Tin phòng vé

Lý giải phòng vé Bắc Mỹ 8-10/3: Tại sao Oz đăng quang còn Jack rớt đài?

12/03/2013

Bề nổi, bộ phim Oz the Great and Powerful (phát hành ở Việt Nam với tựa Lạc vào xứ OZ vĩ đại và quyền năng) tuần vừa rồi với Jack the Giant Slayer / Jack và đại chiến Người khổng lồ của tuần trước nữa xem ra có rất nhiều điểm chung.

Cả hai đều là phiên bản tân thời, xài sang của những câu chuyện thần tiên quen thuộc, được truyền cảm hứng nhờ thành công bạc tỉ đôla của phiên bản hiện đại Alice in Wonderland của Disney ba năm trước. Cả hai đều thừa mứa hiệu ứng thị giác (và kèm theo là phụ phí 3D). Cả hai đã được chỉ đạo bởi những nhà chuyển thể thành công cho các loạt truyện tranh Marvel lên màn ảnh rộng (đạo diễn Bryan Singer của X-men làm Jack; Sam Raimi, người đã làm bộ ba Spider-Man đầu tiên, làm Oz). Cả hai phim đều tốn cỡ 200 triệu đôla kinh phí sản xuất.

Ấy vậy mà, Jack rớt đài, còn Oz đăng quang bom tấn phòng vé. Tuần trước, Jack mở màn với 28 triệu đôla, một con số ảm đạm so với chi phí và kỳ vọng của hãng phim. Thế còn, tuần vừa rồi Oz ra mắt với 80,3 triệu đôla (là doanh thu mở màn lớn thứ ba trong lịch sử các tháng 3), một con số mà Jack sẽ phải chật vật với tới trước khi thời gian ở rạp của phim này kết thúc.

Làm thế nào Oz gọi 'vừng ơi mở ra' được còn Jack thì bị hóc một bụm hạt đậu thần? Có vài bài học trong chuyện này, những bài học mà các hãng phim nào hy vọng nhân bản Alice bằng cách kể lại những câu chuyện thần tiên với giọng hiện đại sẽ rất muốn học.

Chọn đúng 'của ngon'

Chắc chắn rồi, Jack and the Beanstalk là một câu chuyện cổ tích mà nhiều thế hệ trẻ con đã nghe trước lúc đi ngủ, trong khi đó The Wizard of Oz là một bộ phim kỳ ảo (và là một loạt truyện không nổi tiếng bằng) mà nhiều thế hệ trẻ con đã xem. Nhưng có một sự đầu tư tình cảm trong khán giả dành cho những câu chuyện về xứ Oz mà lại không có cho câu chuyện về dây đậu thần. Có lẽ vì Oz đã là một bộ phim không thể nào quên rồi, còn câu chuyện của Jack thì không như vậy.

Hoặc có lẽ là vì những câu chuyện về xứ Oz xoay chung quanh một nhân vật nam hoặc nữ người Mỹ từ thời hiện đại và một địa điểm có thật (Kansas), chứ không phải một nhân vật người châu Âu từ thời Trung cổ huyền bí. Vì lý do nào đi nữa thì khán giả vẫn luôn có nhiều tình cảm dành cho một câu chuyện về xứ Oz mới hơn là câu chuyện bịa mới về dây đậu thần.

Sức mạnh ngôi sao

Ảnh trên: James Franco cùng Michelle Williams, Mila Kunis, và Rachel Weisz trong Oz the Great and Powerful
Ảnh dưới: Nicholas Hoult dẫn dắt Jack the Giant Slayer cùng nữ chính Eleanor Tomlinson

Thực ra, sức mạnh ngôi sao không quan trọng lắm trong những bộ phim như thế này, logic và thực hiện mới là tối quan trọng. Tuy nhiên, Oz không có nhiều sao lớn nhưng có những diễn viên đã được công nhận James Franco (trong vai gã lang băm trở thành phù thủy) cùng Michelle Williams, Mila Kunis, và Rachel Weisz (trongvai những phù thủy thiện và ác của xứ Oz).

Tuy nhiên, Jack do Nicholas Hoult dẫn dắt (bất chấp thành công khiêm tốn với Warm Bodies, không phải là cái tên phổ biến khắp mọi nhà), cùng nữ chính Eleanor Tomlinson (nổi tiếng nhất với cái vai nhỏ xíu trong Alice, bộ phim đã làm sản sinh ra trào lưu này), bên cạnh một dàn vai phụ do những diễn viên tên tuổi cỡ Ewan McGregor và Stanley Tucci đảm nhận. Thế nên, ở chừng mực ai đó lựa chọn xem hay không xem dựa trên dàn diễn viên của bộ phim thì Oz nổi bật lên ngay.

Tiếp thị rõ ràng

Không rõ bộ phim nhãn PG-13 Jack là một phim phiêu lưu-hành động nhằm thu hút người lớn hay là câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Thông điệp tiếp thị rối rắm này dẫn tới hậu quả một lượng khán giả chủ yếu là nam và trên 25 tuổi, thay vì một đám đông mọi lứa tuổi mà Warner Bros. hy vọng. Thế còn Oz nhãn PG thì luôn rõ ràng là một phim gia đình, nhưng cũng là một phim chứa đựng sẵn sức hấp dẫn những người lớn có kỷ niệm sâu sắc với bộ phim năm 1939.

Hiệu ứng thị giác phù hợp

Ảnh trên: Cảnh đẹp lộng lẫy của Oz the Great and Powerful
Ảnh dưới: Hiệu ứng thị giác choáng ngợp trong Jack the Giant Slayer

Cả hai đều là những phim hiệu ứng thị giác hoành tráng, sáng tạo những xứ sở kỳ ảo mê hồn đã con mắt, nhưng bất cứ điều gì thành công về mặt thị giác với Alice cũng làm được điều tương tự với Oz, vì hai phim này sử dụng cùng một đội ngũ sáng tạo nghệ thuật. Thiết kế sản xuất Robert Stromberg (đã đoạt Oscar với tác phẩm Alice của ông) và chỉ đạo nghệ thuật Todd Cherniawsky và Stefan Dechant đã cho Oz một vẻ tương tự với Alice của họ. Thậm chí trang phục thời Victoria của Gary Jones cho Oz xem ra gợi tưởng phục trang của Colleen Atwood cho Alice.

Sức hấp dẫn ở thị trường ngoài Bắc Mỹ

Không phim nào có khả năng trở thành bom tấn tỉ đôla như Alice mà lại không đạt thành tích ở thị trường quốc tế còn tốt hơn ở Bắc Mỹ. Trong trường hợp này, Oz có lợi nhờ dựa trên một bộ phim đã nổi tiếng cùng khắp; câu chuyện của Jack và dây đậu thần thì còn lâu mới được cả thế giới biết đến. Hậu quả là, Jack chỉ kiếm được có 23 triệu đôla ở nước ngoài, chừng một nửa số tiền phim kiếm được trong nước. Còn Oz đã kiếm khoảng 70 triệu đôla ngoài Bắc Mỹ, xêm xêm số tiền tại nội địa, và còn chưa ra mắt ở Pháp và Trung Quốc nữa.

Oz 'có gan làm giàu'

Franco và các bạn diễn nữ của anh không phải là những sức hút phòng vé có thể tin cậy. Thời lượng phim hơn hai tiếng đồng hồ có lẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả trẻ và có số suất chiếu trong một ngày ít hơn. Một số cảnh quá đáng sợ với khán giả nhí. Đánh giá của giới phê bình trái chiều. Cốt chuyện tùy tiện với một số yếu tố đã được yêu mến trong tác phẩm kinh điển. Thêm nữa, mở màn ngay sau Jack là một quyết định mạo hiểm; nếu Jack mà thành công đình đám, thì không có chỗ cho Oz trên thị trường.

Thế nhưng, xem ra rõ là các quyết định tiếp thị và sáng tạo Disney đã làm cho Oz hầu như đúng cả. Và trên một thị trường chen chúc, Oz đã biến Jack không giống gã khổng lồ mà giống gã phù thủy bị nghiền nát bởi một căn nhà bị lốc xoáy cuốn.

* Đơn vị tính doanh thu: triệu USD



Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviefone và Entertainment Weekly


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi