Nhân vật & Sự kiện

Phân tích về cuộc chiến truyền hình ở Hồng Kông năm 2012

15/03/2012

Phần II: Cái nhìn toàn diện về chiến lược và thủ đoạn của mỗi công ty: CITY TELECOM (CTI)

>>> Phần I: Sự dịch chuyển nghệ sĩ và các tài năng phía sau màn ảnh
>>> Phần cuối: Cái nhìn toàn diện về chiến lược và thủ đoạn của mỗi công ty: NowTV và i-Cable

Đã là “cuộc chiến” thì phải đưa ra “vũ khí” và đấu một trận sống mái để phân thắng bại. Tuy nhiên, vì ba đài truyền hình miễn phí mới chưa được cấp giấy phép, nên thật dễ hiểu khi các bên liên quan giấu kín những vũ khí “hủy diệt” nhất của họ, tiết lộ chỉ vừa đủ để thu được đà tiến lên mà họ cần – trước khi bắt đầu cuộc chiến “chính thức”, họ phải đánh những trận đấu khẩu và chiến tranh tâm lý nhỏ hơn trong nỗ lực thiết lập vị trí của mình.

Ba “thế lực” mới sẽ nhập cuộc – City Telecom, NowTV, và i-Cable – có thể được coi là đang ở thế tấn công trong cuộc chiến sắp tới. Xem xét ba công ty, NowTV và i-Cable có lợi thế nhất về mặt kỹ thuật, tuy nhiên công ty gây “ồn ào” nhất lúc này chắc chắn là City Telecom (CTI), do chủ tịch Vương Duy Cơ đứng đầu – nhà cầm quân này đã hăng hái “tiếp thị” khát vọng của ông cho thế giới với hy vọng dùng động lực đó để củng cố phe mình. Khi mà “cuộc chiến” chỉ vừa mới bắt đầu, công ty nào sẽ có thực lực và sự kiên trì để còn tồn tại lúc tàn cuộc? Để dàn thế tấn công, lãnh đạo mỗi công ty sẽ sử dụng “vũ khí” nào?

Bên kia chiến tuyến trong thế phòng thủ trong cuộc chiến sắp tới tất nhiên là “đại gia đơn độc” TVB và ATV “đau yếu lâu năm”. Trong vài năm qua, TVB chắc chắn đã gặp một số thách thức trong việc bảo vệ địa vị quyền lực của mình: các nhân viên bị đối thủ nẫng tay trên cùng những lời than phiền dường như bất tận về các chính sách và đối xử bất công chắc chắn ảnh hưởng đáng kể tới địa vị của hãng. Trong bối cảnh ấy, TVB sẽ phải đi những bước nào để vật lộn với khủng hoảng? Còn ATV? Hiện giờ họ có thể bị dồn vào góc, nhưng khi các phe khác đã hành động, họ không thể tiếp tục chỉ ngồi lại đằng sau và quan sát – đã tới lúc họ phản đòn.

Khi cuộc chiến truyền hình sắp nổ ra, các phóng viên của ND Daily đã tới thăm các lãnh đạo của từng hãng và phỏng vấn độc quyền về kế hoạch của họ cho cuộc chiến sắp tới, các vũ khí “bí mật”, cũng như đánh giá của họ về các đối thủ của mình với hy vọng có được cái nhìn đa chiều về cuộc chiến được trông đợi. Còn về việc rốt cuộc ai sẽ là người thắng cuộc, khán giả hãy chờ xem…

City Telecom (CTI)

Người đứng đầu: Vương Duy Cơ

Xuất thân của người đứng đầu: Nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch của City Telecom Limited; trong ngành truyền thông, ông nổi tiếng về tính sáng tạo và không nhất thiết phải “chơi đẹp”; khi đề cập tới thủ đoạn, ông giỏi “đá bóng ra biên” và là chuyên gia biến nguy thành an; biệt danh “kỳ nhân truyền thông”.

Chủ tịch CTI Vương Duy Cơ (thứ ba từ trái sang) tại buổi lễ động thổ trung tâm
truyền hình và truyền thông đa phương tiện mới ở Tương Quân Áo hôm 24/2

Chiến lược tổng thể: Nẫng tay trên các nhân tài với món tiền lớn làm mồi nhử; tập trung thực hiện các bộ phim chất lượng cao, “giờ vàng”.

Lợi thế: Đại gia giàu có và phát ngôn táo bạo; nhờ sự chân thành và thù lao cao để chiêu mộ nhân tài; các nghệ sĩ được tự do không hạn chế và được tôn trọng. Giỏi sử dụng truyền thông để đấu khẩu và đánh vào tâm lý; cách làm phô trương, gây chú ý.

Bất lợi: Đa số nghệ sĩ mà ông “nẫng tay trên” không phải là tiểu sinh hay hoa đán hàng đầu, thể nên ông có thành công trong việc thu hút khán giả hay không sẽ phụ thuộc vào sản phẩm tổng thể cuối cùng. Xưởng phim cũng chưa được xây dựng, nên hiện tại phải đi thuê địa điểm quay phim.

Chiến lược 1: Nẫng tay trên các tài năng với mồi nhử thù lao cao: “Điều quan trọng nhất trong sự phát triển của truyền hình sau này là nhân lực.”

Trong ngành truyền hình Hồng Kông hiện nay, không ai không biết Vương Duy Cơ. Ông là người vô cùng tham vọng, muốn thay đổi bản đồ ngành truyền hình Hồng Kông và “viết lại” tất cả luật chơi hiện tại. Vào tháng 9 năm ngoái, Vương Duy Cơ bắt đầu chiến lược “nẫng tay trên” qua việc thu hút nhiều biên kịch, biên tập viên, đạo diễn và trợ lý đạo diễn của TVB với lời hứa tăng gấp đôi thù lao cho họ; cùng lúc đó, ông gặp riêng nhiều tiểu sinh, hoa đán, diệp tử (diễn viên phụ) và các nghệ sĩ lão làng của TVB – thêm nữa, ông gửi nhiều tin nhắn tuyển mộ nghệ sĩ gia nhập công ty của mình. Dù vậy, phần lớn các nghệ sĩ ông “nẫng tay trên” thành công là diệp tử hay nghệ sĩ hàng thứ hai, thứ ba, “điệp khúc” cho phép “tự do không giới hạn” và “tự do xuất hiện trên bất cứ đài truyền hình nào vào bất kỳ lúc nào” giúp ông thu hút được các cựu tiểu sinh và hoa đán trung niên nổi tiếng – như Huỳnh Nhật Hoa, Trương Khả Di,… - những người không muốn ràng buộc với một đài truyền hình.

Với mọi động thái nhằm chống lại TVB, Vương Duy Cơ tổ chức lễ động thổ trung tâm truyền hình và truyền thông đa phương tiện mới ở Tương Quân Áo hôm 24/2 và mời tất cả các cựu nghệ sĩ TVB đã ký hợp đồng với ông – như Huỳnh Nhật Hoa, Trương Khả Di, Lâm Văn Long, Liêu Bích Nhi,… tới dự. Qua việc xây dựng xưởng phim gần TVB cũng như “trưng ra” các nghệ sĩ ông ký được hợp đồng, dường như một lần nữa ông “khoe khoang” sức mạnh của mình trước mặt TVB.

Vào ngày động thổ, các phóng viên ND Daily có dịp phỏng vấn riêng “kỳ nhân truyền thông” này và hiểu thêm về chiến lược của ông trước thềm cuộc chiến.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Vương chỉ ra rằng ông đã chứng kiến các kết quả ban đầu từ chiến lược “nẫng tay trên” của mình: “Hiện tại, chúng tôi đã ký hợp đồng thành công với 140 nghệ sĩ, nhiều người trong số họ là nghệ sĩ hàng đầu cũng như nghệ sĩ “có tài” – cuối năm nay, chúng tôi mong ký hợp đồng với tổng cộng 250 nghệ sĩ. Thêm nữa, chúng tôi đã tập hợp một nhóm sản xuất đằng sau màn ảnh và các nhân viên sáng tạo, gồm khoảng 180 người – nhiều người trong số đó dã bắt đầu làm việc. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, CTI sẽ khởi quay phim truyền hình đầu tay.”

Theo tứ tự từ trái qua: Huỳnh Nhật Hoa, Trương Khả Di, Lâm Văn Long là các cựu tiểu sinh
và hoa đán vẫn còn sáng giá mà CTI đã "nẫng" của TVB

Thực ra, nẫng tay trên là chiến lược của Vương Duy Cơ gây tổn thất nhiều nhất cho TVB tính tới hiện giờ, tạo ra một “lỗ hổng” trong đội ngũ sáng tạo (các biên kịch) của TVB, khiến các nghệ sĩ như Vương Tổ Lam, Lưu Tùng Nhân phải nhảy vào làm biên kịch, cuối cùng giáng một đòn nặng nề vào lòng tự trọng của những biên kịch còn lại ở TVB. Ngay cả nhà sản xuất vàng Lý Thiêm Thắng cũng than vãn vì không có nữ diễn viên chính cho bộ phim cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu (Detective Columbo) và phải đích thân quan tâm tới tất cả vấn đề lớn nhỏ do thiếu nhân lực.

Thảo luận về quan điểm làm việc với nhân viên của ông, phản hồi của Vương Duy Cơ có vẻ ám chỉ TVB không tôn trọng nhân tài: “Thực ra, khi nói tới sự phát triển của ngành truyền hình, bộ phận quan trọng nhất là “phần mềm” – trong trường hợp này “phần mềm” là nhân lực. Do đó, biết cách tôn trọng con người là điều quan trọng nhất.” Thực ra, TVB có tiếng là không coi trọng nhân tài, nhất với “con ghẻ” – nhiều lời phàn nàn và bất mãn với tiền lương thấp và giờ làm việc kéo dài đều được giới truyền thông đưa tin rộng rãi năm vừa rồi. Thế nên với chiến lược này, Vương Duy Cơ tận dụng thời cơ (khi bất mãn với TVB lên tới đỉnh điểm), xoáy vào điểm yếu của họ và hiện giờ đang hưởng lợi.

Chiến lược 2: Tiết lộ nhược điểm của TVB; bạo gan nói: “Chúng tôi sẽ sản xuất các chương trình truyền hình 3D trong tương lai.”

Tại buổi động thổ, các buổi thảo luận tuyển dụng ở đại học sau đó, và mỗi lần nói về “giấc mơ truyền hình” của mình với các phóng viên, Vương Duy Cơ không chỉ sử dụng những con số đáng kinh ngạc để miêu tả công ty của mình, ông cũng tận dụng từng cơ hội để gián tiếp chỉ ra rằng TVB đã quá lỗi thời, các quan điểm của TVB đã lạc hậu, và các ý tưởng của họ không có gì mới mẻ.

Vào ngày động thổ, phóng viên ND Daily hỏi Vương Duy Cơ rằng ông muốn thiết lập loại “luật lệ” nào, ông đáp: “Thiết lập luật công bằng và cho các nghệ sĩ cơ hội phát triển chứ không bị ràng buộc vào một đài truyền hình.”

Khi được hỏi ông muốn khai thác loại đề tài nào trong phim truyền hình của mình, ông Vương đáp: “Chúng tôi không muốn tiếp tục làm cùng kiểu phim “gia tộc tranh giành quyền thừa kế” hay phim tình yêu truyền thống đã lỗi thời và chúng tôi chắc chắn không muốn diễn đi diễn lại vài ba câu chuyện tương tự nhau. Chúng tôi hy vọng có sự đa sạng hơn với nhiều đề tài khác nhau.”

Khi được hỏi ông sẽ cung cấp cho khán giả những chương trình “chất lượng cao” như thế nào, ông Vương đáp: “Người ta dùng nhựa thay cho thủy tinh, dùng áp phích giả để thay cho ngoại cảnh – chúng tôi sẽ sử dụng ngoại cảnh và địa điểm thật!” Ông cũng phát biểu rằng trong ba năm tới, công ty ông sẽ sản xuất một chương trình truyền hình hoàn toàn ở dạng 3D. Ngoài ra, ông sẽ đầu tư từ 600 tới 800 đôla Hồng Kông để xây dựng trung tâm sản xuất lớn bằng 33 sân vận động, với khát vọng trở thành xưởng phim rộng nhất châu Á. Ông cũng dự định sản xuất nhạc kịch truyền hình đầu tiên trong lịch sử Hồng Kông.

Các kế hoạch của Vương Duy Cơ chắc chắn nhắm vào điểm yếu của TVB – quả thực, TVB đã từng có kế hoạch thực hiện chương trình truyền hình 3D, tuy nhiên do hạn chế về đường truyền và công nghệ, kế hoạch này đã thất bại.

Thực ra, có vẻ mặc dù các nghệ sĩ và nhân viên phía sau màn ảnh đã gia nhập công ty của Vương Duy Cơ gián tiếp chỉ ra “giới hạn” của các chương trình của TVB và sự cản trở sức sáng tạo của hãng – Huỳnh Nhật Hoa phát biểu rằng “ở đây (CTI) có nhiều cơ hội phát triển” còn Trương Khả Di nói “môi trường mới có nhiều tự do”. Khi Vương Duy Cơ bồi thêm bình luận của ông, “sự chỉ trích” TVB tự động trở thành “tin trang nhất” trên báo giải trí ngày hôm sau!

Từ trái sang: Hai nam diễn viên kỳ cựu Tần Bái, Khương Đại Vệ,
và nữ diễn viên phụ Châu Gia Di cũng được chiêu dụ về CTI

Với những tác phẩm cụ thể đang được các bên thực hiện ngay bây giờ, hiện tại không thể nói ai sẽ thắng cuộc. Với những lãnh đạo có tính cạnh tranh, khao khát trở thành người chiến thắng như Vương Duy Cơ, sử dụng chiến tranh tâm lý ngay bây giờ không hẳn là sai lầm, miễn là điều đó phù hợp với ông.

Triển vọng tương lai: Khởi quay vào tháng 4, quá trình sản xuất hoàn toàn minh bạch

So với chính sách thông thường của TVB về việc giữ bí mật phần lớn quá trình sản xuất với công chúng, ý tưởng sản xuất của Vương Duy Cơ “táo bạo” hơn nhiều: “Trung tâm sản xuất truyền hình của chúng tôi sẽ có một hành lang dài bằng kính, nơi những công dân và sinh viên bình thường có thể tới quan sát quá trình sản xuất, bao gồm việc quay các bộ phim và chương trình truyền hình, thuyết minh, hóa trang, phục trang, dựng cảnh,… - theo đó, họ có thể thấu hiểu phim truyền hình được sản xuất như thế nào và niềm vui mà việc đó đem lại. Qua đó sẽ giúp chúng tôi gần gũi hơn với khán giả.”

Vào tháng 4 tới, phim truyền hình đầu tiên của Vương Duy Cơ sẽ khởi quay. Vì chưa xây dựng trường quay, CTI đã thuê hai trường quay để quay các cảnh trong nhà – phần còn lại sẽ được thực hiện tại địa điểm ngoài trời.

Vương Duy Cơ cũng tiết lộ các kế hoạch khác trong tương lai: “Chúng tôi sẽ bắt đầu làm hai đến ba phim truyền hình cùng lúc – chúng tôi ước tính sản xuất khoảng 12 phim với tổng thời lượng 260 giờ và 104 giờ chương trình tạp kỹ vào cuối năm nay. Trong năm 2013, kế hoạch là tăng lên 650 giờ phim truyền hình và 520 giờ chương trình tạp kỹ.”

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asian Fanatics (dịch từ ND Daily News)


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi