Trương Quốc Vinh là độc nhất vô nhị. Một diễn viên từng đoạt giải
thưởng, ngôi sao nhạc pop đứng đầu bảng xếp hạng và một biểu tượng đồng
tính nam can đảm.
Không mấy người có thể khẳng định tầm ảnh hưởng lớn đến một nền văn hóa
như Trương Quốc Vinh có thể khẳng định ở Hồng Kông và cộng đồng người
Hoa mở rộng. Sự ra đi đột ngột của anh, vào ngày 1 tháng 4 năm
2003, đã gây bàng hoàng và đau khổ tầm cỡ cái chết của Công nương Diana
năm 1997 — cả hai đều đặt những dấu ấn văn hóa ở những nơi khác nhau
trên thế giới.
Trương Quốc Vinh trong cảnh phim The Phantom Lover — cái chết đột ngột của biểu tượng đồng tính nam năm 2003 đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên
|
Không quá lời mà nói Trương Quốc Vinh có tầm quan trọng đối với ký ức
văn hóa của Hồng Kông đương đại. Cuộc đời anh song hành với quê hương
anh — khi Trương Quốc Vinh lên đài danh vọng, Hồng Kông cũng vậy. Và đối
với nhiều người, cái chết của anh cũng đánh dấu sự kết thúc, hoặc ít
nhất là khởi đầu sự kết thúc, của Hồng Kông “cũ”.
Năm 2003 chứng
kiến thành phố không chỉ rung chuyển bởi dịch Sars mà còn có nhiều
cuộc biểu tình phản đối việc áp dụng Điều 23 của Luật Cơ bản. Các sự
kiện năm đó khiến người dân Hồng Kông mất niềm tin vào sự liêm chính của
chính quyền địa phương trong khi chính quyền trung ương thì mất hy vọng
với niềm tin rằng đặc khu này sẽ hòa mình vào phần còn lại của Trung
Quốc. Sự vỡ mộng xảy ra ở cả hai bên, cuối cùng lên đến đỉnh điểm là các
cuộc phản đối dự luật chống dẫn độ ở Hồng Kông vào năm 2019 và tiếp
theo là việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia năm 2020.
Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ đóng chính trong Xuân quang xạ tiết của Vương Gia Vệ
|
Để hiểu đầy đủ tầm quan trọng của Trương Quốc Vinh đối với Hồng Kông,
người ta phải quay lại từ đầu. Khi anh ra đời năm 1956, Hồng Kông chưa
trở thành viên ngọc quý cuối cùng của Đế chế Anh. Trong những ngày đó,
Singapore vẫn là thuộc địa của Anh và thành phố của những người nhập cư
Trung Quốc ấy luôn là trụ cột của đế chế Anh ở Đông Á. Việc Nhật Bản
chiếm đóng Hồng Kông năm 1941 là một nỗi thất vọng đối với Anh nhưng sự
sụp đổ của Singapore vài tháng sau đó mà Winston Churchill gọi là “thảm
họa tồi tệ nhất và đầu hàng lớn nhất trong lịch sử Anh” mới là dấu chấm
hết.
Hồng Kông lúc đó không ai biết đến. Trương Quốc Vinh cũng đi
lên từ một xuất thân khiêm tốn. Cha anh là thợ may và mặc dù ông Trương
Hoạt Hải có thể tự hào đã may trang phục cho những người như Alfred
Hitchcock và Marlon Brando, nhưng xuất thân tương đối bình thường của
con trai ông lại chính là sức hấp dẫn trong tương lai.
Trương Quốc Vinh trên phim trường với Vương Tổ Hiền — nam diễn viên
đem lại sự ngưỡng mộ cho những bộ phim Hồng Kông trước đó vốn không là
gì trong con mắt phương Tây
|
Mối quan hệ thuộc địa của Hồng Kông rất bền chặt trong những ngày đó, và
bởi thế, Trương Quốc Vinh được gửi tới Anh du học khi mới 12 tuổi. Anh
theo học trường Norwich ở Norfolk, ở đó anh kết bạn nhưng cũng chịu sự
phân biệt chủng tộc. Chính tại đây, anh vừa xác nhận lựa chọn tên tiếng
Anh của mình là Leslie vừa bắt đầu ca hát nghiệp dư.
Sau khi vượt
qua các kỳ thi cần thiết, Trương Quốc Vinh đã dành một năm học ngành
quản lý dệt may tại Đại học Leeds trước khi trở về một Hồng Kông đang
nhanh chóng vươn lên thành nơi có danh có tiếng trên thế giới. Thời của
hàng hóa “Made in Hong Kong” giá rẻ đang nhanh chóng biến mất và một
chính quyền thuộc địa có tư tưởng cải cách, muốn khắc phục sự bất mãn đã
gây ra bạo loạn năm 1967, đang đặt nền móng cho sự thịnh vượng trong
tương lai của vùng lãnh thổ này.
Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền trong Thiến nữ u hồn (1987)
|
Chính trong bầu không khí ấy, Trương Quốc Vinh và Hồng Kông sẽ ghi dấu
ấn. Sau khi về nhì cuộc thi Giọng hát châu Á 1977 của RTV, Trương Quốc
Vinh ký hợp đồng với hãng đĩa Polydor. Tuy nhiên, Trương Quốc Vinh đã bị
la ó trong buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng và ba album đầu
tiên của anh dẫn đến doanh thu thất vọng đến nỗi Polydor bỏ rơi anh.
Trương
Quốc Vinh miêu tả những năm đầu gia nhập showbiz là “đầy tuyệt vọng và
trở ngại”, nhưng anh đã bật lên lại vào năm 1982 với đĩa đơn ăn khách
đầu tiên của mình,
The Wind Blows On.
Trong những năm 50
và 60, khán giả Hồng Kông thường ưa thích các bài hát phương Tây hoặc
opera Quảng Đông truyền thống. Nhưng trong những năm 70, Hứa Quán Kiệt
và La Văn nói riêng đã giúp định hình Cantopop ở Hồng Kông — một nỗ lực
được thúc đẩy bởi sự nổi tiếng của bộ phim
72 khách trọ năm 1973, bộ phim đã giúp tiếng Quảng Đông thay thế tiếng Quan thoại thành ngôn ngữ của điện ảnh Hồng Kông.
Trương Quốc Vinh trên trường quay Đông Tà Tây Độc. Anh miêu tả những năm đầu gia nhập showbiz là “đầy tuyệt vọng và trở ngại”
|
Trương Quốc Vinh đã ở đúng nơi vào đúng thời điểm để đứng lên vai của những bậc tiền bối.
The Wind Blows On
tái sinh sự nghiệp âm nhạc giúp anh phát hành hơn 40 album và thắng
nhiều giải thưởng, bao gồm nhiều đĩa bạch kim bán chạy và 33 buổi diễn
liên tiếp cháy vé tại Hong Kong Coliseum năm 1989.
Đây là thời kỳ
hoàng kim của Cantopop khi Trương Quốc Vinh và các ngôi sao như Mai
Diễm Phương (được gọi thân mật là “Madonna của châu Á”), Trương Học Hữu
và Lưu Đức Hoa cũng bắt đầu thống trị các làn sóng. Khi Hồng Kông ngày
càng thịnh vượng thì nhiều người dân có thể mua radio và máy Walkman để
nghe các ca sĩ yêu thích của họ. Và khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với
phần còn lại của thế giới, những người Hồng Kông đã đưa Cantopop đến Đại
lục. Khi karaoke từ Nhật Bản lan sang phần còn lại của Đông Á, Cantopop
đã lan rộng theo — với Trương Quốc Vinh đi đầu.
Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương trong phim Yên chi khâu năm 1988 — tổng cộng anh đã đóng một con số ấn tượng là 56 phim
|
Điện ảnh Hồng Kông cũng đạt đến đỉnh cao, cùng lúc với thành công của
Trương Quốc Vinh. Lý Tiểu Long và Thành Long đã đưa phim võ thuật Hồng
Kông lên bản đồ điện ảnh vào thời điểm Trương Quốc Vinh có vai diễn đột
phá trong bộ phim ăn khách năm 1986 của Ngô Vũ Sâm,
Bản sắc anh hùng.
Tuy nhiên, những màn trình diễn xuất sắc của Trương Quốc Vinh sẽ mang
lại uy tín quốc tế cho một nền điện ảnh vốn thường bị phương Tây chế
giễu là “phim đánh đấm”.
Diễn xuất của Trương Quốc Vinh là tâm điểm của
Bá vương biệt Cơ,
bộ phim đã thắng Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 1993 — lần duy nhất
một bộ phim Hồng Kông giành được giải thưởng đó — và vẫn là một trong
ba phim Hồng Kông duy nhất trong hơn 60 năm từng được đề cử Giải thưởng
Viện Hàn lâm. Tương tự, sự hợp tác của nam diễn viên với đạo diễn tác
gia Vương Gia Vệ trong suốt thập niên 1990 —
A Phi chính truyện / Days of Being Wild,
Đông Tà Tây Độc / Ashes of Time và
Xuân quang xạ tiết / Happy Together — đã mang lại sự ngưỡng mộ dành cho các bộ phim của một địa phương vốn không được quốc tế chú ý.
Trương Quốc Vinh và Ngô Thanh Liên trong phim The Phantom Lover năm 1995
|
Với sự ra đi của Trương Quốc Vinh, Hồng Kông “cũ” cũng qua đi rất nhiều
cùng anh. Cantopop hết thời — mất mát không thể nào nguôi bởi cái chết
sớm của cả hai ngôi sao lớn nhất của nó vào năm 2003, Trương Quốc Vinh
và Mai Diễm Phương — cuối cùng bị Kpop Hàn Quốc vượt mặt.
Điện
ảnh Hồng Kông cũng đi vào suy thoái vĩnh viễn. Ra mắt một năm trước khi
Trương Quốc Vinh qua đời,
Vô gian đạo được coi là bộ phim Hồng Kông
tuyệt đỉnh cuối cùng gây tiếng vang trên trường quốc tế. Sấm truyền
điềm gở sẽ nói rằng bản thân thành phố đã sa sút — chính trị địa phương
ngày càng trở nên gây tranh cãi và về mặt kinh tế, thành phố này giậm
chân tại chỗ trong khi những nơi như Thâm Quyến và Thượng Hải vươn
lên dẫn trước.
Diễn xuất của Trương Quốc Vinh là tâm điểm của Bá vương biệt Cơ,
bộ phim đã thắng Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 1993 — lần duy nhất
một bộ phim Hồng Kông giành được giải thưởng đó — và vẫn là một trong
ba phim Hồng Kông duy nhất trong hơn 60 năm từng được đề cử Giải thưởng
Viện Hàn lâm
|
Trương Quốc Vinh đại diện cho những ngày tháng đẹp của Hồng Kông, những
năm tháng vinh quang của chính anh tương ứng với những năm tháng vinh
quang của thành phố. Khi anh vụt lên thành sao, Hồng Kông cũng vậy, và
khi ngôi sao của anh đột ngột cháy rụi, quê nhà của anh cũng bắt đầu lụi
tàn.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post