Nhân vật & Sự kiện

Phim kinh dị đen tối Nhật Bản và Hàn Quốc và chỗ đứng đối với Hollywood

13/06/2016

“Không ai” làm giỏi hơn.

Khi kỷ nguyên mới của phim kinh dị châu Á tiến vào làng điện ảnh phương Tây chính thống với The Ring của Hideo Nakata, phim kinh dị Á nhanh chóng được xem là đẩy phong cách kinh dị đen tối có phần nhàm chán hơn của Hollywood vào bóng tối.

Dark Water (2002) kinh hãi và đáng sợ của Nakata và tác phẩm bạo lực và mang tính cộng hưởng xã hội Sympathy for Mr Vengeance (2002) của Park Chan Wook được trình chiếu tại nhiều cụm rạp bên cạnh phần phái sinh Freddy vs Jason nhàm chán của Hollywood (hài hước là lại do một đạo diễn di cư người Hồng Kông Ronny Yu chỉ đạo sản xuất). Những người yêu thích thể loại kinh dị nhanh chóng làm rõ phim nào chiếm được tình cảm của họ.

Phim kinh dị châu Á trở nên nổi tiếng thông minh, kỳ lạ, chiều sâu và đầy kỹ năng trong cách tạo căng thẳng và bất ngờ. Sự sợ hãi và gớm ghiếc (theo cả hai nghĩa) của phim kinh dị châu Á vượt xa hầu hết những phim kinh dị phương Tây ở thời điểm đó, xem ra đã cạn kiệt ý tưởng và trở nên phụ thuộc một cách ảm đạm vào những cảnh khỏa thân và việc đếm xác.

Đông Tây hội ngộ

Trở lại những năm 1990, Quentin Tarantino đã tỏ lòng kính trọng những ảnh hưởng của điện ảnh châu Á, đặc biệt là những phim về Yakuza, trong phim về đề tài băng đảng được đánh giá cao của ông Pulp Fiction (1994). Với khán giả châu Á, phim gợi nhớ tác phẩm Sono Otoko, Kyobo ni Tsuki - Violent Cop của Takeshi ‘Beat’ Kitano (1989). Tuy nhiên, với Kill Bill (2003), Quentin Tarantino đã làm rõ sức ảnh hưởng này: ông sử dụng câu chuyện báo thù của Shurayukihime (Lady Snowblood, Toshiya Fujita sản xuất năm 1973) và dùng bối cảnh đầy tuyết và màu sắc tương tự, sự đấu đá trong hệ thống Yakuza, các địa điểm và phong cách thời trang của Nhật Bản, những cuộc thảm sát ở các phòng trà và thậm chí một phần phim hoạt hình tại Nhật Bản như là khởi nguồn cảm hứng của mình.

Cảnh trong phim Lady Snowblood của Shurayukihime năm 1973,
nguồn cảm hứng cho
Kill Bill của Quentin Tarantino

Dòng phim kinh dị châu Á chính thống hơn thường sử dụng và ca tụng những hình thái tâm lý của nỗi sợ hãi và kinh khiếp, gợi nhớ một thời kỳ khi đó cũng là yếu tố chính của những tác phẩm kinh điển của Mỹ như The Haunting, The Shining, và Poltergeist. Những phim này thường được các đạo diễn phim kinh dị châu Á nhắc đến như là ví dụ về tác phẩm ảnh hưởng đến cảm quan kinh dị của bản thân họ. Ý thức hơn bao giờ hết với những xu hướng toàn cầu hóa, nhiều nhà làm phim châu Á đã ngay lập tức để ý tới những bậc thầy phương Tây như David Lynch và David Cronenberg và đưa những kỹ thuật và nỗi ám ảnh của họ vào tác phẩm của chính mình.

Mặc dù có sự giao thoa văn hóa tinh tế giữa các phim châu Á và phương Tây, mỗi bên đều có những đặc điểm phân biệt mình với đối tác. Nhìn chung, phim châu Á chứa đựng cảm quan sâu sắc về sức mạnh siêu nhiên tồn tại trong thế giới thực và cách tiếp cận dựa nhiều trên thuyết định mệnh hơn về sự kiểm soát của mỗi cá thể đối với vận mệnh của mình. Nền điện ảnh này cũng cho thấy sự không quá câu nệ khi đẩy những hình ảnh gớm ghiếc lên giới hạn cực độ, như tác phẩm tai tiếng đáp lại thể loại khêu gợi quái dị chống đối phụ nữ, Audition (1999) của Takashi Miike, hay tác phẩm gây kinh ngạc châm biếm Dumplings (2004) (còn được biết đến với tên Three... Extremes) của đạo diễn người Hồng Kông Trần Quả và phim về đề tài tiêu diệt xác sống Versus (2000) của Ryuhei Kitamura.

Phim kinh dị châu Á thường cho thấy sự không cam chịu bị giam cầm trong giới hạn thể loại theo quy ước. Một số tác phẩm bất thường nhất của Hàn Quốc, như bộ phim được khen ngợi nhiều của Park Chan Wook OldboyVengeance Trilogy cố tình tránh sự khoanh vùng dễ dàng, kết hợp nhiều thể loại cùng một lúc.

Lady Vengeance trong bộ ba phim Vengeance

Sáng tạo trong những phim Nhật Bản và Hàn Quốc khi thực hiện đề tài siêu nhiên thường bắt nguồn từ kho báu dân gian truyền thống, truyện ma và tác phẩm kinh điển về danh dự và lòng trung thành. Rất nhiều phim về sự tan vỡ của thực tế, gia đình và tư tưởng cá nhân khi liên quan đến tội lỗi, sự ghen tị, mất danh sự hay siêu nhiên không thể giải thích. Phim kinh dị Nhật Bản thường sử dụng sự im lặng, bóng tối và những khoảng không trống rỗng để tạo và đẩy cao cảm nhận lo âu và cái chết sắp xảy ra, thay vì sử dụng một bản nhạc phim để thể hiện trạng thái cảm xúc hoặc bất ngờ sắp xảy đến với khán giả.

Tính siêu nhiên châu Á

Khái quát văn hóa không phải lúc nào cũng là lựa chọn khôn ngoan, nhưng những truyền thống tôn giáo châu Á thường sử dụng niềm tin phiếm thần và nghiệp báo, những điều khuyến khích chấp nhận rộng rãi hơn các thế lực siêu nhiên và một ranh giới nhạt nhòa hơn giữa thế giới của người sống và người chết. Lấy Thần đạo làm ví dụ, nhiều vật thể, dù ngoài tự nhiên, trong khu vực thành thị hay trong nhà, có thể là nơi trú ẩn của linh hồn các vị thần, dù đối đầu hay thân thiện, nhưng đều cùng tồn tại trong thế giới của người sống.

Văn học Nhật Bản là một kho tàng truyền thống lâu đời những truyện siêu nhiêu về ma quỷ trong Thần đạo và Phật giáo. Một trong những truyện được biết đến nhiều nhất là Tale of Genji vào thế kỷ XI trong đó Phu nhân Rokujo hay đố kỵ là nguyên mẫu của loại ma quỷ có tên Yurei, những linh hồn không yên của những người chết một cách đau đớn do bị sát hại hoặc tự tử, hoặc do không được thực hiện một nghi lễ chôn cất tử tế.

Ju–On: The Grudge của Takashi Shimizu

Hầu như lúc nào cũng là những Yurei nữ (giới tính thường không ổn định) lơ lửng, nhợt nhạt, rũ rượi và trật trẹo, vận bộ kimono liệm của Thần giáo màu trắng, đầy nếp, thường chỉ lộ ra một con mắt nhìn chằm chằm sau mái tóc đen dài rối bời (phụ nữ Nhật Bản thường búi tóc lên, nhưng khi chon cất tóc được thả xuống). Những Yurei quyết tâm trả thù vì bị giết được gọi là Onryou và sự trả thù thường không chỉ giới hạn đối với những người có tội trực tiếp, như Kayako ma quái trong Ju–On: The Grudge của Takashi Shimizu. (Khi đặt vào bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa gốc, thuật ngữ kurokami là một đồng âm vừa có nghĩa tóc đen vừa có nghĩa linh hồn ác độc) .

RinguJu-On mang nét văn hóa đặc biệt bởi chúng thuộc về một thể loại truyện ma Nhật Bản gọi là Kaidan, phần nào đó xuất phát từ các vở kịch truyền thống nghệ thuật Noh và Kabuki, sử dụng tập tục trang điểm đánh trắng làn da và bôi đen mắt (trong thực tế, tại Hồng Kông, tồn tại một thuật ngữ miệt thị đối với người da trắng là gwai-lo, nghĩa đen là "người ma" – phản ánh về vẻ xanh xao trên làn da của họ).

Tác giả của Ringu, Koji Suzuki giải thích làm thế nào những truyện về kaidan lại có một cách nhìn ma quỷ khác biệt với truyền thống phương Tây:

“Tại Mỹ và châu Âu hầu hết phim kinh dị kể câu chuyện về sự hủy diệt của những linh hồn ác quỷ. Phim kinh dị Nhật Bản kết thúc với một gợi ý rằng linh hồn vẫn tồn tại đâu đó. Đó là bởi người Nhật Bản không chỉ tin linh hồn là những thực thể đối nghịch, mà là điều tồn tại song song trong thế giới của chúng ta…”

Ringu của Koji Suzuki

Ngoài ra, Ringu và những phim kinh dị Nhật Bản khác như Dark Water, liên hệ những nỗi sợ cố hữu trong xã hội vốn coi trọng truyền thống của Nhật Bản trước vai trò mới của giới tính và sự gia tăng tỷ lệ ly hôn và làm thế nào mà ngày nay, người phụ nữ Nhật Bản lại thường chọn sự nghiệp thay vì làm người mẹ nội trợ. Những phim này phản ánh rõ căng thẳng lo âu giữa truyền thống và hiện đại trong cảm quan của cả một quốc gia. Như Jay McRoy đã nói, “những phim kinh dị này mang đến một cái nhìn nội tại xen kẽ với mức độ châm biếm xã hội nhức nhối hiếm thấy trong tác phẩm của những đạo diễn kinh dị phương Tây.”

Ma trong máy

Nỗi sợ hãi của người phương Tây có khuynh hướng lo lắng hậu quả của trí tuệ nhân tạo và nghi ngờ rằng những cỗ máy máy có tri giác có thể sẽ sớm nổi dậy và áp đảo chúng ta (như trong The TerminatorThe Matrix).

Tuy nhiên tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi niềm tin cổ xưa vẫn còn giá trị ảnh hưởng, mối quan tâm thường dành cho sự kết hợp ghê gớm giữa ma quỷ và những dạng thức công nghệ mà chúng có thể trú ngụ và kiểm soát. Thỉnh thoảng chúng ta đều nghi ngờ rằng có gì không ổn với những tiện ích của chúng ta – có yêu tinh trong thiết bị và ma quỷ trong máy móc của chúng ta.

Cảnh phim Phone của Ahn Byeong Ki

Trong phim kinh dị châu Á, chúng ta thấy những đoạn băng bị ám (The Ring), mạng bị ám (Pulse) và trong phim Hàn Quốc gây kinh ngạc Phone của Ahn Byeong Ki chúng ta có một chiếc điện thoại di động và qua đó người nhận nhận được những đoạn liên lạc đầy đe dọa từ người chết. Những khái niệm có vẻ lạ lẫm này đã mang đến những phim kinh dị xuất săc, nhờ có cốt truyện phức tạp, diễn xuất ấn tượng và những giá trị xuất phẩm chất lượng cao.

Lấy phim Phone làm ví dụ, phim không chỉ mang đến những cuộc gọi đáng sợ từ người chết đầy thù hận, đây còn là một phim giải quyết câu hỏi về sự trung thành trong gia đình, tình yêu ám ảnh, sự ghen tuông, khả năng sinh sản, tình dục vị thành niên, sự rình mò, trả thù, sự chiếm hữu và sở hữu. Với Seo Woo Eun trong vai Yung Ju năm tuổi bị ám ảnh, phim cũng có thể tự hào về màn trình diễn đáng sợ nhất của một cô bé kể từ sau nhân vật Linda Blair của Regan.

Trong làng phim khoa học viễn tưởng Nhật Bản, tiếp nối sự phát triển công nghệ vượt bậc của quốc gia này, Testuo: The Iron Man (1988) của Shinya Tsukamoto và Tetsuo II: Body Hammer (1992) lớn hơn và thành công hơn, là hai trong số những ví dụ nổi bật nhất của thể loại phụ ‘kinh dị cơ thể’, sử dụng hiệu ứng chậm, kỳ cục trong những cảnh cơ thể co giật được lai tạo sinh hóa để tạo ra một góc nhìn mới về xã hội đang tiến dần đến thảm họa về công nghệ.

Tetsuo II: Body Hammer (1992) của Shinya Tsukamoto

Những phim đình đám khác của Nhật Bản và Hàn Quốc bao gồm Batoru Rowaiaru - Battle Royale, (2000) đầy tính châm biếm xã hội gây bất ngờ của Kinji Fukasaku, phim bạo lực phê phán xã hội Vengeance Trilogy (2002-2005) của Park Chan Wook và phim kinh dị tột cùng lai tạo thể loại Ôdishon - Audition (1999) của Takashi Miike. Có thể nói những phim này, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm mô phỏng phương Tây rất thành công, thu hút, và mang đến một chiều sâu và ớn lạnh bất ngờ hơn những loạt phim về đề tài tàn sát ngẫu nhiên và quá độ như Saw (James Wan, 2004-2010) và Hostel (Eli Roth, 2005-2007).

Mất chất khi chuyển ngữ

Khi Ringu (1998) của Hideo Nakata trở thành thành công vượt trội ở châu Á và phương Tây, nhiều nhà sản xuất Hollywood ngay lập tức cố gắng soa chép hiệu ứng của phim bằng việc quay trở lại với hình thức kinh dị cổ điển hơn, thường với một đặc điểm ngoại lai. Gary G.Xu giải thích về hiện tượng này:

"Có một khí chất nhất định trong tiểu thuyết và phim ma Nhật Bản, thường chứa đầy hận thù của phụ nữ đối với những người đàn ông đã ruồng bỏ hoặc làm tổn thương họ. Không giống như hầu hết chuyện ma ở phương Tây mang đến những khoảnh khắc bất ngờ và cảm giác mạnh, chuyện ma Nhật Bản có xu hướng cho phép các khí chất này lơ lửng, thẩm thấu hoặc ám ảnh khán giả theo nghĩa đen..."

Cảnh trong phim The Ring của Gore Verbinski

Trong phiên bản Ringu làm lại cho khán giả phương Tây, Gore Verbinski bỏ qua các đặc tính văn hóa Nhật Bản và tập trung vào việc 'thuần hóa' phim. Để tiếp nối sự thành công của phim, các đặc tính Nhật Bản, chẳng hạn nỗi bất an xã hội, phong cách làm phim chậm, không khí chờ đợi căng thẳng và lòng từ bi đối với những linh hồn lầm lạc cũng như đối với nạn nhân của chúng, đã được loại ra để phù hợp hơn với khán giả phương Tây.

Không giải thích sự việc hoặc để mặc nó tối nghĩa là một phần không thể thiếu trong văn hóa và văn học Nhật Bản (như trong thơ Haiku), nhiều đến mức tồn tại một thuật ngữ cho sự việc này trong giao tiếp hàng ngày, aimai. Khán giả châu Á chấp nhận một sự mơ hồ nhất định trong phim và không coi đó là một dạng thất bại.

Trong phiên bản làm lại của Mỹ, lúc nào cũng bị đòi hỏi một kết thúc rõ ràng hơn và ma quỷ chỉ là vỏ ngoài và hiện thân của ác quỷ. Biên kịch Ehren Kruger người đã thực hiện The Ring (2002) dường như cho rằng khán giả Mỹ cần tất cả mọi thứ phải được làm sáng tỏ, mọi sự mơ hồ và tinh tế của bản gốc đã bị mất đi. Những hình ảnh lạ lùng hơn cũng đã được thêm vào cuộn băng ma ám, có lẽ là để thay thế cho những bí ẩn và kỳ lạ đã làm nên khác biệt cho bản gốc.

The Grudge do chính Shimizu làm lại cho khán giả Mỹ

Tuy nhiên, phiên bản Mỹ làm lại của Verbinski của thu về hơn 250 triệu đôla toàn thế giới, khuyến khích phong trào nhượng quyền thương mại và một cuộc chạy đua của Hollywood bỏ tiền vào nhiều bản làm lại bóng bẩy tiếp theo của phim kinh dị Nhật Bản. Ju–On của Takashi Shimizu là phim tiếp theo được làm lại. Phim được đổi tên thành The Grudge và tiếp tục trở thành thành công phòng vé như The Ring.

Ju-On (2002) là một sự kính trọng tương tự đối với kaidan truyền thống. Khi Shimizu làm lại bộ phim với tên The Grudge (2004) cho khán giả Mỹ, ông ghi lại hồn ma của Kayako theo cùng một cách như của Sayako trong The Ring: một cái đầu không mặt hoàn toàn bị mái tóc đen dài che phủ và chỉ thấy một mắt. Trong nỗ lực mô phỏng này có thể thấy Shimizu đã được xây dựng "mối quan hệ có chủ ý giữa hai phim, và như vậy, phù hợp với kỳ vọng của phương Tây về một con ma đầy hận thù trong phim kinh dị Nhật Bản" (Balmain).

Biểu tượng mới này của thể loại kinh dị bắt đầu xuất hiện nhiều lần không chỉ trong các phim Nhật Bản như Honogurai Mizu no Soko Kara - Dark Water của Hideo Nakata (2002) mà còn trong các phim Đông Á thành công khác như phim kinh dị Hàn Quốc Janghwa, Hongryeon - A Tale of Two Sisters (2003) của Jee Woon Kim, có thể là nhằm làm cho các ẩn dụ trở nên dễ hiểu hơn đối với khán giả phương Tây.

A Tale of Two Sisters của Jee Woon Kim

Nhiều bản làm lại đủ đáng sợ nhưng cũng dễ thấy thiếu tính hồi hộp và kỳ lạ khác biệt mà bản gốc có thể đem đến. Một số trong đó, như phiên bản Spike Lee làm lại phim kinh điển Oldboy của Park Chan Wook, đã trôi tuột đi, gần như không để lại dấu vết gì trong nhận thức của cộng đồng 'fan' kinh dị.

Nhiều phép ẩn dụ mang đặc điểm và phong cách kinh dị châu Á nay đã bị Hollywood chiếm hữu và hấp thu và thể hiện rõ trong các sản phẩm gần đây như Fear Dot Com (2002) The Exorcism of Emily Rose (2005) và Unfriended (2015).

Hy vọng bài tổng quan ngắn này có thể lý giải một chút về hiện tượng kinh dị châu Á 'tăm tối' - tuy nhiên không nên quá rõ ràng, bởi một số điều đen tối vẫn nên ẩn trong bóng tối.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Horror Talk