Tin tức

Điện ảnh Hồng Kông chuyển hướng sang Đại lục

15/05/2013

Sau khi tận hưởng kỷ nguyên vàng của ngành điện ảnh trong gần hai thập kỷ, vùng thuộc địa của Anh đã chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997, và nền sản xuất phim Hồng Kông bắt đầu tụt dốc. Những nhà làm phim của đặc khu này tăng cường cố gắng chiếm lĩnh thị phần ở Đại lục, nơi cung cấp nguồn vốn đầu tư và doanh thu phòng vé, nhưng họ phải trả một cái giá tương xứng.

Khi Trương Uyển Đình, một trong những đạo diễn hàng đầu Hồng Kông, quay bộ phim lịch sử-chính trị Ba chị em họ Tống ở Trung Quốc vào giữa thập kỷ 1990, bản chất của sự trao đổi hợp tác sản xuất này rất đơn giản: Bắc Kinh cung cấp nguồn nhân lực giá rẻ, còn các chuyên gia từ nền điện ảnh vô cùng phát triển ở vùng cựu thuộc địa của Anh đóng góp khả năng chuyên môn.

Một cảnh trong bộ bốn phim ngắn Beautiful 2013 được công chiếu lại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông

Dẫu sao, điện ảnh Hồng Kông đã tận hưởng kỷ nguyên vàng trong gần hai thập kỷ - các đạo diễn nổi tiếng như Ngô Vũ Sâm và Vương Gia Vệ đã giúp những nhà làm phim của vùng lãnh thổ này có được một bộ phận người hâm mộ trên toàn cầu. Hãng phim Golden Harvest của Châu Văn Hoài đã tạo ra những biểu tượng văn hóa bao gồm Lý Tiểu Long, Thành Long và Từ Khắc. Những bộ phim Hồng Kông thường dung hòa thành công giữa thương mại và nghệ thuật.

“[Trung Quốc] đã mở cửa cho những đạo diễn và ngôi sao Hồng Kông,” nữ đạo diễn Trương nhớ lại trong buổi nói chuyện tại trụ sở sang trọng của của Hiệp hội đạo diễn phim Hồng Kông trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông kết thúc vào đầu tháng 4 vừa qua. “Họ thật sự muốn học hỏi.”

Tuy vậy, hiện tại động lực đã thay đổi cả về mặt chính trị và kinh tế: Hồng Kông đã được Anh giao lại chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997. Nền sản xuất phim Hồng Kông xuống dốc, từ gần 200 phim mỗi năm vào giữa thập kỷ 1990 xuống chỉ còn 50 phim mỗi năm như ngày nay, khi khán giả Hồng Kông kéo nhau đi xem các bom tấn Hollywood còn những nhà làm phim của đặc khu này tăng cường nỗ lực chiếm lĩnh thị phần ở Đại lục, chiến thuật này làm nản lòng khán giả tại quê nhà.

(Từ trái qua) Lý Tiểu Long, Thành Long và Từ Khắc – những biểu tượng văn hóa của Hồng Kông

Đại lục giờ đây đã trở thành thị trường phim lớn thứ hai thế giới, bên cạnh Mỹ, với doanh thu phòng vé chạm ngưỡng 2,74 tỉ đôla vào năm 2012 và đất nước này đã thêm khoảng 10 màn ảnh rộng mỗi ngày vào năm ngoái. Nơi đây cũng trở thành nguồn cung cấp vốn tài trợ chính các tác phẩm ngày càng hoành tráng, cả trong nước và nước ngoài.

Sự đảo ngược vai trò đã rải đám mây mù bất định lên tương lai nền điện ảnh Hồng Kông. Đạo diễn, nhà sản xuất, ngôi sao và người hâm mộ của đặc khu 7 triệu dân này đang tự hỏi liệu sự nhạy cảm độc đáo của điện ảnh Hồng Kông – bao gồm cả việc sử dụng tiếng Quảng Đông (thay vì tiếng Quan Thoại), nền chính trị phóng khoáng, và tư tưởng dân túy mạnh mẽ – có thể được giữ gìn hay không trong khi nền điện ảnh Đại lục đang phát triển.

“Giờ thì Trung Quốc đang trả những hóa đơn, và họ là ông chủ”, bà Trương nói. “Và bây giờ chúng ta đang làm việc cho họ.”

Các nhà làm phim Hồng Kông phải điều chỉnh đề vượt qua kiểm duyệt tại Đại lục

Sự căng thẳng về điện ảnh nổi lên vào tháng 2 vừa rồi, khi nhà báo gốc Bắc Kinh Jia Xuaning đoạt giải thưởng phê bình đầu tiên của Cục Phát triển Nghệ thuật Hồng Kông cho bài phê bình gay gắt của bà, “Nhìn thẳng vào mối lo âu về điện ảnh Hồng Kông qua bộ phim Vulgaria.”

Tác phẩm hài ăn khách của Hồng Kông Vulgaria do Bành Hạo Tường đạo diễn là một trong những bộ phim không phải phim phương Tây có doanh thu cao nhất tại đây trong năm 2012 và đặc trưng bởi tiếng lóng địa phương và những trò hài dung tục. Bộ phim cũng chạm vào những chủ đề như hình ảnh khiêu dâm bị kiểm duyệt gay gắt ở Đại lục nhưng được cho phép ở Hồng Kông, nơi không hề có hệ thống kiểm duyệt phim.

Cảnh trong phim Vulgaria

Bài bình luận của Jia chỉ trích Vulgaria, nói rằng phim phô bày “sự hẹp hòi, chủ nghĩa cơ hội và tính tự phụ của xã hội Hồng Kông” trong khi khắc họa những người Đại lục theo một kiểu cách đầy xúc phạm. (Trong phim, một gã găng-xtơ Đại lục trả tiền để sản xuất một bộ phim khiêu dâm Hồng Kông). Jia đã rất dũng cảm khi nói thẳng thừng rằng những người dân Đại lục đã đi lên từ chỗ đơn thuần là “những người hàng xóm nghèo khổ [của Hồng Kông] đến sự giàu có hôm nay.”

Phản hồi lại Jia trong một bài đăng trên mạng, đạo diễn Bành Hạo Tường nói: “Tinh thần Hồng Kông được thể hiện ở tự do ngôn luận.”

Nhưng một vài đạo diễn Hồng Kông nói rằng mối liên hệ tài chính đang thúc đẩy ngày càng nhiều những nhà làm phim Hồng Kông thỏa hiệp để làm ăn với Đại lục. Những bộ phim thực hiện tại Hồng Kông không phải chịu hệ thống hạn ngạch của điện ảnh Trung Quốc, nơi chỉ cho phép 34 bộ phim nước ngoài trình chiếu tại các rạp chiếu bóng Đại lục mỗi năm. Nhưng phim Hồng Kông phải vượt qua các quy định kiểm duyệt tại Đại lục để trình chiếu tại đây, nên một vài đạo diễn đang thay đổi kịch bản của họ để xóa đi những rào cản.

Cảnh trong phim Trung liệt Dương gia tướng

Hơn thế nữa, các đạo diễn Hồng Kông cũng đang theo đuổi hợp tác sản xuất nhiều hơn với Đại lục; năm nay, chỉ 23 trong số 52 phim đủ tư cách tham gia Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông là phim địa phương 100%. Phần còn lại là hợp tác với Đại lục, tình trạng này kéo theo những yêu cầu khác ngoài việc được các nhà kiểm duyệt chấp thuận. Ví dụ, những bộ phim hợp tác sản xuất phải có ít nhất một phần ba các vai chính là diễn viên Đại lục.

Đạo diễn Hồng Kông Vu Nhân Thái ra mắt bộ phim hợp tác Trung Quốc-Hồng Kông mới nhất của ông, Trung liệt Dương gia tướng (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Giải cứu tướng gia), tại quê nhà trong liên hoan phim gần đây. Bộ phim sử thi hoành tráng kể về dòng họ Dương vào triều Tống được quay bên ngoài Bắc Kinh với lời thoại bằng tiếng Quan Thoại. Đạo diễn Vu kể rằng những người kiểm duyệt đã nói với ông rất rõ ràng: “Ông cần phải giảm thiểu tất cả cảnh máu me và giết chóc.”

Đạo diễn Vu nói rằng chịu đựng việc “theo luật” chỉ là cái giá nhỏ để có được tấm vé thông hành vào thị trường Trung Quốc. “Nếu bạn không cần tiền [của Trung Quốc], nếu bạn không cần thị trường của họ, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”, ông nói. “Làm phim luôn phải chạy theo tiền bạc. Bạn cần một thị trường lớn để cung cấp số tiền đó. Hồng Kông là một thị trường nhỏ - những nhà làm phim Hồng Kông muốn làm phim, nên bạn phải đi đâu để tìm kiếm nguồn tiền đây? Đó là Trung Quốc.”

Poster Lost in Thailand, phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc

Những phần tiếp theo của các bộ phim Hồng Kông do Đại lục làm đang trở thành trào lưu và tìm thấy thành công tại phòng vé. Ví dụ, bộ phim Họa bì năm 2008 – do Trần Gia Thượng sản xuất, đạo diễn và đồng viết kịch bản – thu về 43,4 triệu đôla doanh thu phòng vé ở Trung Quốc. Nhưng phần tiếp theo Họa bì 2 do nhóm làm phim đa số người Đại lục thực hiện, năm vừa rồi thu về 113,4 triệu đôla, trở thành bộ phim nội địa có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại của Trung Quốc. (Bộ phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại là phim hài Lost in Thailand, cũng là phần tiếp theo của bộ phim Hồng Kông Lost on Journey của đạo diễn Diệp Vĩ Dân vào năm 2010).

Chắc chắn rằng, vẫn có sự phóng khoáng và chiều sâu trong tài năng điện ảnh ở Hồng Kông. Bên cạnh đạo diễn Bành Hạo Tường và Vương Gia Vệ, những đạo diễn-nhà sản xuất như Đỗ Kỳ Phong (Vengeance / Báo thù, Life Without Principle / Đoạt mệnh kim) và Trần Khả Tân (The Warlords / Đầu danh trạng, Võ hiệp) tiếp tục tìm thấy thành công về doanh thu cũng như phê bình ở cả trong nước và nước ngoài. Đạo diễn Lưu Vỹ Cường, tác giả bộ phim /Vô gian đạo được Martin Scorsese làm lại thành The Departed đoạt giải Oscar, hiện tại đang hợp tác với chính Scorsese trong bộ phim Revenge of the Green Dragons. Scorsese sẽ làm việc với vai trò nhà sản xuất phim, còn Lưu Vỹ Cường sẽ đạo diễn và lập kế hoạch quay phim tại Mỹ.

Đạo diễn Lưu Vỹ Cường

Mặc dù vậy, một số nhà làm phim đã lập luận rằng chính quyền Hồng Kông nên làm việc nhiều hơn để cung cấp vốn tài trợ cho các nhà sản xuất địa phương nhằm gìn giữ sự độc lập trong văn hóa điện ảnh của đặc khu này, như Đài Loan đã làm. Cục Phát triển Điện ảnh Hồng Kông đã nói rằng họ đang xem xét khả năng hỗ trợ những tài năng trẻ và những đạo diễn nổi tiếng.

Những nhà làm phim Hồng Kông không phải là những người duy nhất thay đổi chất nghệ thuật của họ để đổi lấy tấm vé vào thị trường Đại lục: các tác phẩm phương Tây LooperIron Man 3 đều có phiên bản Trung Quốc đặc biệt bổ sung nhiều cảnh liên quan tới Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, như Red Dawn, phim Mỹ đã hủy bỏ những kẻ phản diện là người Trung Quốc.

Roger Garcia, giám đốc điều hành Liên hoan phim Hồng Kông, nói rằng sự thay đổi là một phần của hiện tượng toàn cầu hóa. “Trong thế kỷ 21, bạn cần phải là một nhà làm phim toàn cầu nếu bạn muốn sống sót,” đạo diễn Garcia giải thích. “Thế giới đang rút ngắn lại. Nhà làm phim thành công là những người biết thích ứng.”

Sự thay đổi của điện ảnh Hồng Kông là một phần của hiện tượng toàn cầu hóa

Đối với nữ đạo diễn Trương Uyển Đình, chạm đến phía bên kia đường ranh giới Hồng Kông là cốt yếu. Bộ phim hợp tác mới nhất của bà, Beautiful 2013, được Youku, trang web kiểu Youtube của Trung Quốc, và Liên hoan phim Hồng Kông cùng đề nghị thực hiện. Tác phẩm bao gồm bốn phim ngắn của các đạo diễn từ Đại lục, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông (phần của đạo diễn Trương). Mặc dùng cộng tác gần gũi với Đại lục, bà nói rằng việc giữ lại những nét đặc trưng riêng biệt của Hồng Kông chính là điều then chốt.

“Chúng ta nên mở rộng chân trời của mình khi có quá nhiều mời gọi từ Trung Quốc, về phong cảnh, địa điểm, câu chuyện và diễn viên. Và tiền, tất nhiên. Và thị trường nữa!” bà nói. Nhưng đồng thời những nhà làm phim Hồng Kông phải “giữ lấy phong cách của họ dù đi đâu chăng nữa.”

Trương Uyển Đình đầy hy vọng về nền điện ảnh Hồng Kông, chỉ ra rằng một vài đồng nghiệp ở quê nhà đang làm những bộ phim địa phương tập trung đặc biệt vào thị trường nói tiếng Quảng Đông và tránh xa khỏi tình trạng sản xuất phim hàng loạt ở Đại lục.

“Có tử thì mới có hồi sinh,” bà suy tư, nhìn chăm chú qua chiếc kính mắt màu xanh lục của mình. “Hồng Kông đã trải qua thời kỳ bi đát, và thật sự rất tệ trong vài năm qua. Tuy nhiên điện ảnh Hồng Kông đang vươn lên lần nữa. Tôi vẫn rất tin tưởng vào tương lai của điện ảnh Hồng Kông.”

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi