Nhân vật & Sự kiện

The Mobfathers, TrivisaRobbery thể hiện Hồng Kông đến đường cùng?

03/06/2016

Hãy chọn bất cứ phim Hồng Kông nào trình chiếu ở địa phương này trong vòng hai tháng qua có khả năng bạn sẽ gặp được một bộ phim hoàn toàn hư vô đầy những mâu thuẫn chính trị, xã hội và kinh tế đe dọa sôi trào. Vào thời buổi đời thực còn kịch tính hơn cả phim ảnh, không ngạc nhiên gì khi một số nhà làm phim Hồng Kông đi theo con đường triết lý trong tác phẩm mới của họ.

The Mobfathers sử dụng chuyện bầu bán trong hội tam hoàng làm ẩn dụ cho việc mưu cầu bầu phiếu phổ quát, Trivisa khắc họa những ảnh hưởng đang phai tàn của ba tội phạm khét tiếng trước ngày chuyển giao năm 1997. Và Robbery, một phim kỳ ảo bạo lực đầy màu sắc sắp đặt nhiều người Hồng Kông giận dữ trong một cửa hàng tiện lợi và cho họ phát tiết sự thất vọng của họ vào nhau. Không phim nào trong ba phim kể trên kết thúc với một nốt tươi sáng.

Áp phích phim The Mobfathers

Cả ba phim đều được kể chuyện khéo léo, những tác phẩm điện ảnh được trau chuốt thành thạo mà bất chấp nội dung nhạy cảm của chúng đã được chọn chiếu ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông tháng 4 vừa rồi.

“Nói rằng khán giả ngày nay ngày càng nhạy bén với những ngụ ngôn chính trị có lẽ là cường điệu, vì chẳng cần phải là người mẫn cảm mới nhận ra những vấn đề chúng ta đang đối mặt,” Khâu Lễ Đào, nhà đạo diễn kỳ cựu của The Mobfathers và nhiều phim mang ý thức xã hội khác, nói.

“Khi chuyện xảy ra và trở thành chủ đề nóng, tất nhiên chúng sẽ xuất hiện trong văn hóa đại chúng,” ông nói về làm sóng phim Hồng Kông yếm thế gần đây. “Đây là thời đại của sự phản kháng, nên kết quả là ta chứng kiến nhiều phim nói về điều đó; không có gì để cười chuyện này. Tôi không nói ai nấy nên làm phim về những vấn đề xã hội trong đời thực, mà tính đa dạng mới là tốt.”

Khâu Lễ Đào bắt đầu làm The Mobfathers hồi năm 2012, lấy cảm hứng từ “cuộc chiến quyền lực hết sức giống kiểu hội tam hoàng” mà ông đã quan sát. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo khi tìm kiếm kinh phí làm phim, ông đã có cơ hội đưa những tiến triển chính trị vào bộ phim ly kỳ gangster này.

Đỗ Vấn Trạch, áo trắng, trong một cảnh phim The Mobfathers

Điều bắt đầu trong tâm trí Khâu Lễ Đào là cuộc chiến giữa hai ứng viên (do Đỗ Vấn Trạch và Vương Tông Nghiêu đóng) để được chọn làm ông trùm mới đã trở thành một giai đoạn ầm ĩ vận động cải cách bầu cử xem ra là vô ích ở Hồng Kông. Trong khi nhân vật của Đỗ Vấn Trạch chủ trương bầu chọn rộng rãi trong hội tam hoàng, chẳng ai hay biết sự thao túng của bố già đang tại vị của hội này (Huỳnh Thu Sinh) đằng sau hậu trường, thường thông đồng với cảnh sát.

“Trong ngôn ngữ xã hội chúng ta, điều mà vì đó nhân vật của Đỗ Vấn Trạch chiến đấu trong phim này không phải là bỏ phiếu phổ quát thực sự, mà chỉ là ‘đút túi trước’,” nhà đạo diễn châm biếm, nói về cách nhân vật chính của ông đã được một nhóm nhỏ gồm các tay anh chị lão làng chọn trước.

Đạo diễn Khâu tin rằng nhà làm phim đáp trả với thời đại là rất quan trọng. “Nói thẳng thắn, The Mobfathers được chào bán là phim giải trí. Nhưng biết đâu nó lại gợi cho khán giả nhớ rõ về kỷ nguyên chúng ta đang sống và những chuyện xảy ra ở nơi này trong mấy năm qua. Vì Hồng Kông là nhà của tôi, không thể tránh một số vấn đề quan trọng.”

Nếu Khâu Lễ Đào cởi mở về thông điệp ngầm trong phim của ông, thì ba đạo diễn mới của Trivisa không thể làm tương tự, đây là một xuất phẩm Hồng Kông đang bám lấy hy vọng mờ nhạt được phát hành ở Trung Quốc. Ngoài mặt có vẻ là một câu chuyện hư cấu về ba tội phạm có thực (hai tên cướp có vũ trang Diệp Kế Hoan và Quý Bỉnh Hùng, và tên bắt cóc Trương Tử Cường), bộ phim được bắt đầu và kết thúc bằng đoạn phim chuyển giao Hồng Kông năm 1997 và sống động chỉ ra hào quang suy tàn của Hồng Kông sau đó.

Trivisa xoay quanh những tin đồn rằng ba tội phạm khét tiếng này đang tìm cách cộng tác làm một vụ động trời trước thời điểm chuyển giao Hồng Kông. Nhà sản xuất Đỗ Kỳ Phong giao cho các đạo diễn trẻ nghĩ xem làm thế nào những tin tức sai lạc đó tác động đến các nhân vật chính, do Lâm Gia Đống, Nhậm Hiền Tề và Trần Tiểu Xuân đóng.

“Trọng tâm của chúng tôi không phải là thời đại đó, không chỉ là cuộc chuyển trả,” Hoàng Vĩ Kiệt nói rõ, anh là đồng đạo diễn của bộ phim này cùng với Âu Văn Kiệt và Hứa Học Văn. “Đối với những kẻ cướp trong bộ phim này, sự thay đổi ấy thật không dễ đối mặt; 1997 như là hạn chót với chúng. Đỗ Kỳ Phong tuyển dụng chúng tôi làm phim này vì ông muốn thấy thập niên 90 qua những con mắt trẻ trung hơn.”

Từ khi chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Berlin 2016, Trivisa được một số nhà phê bình miêu tả là phản ánh sự bế tắc ở Hồng Kông từ sau phong trào “cách mạng ô dù” trên đường phố năm 2014, nhưng các nhà làm phim phủ nhận họ không có ý như thế. “Chúng tôi đã bắt đầu viết kịch bản từ năm 2011, và hoàn tất vào giữa năm 2014, trước khi phong trào ô dù nổ ra,” Hứa Học Văn nói.

“Ông Đỗ có bảo chúng tôi rằng không phải dè dặt gì cả khi viết câu chuyện. Chúng tôi có thể nói bất cứ gì muốn nói trong phim này. Nếu chúng tôi không thể qua được kiểm duyệt để trình chiếu ở Trung Quốc, thì thôi vậy. Nói đến cốt chuyện là không có gì phải nhân nhượng.”

Cảnh trong phim Trivisa

Trong ba đạo diễn có lẽ Âu Văn Kiệt nổi nhất, nhờ thành tích đạo diễn phần phim Dialect trong bộ phim nhiều tầng Ten Years. Tuy đóng góp của anh cho hai phim này, tính chung, có thể gợi ra một sự dịch chuyển kịch tính trong động lực giữa Hồng Kông và Trung Quốc, Âu Văn Kiệt miễn cưỡng nói chi tiết về chủ đề này. “Khán giả có thể tự quyết định; không nhất thiết tôi phải nói toạc ra,” anh cười lặng lẽ.

“Khi làm dự án này – hay bất kỳ dự án nào khác – tôi không nghĩ tới chuyện gì có thể xảy ra sau đó,” Âu Văn Kiệt nói về câu chuyện đầy ý thức xã hội của anh. “Chúng ta cũng cần cân nhắc liệu ta có trung thực với chính mình và với tâm trạng của cộng đồng hay không. Tôi không nói chúng ta phải tái tạo điều đó một cách trung thực trên phim, mà chúng ta phải giữ đúng những quan điểm nào đó [của công chúng].”

Cũng nói về phản ứng với thời cuộc, mặc dù không chút cực đoan, là Robbery, bộ phim mới nhất từ Lý Gia Vinh. Cũng như các đạo diễn của The MobfathersTrivisa, nhà biên kịch và đạo diễn sân khấu lâu năm này cũng đưa những chiều kích mới về chính trị vào phim của ông như là kết quả của môi trường đang tiến hóa nhanh chóng Hồng Kông.

“Thoạt đầu phim dựa theo vở kịch đầu tiên của tôi, Oldsters on Fire, nói về hai người già cướp một cửa hàng tiện lợi,” Lý Gia Vinh nói. “Nhưng tôi nhận ra câu chuyện đó đã lỗi thời – không phải theo nghĩa lỗi mốt, mà những vấn đề xã hội ngày nay đang đạt đến một phổ dân số rộng hơn nhiều. Ai cũng đối mặt với sức ép rất lớn.”

Tằng Quốc Tường, trái, và Lôi Sâm Du trong một cảnh phim Robbery. Họ vào vai nhân viên bán hàng của cửa hàng tiện lợi mạo hiểm giúp đỡ các con tin

Bối cảnh cửa hàng tiện lợi được xem là Hồng Kông thu nhỏ, vì nó cung cấp một điểm hội tụ dễ dàng cho đủ loại nhân vật mà Lý Gia Vinh đã phác ra. “Tôi nghĩ đến những thành phần có vấn đề trong xã hội chúng ta: đám trẻ choai vô công rỗi nghề, người già, cớm thoái hóa, kong nui [gái trẻ Hồng Kông ám ảnh bản thân và vật chất], những ông trùm giàu sụ, và tầng lớp giữa. Điều gì sẽ xảy ra khi chừng tám chín con người như thế bùng nổ cùng lúc?”

Giết chóc vô cớ trong Robbery là nỗ lực của Lý Gia Vinh cho khán giả một kênh phát tiết giận dữ thông qua tác động thuần bản năng. Lý Gia Vinh đã viết kịch bản phim này hồi giữa năm 2014 và ông hoàn toàn sửng sốt chứng kiến Hồng Kông đi theo xu hướng bạo lực của kịch bản đó. Nhà đạo diễn đặc biệt rúng động bởi vụ đâm chết một người bán hàng chuỗi 7-Eleven ở Du Mã Địa hồi tháng 3 – một sự song hành kỳ lạ với cốt truyện ban đầu của bộ phim của ông.

”Ai mà ngờ Hồng Kông lại thay đổi đến mức này?” ông hỏi tu từ. “Khi tôi làm bộ phim, tôi đã tưởng tượng [ra những tình huống xấu nhất] và chính xác là những gì tôi không muốn chúng xảy ra nhất.”

Một dòng khẩu hiệu trở đi trở lại trong phim Robbery là “The city is f***ing stuck.” Lý Gia Vinh tin người Hồng Kông đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây do lập trường chính trị của khu vực này. “Chúng ta được một ông trùm nhận nuôi và đã sống trong một tòa nhà tráng lệ cả thế kỷ – rồi đột nhiên ông trùm biến mất,” ông nói.

Một cảnh trong phim Robbery

“Chúng ta bị buộc trở về nhà quê sống, mẹ chúng ta không đừng được cứ phải quát mắng chúng ta về bất cứ bất đồng nào. Cảm giác thật tồi tệ, tất nhiên, nhưng chúng ta cũng còn may mắn biết rằng ngày nào đó cảm giác ấy sẽ qua đi – khi chúng ta chấp nhận vị trí của mình và vâng lời. Lúc đó thì chúng ta sẽ đều sung sướng.”

Mặc dù các nhà làm phim thận trọng lạc quan về tương lai của Hồng Kông, không ai trông đợi sự hồi sinh của hào khí Sư Tử Sơn, cái gọi là giá trị cốt lõi của Hồng Kông, kêu gọi để qua một bên mọi khác biệt để cùng nhau vượt qua nghịch cảnh. Tinh thần đó lần đầu được khắc họa trong phim bộ truyền hình thập niên 1970 Below the Lion Rock và sau này được nắm bắt trong những phim màn ảnh rộng như Echoes of the Rainbow (2010).

“Tôi không tin tinh thần Sư Tử Sơn,” Lý Gia Vinh nói. “Đó là kiểu thắng lợi tinh thần giả tạo. Tính cách tích cực của người Hồng Kông là chúng ta biết tự lo cho mình trước.”

Khâu Lễ Đào còn thô bạo hơn về thông điệp cốt lõi của Echoes of the Rainbow. “Phim đó chỉ lừa bịp thế hệ mới,” ông nói. “Tinh thần Sư Tử Sơn nghĩa là ngày nay sếp của bạn có quyền bảo, ‘Đứng nói với tôi về chuyện [tăng] lương và lo làm việc cho đàng hoàng đi.’ Điều kiện xã hội đã cải thiện từ [thập niên 60], thế nên mù quáng chấp nhận như chân lý và đòi hỏi người trẻ bây giờ phải làm theo thì thật là sai lầm.

Ba đạo diễn trẻ của phim Trivisa

“Nói thẳng; lúc này mà ai đó bước ra nói về tinh thần Sư Tử Sơn, chắc chắn hắn ta đang phỉnh bạn thôi,” Khâu Lễ Đào nói thêm.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post