Tin phòng vé

2018 nhìn lại: 11 bất ngờ ở phòng vé quốc tế

01/01/2019

Một bộ phim zombie kinh phí tí teo sát thủ ở Nhật Bản, một cặp phim bóng rổ ghi điểm ở Nga và Tây Ban Nha và người Đức, trớ trêu thay, quay lưng với Never Look Away.

Các phim bom tấn Hollywood — do Avengers: Infinity War, Black PantherIncredibles 2 của Disney dẫn đầu, cùng với Jurassic World: Fallen Kingdom của Universal và Deadpool 2 của Fox — thống trị phòng vé toàn cầu năm 2018.

Nhưng các tựa phim địa phương tiếp tục đạt được vị thế trên phạm vi quốc tế, khiến phim Mỹ nhập khẩu phải vắt chân lên cổ mới kiếm được tiền.

Dưới đây là một số người hùng địa phương gây bất ngờ cho các hãng phim ở phòng vé quốc tế năm nay, và một tựa phim địa phương được Disney hậu thuẫn đã thất bại.

Bộ phim zombie kinh phí siêu nhỏ của Nhật Bản sống lâu hơn Venom Han Solo

Được làm với chưa tới 27.000 đôla trong tám ngày với một dàn diễn viên rút ra từ những tài năng triển vọng tại một hội thảo trao đổi tay nghề diễn xuất, One Cut of the Dead có vẻ là loại phim độc lập sẽ may mắn lắm nếu thu hồi được kinh phí sản xuất. Sau sáu ngày đầu tiên trình chiếu tại một rạp nhỏ ở Tokyo chuyên chiếu phim nghệ thuật, nó bắt đầu được chú ý ở nước ngoài, trong đó cả một buổi tiếp đón cuồng nhiệt tại Liên hoan phim Udine Far East ở Ý vào mùa xuân này. Đoạn mở đầu quay một đúp dài 37 phút, đảo lộn thứ tự một cách hài hước và những đoạn ngắn về thể loại zombie bắt đầu tạo ra tiếng vang lớn ở quê nhà sau khi phát hành hạn chế vào tháng 6.

Do Shinichiro Ueda, 34 tuổi, viết kịch bản, đạo diễn và biên tập, bộ phim cuối cùng thu về 26,7 triệu đôla, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng phòng vé hàng năm, trên Venom Solo: A Star Wars Story. Ueda thừa nhận cấu trúc của bộ phim lấy cảm hứng từ một vở kịch do một người bạn viết, ban đầu hài lòng với thành công của nó. Nhưng sau khi hàng triệu đôla bắt đầu chảy tới, nhà viết kịch này quyết định anh ta muốn có phần; Ueda nói với The Hollywood Reporter hồi tháng 10 rằng họ đang đàm phán dàn xếp.

(Trong thời gian Liên hoan phim Nhật 2018 ở Việt Nam, bộ phim này đã được trình chiếu với tựa Quay trối chết - QVĐA.)

Malek's Mercury chạm tay hóa vàng khi Bohemian Rhapsody giật rock phòng vé toàn cầu

Xét việc bộ phim được phát triển có phần kéo dài và hỗn loạn, bắt đầu từ năm 2010, chứng kiến ngôi sao ban đầu Sacha Baron Cohen rút ra do “khác biệt sáng tạo” và, chỉ vài tuần trước khi đóng máy vào cuối năm 2017, đạo diễn Bryan Singer đã bị sa thải do “vắng mặt không chính đáng” giữa lúc có những tin tức đáng lo ngại về hành vi của anh trên phim trường, không ai sẽ có chút ngạc nhiên gì nếu bộ phim tiểu sử nhóm nhạc Queen này của Fox, Bohemian Rhapsody phải ăn đất ở phòng vé. Nhưng hóa thân Freddie Mercury của Rami Malek, với đạo diễn người Anh Dexter Fletcher gấp rút hoàn thành công việc, lại làm nên chuyện.

Các bài phê bình tầm tầm (tuy nhiên, cần lưu ý, Malek được ca ngợi gần như toàn cầu) đã không làm người xem phim ngãng ra, và một bộ phim có kinh phí 51 triệu đôla đã thu về 634 triệu đôla toàn cầu, dễ dàng vượt qua Straight Outta Compton trở thành phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu lớn nhất mọi thời đại. Bộ phim hiện có hai đề cử Quả cầu vàng, và Malek được cho là một trong những ứng viên ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của giải Oscar. Trong khi đó, không bị lu mờ trước thành công của bộ phim, nhóm nhạc Queen đã công bố kế hoạch cho một chuyến lưu diễn “Rhapsody” mới.

Người Đức quay lưng với Never Look Away

Bộ phim nói tiếng Đức của Florian Henckel von Donnersmarck theo sau The Lives of Other từng đoạt giải Oscar của ông là phim địa phương được mong đợi nhất trong năm. Bộ phim chính kịch lịch sử theo dấu cuộc đời của một nghệ sĩ Đông Đức (Tom Schilling) trốn sang phương Tây nhưng vẫn đấu tranh để tìm tiếng nói riêng và phải đối phó với di sản quá khứ của bản thân lẫn đất nước của anh, mất tám năm để thực hiện, với người khét tiếng cầu toàn von Donnersmarck ám ảnh đến từng chi tiết.

Nhưng bộ phim, do Disney phát hành ở Đức, đã khiến khán giả Đức lạnh nhạt, chỉ kiếm được 1,2 triệu đôla ở phòng vé (so với gần 20 triệu đôla cho The Lives of Other). Không chừng Never Look Away cuối cùng sẽ được mỉm cười: Bộ phim nhận đề cử Quả cầu vàng hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và lọt vào danh sách tinh chọn của Oscar cùng hạng mục.

Dying to Survive kiếm được 450 triệu đôla và làm thay đổi chính sách của chính phủ Trung Quốc

Dying to Survive là phim hiếm nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh chịu kiểm duyệt của Trung Quốc: một bộ phim chính thống có kinh phí lớn đề cập đến một vấn đề xã hội thực tế ở nước này (chứ không phải là phim cổ trang võ thuật, lãng mạn hài đô thị hay thần thoại Mỹ Hầu vương). Do Ninh Hạo, người chuyên tạo ‘hit’ của Trung Quốc, sản xuất, Dying to Survive kể câu chuyện có thật về một doanh nhân Trung Quốc (do Từ Tranh thủ vai), chuyển sang buôn lậu thuốc chữa ung thư từ Ấn Độ sau khi anh ta được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu và phát hiện ra chi phí thuốc chính thức do các bệnh viện nhà nước Trung Quốc bán cao đến mức không thể nào mua nổi. Người đàn ông này đã cứu hơn 1.000 mạng sống bằng cách nhập thuốc generic vào Trung Quốc cho bệnh nhân có thu nhập thấp trước khi bị bắt vì buôn lậu thuốc không được chấp thuận (sau đó anh được trả tự do không bị phạt khi phát hiện ra rằng anh chưa bao giờ hưởng lợi từ việc bán thuốc).

Được làm theo khuôn của bộ phim kinh điển đoạt Oscar (Dallas Buyers Club hoặc Philadelphia), Dying to Survive trở thành hiện tượng phòng vé ngay lập tức khi phát hành, kiếm được hơn 453 triệu đôla (từ kinh phí 10,9 triệu), đồng thời cho thấy sự khao khát của khán giả Trung Quốc đối với phim về xã hội đời thực. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, chính phủ Trung Quốc đã chọn cưỡi lên thành công của bộ phim thay vì đưa ra hình phạt cho việc công khai phê phán chính sách. Thậm chí, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn công khai ca ngợi bộ phim, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý “tăng tốc giảm giá thuốc điều trị ung thư” và “giảm gánh nặng cho các gia đình”.

Roma, hồi ức Mexico của Alfonso Cuaron đang đuổi theo lịch sử

Không có gì ngạc nhiên khi người chiến thắng Oscar Alfonso Cuaron đã tạo ra một tác phẩm thiên tài khác với bộ phim bán tự truyện được đánh giá cao của ông là Roma. Nhưng không ai có thể tưởng tượng rằng Cuaron, sau khi giành một giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất năm 2014 với bộ phim ly kỳ không gian Gravity, sẽ thực hiện phim tiếp theo của mình bằng sự ủng hộ của khổng lồ trực tuyến Netflix. Có lẽ còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, Cuaron tự quay bộ phim đen trắng được quay rất đẹp này.

Roma đang cạnh tranh để trở thành phim Mexico đầu tiên mang về giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài, và nếu mọi việc suôn sẻ, bộ phim đủ điều kiện để tranh cả giải Oscar đạo diễn xuất sắc và phim hay nhất. Và, mặc dù chỉ phát hành tại ba rạp ở Mexico như một phần trong việc phát hành giới hạn của Netflix, nhưng theo báo cáo, Roma đã kiếm được hơn 200.000 đôla trong năm ngày phát hành đầu tiên.

Là một con chim! Một chiếc máy bay! Là Siêu-Lopez! Các vô địch hài của Tây Ban Nha

Một nhóm các cầu thủ bóng rổ bị thiểu năng trí tuệ có điểm gì chung với một nhân viên văn phòng-trở thành-siêu anh hùng lấy cảm hứng từ phim hoạt hình tên là Juan Lopez (tức, John Smith)? Họ là ngôi sao của hai trong số những bộ phim hài địa phương đã cứu thị phần phim gia đình tại phòng vé Tây Ban Nha năm 2018. Trong số 10 phim địa phương hàng đầu trong năm, chỉ có hai phim này là phim hài. Champions vượt xa và là thành công lớn nhất năm, với một khoản thu 22 triệu đôla cho Universal.

Một tuần là đủ cho bộ phim tình yêu đồng tính nữ Rafiki làm nên lịch sử phòng vé Kenya

Rafiki của Wanuri Kahiu đã làm nên lịch sử trước khi có ai xem được nó. Là bộ phim Kenya đầu tiên được chọn tham dự Cannes — và là bộ phim đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng tính nữ — Rafiki chắc chắn thu hút sự chú ý. Nhưng sự quan tâm của quốc tế đã trở thành phẫn nộ khi Ủy ban Phân loại và Điện ảnh Kenya cấm bộ phim được phát hành, với lý do “mục đích rõ ràng của nó là thúc đẩy đồng tính nữ ở Kenya, trái với luật pháp.”

Kahiu đã phản đối phán quyết và yêu cầu các tòa án buộc chính phủ phải cho Rafiki phát hành một tuần ở Kenya. Không nhiều, nhưng 33.000 đôla mà Rafiki kiếm được trong bảy ngày đó là đủ để bộ phim làm nên lịch sử một lần nữa — trở thành bộ phim Kenya thứ hai thành công nhất từ trước đến nay.

Sink or Swim nổi lên ở phòng vé Pháp

Bộ phim hài về bơi nghệ thuật Sink or Swim đã trở thành thành công bất ngờ lớn nhất trong năm sau khi ra mắt tóe nước tại Cannes, cũng là thành công lớn nhất ở phòng vé Pháp cho StudioCanal từ trước đến nay. Hơn 4 triệu (4.117.363) lượt người xem, quy thành doanh thu bán vé 33 triệu đôla, nhờ hai ngôi sao hài Guillaume Canet và Mathieu Amalric, đứng thứ năm chỉ sau Avengers: Infinity War.

Nhưng StudioCanal cũng có một trong những nỗi thất vọng lớn nhất năm, với sử thi Un Peuple et Son Roi. Bộ phim chính kịch về Cách mạng Pháp này thực sự là tự điển danh nhân của màn ảnh rộng, tự hào với Gaspard Ulliel, Louis Garrel, Adele Haenel, Celine Sallette, Laurent Lafitte, Izia Higelin và Noemie Lvovsky trong số nhiều ngôi sao điện ảnh của nó, nhưng chỉ mang về 324.330 lượt xem, và 2,3 triệu đôla, khi ra mắt vào tháng 9.

Bộ phim bóng rổ Nga Three Seconds là một cú bật úp rổ ở phòng vé

Trong một quốc gia nổi tiếng về khúc côn cầu hơn, một bộ phim bóng rổ đã thành công đáng kinh ngạc. Three Seconds — bộ phim chính kịch yêu nước về trận đấu Olympic Munich lừng danh giữa hai đội tuyển bóng rổ Mỹ và Liên Xô, chứng kiến tuyển Liên Xô ghi điểm trong ba giây cuối cùng để giành chiến thắng — đã kiếm được 54 triệu đôla ở quê nhà, trở thành phim Nga thành công nhất mọi thời đại. Giống như những anh hùng trong phim, Three Seconds cho các đối thủ Mỹ ngửi bụi, đánh bại Hollywood trở thành phim có doanh thu cao nhất năm trên lãnh thổ này.

Kẻ giết người khuôn mặt thiên thần của Argentina là sát thủ phòng vé

Kẻ giết người hàng loạt điển trai là mặt hàng xinê chủ lực, nên không có gì ngạc nhiên khi một phiên bản lãng mạn hóa về kẻ giết người nổi tiếng nhất Argentina sẽ là vàng phòng vé. The Angel, từ đạo diễn Luis Ortega, kể câu chuyện có thật về Carlos Robledo Puch mặt trẻ con, gã tâm thần giết người để vui sướng như chó con, sau hơn 46 năm ngồi tù, là tù nhân lâu nhất lịch sử Argentina. Do Pedro và Augustin Almodovar đồng sản xuất, The Angel đã ghi điểm tại phòng vé địa phương, với khoản tiền 5 triệu đôla cho Fox.

Câu trả lời của Ba Lan đối với kỷ lục phòng vé đình đám của Spotlight

Một bộ phim chính kịch hài về tham nhũng và lạm dụng tình dục ở Nhà thờ Công giáo là bộ phim khó lòng trở thành bom tấn nhất ở Ba Lan trong năm nay. Clergy của Wojciech Smarzowski, khắc họa gây tổn hại cho giới tu sĩ địa phương, nhưng đồng thời vẫn tìm được những tiếng cười, kiếm được 30 triệu đôla tại phòng vé nước này, một kỷ lục cho một phim trong nước.

Bộ phim cũng khuấy động một đất nước 85% dân số vẫn xác định là người Công giáo, gây ra một cuộc tranh luận quốc gia và khiến nhiều người Ba Lan vạch trần những câu chuyện lạm dụng của các linh mục hiện tại và trước đây.


Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter