Nhân vật & Sự kiện

Marvel đang áp đảo DC trong cuộc chiến phim truyện tranh như thế nào

27/05/2016

Nếu bộ phim Batman v Superman lủng củng và Captain America: Civil War mang tính giải trí cao hơn cho chúng ta rút ra bài học gì, thì đó là tương lai của Marvel xán lạn, còn DC vẫn mịt mù lắm.

Mượn lời của một nhân vật phản anh hùng trong bộ phim siêu bom tấn thì phim siêu anh hùng ngày nay mọc lên như cỏ. Cứ nhổ được một phim – dù đó là qua những lời phê bình chê không thương tiếc hay doanh thu nghèo nàn – thì vẫn sẽ có những phim mới được duyệt.

Thỉnh thoảng, thể loại phim lợi nhuận nhất Hollywood này sẽ nở hoa, giới thiệu nhiều thế giới đan xen cùng nhiều nam nữ siêu anh hùng xuất hiện giải cứu thế giới mỗi mùa hè. Đây chính là chuỗi những phim thành công chúng ta đang được thưởng thức từ Marvel trong vòng tám năm nay, một hiện tượng vẫn đang tiếp tục với sự ra mắt của Captain America: Civil War, phim thứ 13 trong Thế giới Điện ảnh Marvel.

Nhưng trong khi Civil War ra rạp trong những lời tâng bốc khen ngợi của giới phê bình, chỉ sau gót Batman v Superman: Dawn of Justice có vài tuần, thật khó mà không so sánh hai bộ phim giữa hai đối thủ cạnh tranh DC và Marvel. Nhưng trong hệ thống hai phe của thế giới phim siêu anh hùng ngày nay, sao DC lại kém cỏi tới vậy trong một cuộc chơi đã kéo dài nửa thế kỷ nay?

Bao nhiêu khán giả nuôi hy vọng khi tháng 3 vừa qua, WB cho ra mắt cuộc chiến đáng lẽ phải đi vào lịch sử phim siêu anh hùng – Người Dơi và Siêu Nhân, cả hai đều là nhân vật kinh điển, đối đầu trong mộ cuộc chiến trong phim Man of Steel phần hai. Đây là bộ phim dự tính và được mong đợi sẽ tạo nên một thế giới điện ảnh riêng của DC. Buồn thay: kết quả là một bộ phim quá nghiêm túc, khiên cưỡng, lộn xộn và không chút hài hước nào.

Bộ phim của Zach Snyder tính tới nay có doanh thu lên tới 851 triệu USD. Nhưng nó đã thất bại rõ ràng ở Trung Quốc, với doanh thu dịp cuối tuần đầu chỉ đạt mức 57 triệu USD, thấp hơn hẳn dự đoán 70 triệu USD. Với ngân sách 250 triệu USD, và 150 triệu USD chi phí quảng bá, những con số nêu trên quá thấp so với những gì WB hy vọng đạt được.

Đương nhiên, đánh giá của khán giả thì chín người mười ý. Nhưng doanh thu đáng thất vọng của Batman v Superman: Dawn of Justice chứng minh một điều với DC và Warner Bros.: không thể làm gấp và qua loa một ý tưởng hàng triệu đôla. Hai hãng này hiện đang phải cân nhắc việc giảm bớt kế hoạch làm phim trong những năm sắp tới.

Hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong thế giới truyện tranh đã đối đầu nhau hàng thập kỷ, chia khán giả thành hai phe, mỗi người chỉ có đủ chỗ trong tim cho một hãng. Cuộc đối đầu giữa Marvel và DC mang tính huyền thoại tới mức hai công ty này đã chấp nhận và đưa sự cạnh tranh này thể hiện trong một loạt truyện tranh năm 1996, kể về những cuộc chiến giữa các siêu anh hùng nổi tiếng của hai bên: Namor chiến đấu Aquaman. Storm chống lại Wonder Woman. Hulk chiến đấu Superman. Và cuối cùng… Captain America đối đầu Người Dơi.

Hiệp sĩ bóng đêm của Gotham có thể đã thắng cuộc chiến cách đây hai thập kỷ, nhưng hai nhân vật này kết thúc cuộc chiến khi cả hai có được một sự tôn trọng miễn cưỡng dành cho đối phương. Sau nhiều thập kỷ thống trị thế giới phim siêu anh hùng với các phim Siêu Nhân và Người Dơi, có một thời tưởng như DC đã là ông hoàng của thể loại này.

Nhưng nhiều khi sự cứu thế lại từ trên trời rơi xuống từ một bộ giáp sắt. Đó chính là những gì Iron Man đạt được vào năm 2008, khi nhân vật vốn không được mấy ai quan tâm này bỗng mở đường cho một thế giới điện ảnh tới nay được lên kế hoạch có tận 22 phim. Marvel đã vạch ra đường đi rõ ràng từ ngày đó, tới năm 2012, rồi 2015, và tới nay Giai đoạn 3 sẽ kết thúc vào năm 2019.

Cùng lúc đó, DC cũng đã tạo được mối quan hệ khá thành công với Warner Bros. cho các phim của mình. WB thực sự cũng không thua kém gì khi cho ra mắt Batman Begins vào 2005, giới thiệu kỷ nguyên Christopher Nolan trong lịch sử phim siêu anh hùng.

Hai tháng sau khi Iron Man ra mắt vào mùa hè 2008, The Dark Knight của WB thống trị phòng vé. Không những mang lại cho thế giới phim siêu anh hùng siêu phẩm được vinh danh nhiều nhất từ trước tới nay – tám đề cử Oscar và thắng hai giải – bộ phim còn thu về 1 tỉ USD, trở thành phim có doanh thu cao nhất năm đó. Phương thức của Nolan hoàn toàn hiệu quả – cho cả hãng phim và người hâm mộ. Tới lúc nó không còn hiệu quả nữa. The Dark Knight Rises là sự giải phóng đối với WB và DC sau một chuỗi những phim đáng hổ thẹn: Watchmen (2009) với nhiều đánh giá trái chiều, Jonah Hex (2010) không thể xem nổi và Green Lantern (2011) hoàn toàn đáng thất vọng.

Nhưng tới lúc đó, Marvel đã cho ra mắt một Iron Man 2, ba phim lẻ khác và phim Avengers đầu tiền với một thế giới siêu anh hùng mở rộng với nhiều nhân vật khác nhau tập hợp trong một phim. Kế hoạch dài lâu của họ cuối cùng đã ra hoa kết trái.

“Marvel biết rõ việc tạo nên một thế giới chung cho nhiều nhân vật siêu anh hùng là một kế hoạch đồ sộ, nên họ làm một cách từ tốn, tạo những phim riêng lẻ để cho mỗi nhân vật có được tính cách riêng của mình, rồi sau đó mới từ từ giới thiệu nhân vật mới,” một tác giả truyện tranh từng làm việc cho cả DC và Marvel cho biết.

Bỗng phải chơi trò đuổi bắt với Marvel, DC vội vàng nhảy cóc mà không tạo nền tảng căn bản trước. “DC bỗng phát điên lên, nhét tất cả các nhân vật có thể nhét vào phần hai của Man of Steel, khiến bộ phim trở nên lộn xộn. Họ quá khiếp sợ viễn cảnh làm kẻ đến sau,” tác giả kia nói.

Đương nhiên, Marvel từ lâu đã có Kevin Feige dẫn dắt quá trình xây dựng Thế giới Điện ảnh Marvel, và khác với DC, cả những phim truyền hình như Daredevil, Jessica Jones, Agent Carter, và Agents of SHIELD cũng diễn ra trong cùng thế giới với phim điện ảnh. Sau thời kỳ Christopher Nolan, DC lại giao quyền quyết định tương lai các loạt phim siêu anh hùng của mình vào tay Snyder và đội ngũ lãnh đạo tại WB, và chỉ có mục đích phải đuổi kịp Marvel mà không có nền móng tương tự cần thiết.

Thay vì tạo một thế giới với tầm nhìn chung qua 13 bộ phim và những phim truyền hình liên quan, DC lại muốn tua nhanh quá trình này, và đưa ra kế hoạch làm một BvS đầy tham vọng – nhằm mục đích giới thiệu một bộ phim siêu bom tấn Justice League gồm hai phần, câu trả lời của hãng cho hiện tượng The Avengers. Canh bạc này có thể thu về những con số đáng chấp nhận hơn nếu BvS hay hơn và mạch lạc hơn, có đầu tư vào việc xây dựng những siêu anh hùng này thành những nhân vật hoàn chỉnh, thay vì chỉ dựa vào hình ảnh thương hiệu lâu năm của họ để thu hút khán giả.

Thay vì những gì mong đợi, BvS cho thấy một cuộc ẩu đả trong thế giới hậu 11/9 giữa hai siêu anh hùng hành động như trẻ con, đấu đầu vào nhau một cách bướng bỉnh trong một xích mích chỉ mang mục đích nổ máy cho bộ phim. BvS nhận nhiều lời chỉ trích từ các nhà phê bình khi không cho khán giả một giây phút vui nhộn nào cả. Phong cách nghiêm túc quá mức này được chính một trong những diễn viên chính của phim Ben Affleck ủng hộ ngay trước ngày công chiếu, bằng cách so sánh nó với phong cách nhẹ nhàng hơn của Marvel: “Chính vì bản chất phim khác nhau, những phim này không thể hài hước, nhanh nhẹn hay lém lỉnh như phim Marvel được.”

WB bám vào những gì đã mang lại thành công ở những phim trước, và nhân đôi yếu tố u sầu bất hạnh cho BvS – dù sao Batman Begins cũng là phim góp phần thay đổi cuộc chơi cho thể loại phim siêu anh hùng. Ngoài ra, thêm vào đó là phong cách kỹ xảo hình ảnh cắt dán, cháy nổ một cách quá trớn của Snyder. Hậu quả là, BvS mang đậm phong cách nam tính và nghiêm túc quá mức cần thiết đặc trưng của Snyder, bị Erik Abriss mỉa mai trong bài bình luận:

“Dưới sự chỉ đạo của Snyder, Người Dơi bỗng từ một anh chàng gầy gò hạng thường trở thành một tên đốn củi lực lưỡng trong lốt Henry Cavill. Có một lý do khiến phim của Snyder là nguồn gốc của những bài tập thể hình thịnh hành hiện nay. Anh tâng bốc bạo lực và vẻ lực lưỡng cơ bắp của phái nam, nhưng cùng lúc đó cũng lên án chính những điều này qua những thông điệp làm phim của mình, và luôn muốn những hình ảnh chấn thương tâm lý trông phải thật ‘ngầu’.”

Ngược lại, Marvel chọn nhiều đạo diễn với những kinh nghiệm đa dạng để tạo những phong cách đặc trưng của họ trên nhưng câu chuyện biến các siêu anh hùng trở thành những con người bình thường sống trong thế kỷ 21. Trong thế giới của các Avenger, mỗi siêu anh hùng có khiếu hài hước riêng, những cuộc chiến của họ có những hậu quả tâm lý ngoài những đổ vỡ thiệt hại đơn thuần, từ những yếu tố liên tưởng tới Edward Snowden trong sự sụp đổ của SHIELD với tính công nghiệp của quân ngũ, một cuộc đối thoại được bắt đầu trong Iron Man và kéo dài tới tận Captain America: Civil War.

Những điều này không có nghĩa là Marvel hoàn toàn tránh được những cú vấp ngã (The Incredible Hulk, Thor: The Dark World, và vâng, cả Avengers: Age of Ultron nữa) và quyết định lộn xộn (Black Widow). Nhưng họ cũng có hàng tá cơ hội học hỏi từ những sai lầm đó. Nhưng WB thì lại đầm đầu phi tới một cái đích mù quáng là Justice League.

Phim WB-DC hiện giờ cần cơ hội để thả lỏng và tỏ ra điên rồ một chút. Hai hãng này đã có kế hoạch làm 10 phim nữa từ giờ tới 2020, gồm phim lẻ về Wonder Woman do Patty Jenkins đạo diễn, Justice League Part One của Snyder và Aquaman do James Wan đạo diễn. Dù cũng không tránh được việc quay lại nhiều cảnh phim nhằm mục đích thêm yếu tố hài hước hay hành động cho phim (mỗi nguồn tin nói một kiểu về vấn đề này), Suicide Squad do David Ayer đạo diễn dự tính ra mắt tháng 8 này sẽ là nguồn năng lực mới mà DC hiện đang rất cần.

Cùng lúc dó, Warner Bros. mới đây có thông báo chính Batfleck sẽ đạo diễn phim lẻ của riêng mình, do chính anh đóng chính – một tin được người hâm mộ Dơi đón nhận. Nhưng liệu Affleck có phải đạo diễn mà DC đang cần lúc này? Và tới lúc phim lẻ này ra mắt, liệu hãng phim này đã giải quyết được những khúc mắc tiềm ẩn của mình chưa?

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast