Nhân vật & Sự kiện

Một thế kỷ hình tượng người Trung Quốc thay đổi trên phim Hollywood

14/03/2016

Một chủ đề nóng trong nghiên cứu điện ảnh – Hình tượng người Trung Quốc tiến hóa như thế nào trong phim Hollywood một thế kỷ qua?

Không thể nói hình tượng người Trung Quốc mà các nhà làm phim Mỹ chuyển tải trong phần lớn thế kỷ 20 là hoàn toàn tiêu cực. Nhưng với sự lên ngôi của Trung Quốc, hình tượng đó sẽ trở nên hoàn toàn tích cực chăng? Để trả lời câu hỏi này, cần phải xem xét sự miêu tả người Trung Quốc mà Hollywood đã làm.

Red Dawn năm 2012

Hãy bắt đầu với bộ phim Red Dawn năm 1984, kể câu chuyện nước Mỹ bị Liên Xô, Cuba và Nicaragua liên minh tấn công. Hồi thời đó, Mỹ và Liên Xô đang trong cuộc Chiến tranh lạnh, và các nhà sản xuất không phải đi quá xa trong việc kích thích trí tưởng tượng của người xem phim ở Mỹ.

Nhưng khi Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) quyết định làm lại Red Dawn vào đầu thập niên 2000, nước Nga không còn là kẻ thù của nước Mỹ nữa. Với việc kết thúc Chiến tranh lạnh, nếu cứ thể hiện kẻ thù là người Nga thì thật nhàm chán. Nhưng nếu là Trung Quốc thì không chán.

Việc làm lại bộ phim thành công phòng vé đình đám này đã vấp phải chỉ trích dữ dội từ Trung Quốc vì miêu tả các nhân vật phản diện là người Trung Quốc. Đồng thời, vì Trung Quốc đã trở thành một thị trường ngày càng quan trọng với Hollywood, các nhà làm phim Mỹ không thể mạo hiểm chọc giận khán giả Trung Quốc. Thế nên vào phút chót, nhà sản xuất bộ phim sử dụng sức ảnh hưởng để biến quân đội Trung Quốc được miêu tả trong phim thành quân đội Bắc Triều Tiên.

Chinese Laundry Scene năm 1895

Người Trung Quốc, hay nhà làm phim Mỹ đúc khuôn họ, xuất hiện từ lâu trên phim Mỹ. Năm 1895, Edison Manufacturing Company sản xuất một phim hài ngắn có tựa Chinese Laundry Scene, miêu tả một thợ giặt người Trung Quốc bị cảnh sát rượt đuổi.

Hồi thời đó, người Trung Quốc trên phim Mỹ luôn là những “cu li” làm các công việc thu nhập thấp kém. Đạo luật loại trừ người Hoa (The Chinese Exclusion Act) năm 1882 kích thích việc bài người Hoa, khuyến khích tấn công người Hoa trên đường phố. Người Hoa còn bị buộc rời khỏi khu vực của các cộng đồng người da trắng, làm những công việc mà người da trắng không thèm làm.

Bắt đầu từ thập niên 1910, cụm từ “Hiểm họa da vàng” (“Yellow Peril”) còn được báo chí Mỹ do William Randolph Hearst làm chủ phổ biến rộng rãi. Các tờ báo mà Hearst xuất bản miêu tả người Hoa như một thế lực xấu đang xâm nhập nước Mỹ.

Nỗi lo sợ “Hiểm họa da vàng” càng khiến người Mỹ da trắng có thêm lý do để kỳ thị người Hoa. Cũng trong thời kỳ này nhiều phim Hollywood thể hiện nhân vật phản diện là những người Hoa đồng nhất với tỷ lệ tội phạm cao ở các khu Chinatown.

Manchu đội nón đen

Nhân vật Fu Manchu

Nhân vật của Hollywood, Dr. Fu Manchu là kẻ xấu xa hơn hết thảy.

Fu Manchu là nhân vật hư cấu được giới thiệu trong loạt tiểu thuyết của tác giả người Anh Sax Rohmer. Nhân vật này cũng xuất hiện cùng khắp trên phim điện ảnh, truyền hình, radio, truyện tranh hơn 90 năm qua, và đã trở thành một biểu tượng văn hóa của “Hiểm họa da vàng”.

Bộ phim Hollywood đầu tiên về Fu Manchu là The Mystery of Dr. Fu Manchu, do Paramount sản xuất năm 1929. Fu Manchu do Warner Oland đóng, và tiếp tục đóng vai này trong những phần tiếp theo sau đó như The Return of Dr. Fu ManchuDaughter of the Dragon.

Khắc họa Fu Manchu nổi tiếng nhất là do ngôi sao phim kinh dị Boris Karloff thể hiện trong phim The Mask of Fu Manchu. Bộ phim của MGM này tràn đầy kỳ thị người Hoa, nhưng về sau lại trở thành một phim được sùng bái do hương vị kỳ lạ của nó.

Cho đến đầu thập niên 1940, Fu Manchu xuất hiện trở lại trong các chuỗi phim như Drums of Fu Manchu. Nhưng sau đó nhân vật này biến mất khỏi màn ảnh rộng mãi đến thập niên 1960 mới xuất hiện lại. Lý do là trong Thế chiến II, Trung Quốc và Mỹ là đồng minh chống Nhật. Do sức ép của chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Hollywood ngừng làm những phim kích động kỳ thị như vậy.

Charlie Chan xuất hiện

Nhân vật Charlie Chan, phải, trong phim Charlie Chan in Panama năm 1940

Thám tử Charlie Chan là một nhân vật người Trung Quốc nổi tiếng khác lần đầu ra mắt trong thời đại của Fu Manchu, do tác giả người Mỹ Earl Derr Biggers sáng tạo. Nhân vật được khắc họa là thông minh, anh hùng, thương người và đáng kính trọng trái ngược với sự miêu tả kỳ thị về kẻ xấu người châu Á như Fu Manchu. Tuy nhiên, bất chấp những phẩm chất tốt của nhân vật này, giới phê bình cho rằng Chan chỉ nhằm phục vụ cho sự rập khuôn về bản chất người châu Á là khúm núm, quỵ lụy.

Bộ phim đầu tiên về Charlie Chan là The House without a Key, do một nam diễn viên người Nhật đóng.

Về sau, các phim Charlie Chan thường do diễn viên Nhật hoặc Hàn đóng. Nhưng không phim nào nổi tiếng cho tới khi nam diễn viên da trắng Warner Oland thủ vai nhân vật này. Oland cũng chính là người đóng Fu Manchu trong một hiện thân ban đầu của Hollywood.

Khắc họa nhân vật Chan của Orland thành công hơn vì Charlie Chan của anh lịch thiệp và khiêm tốn hơn hóa thân của các diễn viên khác. Anh còn có khiếu hài hước xuất sắc. Anh tiếp tục đóng vai nhân vật này trong hơn 10 phim và cũng trở thành những thành công phòng vé lớn nhất của 20th Century Fox trong thập niên 1930.

Charlie Chan cũng rất nổi tiếng với khán giả Trung Quốc. Có ít nhất năm phim về nhân vật này được chiếu ở Thượng Hải và Hồng Kông trong những năm 1930 và 1940. Sự nổi tiếng của nhân vật ở các rạp chiếu Thượng Hải phản ánh một sự thật rằng anh là nhân vật người Trung Quốc duy nhất được miêu tả tích cực trên phim Hollywood.

Shanghai Express năm 1932

Sự nổi tiếng của Charlie Chan ở Mỹ phần nào liên quan đến việc người Nhật bắt đầu thay chỗ người Hoa trở thành “Hiểm họa da vàng” trong tâm trí của nhiều người Mỹ. Điều này khiến Charlie Chan như là một sự bù đắp cho người Trung Quốc khi quan hệ Mỹ-Nhật leo thang căng thẳng trước khi dẫn đến trận Trân Châu Cảng.

Trong Thời hoàng kim của Hollywood, phim về Trung Quốc cũng hưởng lợi với khán giả Mỹ vì hương vị ngoại lai, như Shanghai ExpressBitter Tea of General Yen. The Good Earth, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1931 của tác giả đoạt giải Nobel Pearl S. Buck, là một ngoại lệ. Phim khắc họa người nông dân Trung Quốc oanh liệt đấu tranh với cuộc sống khắc nghiệt.

Nhưng MGM từ chối để nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa Anna May Wong đóng vai nữ chính, vì US Hays Code có hiệu lực lúc đó cấm hôn nhân giữa những người khác chủng tộc, nên vai nam chính phải do nam diễn viên da trắng nổi tiếng Paul Muni đóng.

Bitter Tea of ​​General Yen năm 1933

MGM đề nghị Wong đóng vai phản diện. Sự từ chối của cô trở thành một trong những trường hợp nổi tiếng nhất cho sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử Hollywood.

Wong luôn đóng vai phụ nữ khêu gợi, cũng là một sự rập khuôn khác trong miêu tả phụ nữ châu Á của Hollywood. The World of Suzie Wong là một phim như thế. Một nghệ sĩ người Mỹ gặp một cô gái Trung Quốc trong chuyến du lịch Hồng Kông và họ yêu nhau.

Trong loại phim này, phụ nữ Trung Quốc không bao giờ kháng cự được vẻ nam tính của đàn ông da trắng, khác hẳn kiểu yếu đuối của đàn ông Trung Quốc.

Anna May Wong trong phim The World of Suzie Wong năm 1960

Thế hệ rồng bước vào

Tình hình phần nào thay đổi sau khi những phim của Lý Tiểu Long và phim kung fu của Hông Kông sản xuất ra mắt, điều chỉnh hình tượng đàn ông Trung Quốc trên phim Mỹ ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, phim của Lý Tiểu Long lại duy trì mãi một sự rập khuôn khác trên phim Mỹ. Từ đó về sau, khi một nam tử hán Trung Quốc được thể hiện, anh ta phải là một sư phụ kung fu. Thành Long, Lý Liên Kiệt, và Châu Nhuận Phát lên phim Hollywood củng cố cho hình tượng này.

Bộ phim kung fu kinh điển Tinh võ môn / Fist of Fury của Lý Tiểu Long năm 1972

Là diễn viên Trung Quốc, thành công của Thành Long ở Hollywood là vô đối. Cũng như Charlie Chan, không gì mà anh không xử lý được. Khác nhau là anh dùng nắm đấm còn Charlie dùng đầu óc.

Suy cho cùng, họ có chung một sứ mạng — bảo vệ xã hội mà người da trắng chiếm áp đảo.

Một vấn đề lớn cho hình ảnh của Thành Long là anh không bao giờ có sức hút gợi cảm với phụ nữ da trắng, có thể phần nào do rào cản ngôn ngữ, và phần vì dường như anh không quan tâm đến việc đó.

Thành Long, phải, trong Shanghai Noon năm 2000

Vì thế, dù thành công, anh vẫn là khách thể chứ không phải là “nhân vật”. Anh giỏi đấm đá, chứ không giỏi yêu đương.

Anna and the King of Siam do Châu Nhuận Phát và Jodie Foster đóng chính, thể hiện một sự đột phá của diễn viên Á. Tuy Châu Nhuận Phát đóng vai vua Xiêm, không phải Trung Hoa, đây vẫn là trường hợp bất thường khi một nam diễn viên Á đóng cặp với một nữ diễn viên da trắng hạng A trong một câu chuyện tình. Nhưng bộ phim không được nổi tiếng, và Châu Nhuận Phát không bao giờ lặp lại vai trò đó trong phim nào khác nữa.

Châu Nhuận Phát, trái, trong Anna and the King of Siam năm 1999

Tiền lên tiếng

Nhưng một điều không thể phớt lờ được là điện ảnh Hollywood đã trở thành ngành kinh doanh toàn cầu hóa. Các nhà sản xuất vẫn biết cách nhào nặn hình tượng người nước ngoài với khán giả Mỹ. Nếu một quốc gia hay một cộng đồng dân tộc có chiến tranh với Mỹ, thì sẽ bị khắc họa xấu xa trên phim như Đức và Nhật trong Thế chiến II.

Nhưng Hollywood cũng hết sức ý thức sự thật rằng phòng vé quốc tế lớn gấp đôi phòng vé nội địa. Các nhà sản xuất biết họ phải cẩn thận với ảnh hưởng của phim ảnh trên đấu trường quốc tế.

Ở trường hợp Trung Quốc, thành công thương mại của những phim như Avatar, Transformers, và Fast and Furious đã chứng minh rằng Trung Quốc đang thay thế Nhật Bản và Anh trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của Hollywood. Thế cho nên, các nhà sản xuất Mỹ phải nghĩ lại về việc miêu tả Trung Quốc và người Trung Quốc.

Nữ diễn viên Trung Quốc Zhu Tao trong vai Cục phó Cục Không gian Trung Quốc, đơn vị đã phối hợp với
NASA Mỹ cứu phi hành gia lạc trên sao Hỏa do Matt Damon đóng trong phim
The Martian năm 2015

Căn cứ vào đó, không ngạc nhiên nếu người ta nhận ra một sự thay đổi trong việc khắc họa người Trung Quốc trên phim Mỹ.

Trong Wall Street II, nhà tài phiệt địa ốc người Trung Quốc Zhang Xin đóng một vai khách mời là nữ doanh nhân; trong 2012 Trung Quốc giúp thế giới đóng con tàu Noah; và trong The Martian, Cục Không gian Trung Quốc cứu Matt Damon. Tất cả thể hiện một khuôn mẫu mới về người Trung Quốc — là khách hàng lớn nhất và người cứu rỗi thế giới.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asia Times