây có
lẽ là một lỗ hổng hơn là tiến bộ.
Áp phích phim No Man’s Land, ra rạp vào đầu tháng 12/2013
sau hai năm bị neo ở khâu kiểm duyệt
Chính phủ Trung Quốc sử dụng trợ cấp lẫn kiểm duyệt để có những phim họ
muốn. Họ chi tiền thoải mái cho phim tuyên truyền, chiếm chừng 10% số
phim được làm ra mỗi năm.
The Founding of a Republic, bộ phim
năm 2009 chào mừng sinh nhật nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một sử
thi hào nhoáng kiểu Hollywood thể hiện rất nhiều ngôi sao mà một số đã
bị cắt khỏi phiên bản cuối cùng.
Với tất cả những nỗ lực cho tới
nay, Trung Quốc chưa thực sự có được điều họ muốn từ nền công nghiệp
điện ảnh. Không hề khắc sâu vào tâm trí đại chúng những giá trị và văn
hóa Trung Quốc mà nhà cầm quyền ưa chuộng, những phim thành công thường
là chuyển thể các phim thành công của Hollywood.
Lost in Thailand, phim hài về các anh chàng gợi nhớ
The Hangover của Hollywood, rất thành công hồi năm ngoái, cũng như
Tiny Times,
bộ phim về bốn người bạn theo chủ nghĩa vật chất sống ở Thượng Hải và
phong cách sống xa hoa của họ, được miêu tả là pha trộn giữa
The Devil Wears Prada với
Sex and the City (không có sex). Một sự tôn thờ ngọt ngào dành cho chủ nghĩa vật chất,
Tiny Times
đặc biệt ăn khách ở những thành phố nhỏ, kém phát triển “cấp 3” và “cấp
4”, người dân ở đó thèm khát giàu sang và thời trang nhưng muốn xem
những nhân vật “cây nhà lá vườn”. Ann An của Desen International Media,
một trong những nhà sản xuất, nói bộ phim hấp dẫn những khán giả bị căng
thẳng, quá tải vì công việc. “Chúng tôi cung cấp cho họ một giấc mơ dài
hai tiếng đồng hồ.” Một nhà làm phim nói chủ nhiệm hội đồng kiểm duyệt
đã miêu tả phim Trung Quốc được làm thời nay là “rác rưởi”.
Bốn nữ nhân vật chính trong phim Tiny Times / Tiểu thời đại
Mà điện ảnh Trung Quốc cũng chẳng đi đâu được.
Lost in Thailand
thu hoạch khoảng 192 triệu đôla ở Trung Quốc, nhưng chỉ kiếm được
60.000 đôla ở Mỹ. Ngay cả khán giả Đài Loan và Hồng Kông cũng không quan
tâm đến phim của Đại lục. Cốt chuyện thường ngớ ngẩn còn diễn xuất thì
cường điệu.
Flowers of War, một bộ phim tốn kém về cuộc thảm
sát ở Nam Kinh, có nam diễn viên Christian Bale của Hollywood, nhắm tới
phát hành toàn cầu. Nhưng phim tịt ngòi ở bên ngoài Trung Quốc và không
thắng được giải thưởng nào hay sự khen ngợi của giới phê bình như các
quan chức Trung Quốc đã hy vọng.
Rất nhiều phim vừa quá ngoại lai vừa quá quen thuộc với khán giả nước ngoài: ví dụ
Finding Mr. Right
là một phim hài lãng mạn về một cô gái đến Seattle để sinh con, và tìm
thấy tình yêu ở đó. Chuyện phim nghe có vẻ đương đại đối với khán giả
Trung Quốc, nhưng với khán giả nước ngoài thì chẳng có gì bất ngờ và
mang quá nhiều âm hưởng của
Sleepless in Seattle, một phim Hollywood kinh điển.
Cảnh trong phim Finding Mr. Right
Một sự nhẹ tay hơn của giới kiểm duyệt có thể sản sinh ra những bộ phim
mang tính Trung Quốc xác thực hơn lẫn hấp dẫn về nghệ thuật. Cũng phải
tránh những sự kiện nhạy cảm. Bộ phim Trung Quốc gần đây nhận được sự
chú ý của phương Tây là
A Touch of Sin của đạo diễn Giả Chương
Kha — một khắc họa u ám đầy nghệ thuật về Trung Quốc hiện đại đã đoạt
giải kịch bản xuất sắc tại Cannes năm 2013. Chính quyền Trung Quốc đã
cấm trình chiếu phim này ở rạp và cấm giới báo chí phỏng vấn đạo diễn
Giả. Người phương Tây có lẽ đọc tin về những chuyện như vậy còn nhiều
hơn là xem phim Trung Quốc nữa.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Economist
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi