Tin tức

Những náo động của Hồng Kông thể hiện trên phim

13/10/2014

Điện ảnh Hồng Kông là một nền điện ảnh hàng đầu trên thế giới, thường được so với Hollywood và Bollywood. Các xuất phẩm của điện ảnh Hồng Kông, từ phim võ thuật của Lý Tiểu Long đến những trầm tư mặc tưởng của Vương Gia Vệ, đều được khán giả toàn cầu hưởng ứng, nhưng những xuất phẩm này còn phản ánh những sự nhạy cảm của Hồng Kông và nhắm đến, theo cách riêng của mình, phê phán những đổi thay xã hội mà người dân Hồng Kông cảm nhận từng ngày. Và những người làm việc trong ngành này thường dấn thân vào đời sống chính trị của Hồng Kông.

Một điểm biểu tình ở khu Vượng Giác. Những sự kiện gần đây
đã cộng hưởng với người ái mộ điện ảnh Hồng Kông

Cuộc biểu tình ô dù (Umbrella Revolution), như những người phản đối gọi tên, không là ngoại lệ. Châu Nhuận Phát, một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Hồng Kông, là những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, chỉ trích cảnh sát sử dụng hơi cay đàn áp sinh viên, theo The Hollywood Reporter đưa tin, trích dẫn tin tức của báo chí Hồng Kông.

“Tôi đã gặp những người dân, các sinh viên — họ rất can đảm và thật cảm động khi chứng kiến họ đấu tranh cho điều họ muốn,” Châu Nhuận Phát nói. “Sinh viên có lý. Nếu chính quyền có thể đi đến một giải pháp mà người dân hay sinh viên thấy thỏa mãn, tôi tin rằng khủng hoảng này sẽ chấm dứt.” Những diễn viên nổi tiếng khác đã lên tiếng ủng hộ sinh viên có Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ và Huỳnh Thu Sinh.

Khi cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong những ngày gần đây, Shelly Kraicer, một nhà phê bình, học giả về điện ảnh Trung Quốc và là một nhà lập trình liên hoan phim, tổng hợp một danh sách các phim Hồng Kông mà ông nói rằng cung cấp bối cảnh cho Phong trào biểu tình ô dù (hay còn gọi là Phong trào chiếm trung tâm [Occupy Central]), mục tiêu nhằm thay đổi chính trị và xã hội và yêu cầu Bắc Kinh cho phép Hồng Kông tiến hành bầu cử dân chủ toàn diện. Danh sách và nhận xét của ông như sau:

Điện ảnh Hồng Kông, thương mại và đại chúng như vốn thế, luôn cung cấp tấm gương phản chiếu những nỗi lo lắng chính trị của vùng đất này, và ghi lại lịch sử phức tạp của Hồng Kông. Dưới đây, xin phác ra hướng dẫn về những bộ phim Hồng Kông để hiểu phong trào Chiếm trung tâm hiện nay, nguồn gốc của những nỗi lo ngại, lịch sử của những tiền lệ và những nguyên lý thúc đẩy.

Bộ phim Election năm 2005 của Đỗ Kỳ Phong: tội phạm có tổ chức cấu kết với cảnh sát [Ảnh: Tartan Films]

Các phim ly kỳ về cảnh sát và xã hội đen Hồng Kông luôn cung cấp kịch bản và phòng thí nghiệm cho một khủng hoảng, lo ngại chính trị và chủ nghĩa bi quan trên phim. Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong mở đường, nhưng chính Từ Khắc, Lâm Lĩnh Đông và Ngô Vũ Sâm đóng góp tầm nhìn u ám của họ.

Bộ phim Election / Hắc xã hội (2005), Election 2 / Hắc xã hội dĩ hòa vi quý (2006) của Đỗ Kỳ Phong — những cuộc bầu chọn của hội tam hoàng Hồng Kông dưới sự giám sát/can thiệp của Đại lục. Những người tìm kiếm phúng dụ chẳng vất vả gì với bộ phim này.

Life Without Principle / Đoạt mệnh kim (2011) của Đỗ Kỳ Phong — Mang tính chính trị/tài chính hơn là xã hội đen, bộ phim này cho thấy Hồng Kông bị đồng tiền thống trị. Khi cách biệt giàu nghèo gia tăng, tài phiệt thắng còn dân thường thua, hay những lối thoát viễn vông.

City on Fire / Long hổ phong vân (1987) của Lâm Lĩnh Đông là một trong số phim mà Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 đưa đến. Một ví dụ về đặc sản của điện ảnh Hồng Kông: phim về lo lắng-hỗn loạn, bộc lộ những nỗi sợ hãi đen tối nhất của cư dân về việc Trung Quốc tiếp quản vùng lãnh thổ này. Những ví dụ quan trọng khác gồm Dangerous Encounters: First Kind / Đệ nhất loại hình nguy hiểm (1980) của Từ Khắc; Boat People / Thuyền nhân (1982) của Hứa An Hoa; Wicked City / Yêu thú đô thị (1992) của Mạch Thái Kiệt và Từ Khắc; Executioners / Hiện đại hào hiệp truyện (1993) của Đỗ Kỳ Phong và Trình Tiểu Đông; Expect the Unexpected / Phi thường đột nhiên (1998) của Đỗ Kỳ Phong và Du Đạt Chí.

Lưu Thanh Vân trong một cảnh phim Đoạt mệnh kim của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong

A Fishy Story (1989) của Trần Hữu và A Bullet in the Head / Điệp huyết nhai đầu (1990) của Ngô Vũ Sâm phản ứng lại cú sốc và kinh hoàng về thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Nhưng không phải chỉ có lo lắng và u ám. Điện ảnh Hồng Kông còn có vô số phim lạc quan bù lại.

Ordinary Heroes / Thiên ngôn vạn ngữ (1999) của Hứa An Hoa trình bày một thương hiệu Hồng Kông về chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa tích cực xã hội: Hứa An Hoa xem xã hội dân sự nhân văn là sự đảm bảo công bằng xã hội cho Hồng Kông dưới sự quản lý của Đại lục.

A Simple Life / Dì Đào (2011) cũng của Hứa An Hoa. Nữ đạo diễn Hứa là nhà làm phim quen thuộc của Hồng Kông, có những suy nghĩ sâu sắc nhất trên phim về người dân Hông Kông và những giá trị sống của họ. A Simple Life và một tiểu phẩm kiệt tác khác của bà là The Way We Are (2008), cho thấy đời sống cá nhân đóng vai trò là nơi nương náu và nguồn mạch cho hành vi đạo đức: Hồng Kông đến gần nhất với tư duy hiện thực không tưởng.

Lưu Đức Hoa (phải) và Diệp Đức Nhàn trong một cảnh phim A Sipmle Life của đạo diễn Hứa An Hoa

Trần Quả dữ dội hơn trong việc nói về xây dựng danh tính Hồng Kông hiện đại, bộ phim Made in Hong Kong (1997) của ông vẫn là một trong những phim độc lập xuất sắc của Hồng Kông.

Thành Long thể hiện sức kháng thuộc địa hóa và sức sáng tạo của người Hồng Kông trong phim hài Project A (1983).

Những phim khắc họa rõ rệt về chính trị và kinh tế hậu chuyển giao bao gồm From the Queen to the Chief Executive (2001) của Khâu Lễ Đào và China Behind / Tái kiến Trung Quốc (1974) của Đường Thư Tuyển. Những phim này công khai đưa vào phúng dụ chính trị từ những nhà làm phim.

Gần đây hơn, On the Edge of a Floating City, We Sing (2012) của Mạch Hải San và N+N (2012) của Lại Ân Từ lần lượt là phim tài liệu và phim dạng tài liệu của các nữ đạo diễn trẻ, một chỉ trích, một hy vọng, khắc họa con người Hồng Kông kháng cự/sinh tồn trước sự cai trị của chính quyền đặc khu.

Cageman của đạo diễn Trương Chi Lượng

Những vấn đề tiềm ẩn: Điện ảnh Hồng Kông luôn thể hiện những kịch tính trong sự kháng cự và sinh tồn của tầng lớp dưới trước bóc lột tư bản, bắt đầu từ In the Face of Demolition / Nguy lâu xuân hiểu (1953) của Lý Thiết và tiếp tục với Cageman (1992) của Trương Chi Lượng, một cái nhìn gây mê hoặc vào tầng lớp dưới của Hồng Kông, những con người sống trong những khu nhà ổ chuột như cũi nhốt thú. Little Cheung (1999) của Trần Quả là bản cập nhật hiện đại, những đứa trẻ lớn lên từ khu Vượng Giác bị bần cùng hóa tuyên bố Hồng Kông là của họ, vào trước thời điểm chuyển giao năm 1997.

Căng thẳng giữa Hồng Kông-Trung Quốc thể hiện trên khắp các tác phẩm điện ảnh Hồng Kông, lúc bi kịch hóa, lúc hài hước và châm biếm. Durian Durian / Lưu liên phiêu phiêu (2000) của Trần Quả là một tuyệt tác khám phá sâu sắc “một quốc gia, hai chế độ” thể hiện thế nào trên người một lao động tình dục trẻ di chuyển giữa Hồng Kông và đông bắc Trung Quốc.

Hồng Kông còn làm những phim hài cố gắng chế ngự mối căng thẳng bằng thể loại hòa cả làng, trong đó có Her Fatal Ways (1990) của Trương Kiên Đình và Love in the Buff / Xuân Kiều Dư Chí Minh (2012) của Bành Hạo Tường.

Cảnh phim Durian Durian của đạo diễn Trần Quả

Dù thể loại nào, điện ảnh Hồng Kông phản ánh sự hỗn loạn và sinh lực của Hồng Kông, những nỗi sợ hãi đen tối nhất và nguồn sức mạnh cùng sự lạc quan đối mặt với thách thức lớn nhất cho danh tính và phong cách sống của Hồng Kông.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi