Tin phòng vé

Hollywood có còn cần phòng vé Trung Quốc? Avatar 2 sẽ là xét nghiệm cuối cùng

04/12/2022

Sau một thập kỷ chứng kiến ​​Hollywood coi phòng vé Trung Quốc là đường dẫn đến cơ đồ vinh quang, với một thị trường đang mở rộng nhanh chóng thúc đẩy tổng doanh thu cho những bộ phim bom tấn ăn khách nhất của họ, ba năm qua đã chứng kiến ​​vận may đảo chiều để công nghiệp điện ảnh Trung Quốc chứng minh giá trị trước Tinseltown. Thế rồi Avatar: The Way of Water chảy đến.

Phần tiếp theo 3D của James Cameron vừa được chấp thuận phát hành vào ngày 16 tháng 12, cùng ngày ra rạp ở hầu hết các vùng lãnh thổ, gồm cả Mỹ. Thành công toàn cầu của Avatar phần đầu — thu kỷ lục 200 triệu USD khi phát hành ở Trung Quốc vào đầu năm 2010 (bản phát hành lại năm 2021 kiếm thêm 57 triệu USD) — giúp thuyết phục Hollywood tập trung vào thị trường điện ảnh đang tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, phần tiếp theo của Lightstorm và 20th Century Studios là một trong những cơ hội cuối cùng, tốt nhất mà siêu cường này sẽ phải chứng minh rằng Hollywood vẫn nên quan tâm đến một lãnh thổ đã tỏ ra hay thay đổi trong những năm gần đây.

Avatar: The Way of Water mang đến một cơ hội rất cần thiết,” Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cấp cao của Comscore nói. “Một lần nữa Trung Quốc phải chứng tỏ họ có thể tạo ra loại mã lực phòng vé sẽ khiến các hãng phim phải để tâm và một lần nữa biến đất nước này trở thành điểm đến thiết yếu cho các bộ phim bom tấn của Hollywood.”

Thành công của Avatar phần đầu đã mở đường cho Hollywood đổ bộ, với những phim do Mỹ sản xuất chiếm tới 45% tổng doanh thu bán vé ở Trung Quốc vào năm 2012. Mới cách đây năm năm, Hollywood còn thu về rất nhiều tiền ở Trung Quốc — con số kỷ lục 3,3 tỉ USD vào năm 2017 — khi quốc gia này mở rộng số lượng rạp chiếu phim và trợ cấp cho việc đi xem phim như một hoạt động dành cho tầng lớp trung lưu đang phất lên.

Nhưng vận may trời cho đó đã biến mất khi Trung Quốc tăng cường sản xuất phim bom tấn trong nước — và hạn chế nhập khẩu phim Hollywood. Số lượng phim do Mỹ sản xuất được chấp thuận phát hành ở Trung Quốc đã giảm từ 73 năm 2018 xuống chỉ còn 28 dự kiến ​​trong năm nay. Và thị phần của Hollywood ở thị trường Trung Quốc đã giảm từ 45% một thập kỷ trước xuống chỉ còn 8% cho đến nay trong năm nay (tỷ lệ phần trăm có thể tăng lên nếu The Way of Water tạo sóng lớn ở phòng vé Trung Quốc).

Tồi tệ hơn, sau nhiều năm doanh thu tương đối cao cho các phim bom tấn do Mỹ sản xuất như Transformers: Age of Extinction năm 2014 (lấy bối cảnh toàn bộ màn ba ở Hồng Kông và kiếm được 300 triệu USD ở Trung Quốc trong tổng số 1,105 tỉ USD) và Warcraft năm 2016 (kiếm được gần một nửa tổng doanh thu toàn cầu 441 triệu USD ở Trung Quốc), nhiều phim Hollywood đã hoạt động kém hiệu quả ở thị trường này. Minions: The Rise of Gru của Universal chỉ kiếm được 35 triệu USD trong mùa hè năm nay — một mẩu nhỏ so với 153 triệu USD mà Despicable Me 3 đã thu được hồi năm 2017. The Batman của Warner Bros./DC chỉ kiếm được 20 triệu USD — thua xa con số 298 triệu USD mà Aquaman thu bốn năm trước.

Chỉ một số ít phim Hollywood gần đây kết nối được với khán giả Trung Quốc. Tuy nhiên, Free Guy (94 triệu USD ở Trung Quốc trong tổng số 335 triệu USD toàn cầu), Godzilla vs. Kong (189 triệu USD/469 triệu USD), F9: The Fast Saga (215 triệu USD/721 triệu USD), tất cả đều được phát hành năm 2021, đã trở thành ngoại lệ hơn là quy luật.

Minions: The Rise of Gru của Universal chỉ kiếm được 35 triệu USD ở Trung Quốc trong mùa hè năm nay

Ngay cả bộ phim có doanh thu lớn nhất Hollywood năm nay ở Trung Quốc, Jurassic World Dominion của Universal, kiếm được 161 triệu USD trong tổng số 1 tỉ USD toàn cầu, vẫn kém xa so với tổng doanh thu 261 triệu USD cho Jurassic World: Fallen Kingdom ở Trung Quốc năm 2018, và tổng doanh thu 228 triệu USD của Jurassic World năm 2015.

Trong khi đó, các hãng phim đã đạt doanh thu bán vé khổng lồ trên toàn cầu từ một số phim bom tấn mà không cần một xu từ Trung Quốc. Paramount đã thu về 1,5 tỉ USD toàn cầu từ Top Gun: Maverick. Spider-Man: No Way Home của Sony đã thu về 1,9 tỉ USD trên toàn thế giới bất chấp việc Trung Quốc từ chối chiếu bộ phim (được cho là vì có quá nhiều cảnh quay tượng Nữ thần Tự do). Cả hai phim đều phá kỷ lục toàn cầu “không có phòng vé Trung Quốc” gần đây mà Joker của Warner Bros (1,1 tỉ USD năm 2019) thiết lập.

Giáo sư Deepak Sarma của Đại học Case Western Reserve về Nghiên cứu châu Á nói với TheWrap: “Như đã thấy phim Hollywood sụt giảm doanh thu từ ở các rạp Trung Quốc cũng như doanh thu mạnh của các phim Hollywood không cần đến Trung Quốc, giờ đây ngành điện ảnh Bắc Mỹ ở vào thế coi Trung Quốc là xa xỉ chứ không phải là nhu cầu.”

Bryce Dallas Howard và bạn diễn Chris Pratt trò chuyện với khán giả qua video quay sẵn độc quyền tại buổi ra mắt Jurassic World Dominion ở Trung Quốc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 30 tháng 5 năm 2022

Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể cần xuất phẩm của Hollywood hơn là ngược lại. Doanh thu bán vé ở Trung Quốc đã giảm 38% trong nửa đầu năm 2022 và tổng doanh thu vào khoảng ngày Quốc khánh 1 tháng 10 — thường là lực đẩy phòng vé mạnh ở Trung Quốc — rớt thẳng 67% so với năm ngoái.

Trong khi Trung Quốc đã tự sản xuất phim bom tấn trong nước ít nhất là từ năm 2015, khi Monster Hunt ngang bằng với Furious 7 với tổng doanh thu 390 triệu USD, quốc gia này vẫn chưa sản xuất đủ những phim đó để bù đắp cho sự khan hiếm tương đối phim nước ngoài ăn khách được phép chiếu vào rạp của họ. Các phim bom tấn nội địa như Chiến lang II năm 2017 (754 triệu USD) và Lưu lạc địa cầu năm 2019 (699 triệu USD) không vượt qua biên giới. Bộ phim hành động Chiến tranh Triều Tiên trị giá 200 triệu USD Trận chiến Hồ Trường Tân 900 triệu USD gần như đứng đầu hầu hết cả năm ngoái hoàn toàn từ thu nhập ở phòng vé Trung Quốc; tương tự siêu thành công năm nay Trận chiến Hồ Trường Tân 2 (610 triệu USD) và Moon Man (460 triệu USD), cũng vậy.

Do đóng cửa rạp chiếu phim toàn cầu và hạn chế vì đại dịch, Trung Quốc đã giành được thị phần toàn cầu về doanh thu bán vé vào năm 2020 (3,1 tỉ USD so với 2,1 tỉ USD ở Bắc Mỹ) và năm 2021 (7,4 tỉ USD so với 4,5 tỉ USD). Nhưng năm 2022 đất nước này tụt sau Bắc Mỹ cho đến nay khi các rạp chiếu phim quốc tế đã mở cửa lại toàn lực.

Avatar phần đầu thu kỷ lục 200 triệu USD khi phát hành ở Trung Quốc vào đầu năm 2010 (bản phát hành lại năm 2021 kiếm thêm 57 triệu USD)

“Đây là một năm khó khăn đối với các nhà rạp ở Trung Quốc,” Giám đốc điều hành Imax Rich Gelfond nói với TheWrap. “Vì vậy, Avatar: The Way of Water sẽ giúp ích rất nhiều cho toàn ngành. Thậm chí còn có nhu cầu cao hơn cho chuyến trở về Pandora.”

Schuyler Moore, đối tác tại công ty luật Greenberg Glusker, đã xử lý nhiều thương vụ Hollywood-Trung Quốc, tin rằng Trung Quốc không mấy lo lắng về việc giảm thị phần hay là tổng doanh thu chiếu rạp thấp hơn. Ông lập luận, ngay cả một bản chiếu rạp ở Trung Quốc cho Avatar: The Way of Water cũng chỉ là “làm ở mức tối thiểu để giả vờ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.”

Nhiều người trong cuộc đã xác nhận rằng một số hãng phim không còn coi Trung Quốc là yếu tố chính khi lên lịch phát hành các phim bom tấn, thậm chí trong giai đoạn thông qua dự án. Sau hai năm (hầu hết) các phim bom tấn hoạt động kém hiệu quả và ngầm cấm phim Marvel, gồm cả Doctor Strange in the Multiverse of Madness của Disney và Venom: Let There Be Carnage của Sony, phòng vé Trung Quốc đã không còn là chỗ dựa.

Moore tin rằng Trung Quốc không thể không quan tâm đến doanh thu bị mất và thị phần giảm sút. “Họ đến và học hết chuyên môn (của Hollywood)” để làm phim bom tấn của riêng họ, ông nói. “Giúp đỡ Hollywood tức Mỹ bằng cách cho phép phim Mỹ vào Trung Quốc là điều cuối cùng họ muốn.”

Tuy nhiên, Sarma lập luận rằng “Trung Quốc sẽ mất nhiều thứ” nếu các hãng phim Hollywood loại bỏ ưu tiên thị trường Trung Quốc, xét về cả thị trường điện ảnh đang mở rộng và giải trí là đầu mối trung tâm cho hoạt động kinh tế liên quan. “Chúng ta đã chứng kiến Apple dạt về Ấn Độ,” Sarma nói. “Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp theo của Hollywood? Nếu Hollywood chuyển sự chú ý sang nơi khác (như Hàn Quốc hay Nhật Bản), sẽ là một thất bại tiêu biểu.”

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa thể phục hồi. Các phần tiếp theo của The Wandering Earth vào dịp Tết Nguyên đán tháng 1 và The Meg (vẫn là phim hợp tác Hollywood-Trung Quốc kinh phí lớn duy nhất thành công trên toàn thế giới) vào mùa hè tới có thể giúp xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tổng doanh thu rạp chiếu và thị phần để ưu tiên các dự án phim đặc thù văn hóa của riêng mình, thì các nhà điều hành Hollywood và khán giả Trung Quốc không còn gì để nói.

Siêu thành công năm nay Trận chiến Hồ Trường Tân 2 (610 triệu USD)

Hiện tại, xem ra Trung Quốc chỉ biết có mình. “Các chính sách của Trung Quốc không liên quan gì đến tiền,” Moore nói, “mà tất cả là vấn đề quyền lực.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TheWrap