Nhân vật & Sự kiện

The Big Picture: Cuốn sách phải đọc về Hollywood trong thế kỷ 21

06/04/2018

Làm sao mà ngành công nghiệp điện ảnh lại đi đến mức này? Tại sao những bộ phim có kinh phí trung bình, dành cho người lớn lại biến mất khỏi rạp chiếu trong khi phim siêu anh hùng và phim chuỗi thống trị? Ben Fritz trả lời những câu hỏi đó, và nhiều câu hỏi khác nữa, trong cuốn sách mới gây nghiện của ông The Big Picture: The Fight for the Future of Movies (tạm dịch: Bức tranh toàn cảnh: Chiến đấu vì tương lai của điện ảnh).

Chúng ta sẽ đào sâu vào cuốn sách đầy tính giải trí của Ben Fritz về Hollywood trong thế kỷ 21, và nhấn mạnh các phần về Disney, Marvel Studios, Netflix, Sony và nhiều phần khác.

Trong một phong cách có phần ngồi lê đôi mách nhưng không hề khai thác, Fritz lược qua dữ liệu của thập niên vừa rồi, tách bạch những trò bịp bợm hậu trường và những email thu thập được từ vụ ‘hack’ Sony khét tiếng. Fritz xem xét sự sụp đổ của Sony với tư cách là một đấu thủ phòng vé lớn; sự lên ngôi của hãng phim Marvel; cái chết của phim kinh phí trung bình; sự tăng trưởng các chương trình giải trí mới nguyên của Netflix và nhiều, nhiều điều khác nữa. Nếu có một yếu tố trở đi trở lại trong cuốn sách, thì đó là Sony, và chủ tịch cũ Amy Pascal. Người ta có cảm giác Pascal là một trong những nhà điều hành Hollywood hiếm hoi thực sự yêu điện ảnh dưới dạng nghệ thuật, chứ không chỉ là những cỗ máy kiếm tiền. Cách mà Fritz nói, có lẽ chính sự tận tụy bất tận dành cho phim tâm lý nhỏ, nhắm vào khán giả người lớn rốt cuộc lại dẫn đến sự sụp đổ cho Sony của Pascal.

Nếu bạn là một ‘fan’ điện ảnh, The Big Picture là cuốn sách phải đọc. Đây là một cái nhìn chứa đựng thông tin, có tính giải trí, và thường làm người ta phát điên về cách mà ngành công nghiệp điện ảnh đi đến chỗ ngày hôm nay – dù tốt hay xấu. Bài viết dưới đây nêu bật một số liên hệ quan trọng từ cuốn sách, nhưng đó chỉ mới là bề mặt. Để hiểu toàn bộ câu chuyện, hãy mua quyển sách của Fritz. Đảm bảo bạn sẽ phải đọc một mạch, không thể nào đặt xuống.

Tài liệu đánh cắp

Cái gì trước nói trước: Fritz làm rõ ngay rằng rất nhiều nghiên cứu ông thu thập được cho cuốn sách lấy từ vụ ‘hack’, tức đánh cắp, email của Sony. Năm 2014, một nhóm tin tặc đã cho rò rỉ tài liệu trực tuyến của Sony, bao gồm email cá nhân, thông tin về lương và phim chưa phát hành lúc đó. Các tin tặc đã bị cáo buộc là từ Bắc Triều Tiên, thực hiện hành động phản đối của họ trước việc phát hành bộ phim hài đen tối đề tài về Bắc Triều Tiên The Interview (mặc dù có một số người cho rằng việc tấn công mạng này là từ bên trong nội bộ và sử dụng Bắc Triều Tiên để đổ tội).

Có một câu hỏi đạo đức ở đây, và có thể hiểu thậm chí sẽ có người không muốn tìm hiểu cuốn sách vì những lý do này. Về phần mình, Fritz công khai tất cả những điều đó. “Cuốn sách một phần dựa trên tài liệu đánh cắp. Tôi sẽ không quanh co gì về chuyện ấy,” tác giả cho biết trong phần giới thiệu. “Tuy nhiên, một sự thật không thể phủ nhận rằng nhiều nhà báo lớn đã sử dụng tài liệu đánh cắp làm nguồn.” Lấy ví dụ cho điều này, Fritz trích dẫn Hồ sơ Lầu Năm Góc (mới được kể lại theo trình tự thời gian trong The Post của Steven Spielberg).

Sự sụp đổ của Sony

Vì Fritz sử dụng vụ ‘hack’ Sony làm bàn đạp, Sony chiếm phần lớn trong phần đầu cuốn sách. Hầu hết tập trung vào những nỗ lực (thất bại) của Amy Pascal để cạnh tranh với Disney và Marvel.

Như Fritz nói chi tiết, trong khi các hãng phim khác đã tham gia vào cuộc chơi phim chuỗi, Sony chủ yếu dựa vào ba chuỗi phim lớn: James Bond, Men In Black Spider-Man. Thật không may cho Sony, cả ba đều có “gánh nặng”. Sony không thực sự sở hữu chuỗi phim Bond – MGM mới sở hữu, vì vậy mặc dù phim Bond Skyfall làm ra 1,1 tỉ đôla toàn cầu, Sony chỉ kiếm được 57 triệu đôla từ đó.

Men In Black 3, thành công lớn thứ ba của Sony năm 2012, thu về 624 triệu đôla toàn cầu. Nhưng nhiêu đó không đủ lời, vì Sony phải trả cho ngôi sao Will Smith và nhà điều hành sản xuất Steven Spielberg 90 triệu đôla tính trên doanh thu từ phim.

Đối với Spidey, The Amazing Spider-Man khởi động lại của Sony kiếm được “khoảng 110 triệu đôla trên 758 triệu đôla doanh thu vé toàn cầu”, tức là “chưa đến một nửa lợi nhuận của Spider-Man 3 năm 2007.”

Dark Tower năm 2017 đã thất bại trong nỗ lực mở phim chuỗi mới của Sony

Trong nỗ lực tuyệt vọng tung ra những phim chuỗi mới, Sony đã mua quyền làm phim như Barbie, Fifth Wave Dark Tower của Stephen King. Họ còn nghĩ đến việc kết hợp hai chuỗi phim Men in Black21 Jump Street (một ý tưởng dường như đã chết ngay tức khắc). Trên hết, họ đã cố gắng để tung ra một phim Cleopatra làm lại, một Ghostbusters thứ ba, Bad Boys 4, một He-Man mới và một phim dựa trên trò chơi điện tử Uncharted. Gần như không có phim nào trong số đó trở thành hiện thực.

Sự lên ngôi của phim siêu anh hùng và Marvel Studios

Kế hoạch khởi động lại Spider-Man của Sony đã không như dự tính. The Amazing Spider-Man không làm tốt như hãng đã hy vọng, và The Amazing Spider-Man 2 còn tệ hơn. Một thông tin nhỏ thú vị Fritz tiết lộ trong khi bàn về loạt phim Spider-Man: sau khi Amazing Spider-Man 2 không đạt kỳ vọng, Amy Pascal thực sự đã liên hệ với cựu đạo diễn Spider-Man, Sam Raimi và hỏi ông có muốn trở lại để hồi sinh chuỗi phim không. Như chúng ta đều đã biết, Raimi không trở lại, và một thỏa thuận giữa Marvel Studios và Sony cho phép Spidey tái sinh vào MCU (mặc dù hình như Pascal đã ném bánh sandwich vào chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige khi lần đầu ông đề xuất ý này).

Feige và Marvel “không thích” những gì Sony đã làm với Spider-Man. “[Feige] nghĩ rằng khởi động lại với The Amazing Spider-Man, thay vì đi tiếp từ những sai lầm của Raimie trong Spider-Man 3, là một sai lầm,” Fritz viết, và dẫn lời Feige nói:

“Một triệu năm nữa tôi cũng không bao giờ ủng hộ việc khởi động lại... Iron Man; Đối với tôi đó là James Bond và chúng ta có thể tiếp tục kể những câu chuyện mới trong nhiều thập kỷ thậm chí với các diễn viên khác nhau.”

Mối quan hệ không thân thiện giữa Sony và Marvel được chú ý trong phần này. Cụ thể, sai lầm ngớ ngẩn lớn của Sony khiến họ phải trả giá bằng toàn bộ MCU. Trở lại khi lần đầu tiên Sony đến Marvel để mua quyền làm phim Người Nhện, giám đốc mới của Marvel, Ike Perlmutter, đã đề nghị một thỏa thuận thậm chí còn ngọt hơn. Sony có thể có quyền đối với hầu hết các nhân vật Marvel, bao gồm Iron Man, Thor, Ant-Man, và Black Panther, với giá 25 triệu đôla quá ‘ngon’. Câu trả lời của Sony? “Cảm ơn, nhưng xin kiếu.”

Fritz cũng lần theo sự nổi lên của Marvel Studios từ một văn phòng nằm ở tầng trên một đại lý xe Mercedes ở Beverly Hills thành một đấu thủ lớn ở Hollywood. Tác giả cũng tiết lộ lý do đằng sau việc tung ra MCU với Iron Man: đồ chơi! Fritz viết:

“Để quyết định xem làm phim nào đầu tiên, Marvel triệu tập các nhóm tiêu điểm. Nhưng họ không được triệu tập để hỏi xem mọi người ở các bộ phận muốn thấy tuyến truyện và nhân vật nào trên màn ảnh nhất. Thay vào đó, Marvel đã tập hợp các nhóm trẻ em, cho bọn trẻ xem những hình ảnh về các siêu anh hùng, và mô tả khả năng cùng vũ khí của họ. Sau đó, họ hỏi bọn trẻ thích chơi đồ chơi về nhân vật nào nhất. Câu trả lời áp đảo, trước sự ngạc nhiên của nhiều người ở Marvel, là Iron Man.”

Tiếp thêm, Fritz tiết lộ những gì có thể bạn đã nghi ngờ từ lâu về Marvel: họ muốn tìm kiếm những đạo diễn mà họ biết họ có thể kiểm soát được. Như tác giả cuốn sách viết, đây là một trong những lý do Marvel đã thuê Jon Favreau chỉ đạo Iron Man:

“Favreau không có sức mạnh đặc biệt ở Hollywood, nghĩa là nếu có phát sinh xung đột về chi phí hay lựa chọn sáng tạo, và nếu họ cần ép anh ta, họ có thể.”

“Chúng tôi sẽ không bao giờ có bản phim của đạo diễn,” David Maisel, lúc đó là chủ tịch và giám đốc tác nghiệp của Marvel Studios, được dẫn lời. “Phim của chúng tôi không phải là thái ấp của đạo diễn.”

Jon Favreau (phải) chỉ đạo Robert Downey trong vai Tony Stark trên trường quay Iron Man 3

Maisel là một trong những nhân vật chủ chốt nhìn ra tiềm năng của vũ trụ điện ảnh. “Một trong những công việc kinh doanh điện ảnh ngon ăn nhất là phim phần tiếp theo vì bạn có thể dự đoán tốt hơn doanh thu và chi phí,” ông nói. “Tôi biết bằng cách rải các nhân vật của chúng tôi ra, tôi sẽ làm cho mọi bộ phim trở thành như một phần tiếp theo.”

Sự kết thúc của minh tinh điện ảnh

Có một thời minh tinh điện ảnh thống trị tối cao. Khán giả không kéo nhau tới rạp vì chủ đề của một bộ phim – họ đến đó để gặp ngôi sao. Họ đến gặp Tom Cruise, hoặc Sandra Bullock, hoặc Will Smith. Ngày nay, không thế nữa. Sức mạnh ngôi sao đã phai tàn.

“Chuyện gì đã xảy ra?” Fritz viết. “Khán giả đã thay lòng đổi dạ. Không phải chuyển sang thích các ngôi sao khác, mà là các thương hiệu. Ngày nay, không ai có kỷ lục phòng vé mà [Tom] Cruise từng làm được, và thật khó tưởng tượng sẽ có ai lại làm được. Nhưng Marvel Studios đã làm được. Harry Potter đã làm được. Fast & Furious cũng vậy.”

Will Smith trong phim After Earth năm 2013

Như tác giả viết, “Người xem phim tìm kiếm sự hài lòng nhất quán, có thể đoán trước mà họ từng có được từ những ngôi sao yêu thích bây giờ chuyển sang các vũ trụ điện ảnh.”

Từ đây, The Big Picture tiếp tục bàn về việc hai ngôi sao lớn nhất của Sony là Will Smith và Adam Sandler bắt đầu mất đi sức hút. Smith và Sandler từng thống trị phòng vé, nhưng thế kỷ 21 đã đặt dấu chấm hết với họ.

Một trong những ví dụ điển hình của điều này là bộ phim sử thi khoa học giả tưởng After Earth của Smith, một thất bại phòng vé cho Sony. Smith đã cực kỳ kiêu ngạo về bộ phim. Anh không chỉ muốn biến After Earth thành phim – anh muốn “một phim truyền hình người đóng, một loạt phim hoạt hình, phim trực tuyến và phim xem trên thiết bị di động, trò chơi điện tử, sản phẩm tiêu dùng, công viên chủ đề, phim tài liệu, truyện tranh, một ‘chương trình giáo dục trong trường học hợp tác với NASA’, và ‘nước hoa, sản phẩm vệ sinh, v.v…’”

Khỏi phải nói, không có chuyện nào trong số đó xảy ra.

Sony chọn nhà vô địch bom tấn mới toanh Chris Pratt đảm đương Passengers, nhưng phim vẫn xịt

Một chuyện kiêu căng cuối cùng trong chương liên quan đến Smith: cựu vương phòng vé này rất muốn đóng phim Passengers, nhưng Sony lại thích nhà vô địch bom tấn mới toanh Chris Pratt. Tuy nhiên, có lẽ Smith đã được hả hê – anh sang Netflix với khoản lương hậu hĩ để đóng Bright, còn Passengers xịt.

Khúc khải hoàn Netflix

Giờ đây dường như không thể dừng được Netflix. Hạ tầng trực tuyến này, khởi đầu chủ yếu như một dịch vụ cho-thuê-phim-qua-thư, đã đi từ mượn phim điện ảnh và truyền hình của người khác đến tự chế tác. Netflix có kế hoạch tạo ra 700 phim điện ảnh và truyền hình mới nguyên cho dịch vụ của mình chỉ riêng trong năm 2018. Mặc dù những người theo chủ nghĩa thuần túy sẽ luôn muốn trải nghiệm chiếu rạp, Netflix đã khắc một dấu sâu vào tiến trình điện ảnh.

Như được viết trong The Big Picture, vì Hollywood từ chối nhượng quyền nhiều tựa phim cho Netflix, nên Netflix quyết định tự mình tạo ra nội dung giải trí. Tự làm nội dung thay vì dựa vào người khác thì không có gì mới, nhưng Netflix đã tiếp cận vấn đề này theo một cách khác. Tác giả của The Big Picture viết: “Thay vì dựa vào các nhóm trọng điểm, so sánh chủ quan với nội dung tương tự, và trực giác của các nhà điều hành, Netflix sử dụng dữ liệu.”

Ví dụ, với thành công mới nguyên đình đám ban đầu House of Cards, “Netflix có thể đã dễ dàng nhận ra các phim của Kevin Spacey lâu nay đã làm ăn tốt trên dịch vụ này, và nhiều thuê bao đã xem The Social Network của đạo diễn David Fincher... từ đầu đến cuối. Cuối cùng, công ty biết rằng bộ phim chính trị House of Cards cũng bất ngờ nổi tiếng với các thuê bao người Mỹ.”

Rốt cuộc, Netflix biết House of Cards của họ thành công “không đo bằng số lượng người xem”, mà “bằng việc mọi người đều đang nói về nó.”

Tại sao các hãng phim thôi làm phim tâm lý kinh phí trung bình

Có một thời Hollywood nghĩ rằng làm phim kinh phí trung bình dành cho người lớn là vụ làm ăn tốt. Bây giờ, những bộ phim như vậy được xem là rủi ro. Nếu bạn cần một ví dụ gần đây về điều này, thì chẳng đâu xa chính là Annihilation của Paramount, một bộ phim dành cho người trưởng thành đã được giới phê bình khen ngợi nhưng thành tích phòng vé kém. Khán giả có thể nói họ muốn có nhiều phim dành cho người lớn hơn, nhưng khi phim dành cho người trưởng thành xuất hiện thì chẳng ai đi xem.

Annihilation là thất bại phòng vé mới nhất của phim kinh phí trung bình dành cho người trưởng thành

Phim tiểu sử Steve Jobs được chú ý nhiều ở phần này. Amy Pascal đã chiến đấu nhiều năm để bộ phim được làm, tự tin rằng đề tài và dàn diễn viên và đạo diễn (ban đầu là Christian Bale, Scarlett Johansson và David Fincher) đủ để chinh phục được khán giả, nhà phê bình và giải thưởng. Thế nhưng cuối cùng, khi bộ phim ra rạp – với Michael Fassbender, Kate Winslet và Danny Boyle thay chỗ của Bale, Johansson và Fincher – Steve Jobs đã xịt.

Trong khi đó, bộ phim siêu anh hùng mới nhất, bất chấp những bài phê bình có dễ sợ đến thế nào, vẫn luôn thu hút ai đó. Vậy nếu bạn muốn biết tại sao phim tâm lý kinh phí trung bình biến mất, câu trả lời rất đơn giản: khán giả tránh những phim đó, khiến Hollywood càng có cảm hứng để loại bỏ chúng. The Big Picture viết:

“Sự thay đổi lớn nhất trong những năm qua chính là việc những bộ phim kinh phí trung bình giờ đây làm ăn tệ hại đến thế nào khi chúng không thành công. Trong quá khứ, nếu một hãng lớn đặt nguồn lực đằng sau một bộ phim, thì hầu như chắc chắn thu tổng cộng ít nhất 15 triệu USD. Còn bây giờ, với các chuỗi phim lớn hút hết dưỡng khí ở cụm rạp chiếu và với hầu hết những bàn luận văn hóa về phim hay đều tập trung vào phim truyền hình, một phim tâm lý mới có thể đến rồi đi chẳng ai biết, như thể chưa từng có mặt trên đời.”

Nhà Chuột

“Disney tiếp cận các bộ phim giống như Apple tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng,” Ben Fritz viết, và đó có lẽ là kết luận ngắn gọn nhất có thể về sự thành công của Disney. Chương về Disney trong Big Picture kể lại theo trình tự thời gian việc hãng phim Hollywood kinh điển này vọt lên hàng đầu đi vào thế kỷ 21 và bám chắc lấy các thương hiệu như thế nào.

“Disney không kinh doanh điện ảnh,” Fritz viết. “Phim ảnh nằm trong việc kinh doanh thương hiệu của Disney. Phim ảnh là để phục vụ những thương hiệu đó. Không có chiều ngược lại.”

Cướp biển Caribê Alice in Wonderland là hai phim được The Big Picture trích dẫn là làm thay đổi mọi thứ cho Disney. Disney không chắc bộ phim Cướp biển đầu tiên của Gore Verbinski lại là một thành công đình đám, và khi họ nhìn thấy các nhật báo đều đưa hình Jackie Sparrow của Johnny Depp, thậm chí họ cảm thấy căng thẳng thêm. Nhưng bộ phim là một thành công vang dội. Alice in Wonderland cũng vậy, nhận được đánh giá nghèo nàn nhưng hốt khẳm vào tài khoản ngân hàng.

Jackie Sparrow của Johnny Depp

Những kết quả đó khuyến khích Disney làm cả hai phim người đóng dựa trên các thương hiệu được nhận biết như Cướp biển, và cũng lội vào bể hoạt hình của họ để tái tạo lại những bộ phim hoạt hình thành phim người đóng như Alice.

Theo The Big Picture, bí quyết thành công của Disney là “cắt giảm hai phần ba số lượng phim được làm mỗi năm” và “bỏ qua bất kỳ loại phim nào có chi phí ít hơn 100 triệu đôla” hoặc “dựa trên ý tưởng nguyên gốc, hay hấp dẫn bất kỳ nhóm khán giả nào nhỏ hơn tất cả những người xem phim toàn cầu.” Tác giả cuốn sách kết luận thẳng thừng:

“Disney không làm phim tâm lý cho người lớn. Không làm phim ly kỳ. Không làm phim hài lãng mạn. Không làm phim hài tục. Không làm phim kinh dị. Không làm phim tạo ngôi sao. Không chuyển thể tiểu thuyết. Không mua kịch bản gốc. Không mua bất cứ gì tại các liên hoan phim. Không làm bất cứ phim chính trị nào hoặc phim gây tranh cãi. Không làm bất cứ gì có nhãn phân loại R. Không cho các đạo diễn từng đoạt giải thưởng... rộng quyền để theo đuổi tầm nhìn của họ.”

Không nghi ngờ gì đây là điều ảm đạm và gây thất vọng cho một số ‘fan’ cuồng điện ảnh, nhưng ngược lại với cái khổ ấy là: nếu bạn thấy hài lòng những gì Disney đã tuôn ra trong vài năm gần đây, biết đâu cách tiếp cận này cũng không đến nỗi là ý kiến tệ hại?

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: SlashFilm