Nhân vật & Sự kiện

Nhà phê bình nhìn nhận phim đúng hay sai?

24/08/2015

Nghệ thuật và phê bình sóng bước cùng nhau. Chừng nào các nhà làm phim còn sản xuất phim, các nhà phê bình (dù chuyên nghiệp hay không) sẽ còn có mặt để khẳng khái nhận xét thứ họ đã xem.

Những người tiên phong trong việc phê bình phim là giới học thuật (André Bazin và Jean-Luc Godard), tập trung vào kỹ thuật, thông điệp ngầm, và được xuất bản trên tạp chí học thuật, còn các phóng viên điện ảnh đi theo hướng cá tính (Pauline Kael và Roger Ebert) mở lĩnh vực phê bình ra cho khán giả đại chúng. Họ trở thành người có tiếng nói trong việc phim gì nên xem và nên tránh ngoài rạp.

Sự xuất hiện của Internet và các trang phát hành phim trên mạng (có cả Screen Rant) đã lát đường cho sự đa dạng về quan điểm đối với phim, cũng như là lựa chọn thể loại phim (cả cũ lẫn mới) cũng mở rộng như thế.

Tuy nhiên, khi phim hành động đại chúng tiếp tục phá vỡ kỷ lục phòng vé – dù các bài phê bình không được khả quan, khán giả ngày càng nghi ngại liệu các nhà báo chuyên về điện ảnh có còn đại diện được cho quan điểm và mong ước của khán giả đại chúng không.

Dựa vào phản hồi nhiều chiều của độc giả, Screen Rant tự hỏi: Nhà phê bình nhìn nhận phim đúng hay sai?

Đứng về phía khán giả (và phim thị trường)

Như đầu bài viết có ghi, điểm bất đồng lớn nhất giữa nhà phê bình phim và khán giả thông thường chỉ nằm ở một câu hỏi đơn giản: Mục đích của một bộ phim là gì? Trong khi những nhà nghiên cứu điện ảnh (và giới phê bình phim) có thể tranh biện rằng phim nên có ảnh hưởng lâu dài đến khán giả, phê bình xã hội thông qua các nhân vật, thì khán giả - những người phải quyết định xem một bộ phim có đáng tiền mua vé hay không – không thể triết lý như thế. Với một nhóm khán giả, hai tiếng thoát ly vào một phim hành động ngập tràn đáng đồng tiền hơn một phim thách thức khán giả tái đánh giá vài khía cạnh của tình hình nhân loại hiện nay.

Khi các thương hiệu phim bom tấn nay đã là yếu tố căn bản trong nhận thức về văn hóa đại chúng, giá vé phim và các thứ đi kèm đều tăng mạnh. Kết quả là khán giả kén chọn phim sẽ ra rạp xem – có nghĩa là nhiều người sẽ xem một số ít phim AAA (phim lớn, tận dụng lợi thế của màn ảnh rộng) còn phim nhỏ hơn sẽ để xem ở nhà. Cứ cho rằng những con mọt điện ảnh phóng khoáng nhất chỉ có thể đi xem một-hai phim một tháng tại rạp, sẽ hiểu tại sao họ chỉ trả tiền để xem phim mọi người đang xôn xao – và để dành phim độc lập xem trên Netflix.

Vì lý do đó, các nhà phê bình chỉ trích phim người ta thích xem và tận lực cổ vũ cho dòng phim độc lập ít nổi có thể thấy lạc lõng với phần lớn độc giả của họ - dù lời phê bình có chất – đơn giản chỉ vì họ không đánh giá phim trên cùng một thang đo với người bỏ tiền mua vé.

Khó mà khẳng định các nhà phê bình có sai không, nhưng có thể nói chắc rằng nhiều nhà phê bình phim luôn không cân nhắc đến sở thích của người xem thông thường, đặc biệt là câu hỏi: khán giả của một phim nào đó là ai và phim đó có thỏa mãn được lượng khán giả đó không? Rất ít nhà làm phim hành động Hollywood có ý định làm Citizen Kane; thay vào đó, họ tìm cách thỏa mãn khán giả với các đại cảnh, ồn ào, sáng tạo (ví dụ là vậy) – cùng lúc đó, hy vọng rằng mang vào đủ lượng kịch tính gần gũi để chắc chắn khán giả quan tâm đến nhân vật y như quan tâm đến các vụ nổ.

Ông hoàng phim hành động Michael Bay có ý gần như thế khi lên tiếng bảo vệ cho Transformers: Age of Extinction trước các nhà phê bình (và người hâm mộ đang giận dữ):
"[Những người không ưa] sẽ sẵn lòng ghét, còn tôi chả quan tâm; họ muốn ghét cứ ghét. Họ vẫn đi xem phim thôi! Tôi nghĩ có chút căng thẳng sẽ tốt. Quá tốt ấy chứ."

Dĩ nhiên, vẫn có thể chuyển tải kịch tính đường hoàng trong một phim hành động (như The Raid) hay hài kịch (Superbad) đáng nhớ - nhưng không có nghĩa khán giả thích phim thị trường rỗng tuếch là sai khi thích những phim đại trà như vậy. Cũng như thực khách có thể lựa chọn ăn khỏe mạnh và độc đáo, đôi khi khán giả muốn phiên bản điện ảnh của một cái burger nhầy nhụa sau một ngày dài, hơn “thức ăn bổ não” đầy chất dinh dưỡng. Có thể đây cũng chỉ là tranh cãi trên chữ nghĩa như mọi chủ đề khác. Khán giả thường thức và các nhà phê bình có thể sẽ sa lầy mãi vào việc tranh cãi một phim “hay” hay không khi dựa vào những tiêu chí hoàn toàn khác nhau để xét hay dở.

Với người ghiền phim hành động, dạng như Transformers: Age of Extinction có thể làm thỏa mãn bằng những màn cháy nổ thoát trần tục và là dạng họ sẽ giới thiệu cho bạn bè đồng sở thích đi xem; nhưng cùng lúc đó, không thể chối cãi rằng loạt phim Transformers của Michael Bay đã ưu tiên phong cách và kỹ xảo CGI hơn hẳn, còn lại thì nhân vật được phát triển vụng về, biên tập phim không chỉn chu, và hầu như nội dung chẳng có gì cả - khiến loạt phim này là cái bia cho các nhà phê bình phim dễ dàng nhắm vào, những người tin rằng phim cần hướng đến chuẩn tham vọng điện ảnh cao hơn (đặc biệt để đảm bảo nhận được lời khen). Đó là còn chưa kể, càng nhiều nhà phê bình nhảy vào chê bai một phim thị trường thì sẽ càng ít có khả các nhà phê bình khác vào cuộc đứng về phía “bọn ác” còn lại. Điều này không có nghĩa là mọi nhà phê bình đều suy nghĩ giống nhau nhưng rõ là luồng ý kiến chung của giới phê bình có thể làm cá nhân nhà nhà phê bình e dè.

Thực ra, nhiều phim được yêu mến trong vòng 50 năm qua đều bị các nhà phê bình có tiếng tăm chỉ trích vào lúc ra mắt (thí dụ như The Shining, Fight Club, và Fear and Loathing In Las Vegas), chứng minh được điều mà ai cũng đã biết về các bài phê bình loại hình nghệ thuật này: như mọi loại hình nghệ thuật khác, việc thưởng thức phim là chủ quan và là hình ảnh phản chiếu của thời điểm đó, không phải là xác nhận chất lượng vượt thời gian. Với cách nhìn đó, có thể nói đôi khi khán giả nhận ra ở một bộ phim thứ mà cộng đồng phê bình nói chung không để mắt đến.

Dù Ebert giúp mang nghệ thuật phê bình phim đến với văn hóa đại chúng và giúp người xem thông thường dễ tiếp nhận hơn, ông cũng thẳng thắn thừa nhận việc xem phim là một trải nghiệm chủ quan: “Trong các bài bình luận của mình, tôi thấy là chuyện tốt khi thể hiện rõ rằng tôi không đang mang đến sự thật khách quan; cái tôi mang đến là phản ứng chủ quan; một bài phê bình cần thể hiện được trải nghiệm tức thời.”

Còn cần vài năm nữa để xem phim nào thời này sẽ có vị trí khác sau những bài phê bình không mấy thiện cảm ban đầu; nhưng, hàng trăm năm lịch sử làm phim của Hollywood đã chứng minh, trong rất nhiều trường hợp, rằng giữa các nhà phê bình và khán giả có khoảng cách khá rõ.

Đây không phải là ví dụ rõ ràng nhất nhưng, trong những năm sau lần ra mắt năm 1998, Blade đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong hành trình chuyển thể truyện tranh có chất lượng của Hollywood – sau khi nhận được những bài phê bình nhiều chiều. Vào lúc phim ra mắt, các nhà phê bình chê rằng phim “lấy hình thức che nội dung” nhưng hàng người hâm mộ yếu tố kinh dị và siêu người hùng của Blade chưa từng nghĩ thể loại phim ma cà rồng có thể được tái dựng như thế. Họ thấy bộ phim giải trí này nhìn nhận nghiêm túc về bản truyện tranh. Còn nhiều ví dụ khác nữa, như It’s a Wonderful Life, The Mummy, Super Troopers, và Underworld, nằm trong nhóm phim bị các nhà phê bình chê bai – nhưng ngoài rạp thì ăn nên làm ra, làm khán giả thỏa mãn, và trở thành hàng tượng đài với người hâm mộ.

Dù vậy, vẫn nên thấy rằng chuyện khó mà đổ lỗi cho khán giả thích những phim giới phê bình ghét không có nghĩa là giới phê bình sai.

Đứng về phía các nhà phê bình phim (và chủ nghĩa phê bình)

Khi người hâm mộ điện ảnh muốn lờ đi một nhà/bài phê bình không thích một phim phổ thông, dĩ nhiên có người sẽ nói: “Các nhà phê bình chỉ thích phim độc lập – và không đại diện cho khán giả xem phim thông thường.” Quả thật, có nhiều nhà phê bình không mảy may nhìn tới bất cứ thứ gì ngoài dòng phim nghệ thuật, nhưng điều này không đúng với đa số các nhà phê bình chuyên nghiệp.

Internet đã tạo ra một nơi cho giới hâm mộ điện ảnh “thử mùi” phê bình phim (dù trên blog cá nhân hay trong mục nhận xét về các bài viết của các nhà phê bình) – dọn đường cho những nhân tố mà, ở một mức độ nào đó, phản ánh chính xác hơn về nhóm khán giả đại chúng. Nhưng cũng phải nói, việc phim mang tính giải trí tốt không có nghĩa nó không phải là một thứ chắp vá các khoảnh khắc nhỏ chất lượng nằm trong cách kể chuyện kém chất, cách quay kỳ quặc, và biên tập vụng về. Sự thật là, chỉ một số ít nhà phê bình và người hâm mộ điện ảnh nhận ra điều này. Cần có một nơi dành cho (và cần có một nguồn) các nhà phê bình dành nhiều năm học cách làm phim, viết kịch bản, biên tập và/hoặc diễn xuất – những giọng nói có thể phân tích một bộ phim về mặt kỹ thuật, nhân vật lớp lang, và tính đột phá, chứ không chỉ liệu phim đó có đáng giá vé không.

Ngày nay, việc có đánh giá chín chắn cho một bộ phim trước ngày phim ra mắt khó hơn bao giờ hết, vì quá trình quảng bá thường để lộ các cảnh chính và nút thắt quan trọng, chỉ để dụ dỗ khán giả đi xem càng nhiều càng tốt.

Cũng như nhiều ngành khác, một vài nhà phê bình đã trở thành bồi bút cho phòng quảng bá của các hãng phim – nhưng cho rằng cả cộng đồng phê bình đều như thế thì thật không công bằng. Từ xưa, trước ngày có các dự án hàng triệu USD lâu lắm, Pauline Kael đã làm rõ vai trò của một nhà phê bình phim: “Trong giới nghệ thuật, nhà phê bình là nguồn thông tin độc lập duy nhất. Phần còn lại chỉ là quảng cáo.”

Rất dễ phấn khích về một phim mới ra mắt, đặc biệt là sau nhiều năm đồn đoán, quảng bá xì xầm – nhưng điều gì tách biệt một phim vui với hàng ngàn phim trước đó? Age of Ultron có thể rất thú vị khi xem ngoài rạp nhưng vị trí của phần hai Avengers này ở đâu trong chuỗi các phim phải-xem ngày càng rộng? Không dễ trả lời câu hỏi đó, đặc biệt là khi người đọc có thể “ghim” một bài nhận xét trong nhiều năm – để đánh giá tư cách của người viết. Thay vì được trân trọng vì có ý kiến đa chiều, các nhà phê bình lại bị chỉ trích vì đặt ra những câu hỏi khác thường về những phim thông thường.

Khán giả xem phim thông thường và cả 'fan' cứng của điện ảnh thường rơi vào hai thái cực – “ném đá” nhà phê bình vì đã là những kẻ lý tưởng hợm hĩnh (quá nghiêm túc với một phim chỉ để vui) hoặc không giữ được tính đúng đắn của điện ảnh (cho một phim giải trí nông cạn một bài phê bình tích cực) nhưng Ebert (lại Ebert) đã có cái nhìn về thách thức của việc phê bình phim thời đại mới: “Mục tiêu không phải là để tránh xem phim ngốc, mà là tránh trở thành khán giả ngốc. Đó là một công việc khó khăn, tách biệt phim ngốc nhưng hay khỏi phim vừa ngốc vừa dở, nhưng nếu làm thế giúp bạn tránh xem phải phim dở thì cũng đáng.”

Dù khán giả đồng ý hay phản bác Ebert, thì nhà phê bình này cũng đã cố gắng tìm cân bằng giữa việc ủng hộ phim độc lập chất lượng cao với phim hành động gay cấn, thông qua kiến thức đã được học về cách kể chuyện và làm phim. Cũng dễ hiểu khi những người chỉ chú tâm vào một vài dòng phim sẽ có cách tiếp cận phê bình khác, nhưng với các nhà phê bình phim chung có mặt tại các sự kiện phát hành lớn, các nơi thể hiện ý kiến trên mạng phổ biến, sóng truyền thanh và chương trình truyền hình, podcast, và các kênh Youtube, việc thách thức khán giả và hoàn toàn ngó lơ thị hiếu của khán giả tầm trung không dễ phân biệt.

Khoảng cách giữa hai bên giờ còn phức tạp hơn bởi “xếp loại” chuẩn của ngành này. Trong nhiều thập kỷ, các nhà phát hành đã dùng điểm số (và số cộng chữ) để giúp khán giả dễ đánh giá các nhận xét do giới phê bình viết. Tuy vậy, các trang tổng hợp như Rotten Tomatoes và các nơi lưu trữ nhận xét dễ truy cập trên mạng khác, các điểm số này giờ trở thành thang đo lường so sánh cho một phương tiện giải trí hoàn toàn khách quan – một phương tiện trải rộng nhiều thể loại (mỗi thể loại với nhiều mục tiêu khác nhau). Kết quả là gì? Nhiều khán giả xem trọng điểm số hơn nội dung nhận xét – có nghĩa là con số trở thành trọng tâm tranh luận – mà bỏ qua bài phân tích đầy đủ. Hệ quả là, cuộc đối thoại chính đã chuyển sang việc so sánh các phim với nhau, thay vì có cái nhìn sâu vào chất lượng phim đang được bàn đến.

Điều này không có nghĩa là khán giả nên “xem mặt bắt hình dong” các bài phê bình, vì đã làm phê bình là phải chuẩn bị nhận phê bình. Nhưng, vai trò của một nhà phê bình phim là, như Kael đã nói, nguồn thông tin độc lập – mang đến cái nhìn sâu và câu hỏi cho khán giả suy ngẫm (ít ra là cho những ai thực sự muốn ngẫm về phim thay vì phản ứng ngay tức thời). Một số các nhà phê bình có thể xem bài của họ là thước đo chuẩn mực nhưng đại đa số chỉ muốn mang đến góc nhìn đầy đủ thông tin để giúp khán giả không trở thành khán giả ngốc, như lời Ebert – dù họ có thích phim ngốc nhưng hay.

Kết luận: Hãy tìm nhà phê bình đúng đắn cho mình

Dĩ nhiên, không có cách nào là chuẩn để trả lời liệu nhà phê bình nhìn nhận phim đúng hay sai – vì xem phim là trải nghiệm chủ quan (với cả khán giả và nhà phê bình).

Dù vậy, không có nghĩa các nhà phê bình phim đã là tàn tích của một thời đã xa. Thay vì vậy, trách nhiệm của khán giả là tìm ra nhà phê bình đại diện được cho gu thẩm mỹ và quan điểm về phim của mình. Như đã nói phía trên, Internet (và các trang tổng hợp phê bình) đã mở bình diện phê bình phim ra rộng hơn. Hiển nhiên, việc xem qua các bài viết cũ của một tác giả sẽ mang đến một cái nhìn thoáng qua cho người đọc/người xem về ý kiến và nền tảng của tác giả đó. Vài nhà phê bình sẽ có lượng thông tin nhiều hơn nhóm còn lại nhưng cũng còn phụ thuộc vào người hâm mộ muốn đọc gì trong một bài viết (đọc thấy thoải mái, tìm quan điểm khác, hay gợi ý cho những người đồng chí hướng), một vài nhà phê bình cụ thể sẽ hợp hơn nhóm còn lại.

Nghe có vẻ như bài viết đang “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho khán giả, nhưng với thời đại Internet mang đến nhiều góc nhìn hơn bao giờ hết, khán giả xem phim có nhiều bài/nhà phê bình để lựa chọn. Khi nhìn theo hướng đó, người hâm mộ điện ảnh đang có quyền lực hơn bao giờ hết – họ chỉ cần đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên thông tin đã có về việc nên theo nhà phê bình nào và nên ngó lơ những ai.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant