Nhân vật & Sự kiện

Ant-Man: Quả bom xịt đầu tiên của Marvel?

24/07/2015

Marvel vốn bất khả bại, nhưng phim mới của Peyton Reed dường như sẽ là bom xịt đầu tiên của Thế giới Điện ảnh Marvel. Phải chăng cỗ máy Marvel không còn trơn tru như trước nữa?

Kỷ lục chiến thắng của Marvel đã kết thúc, và lỗi lầm nằm trong bàn tay bé nhỏ của Người Kiến. Tác phẩm mới nhất của hãng phim siêu anh hùng này là phim thất bại đầu tiên của hãng, nếu không phải về mặt doanh thu – còn phải đợi những con số chính thức được công bố sau tuần đầu ra mắt phim đã – thì cũng là một thất bại về sáng tạo.

Tiếp tục với công thức đã quen thuộc của Marvel, nhưng lại không có được điểm nhấn hấp dẫn quen thuộc nào để tạo thành công phòng vé và lấy lòng khán giả như những phim đi trước, Ant-Man là một bộ phim chỉ đến gần với sự độc đáo, hài hước và ly kỳ. Đó là lý do khi nó đi chệch hướng hết lần này tới lần khác, tiếng vang của thật bại chỉ trở nên rõ ràng hơn.

Sự thất bại của Ant-Man đối với một số người có thể là dễ đoán trước, khi con đường tới rạp của nó gập ghềnh hơn các phim khác của Marvel. Ant-Man vốn là dự án trong tay Edgar Wirght, thiên tài đằng sau Shaun of the Dead, Hot Fuzz, The World’s End, và một nhà làm phim yêu thích những thứ quái đản không kém gì một nhân vật siêu anh hùng hạng hai như Người Kiến có thể biến thành người tí hon với sức mạnh siêu phàm. Với nhiều người, Wright là lựa chọn rõ ràng để đưa một siêu anh hùng lạ lùng tới thế lên màn ảnh rộng, với gu thẩm mỹ thông minh và tài năng biến những thứ lập dị, kỳ quái trở nên hấp dẫn, tương tự như James Gunn – một đạo diễn đầy cá tính khác – từng làm với Guardians of the Galaxy.

Nhưng kế hoạch đổ vỡ khi Wright và Marvel chia tay vào tháng 5/2014 vì những “bất đồng trong sáng tạo” – một lý do cửa miệng đưa ra để chặn những lời đồn đại rằng Marvel không còn hài lòng với việc Wright đưa những ý tưởng độc đáo của mình vào một bộ phim, như các phim khác của Marvel, vẫn phải theo khuôn mẫu và phong cách với phương thức đặt sẵn. Dàn diễn viên của Wright ở lại, và đạo diễn thay anh là Peyton Reed (Bring It On, Down With Love), một nhà làm phim cũng khá nhưng không nổi bật bằng. Anh đối mặt với việc chắp vá một bộ phim trụ cột lớn từ những ý tưởng và khái niệm Wright để lại và những ý tưởng của riêng mình. Kết quả là một kịch bản với bốn tên đồng tác giả: Wright, Joe Cornish, Adam McKay và diễn viên chính Paul Rudd, và lủng củng không kém danh sách đó.

Evangeline Lilly trong vai Hope Van Dye (trái), Paul Rudd trong vai Scott Lang/Ant-Man (giữa) và Michael Douglas trong vai Hank Pym
Ta bắt đầu với câu chuyện khá bình thường về một tên cướp kiểu Robin Hood mang tên Scott Lang (Paul Rudd đóng) ra tù, cùng nỗ lực sống ngay thẳng, hàn gắn quan hệ với cô con gái nhỏ tuổi của anh. Trùng hợp thay, nhà khoa học Hank Pym (Michael Douglas đóng) — độc giả truyện tranh sẽ biết đây là Người Kiến phiên bản gốc — đã theo dõi Scott trong một thời gian dài, và đã chọn anh trở thành Người Kiến mới (trùng hợp thật!).

Hank muốn Scott khoác bộ giáp đỏ và đen có khả năng thu nhỏ người của ông lên để chống lại Darren Cross (Corey Stoll đóng), người học trò cũ của Hank hiện đang có công ty riêng, và đang phát triển tia thu nhỏ của riêng mình, với mục tiêu bán cho Hydra. Scott sẽ làm điều này bằng cách đột nhập vào trụ sở chính của Darren và ăn cắp bộ giáp thu nhỏ của hắn, bộ giáp Yellowjacket. Để làm được điều này, tất nhiên phim phải trải qua một chuỗi cảnh tổng hợp quá trình luyện tập trong bộ giáp Người Kiến của Scott, những cảnh cãi nhau giữa thầy và trò, mối quan hệ giống anh em nhưng cũng có chút căng thẳng tình cảm giữa Scott và Hope, con gái Hank (Evangeline Lilly đóng), người muốn mình là người hưởng công nghệ Người Kiến của cha.

Cũng như thế, Ant-Man biến thành một câu chuyện “trở thành siêu anh hùng” chúng ta đã xem quá nhiều lần, bao bọc trong một bộ phim về đề tài trộm cắp cũ rích. Nếu sự quen thuộc đó không khiến bạn bực mình, thì hãy nghĩ tới việc diễn biến phim chỉ diễn ra trong đúng hai địa điểm: căn nhà ấm cúng của Hank và tòa văn phòng bóng loáng, lạnh lẽ của Darren – quy mô của bối cảnh nhỏ tới mức có cảm giác đoàn làm phim đang muốn phỏng theo kích thước bé nhỏ của chính nhân vật chính. Nếu không phải có vài khoảnh khắc thoáng qua cho thấy phong cảnh San Francisco, thật khó để khán giả biết được bộ phim thật sự đang diễn ra ở đâu.

Michael Douglas trong vai Hank Pym và Corey Stoll trong vai Darren Cross, phải

Kỹ xảo đặc trưng của bộ phim cũng thiếu điểm nhấn không kém, khi ta thấy Scott được thu nhỏ thành kích thước kiến, và cưỡi trên lưng kiến thợ, bay trên lưng kiến bay, rồi chạy nhảy nhào lộn chẳng khác gì những siêu anh hùng được hỗ trợ kỹ xảo hình ảnh khác của Marvel. Tồi tệ hơn nữa, về mặt chiến thuật thì Người Kiến có lợi thế ở khoản có thể thay đổi kích thước – một chiến lược không hẳn hiệu quả về mặt thị giác, vì ta chỉ thấy kẻ ác bị một chấm đen bé tí đấm lệch hàm, sau đó lại bị một Paul Rudd to lớn như bình thường đá văng vô góc phòng. Trong những cảnh như thế, tài năng của Người Kiến trông không khác gì những màn ảo thuật rẻ tiền (Giờ bạn thấy anh ta chưa? Anh ta lại biến mất rồi đó!). Chính bản thân đàn kiến mà Người Kiến thu phục để giúp mình trông cũng không khác gì những người máy vô hồn là mấy.

Vấn đề lớn nhất của Ant-Man là không có được sự cân bằng giữa chấp nhận sự quái đản của nhân vật của mình và nháy mắt nhạo báng chính câu chuyện siêu anh hùng hão huyền nó đang kể. Scott là một tên láu lỉnh với trái tim vàng, đối mặt với tất cả các tình huống trước mặt với những câu nói mỉa mai trước khi bắt tay vào việc cứu thế giới. Rudd đủ sức cuốn hút cần thiết, nhưng không có vẻ bề ngoài phù hợp với lối sống năng động của Scott. Những câu thoại đáng ra hài hước của anh trở nên thiếu hiệu quả cho thấy anh đang lạc lõng trong bộ phim này thế nào. Bộ phim không cân bằng được những chủ đề từ việc làm cha mẹ, hy sinh, chuộc tội trong câu chuyện trộm cướp của mình.

Chỉ trong những cảnh hồi tưởng về cuộc sống trước kia của Scott mà Ant-Man có chút cá tính, nhưng đó có vẻ là những gì còn lại từ kịch bản của Wright, được ép vào một bộ phim theo phương thức của Marvel theo mọi mặt khác. Những cảnh đó cho ta thấy những gì ta có thể có và từng được thể hiện trong một bộ phim vẫn theo phương thức nhưng có sự độc đáo của riêng mình như Guardians of the Galaxy, nhắc nhở khán giả rằng hãng phim này không phải lúc nào cũng muốn cho các đạo diễn của mình sự tự do sáng tạo cần có.

Trong khi The Incredible Hulk (2008) là một thất bại giờ gần như bị Marvel ruồng bỏ, và Thor: The Dark World (2013) là bộ phim buồn ngủ nhất của hãng trong những năm gần đây, ít ra những phim đó có một sự nhất quán trong tầm nhìn và những nhân vật cuốn hút (và/hoặc những ngôi sao) để giữ khán giả ngồi trên ghế. Ant-Man cần tất cả những yếu tố đó và hơn thế nữa để khiến khán giả có thiện chí với siêu anh hùng này trong một bộ phim riêng lẻ - và sau này đón nhận anh ta vào nhóm Avengers. Nhưng lệch lạc và lủng củng từ những thước phim đầu, bộ phim cuối cùng đóng góp được rất ít. Và trong thất bại đó, nó chứng minh rằng trong thời đại của phim siêu anh hùng ngày nay, một bộ phim cần nhiều hơn chỉ cái mác Marvel và phương thức làm phim đã quen thuộc để trở nên đáng xem.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast