Nhân vật & Sự kiện

Người hâm mộ siêu anh hùng đang hủy hoại kỷ nguyên vàng của phim truyện tranh

02/05/2016

Siêu anh hùng đang trở thành hạng mục hái ra tiền của Hollywood – đẩy số lượng vé bán tại các rạp chiếu và vận phẩm ăn theo bán lẻ lên tầm cao chưa từng có. Đã có hơn bốn mươi kịch bản truyện tranh chuyển thể (và đang tiếp tục tăng lên) chuẩn bị ra rạp từ nay đến 2020 – và sẽ còn nhiều hơn nữa.

Với rất nhiều phim siêu anh hùng đang được sản xuất, thật dễ hiểu khi khán giả sẽ có những nhân vật yêu thích riêng – điều này giữ những cuộc tranh luận luôn sôi nổi giữa các ‘fan’ về việc ai (và phim nào) mới thực sự là siêu anh hùng.

Suy cho cùng, các cuộc tranh luận mang tính giải trí và thiện chí chỉ có thể vui vẻ cho đến khi chúng không còn tính giải trí và thiện chí như trước nữa.

Những người hâm mộ cực đoan và ích kỷ luôn tồn tại trong ngành công nghiệp giải trí; tuy nhiên, không thể bỏ qua xu hướng những khán giả xem phim truyện tranh điện ảnh hay truyền hình, và các trò chơi video mà họ yêu thích, say sưa hạ bệ người khác đang ngày càng tăng, thay vì tranh luận có tính xây dựng.

Ở một giai đoạn nào đó, chính nhiều người trong chúng ta đã trở thành những “kẻ phản diện” mà chúng ta luôn ghét bỏ khi đọc truyện tranh siêu anh hùng. Một số độc giả truyện tranh và người xem phim sẽ khó mà nhớ lại thời kỳ trước khi các siêu anh hùng thống trị thị trường phim bom tấn, tuy nhiên, vì thể loại phim này tiếp tục mở rộng và thêm nhiều siêu anh hùng được đưa vào các phim điện ảnh và truyền hình của DCEU (Thế giới DC mở rộng) cũng như MCU (Thế giới điện ảnh Marvel), đây là thời điểm tốt nhất để để cư xử văn hóa hơn – và tìm lại niềm vui trong các cuộc tranh luận tinh thần (mà không ác ý).

Chú ý: Mặc dù bài này chỉ đề cập đến người hâm mộ siêu anh hùng, nhằm mục đích tập trung vào câu chuyện, thông điệp tổng quát có thể (và nên) là một bài học cho tất cả các người hâm mộ – ngay cả những người không thực sự đam mê người hùng và các nhân vật phản diện của truyện tranh.

Bài viết không nhằm mục đích khái quát hóa hoặc đưa ra những tuyên bố chung về tất cả các ‘fan’ phim điện ảnh và truyền hình siêu anh hùng; thay vào đó, đây là lời kêu gọi những ai đã và đang cho phép người khác có thái độ tiêu cực nhằm đầu độc một thời điểm đáng lẽ là tuyệt vời để trở thành người hâm mộ truyện tranh, phim lẻ hay phim truyền hình có kịch bản chuyển thể từ truyện tranh.

Phê bình chứ đừng chỉ trích

Giống như bất kỳ ngành nghệ thuật nào, công nghiệp giải trí có đầy sản phẩm tồi tệ và những ý tưởng nửa vời – ngang bằng việc nó cũng đem lại những trải nghiệm chất lượng và nhiều sự bất ngờ được đón chào nhiệt liệt (rất nhiều trong số đó nằm ở giữa ở cả hai điều trên).

Bất kỳ bộ phim hay chương trình truyền hình nào cũng có thể bị chỉ trích và người xem nên nâng cao thị hiếu để các kênh truyền thông và hãng phim tăng tiêu chuẩn – và đừng bao giờ xem nội dung, chuỗi phim được yêu thích, và người hâm mộ là chuyện đương nhiên.

Phê bình là một trong những cách mà người hâm mộ và các nhà bình luận xã hội (cũng như các nhà phê bình được đào tạo) có thể buộc các nghệ sĩ phải có trách nhiệm – đặc biệt là các công ty lớn tạo ra các sản phẩm văn hóa đại chúng mang tính chủ quan với hy vọng tối đa hóa lợi nhuận.

Chỉ vì một người (hoặc nhiều người) thích một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình không có nghĩa là nó hoàn hảo, không có một tí lỗi nào, và vượt lên trên những phân tích đúng đắn. Bất kỳ nghệ sĩ (đạo diễn, nhà văn, hay diễn viên…) nào cũng nên tìm cách hoàn thiện sản phẩm của họ – để tăng cường kết nối với các khán giả. Ngay cả những nhà sáng tạo giỏi nhất cũng không thể có sự hoàn hảo – và những phản hồi đáng tin cậy, trình bày rõ ràng, thậm chí là cứng rắn là cách tốt nhất để nghệ sĩ phát triển và học hỏi. Tuy nhiên, những phê bình có tính xây dựng (dù nghiêm khắc) là rất khác với giọng điệu chỉ trích cay độc và hết sức lạm dụng đã len lỏi vào giới hâm mộ vài năm qua – như một số ‘fan’ nào đó đã trở nên độc ác, và muốn bảo vệ nhân vật và phim họ yêu thích tới mức thường xuyên nguyền rủa ‘fan’ của truyện tranh khác và thậm chí đe dọa các nhà làm phim, diễn viên, người vần hành chương trình, và nhiều nhân tài khác trong ngành công nghiệp này trên mạng hoặc trực tiếp ngoài đời.

Trong cuốn sách của mình, Tough Shit: Life Advice From a Fat, Lazy Slob Who did Good (tạm dịch: Chỉ trích khó nhằn: Lời khuyên cuộc sống từ một kẻ người lười biếng và béo phì nhưng thành công), Kevin Smith chỉ ra xu hướng ngày càng tăng của việc người hâm mộ dễ dàng tấn công hơn là khuyến khích các nghệ sĩ bằng những lời phê bình mang tính xây dựng:

"Hãy nhớ rằng: Không mất gì cả để khuyến khích một nghệ sĩ, và khơi gợi ở họ những tiềm năng đáng kinh ngạc. Một lời động viên dành cho một nghệ sĩ có thể một ngày nào đó lại tạo ra bộ phim yêu thích của bạn, hoặc một bộ phim hoạt hình bạn khao khát được xem, hoặc các bài hát có thể cứu rỗi cuộc sống của bạn. Còn làm cho nghệ sĩ mất hết tinh thần, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận lại được gì!"

Bằng cách nào đó, sự phát triển của những bộ phim siêu anh hùng hiện nay, cùng với sự thịnh hành của văn hóa đại chúng tăng lên đã thực sự phân hóa những người hâm mộ – thay vì đưa họ đến gần nhau hơn. Người hâm mộ luôn thích sự kích động, tuy nhiên điều khiến họ thích thú nhất lại là tranh cãi xem nhân vật nào “cool”* hơn (và ai sẽ là người chiến thắng khi đối đầu), Liên minh Công lý của DC hay The Avengers của Marvel. Một số người hâm mộ luôn tranh luận một cách bạo lực, vì trong suy nghĩ của họ, số phận của “thế giới thật” (hoặc ít nhất là thế giới dựng lên từ những siêu anh hùng mà họ yêu thích) đang bị đe dọa – kiểu như nếu một người thích Liên minh Công lý của DC, thì có nghĩa là những người khác không những không được phép thích The Avengers của Marvel, mà thậm chí chỉ nghĩ tới chuyện thích thôi thì người đó còn sẽ trở thành một kẻ ngu dại hoàn toàn.

Khác biệt mới tốt

Một số phim hay hơn số còn lại, có nghĩa là chắc chắn bộ phim đó đã nhận được sự đồng thuận (về sự hay hơn hoặc dở hơn), từ cả những nhà phê bình, khán giả lẫn người hâm mộ truyện tranh. Tuy nhiên, khi việc chuyển thể các siêu anh hùng gia tăng số lượng, dòng phim này bắt đầu vượt quá ranh giới của thể loại phim hành động hay hài. Rất nhiều phim bom tấn vẫn sẽ ra rạp và công chiếu trong vài năm tới, người hâm mộ sẽ dần bị nhiễm thể loại kinh dị siêu nhiên, những bộ phim dán mác R, phim hài về cảnh sát và thậm chí là về những nhóm trộm cướp. Cho đến nay, Marvel đã cho khán giả tiếp cận rất tốt với các thế giới của họ, để nhằm so sánh với thế giới gai góc trong DCEU; tuy nhiên, cả hai hãng phim này sẽ dần bị lệch ra khỏi khuôn mẫu ban đầu của họ – đặc biệt khi họ đang cố gắng có thêm khán giả mới và muốn tách biệt khỏi một rừng những phim bom tấn na ná như thế.

Suy cho cùng, những sự khác biệt này đã thể hiện rõ rệt hơn trong những thế giới điện ảnh đan xen nhau – nơi mà DC gai góc hơn trên màn ảnh rộng, Waner Bros phát triển những phim truyền hình vui nhộn và rẻ tiền cho người xem, và ngược lại, mặc dù các phim của MCU được đánh giá là nhẹ nhàng hơn, nhưng Disney lại đang phát triển một phim bộ truyền hình về nhóm Defenders của họ trên Netflix, một cách người lớn hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa về việc Marvel Studio đã tạo nên một chuẩn mực mới cho những câu chuyện chung này và qua đó gặt hái rất nhiều thành công; nhưng điều đó không có nghĩa là DC hoặc những đối thủ khác của họ sẽ hoặc phải theo đúng con đường đó.

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang trên đà bùng nổ, và không có gì phát triển mà không đi kèm những “bong bóng rủi ro”. Luôn có tác động ngược – khi các hãng phim cố gắng tận dụng xu thế và sao chép thành công. Trải qua nhiều năm, cuộc cạnh tranh đó đã làm tăng kỳ vọng của khán giả, và khiến những nhà làm phim buộc phải cung cấp sản phẩm tốt hơn để theo kịp với thị hiếu của công chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đã và sẽ còn có rất nhiều thất bại trên con đường này, những canh bạc trắng tay, nhưng viễn cảnh tốt đẹp nhất cho bất kỳ người hâm mộ thực sự nào sẽ đến, đó là khi những nhà làm phim phải lao động chăm chỉ và sáng tạo hơn để làm hài lòng khán giả. Nước lên thì thuyền lên – và điều đó cũng sẽ đúng với việc làm phim chuỗi.

Rất lâu trước khi DCEU thành hình, chủ tịch MCU Kevin Feige đã phát biểu: “Man of Steel thật đáng kinh ngạc. Đó là một trailer tuyệt vời. Tôi không thể đợi lâu hơn nữa để xem bộ phim này. Có vẻ hấp dẫn. Như tôi vẫn luôn nói, nếu tất cả phim đều hay, càng đông càng vui. Sẽ là điều tồi tệ cho chúng ta nếu một trong số những phim đó không được công chúng đón nhận. Nếu chúng ta có một bộ phim hay, và họ có một phim hay, điều đó sẽ chỉ giúp chúng ta mà thôi. Vậy nên, tất cả hãy bình tĩnh.”

Tuy nhiên, cộng đồng người hâm mộ có thể thường xuyên phản ứng với ngành công nghiệp giải trí như thể đó là một trận đấu rửa hận – nơi mà sự triệt hạ giữa các nhóm đối lập và việc xỉ vả người hâm mộ của đội bạn là cách để giải trí thay vì thưởng thức thực sự. Thay vì hy vọng vào những trận đối đầu đầy kịch tính, đội chơi hay hơn sẽ giành chiến thắng, một số người hâm mộ thích thấy một bộ phim thất bại ê chề hơn, chỉ để nói rằng “Tôi đã đúng”, và tận hưởng niềm hoan hỉ trong nỗi thất vọng của những người còn lại.

Không phải chỉ có một cách duy nhất

Niềm hy vọng được chứng kiến một phim điện ảnh hoặc một series phim truyền hình thất bại thậm chí còn không có giới hạn về nội dung cạnh tranh, khi một số thành viên thuộc cộng đồng ‘fan’ của một phim chuỗi này có thể nhanh chóng trở mặt với chính cộng đồng của mình – nếu quan điểm của họ không tương đồng với quan điểm duy nhất về cách mà nhân vật đó nên được thể hiện. Điều đó có thể dễ dàng giải thích, bởi sau hàng thập kỷ chuyển thể các bộ truyện tranh, phim ảnh, truyền hình, những người hâm mộ khác nhau sẽ thích những phiên bản khác nhau của cùng một chủ thể nội dung – hoặc trở nên cởi mở hơn để có cái nhìn khác biệt so với người khác.

Người hâm mộ luôn không tán thành mỗi khi Superman hoặc Batman có thể giết người, trong một số điều kiện nhất định, nhưng sự tức giận của cộng đồng người hâm mộ không bao giờ là có giới hạn với DC và Marvel, hoặc những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh khác, như việc làm lại bộ phim kinh điển Ghostbusters của Paul Feig đã tạo nên phản ứng đặc biệt cay nghiệt từ phía một bộ phận khán giả từ rất lâu trước khi trailer đầu tiên được công bố.

Việc chọn khởi động lại siêu phẩm Ghostbusters với một đội hình toàn-nữ, không có liên hệ gì với những thành viên gốc, luôn gây ra tranh cãi và có thể dẫn đến thất bại tại phòng vé, nhưng những nhận xét mang tính coi thường nữ giới, kỳ thị chủng tộc và giới tính cuối cùng đã làm sụt giảm nghiêm trọng sự hào hứng, và tạo nên những chủ đề tranh cãi bất tận.

Ghostbusters là một ví dụ đặc biệt điển hình – vì chuỗi phim này, nói một cách thực tế, không tiếp tục với những diễn viên bản gốc (cảm ơn Bill Murray đã không còn để tâm đến việc làm tiếp bộ phim thứ ba, cùng với sự ra đi bất ngờ của Harold Ramis). Nói đúng hơn, loạt phim Ghostbusters do người đóng, như người hâm bộ đã biết, thực sự kết thúc. Những người phản biện sẽ tranh luận về việc không có phiên bản điện ảnh Ghostbusters nào tốt hơn phim khởi động lại của Feig, nhưng với Murray trong vai khách mời (sau khi vinh danh những ngôi sao Kristen Wiig và Melissa McCarthy), vẫn còn quá sớm để người hâm mộ phát biểu dứt khoát (và cả giận dữ) về việc khởi động lại bộ phim bom tấn này. Như lập luận trước đó, các phim khởi động lại (kể cả phim dở) là rất điển hình đối với một chuỗi phim – vì người ta tái sinh những nội dung đang phai tàn trong mắt công chúng đồng thời khuyến khích mọi người xem lại bản gốc (thường là hay hơn).

Nhân vật (và thương hiệu) tiến hóa

Tương tự, cho rằng một cuốn truyện tranh, một bộ phim, chương trình truyền hình hay nhân vật trò chơi video hay nhiều thứ khác là thứ có định hình duy nhất là một lập luận tưởng chừng hợp lý, trong khi hầu hết những chuỗi phim này đã được sáng tạo lại nhiều lần trước đó, tới mức phiên bản mà người hâm mộ yêu thích nhất cũng chưa phải là bản thảo đầu tiên. Mặc dù bộ phim hoạt hình Ninja Rùa của nhà phát hành CBS có thể là phiên bản nổi tiếng nhất, thì những nhân vật này đã nằm trên bản thảo của Mirage Studios nhiều năm liền, dưới rất nhiều dạng khác nhau trước khi ra mắt công chúng. Trong thời kỳ tiền-internet, chẳng ai có nhận xét nào về việc những chú rùa độc ác và gai góc của Kevin Eastman và Peter Laird trở nên màu sắc và hoạt hình hóa như chui ra từ trong một lon nước trái cây cả.

Trên thực tế, sự phát triển của loạt phim Ninja Rùa đáng yêu là để kinh doanh chứ không phải sáng tạo, việc quyết định sản xuất loạt phim này ban đầu chỉ nhằm mục đích quảng bá cho bộ đồ chơi Ninja Rùa của hãng Playmates. Nếu như những nhà sản xuất chọn một bản chuyển thể trung thành hơn, có lẽ rất nhiều ‘fan’ sẽ không bao giờ có cơ hội chứng kiến những “anh hùng mai rùa” thực sự, kể từ khi bộ truyện tranh quá nổi tiếng này ra đời vào thập niên 1980.

Điều đó không có nghĩa là DCEU gai góc và tối tăm hay Ghostbusters toàn nữ khởi động lại sẽ thành công – nhưng sự phát triển của chuỗi phim Ninja Rùa (cùng với nhiều chuỗi phim khác) là bằng chứng hùng hồn cho thấy sự thay đổi không phải lúc nào cũng là điều tồi tệ. Mọt số ý tưởng rất tệ, nhưng một phim chuỗi hấp dẫn và những nhân vật chất lượng luôn luôn có thể vực dậy được một cách mạnh mẽ. Những nỗ lực của Sony trong việc xây dựng một hình tượng Spider Man mới sau bộ phim Người Nhện siêu đẳng 2 đã thủ tiêu hình ảnh mới xây dựng của loạt phim do Andrew Garfield thủ vai, nhưng doanh thu phòng vé thấp và phản ứng tiêu cực từ phía người hâm mộ đã thực sự thức tỉnh các nhà sản xuất, mở đường cho một thỏa thuận mang tính cách mạng giữa Sony và Marvel, khi đưa anh chàng này trở lại MCU. Không phải do sự đe dọa của đạo diễn Marc Webb mà thỏa thuận này được đưa ra, ngược lại, đó là sự hợp tác giữa hai hãng phim đang thực sự muốn làm cho sản phẩm mình tốt hơn và làm hài lòng người hâm mộ hơn nữa.

Trong thế giới truyện tranh, đây luôn là cách tiếp cận độc giả tốt nhất, những nhân vật được giới thiệu, sau đó cải tiến nhiều lần để đảm bảo có thể liên kết được với người đọc tại thời điểm đó. Không có gì phải nghi ngờ là một số điểm đặc trưng nhất của những nhân vật này không bao giờ bị thay đổi, và trở thành mấu chốt cho việc xây dựng thế giới xung quanh nhân vật này, từ sự huyền hoặc đến thế giới quan, nhưng nhiều đặc điểm khác lại được thay đổi liên tục, như rất nhiều nhân vật nổi tiếng, biểu tượng của họ vẫn đứng vững theo thời gian, mặc dù đã thay đổi đáng kể qua nhiều năm. Một trong số những phiên bản đó sẽ để lại trong lòng độc giả ấn tượng lớn hơn những phiên bản khác, nhưng không làm mất đi giá trị chính của chúng. Nói rằng Batman không chết tức là phớt lờ vô số những câu chuyện mà Hiệp sĩ Bóng đêm của chúng ta đã chết (trực tiếp hoặc gián tiếp), cũng như nói Spider Man chỉ có thể là Peter Parker là phớt lờ những nhân vật khác đã từng khoác lớp áo người chăng mạng nhện này.

Thực tế là: người hâm mộ không phải lúc nào cũng thích cách các hãng phim và kênh truyền hình quyết định về nhân vật yêu thích của mình, nhưng ngược lại, vậy không có nghĩa những người khác cũng không thích. Xa hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thời đại mà Spider Man có thể do ba diễn viên đóng trong vòng chưa đến 10 năm, có nghĩa là nếu như một hãng làm phim thực sự để mất bóng, thì chẳng bao lâu người hâm mộ sẽ đến với phiên bản khác. Nếu phạm sai lầm, thì không phải chỉ một mà là nhiều chủ thể nội dung đã làm phải xếp xó cả thập kỷ. Khi nhân vật truyện tranh được ‘fan’ yêu thích ngày càng nổi tiếng với người xem phim trào lưu, rủi ro và chi phí của việc phát triển một phim truyện tranh giảm đáng kể, khiến chúng trở thành những thương hiệu vô cùng giá trị mà các hãng phim không muốn để mặc quá lâu.

Có thể nói, cộng đồng hâm mộ sẽ được hưởng lợi từ sự linh hoạt hơn này – vì những nhân vật được yêu thích hôm nay sẽ không cứ mãi như thế. Chúng sẽ thay đổi, sẽ tiến hóa, một số trở nên hay hơn, một số trở nên dở hơn, và một số sẽ trở nên khác biệt, và thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Với nhiều phim chuỗi nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng hàng năm, sẽ có nhiều và nhiều hơn bao giờ hết để thưởng thức – cho dù phim điện ảnh, truyền hình, truyện tranh hay video game rốt cuộc kém thỏa mãn với một vài (hoặc toàn bộ) người hâm mộ.

Điện ảnh và truyền hình là do con người làm ra

Không ai muốn làm ra một bộ phim tồi, và ngay cả những nhà biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất sáng tạo nhất, thông thái nhất và nhiệt huyết nhất cáng đáng thách thức (thường là bạc bẽo) trong việc cân bằng tấm nhìn của mình với kỳ vọng của người hâm mộ và khả năng tiếp cận được khán giả phổ thông (mọi thứ trong khi cố gắng giữ cho những hãng phim và kênh truyền hình không bị quấy rầy). Đặc biệt là những đạo diễn, có trách nhiệm giữ cho bộ phim đi đúng đường, việc đó đi kèm với lĩnh vực mà họ phải chịu trách nhiệm giải thích với ‘fan’ (các nhà sản xuất cũng thế), nếu một bộ phim không gây được ấn tượng – nhưng điều đó không thể bào chữa cho những đám đông đầy giận dữ đe dọa và nguyền rủa các đạo diễn đó hay những người ủng hộ họ. Giọng điệu lăng mạ và độc địa của những lời lẽ trên mạng đã buộc nhiều nhà làm phim, kể cả những người đã từng đem đến những bộ phim hay chương trình truyền hình rất được ưa chuộng, phải rời bỏ mạng xã hội, làm thinh trước những cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa người sáng tạo và cộng đồng người hâm mộ – một ví dụ thực tế cho lời cảnh báo của Kevin Smith: “Làm cho người nghệ sĩ mất hết tinh thần, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận lại được gì.”

Sau tất cả, trong khi đạo diễn, nhà biên tập, diễn viên và nhà sản xuất thường xuyên trở thành tâm điểm cho những lời khen ngợi và cả sự chê bai, điều quan trọng cần nhớ là một bộ phim không phải là thành quả của một người, hay thậm chí một nhóm người. Kết quả là, khi cộng đồng người hâm mộ đả kích một dự án, họ thực sự đã đả kích hàng trăm hoặc hàng nghìn người đã tạo ra sản phẩm đó – trong số đó có rất nhiều người vô cùng yêu thích nhân vật hoặc nội dung được chuyển thể. Bao thập kỷ nay, những tài năng hậu trường có thể ở ngoài tầm đạn, nay nhờ có truyền thông xã hội, không ai còn bình yên được trước những thập tự quân quyết gào thét chửi bới bất cứ ai họ tìm thấy.

Ví dụ, một dòng ‘tweet’ từ một người xem phim Batman v Superman gửi trực tiếp cho nhà quay phim Larry Fong trên tài khoản Twitter của ông: “@larryfong @IMAX fuck you, the movie sucked”.**

Sau việc giới phê bình nện tơi bời và thảm họa phòng vé của Fantastic Four, tình trạng căng thẳng giữa đạo diễn Josh Trank và hãng phim 20th Century Fox bắt đầu nổi lên – báo chí đưa tin chuyện đó nạp nhiên liệu cho người hâm mộ ‘ném đá’ hãng phim, Trank, dàn diễn viên và kể cả đoàn làm phim mà không nhìn nhận một cách thấu đáo chính xác đã hỏng chuyện gì.

Về trải nghiệm đó, Miles Teller (diễn viên trong vai Reed Richards) đã đưa ra một phản hồi chân thành – nhấn mạnh khoảng cách giữa suy nghĩ của khán giả về cách một bộ phim được làm và cách nó thực sự được làm:

“Khi bạn làm một bộ phim như Fantastic Four mà không hay, người ta nghĩ “Ồ, bạn làm việc vất vả cho những bộ phim dở ẹt, hoặc phim không đi theo hướng mà bạn mong muốn, bởi có chuyện gì đó đã xảy ra. Và tôi nghĩ rằng đó là kiểu chỉ trích không chính đáng; có những bom xịt còn lớn hơn nhiều nếu bạn nhìn vào số tiền bỏ ra để sản xuất và số tiền họ thu về. Nhưng tôi nghĩ rằng, không may là một phim như vậy trở thành vết nhơ trên lý lịch khi rất nhiều con người tài năng đã lao động vất vả, và rồi có thể một nhúm người nào đó đã biến bộ phim trở thành tiêu cực. Nhưng thực sự có rất nhiều người tài năng đã làm việc vất vả để đem lại bộ phim đó.”

Đáng buồn thay, cộng đồng hâm mộ thường nhanh chóng đóng “vết chàm” cho nhân tài điện ảnh – và biến những tài năng của ngành công nghiệp này thành tội đồ cho đến khi điều ngược lại được chứng minh (hãy xem những phản ứng thái quá của ‘fan’ trước tin Ben Affleck vào vai Batman). Nếu những người hâm mộ giận dữ chiếm áp đảo trong cuộc trò chuyện của công chúng, thì chẳng có nhà làm phim nào dám ký hợp đồng đạo diễn một phim chuỗi được ‘fan’ yêu thích – hay mở cửa cho mạng xã hội ‘ném đá’ mình? Nếu những nhà làm phim ngắt kết nối với khán giả, đặc biệt với những phê bình điềm tĩnh, ai sẽ thách thức đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất tạo nên những bộ phim chất lượng hơn? Thêm vào đó, nếu ‘fan’ thù địch vẫn tiếp tục khiến cho công việc đạo diễn, biên kịch hoặc diễn xuất các tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh ‘bầm dập’ như thế này nữa, thế hệ tiếp theo của phim truyện tranh sẽ không thể được phát triển bởi những nhà làm phim táo bạo tìm cách tạo dấu ấn độc đáo vào thể loại này, nó sẽ được phát triển bởi những kẻ bỏ qua tất cả để chạy theo đồng tiền.

Những kẻ phản diện trong câu chuyện của riêng chúng ta

‘Fan’ có cảm xúc mạnh mẽ với những nhân vật này là chuyện dễ hiểu. Hỏi bất cứ người hâm mộ nào, họ sẽ dễ dàng liên tưởng đến những ký ức đẹp đẽ của mình gắn với những siêu anh hùng đó: khi họ giả làm anh hùng trong cửa hàng truyện tranh với bố mẹ, hoặc lần đầu tiên xem những cảnh hành động của siêu anh hùng yêu thích trên màn ảnh rộng, hoặc chạy trốn khỏi thực tại cuộc sống hàng ngày đầy trách nhiệm để đi vào một thế giới mà cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Rất nhiều trong số chúng ta đã dành nhiều thập kỷ chu du với những nhân vật này trên trang giấy và trên màn bạc. Chúng ta quan tâm đến những nhân vật này, vì những lý do thực sự tốt đẹp.

Tuy nhiên, mặc dù hầu hết những câu chuyện về siêu anh hùng là về công bằng xã hội và hòa nhập, những câu chuyện về người hùng đứng lên chiến đấu với kẻ ác (dù lớn hay nhỏ), người hâm mộ sẽ hướng mình trở nên như vậy, và đôi khi, sự khinh mạn hay mất đi bản tính tốt lại làm cho những siêu anh hùng của họ trở nên đặc biệt và đầy cảm hứng. Có một điều trớ trêu rằng: khi những người hâm mộ đầy nhiệt huyết yêu quý những anh hùng quả cảm của mình quá nhiều… họ lại chuyển sang hằn học để bảo vệ nhân vật của họ trước những thay đổi của Hollywood. Điều đó có thể tha thứ được, nếu nó làm cho cộng đồng hâm mộ trở nên tốt đẹp hơn.

Đạo diễn Zack Snyder, trái, và Henry Cavill trên trường quay BvS

Thay vào đó, một số ‘fan’ đang làm hỏng sự tốt đẹp của văn hóa phim truyện tranh hiện đại – vào cái lúc mà chúng ta nên góp phần nhiều hơn để phát triển các siêu anh hùng theo hướng tốt nhất cho màn ảnh rộng. Thay vì thưởng thức thực sự, chúng ta lại mắng mỏ, sỉ nhục những người không cùng quan điểm, như một cách để bảo vệ niềm tự tôn của chính mình. Điều này không có nghĩa là người hâm mộ không nên phê phán các bộ phim truyền hình và điện ảnh, mà trái lại, giờ đây những hãng phim và nhà đài cần những sự phê bình có tính xây dựng hơn bao giờ hết. Phát biểu nhưng không nhảy xổ đến kết luận (đặc biệt là ngay cả trước khi một bộ phim điện ảnh hay truyền hình được phát hành) – hoặc viện đến công kích cá nhân. Chúng ta tốt hơn thế. Cùng với những phản hồi hiệu quả (đừng bài bác), đây là thời điểm để nhận ra cộng đồng hâm mộ có thể độc hại thế nào và tìm lại niềm vui mà những nhân vật và những câu chuyện từng đem lại cho chúng ta. Bằng không, những người hâm mộ nhiệt huyết nhất trong chúng ta sẽ xua đi hết mọi niềm vui của sự phục hưng phim truyện tranh.

Suy cho cùng, chuyện bắt đầu như thế đó, đúng không? Sự kích động, cơn thịnh nộ, cảm giác bất lực sẽ biến người tốt trở nên… tàn nhẫn?

Dịch: © Du Ca @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant


* Có thể hiểu là 'ngầu', 'bảnh', tài giỏi...
** Một câu chửi rủa rất thô tục, chúng tôi chọn không dịch mà để nguyên văn.
***Nguyên văn: 'scarlet letter', Miles chơi chữ, lấy từ The Scarlet Letter: A Romance là tiểu thuyết của Nathaniel Hawthorne năm 1850. 'Scarlet letter' là chữ cái A màu đỏ được thêu lên ngực áo của người phạm tội ngoại tình theo luật thời đó là phải xử tử, nhưng vì một lý do nào đó mà được tha chết; người phạm tội phải sống trong nhục nhã suốt đời. Nói cách khác, 'scarlet letter' là biểu tượng của sự nhục nhã. (Chú thích của người dịch)