Nhân vật & Sự kiện

Trẻ em toàn cầu mê nhân vật hoạt hình Hàn Quốc, kinh doanh đồ chơi ăn theo hưởng lợi

03/08/2015

Kim Young Seon, 36 tuổi, mẹ của hai đứa trẻ sống ở Seoul, cho phép các con xem phim hoạt hình trên máy tính bảng của cô từ 30-40 phút mỗi buổi chiều trong lúc cô chuẩn bị bữa tối. Cô con gái 4 tuổi của Kim, thích Pororo, còn câu con trai 6 tuổi, mê Tobot, Kim đăng ký với kênh tương ứng trên YouTube.

“Có lúc, chúng tôi bắt đầu xem nhiều kênh con nít do YouTube cung cấp bằng máy tính bảng hơn là xem trên tivi trong phòng khách,” Kim nói.

Những kênh mở hộp (unboxing channel), thường cho khách hàng xem những sản phẩm mới chưa đóng gói, là những kênh phổ biến nhất trên YouTube. Bên trái là đồ chơi Pororo Hospital chưa đóng gói trên ToyPudding TV channel; Phải là Tayo’s Car Wash và đồ chơi Garage trên kênh Nao Disney Toys
Vì YouTube phân tích lịch sử sử dụng của người dùng và gợi ý chương trình, bọn trẻ con, kể cả những nhóc chưa biết đọc, rất dễ dàng tìm đến chương trình kế tiếp, trong đó có “những video mở quà” miêu tả người ta mở hộp và chơi những món đồ chơi được ưa chuộng.

“Không thể cản bọn trẻ xem những video đó, nhất là khi chúng quá quen thuộc ngón nghề từ lúc còn rất nhỏ,” Kim nói.

David Herrit, 40 tuổi, sống ở Los Angeles, tìm kiếm nơi nào bán đồ chơi nhân vật hoạt hình mà con trai anh thích, Tayo. Sáu tháng trước đó, Herrit lần đầu bắt gặp loạt phim hoạt hình Hàn Quốc Tayo the Little Bus, khi phim này có trên YouTube bằng tiếng Anh. Vì anh đăng ký với kênh YouTube chính thức cho con trai, đương nhiên là anh bắt gặp một kênh mở hộp, cho thấy một ông bố đang mở hộp đồ chơi Tayo cho con trai mình.

“Tôi đã mua chiếc xe buýt đồ chơi đó rồi, nhưng khi thấy những đồ chơi Tayo khác, như bộ Car Wash hoặc bộ Garage, tôi cũng muốn mua cho con trai,” Herrit nói.

Pororo the Little Penguin

Những phim hoạt hình truyền hình nổi tiếng lâu nay với trẻ em Hàn Quốc, như Pororo the Little Penguin, Tayo the Little BusRobocar Poli, giờ đây có sức hấp dẫn toàn cầu. Qua các ứng dụng smartphone và YouTube, không chỉ trẻ em Hàn, mà trẻ em ở Bắc Mỹ, châu Âu và thậm chí Trung Đông, cũng xem những bộ phim đó và muốn có liền tay đồ chơi theo nhân vật hoạt hình Hàn Quốc.

Vì sức lan tỏa của chững chương trình thiếu nhi với YouTube, nhiều nhà sáng tạo chương trình đã hưởng lợi từ sự nổi tiếng toàn cầu của các nhân vật hoạt hình Hàn, trong đó có các kênh mở hộp đồ chơi trên YouTube. Giống như chương trình truyền hình gốc, các video này ngày càng có nhiều ‘fan’ khắp thế giới.

Một nhân vật thành công đình đám là Pororo, lần đầu xuất hiện trên truyền hình Hàn năm 2003. Từ năm 2011, chương trình hoạt hình này tiếp cận khán giả toàn cầu qua YouTube. Hiện tại, có khoảng 850.000 người đăng ký xem kênh Pororo, và lượt xem tích lũy lên đến hơn 690 triệu. Ba mươi phần trăm người dùng là bên ngoài nước Hàn, xem bằng tiếng Anh.

Còn với Tayo the Little Bus, phim lần đầu ra mắt truyền hình Hàn năm 2010 nhưng ngay từ đó đã gặt hái nhiều khen ngợi hơn Pororo trên toàn cầu. Hiện tại, đăng ký xem chương trình này trên YouTube khoảng 556.000 thuê bao, còn lượt xem tích lũy vượt 533 triệu. Mỗi tháng kênh Tayo tích lũy được 50.000 lượt xem, 85% từ bên ngoài Hàn Quốc. Kênh này đặc biệt nổi tiếng với trẻ em ở Anh và Mỹ, theo phân tích của YouTube.

Tayo the Little Bus

“Khi xem xét số lượt xem trong tháng 5, Tayo đã nổi tiếng hơn nhân vật Thomas and Friends của Anh hay nhân vật hoạt hình Pocoyo của Tây Ban Nha,” một viên chức YouTube nói.

Hơn thế, các kênh YouTube cho Robocar PoliTobot, đang rất nổi tiếng với trẻ lớn hơn một chút, có số đăng ký thuê bao thường xuyên từ 20.000-30.000 người, với lượt xem tích lũy hơn 100 triệu mỗi phim.

Iconix Entertainment, hãng sáng chế Pororo và Tayo, đã nổi lên thành một tay chơi lớn trong ngành, mỗi tháng thu hút hơn 100 triệu lượt xem mới khắp toàn cầu. Công ty này không còn phải phụ thuộc vào kênh phát hành truyền thống để phát tán các loạt phim hoạt hình của mình ra thị trường nước ngoài nữa.

“Mới chỉ vài năm trước, để thâm nhập thị trường toàn cầu, chúng tôi phải tìm được một đối tác phát sóng có tính cạnh tranh ở quốc gia cụ thể sao cho chúng tôi có thể cung ứng các phim hoạt hình của mình cho một nhà đài sở tại. Nhưng giờ đây chuyện đã khác,” Jeong Dong Su của Iconix nói. “Bằng cách sử dụng các kênh phát hành toàn cầu, chúng tôi có thể chỉ phải tốn một phần mười chi phí sản xuất thông thường mà vẫn có thể đưa chương trình trở thành một thành công toàn cầu.”

Robocar Poli

Những thể loại kênh khác cũng thành công từ sự gia tăng mức độ nổi tiếng của các nhân vật hoạt hình Hàn Quốc là kênh mở hộp đồ chơi. Khán giả mục tiêu của những kênh này là trẻ em, tất nhiên, chỉ cần nhìn người khác chơi là mê rồi, nhưng phụ huynh cũng xem và biết về các bộ phim cũng như chức năng của đồ chơi trước khi mua về cho con.

Các kênh mở hộp của Hàn làm theo mô hình của những kênh này cũng ngày càng có nhiều lượt xem. ToyPudding và Nao Disney Toys là hai kênh nổi tiếng nhất. Nao Disney Toys xếp thứ 1 trong số những kênh trẻ em được xem nhiều nhất với người dùng YouTube ở Hàn Quốc. Một clip 11 phút mở hộp bộ đồ chơi Car Wash và Garage của Tayo, cho thấy một người lớn đang chơi món đồ chơi này, rửa xe buýt Tayo, đổ xăng và v.v…, đã có hơn 162,2 triệu lượt xem. Bên dưới là những bình luận bằng tiếng Trung, tiếng Ảrập và tiếng Anh.

Người vận hành kênh này, chỉ muốn xưng tên là “A”, nói anh là “cha của một đứa trẻ và là một người lao động bình thường ở tuổi 30.”

“Thoạt đầu, tôi tạo ra các clip chơi đồ chơi đó để hướng dẫn con, rồi kết quả là đây,” anh nói. 90% lượt xem kênh của anh từ nước ngoài.

Tobot

Vì những kênh mở hộp có hiệu ứng đến doanh số bán đồ chơi thực tế, “A” nói anh nhận được những đề nghị tài trợ như thác lũ từ các công ty đồ chơi. Các nhãn hiệu đồ chơi cũng nhảy ra làm kênh mở hộp riêng của mình trên YouTube. Young Toys, đã làm đồ chơi rôbô Tobot biến hình nổi tiếng, cũng như đồ chơi Kong Suni cho bé gái, đã mở kênh chính thức của mình trên YouTube hồi tháng 4.

“Chúng tôi tìm cách tiếp cận trẻ em thân thiện hơn qua một kênh mở hộp đồ chơi, đã trở thành trào lưu nóng hổi với trẻ con ngày nay,” Han Chan Hee, CEO của Young Toys, nói. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 20% khách hàng trẻ em của chúng tôi đã mua đồ chơi sau khi xem kênh mở hộp của chúng tôi, và hầu hết các em nói đã tự mình tìm kiếm những video đó.”

Thị trường chương trình giải trí dựa trên các nhân vật hoạt hình được ưa chuộng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Theo một báo cáo của Cục quản lý nội dung sáng tạo Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency) hồi tháng 3, quy mô của ngành kinh doanh nhân vật hoạt hình nước này khoảng 8,307 tỉ won, và tăng trưởng hàng năm ở tỷ lệ bình quân 11,6% trong năm năm qua – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực kinh doanh nội dung giải trí.

Nhìn thấy sự tăng trưởng đó, Google đã tạo ra Family Section trong thị trường ứng dụng smartphone của hãng, Google Play. Xét tính độc đáo của thị trường này, mà khách hàng là trẻ em còn người mua hàng là cha mẹ, Google tập hợp các trò chơi, hoạt hình và ứng dụng giáo dục vào một chỗ để nắm bắt sự chú ý của trẻ. Tuy nhiên, phân mục này còn có cả quảng cáo, và việc thanh toán có thể thực hiện trong vài cú nhấp chuột, thề nên cần có sự kiểm soát của phụ huynh.

Một bộ đồ chơi Tayo

Quản lý Google Play Eunice Kim đảm bảo công ty chỉ chấp nhận các quảng cáo thích hợp với nhóm tuổi này, và việc thanh toán chỉ hoàn tất sau khi phụ huynh gõ mật mã. Cô giải thích rằng Google đảm bảo trẻ em, những khách hàng tương lai, không bị loại trừ khỏi kế hoạch tiếp thị, trong khi ưu tiên hàng đầu là sự an toàn.

Trong khi đó, YouTube, đã bị chỉ trích vì cho phép trẻ em xuất hiện trong các quảng cáo dành cho người lớn mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào, tung ra YouTube Kids ở Mỹ hồi tháng 2. Tuy nhiên, kênh này chưa đến Hàn Quốc.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily