Trong bình luận phim
Jack the Giant Slayer của Screen Rant,
người viết đã phân tích ngọn ngành những điểm mạnh và yếu của bộ phim
nặng về kỹ xảo này, và cho rằng Singer và các biên kịch (gồm người từng
đoạt giải Oscar Christopher McQuarrie) đã hy sinh chiều sâu và ý nghĩa
của kịch bản để làm ra một bộ phim thuần về giải trí “hấp dẫn nhưng
không cần động não”.
Điều thú vị về
Jack là những điểm yếu này phản ánh những xu
hướng đang thông dụng trong những bộ phim điện ảnh hiện đại chuyển thể
từ truyện cổ tích. Những vẫn đề này đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Jack ra
mắt với doanh thu chỉ 28 triệu USD trong kỳ cuối tuần công chiếu lần
đầu trong khi ngân sách làm phim là 195 triệu USD chỉ là ngoại lệ. Những
phim khác thường vẫn thu được lợi nhuận kha khá và tiếp tục gắn bó với
các đạo diễn tên tuổi. Ngoài ra, những câu chuyện này cũng đã tồn tại
hàng trăm năm, một phiên bản điện ảnh thiếu sức sống cũng không đủ để
khiến người ta không nghĩ về việc đưa nó lên màn ảnh một lần nữa.
Dù
gì đi nữa, sau đây là ba vấn đề chính với những phim thế kỷ 21 chuyển
thể từ truyện cổ tích, và cũng là lời khuyến cáo với những dự án phim
trong tương lai.
Không đủ độ tập trung Truyện cổ
Grimm và các câu chuyện cổ tích khác cho phép chúng ta được khám phá
những nỗi sợ và trí tưởng tượng của bản thân về thế giới xung quanh qua
bối cảnh giả tưởng. Thường các nhân vật phản diện và chính diện đều là
những nhân vật mỏng tang, thiếu chiều sâu một cách có chủ ý. Bù lại họ
tượng trưng cho những cảm xúc, ham muốn bị kìm nén, giá trị cá nhân, đạo
đức và thói xấu của con người. Nhưng điều này đưa các nhà làm phim vào
thế khó xử: làm thế nào đưa những ý nghĩa sâu xa kia lên màn ảnh mà vẫn
có thể có những nhân vật có chiều sâu và câu chuyện không chỉ đơn thuần
chỉ là những phép ẩn dụ được tô vẽ trông lung linh hơn?
Amanda Seyfried trong Red Riding Hood
Để làm được điều này, họ thường hòa nhiều ý tưởng và ảnh hưởng vào nhau,
và kết quả là một bộ phim muốn thể hiện thật nhiều điều nhưng không làm
được điều gì ra hồn. Ví dụ,
Red Riding Hood của David Leslie Johnson tiếp cận câu chuyện tình yêu siêu nhiên của
Twilight từ một góc cạnh khác và pha trộn nó với phong cách làm phim thần bí ly kỳ
Sleepy Hollow của
Tim Burton. Không may thay, thành quả cuối cùng là một bộ phim nhàn
nhạt khám phá sự trưởng thành và dục vọng của một cô gái trẻ, bọc quanh
một câu chuyện dễ đoán về nỗi sợ và sự hoang tưởng của người dân một
ngôi làng luôn bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài.
Snow White and the Huntsman (đã phát hành ở Việt Nam với tựa
Bạch Tuyết và gã thợ săn)
cũng có những vấn đề tương tự. Nhiều lúc phim có cảm giác như đang bị
cả ba biên kịch tranh nhau kéo về ba hướng. Lúc thì ta như
đang xem câu chuyện của Bạch Tuyết kể theo phong cách
Game of Thrones, lúc thì phim lại có vẻ như một cuộc phiêu lưu trong thế giới giả tưởng hoành tráng kiểu
Lord of the Rings
với mục đích là tạo nên một thế giới đủ rộng lớn để sau này còn nhét
vào đó thêm vài hậu truyện nữa. Như một khán giả từng nói với người
viết, xem phim này, ta có cảm giác như phim chạy được nửa tiếng lại tự
khởi động lại để tạo nền tảng cho một loạt phim bom tấn giả tưởng mới.
Nicholas Hoult trong phim Jack the Giant Slayer
So với hai phim trên,
Jack có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, điều
khiến người xem khó chịu là phim của Singer có thể tiếp cận những ý
nghĩa sâu sắc hơn của câu chuyện, nhưng lại bỏ rơi ý nghĩa đó giữa đường
hoặc không phát triển được đúng tiềm năng của ý tưởng. Bộ phim lãng phí
những chủ đề như tầm quan trọng của việc truyền đạt giá trị cho những
thế hệ sau qua các câu chuyện và truyền thuyết với những câu thoại thiếu
sức sống và những cảnh phim có vẻ như chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Đây có lẽ lại chứng minh tình trạng lắm thầy thối ma, vì phim này cũng
có tận bốn biên kịch.
Nói cho cùng thì
Jack cố gắng
làm quá nhiều. Điều khác biệt là nó không hoàn thành được mục tiêu nào
của mình, mà chỉ mới tiếp cận được mục tiêu này thì đã rời đi để tiếp
cận mục tiêu khác. Một vài cuộc thử nghiệm gộp lại không thể biến bộ
phim thành một thứ gì hoàn chỉnh cả.
Hình ảnh đẹp, phim lộn xộn
Mirror Mirror (đã phát hành ở Việt Nam với tựa
Gương kia ngự ở trên tường) và
Snow White and the Huntsman
đều là những phim kể lại câu chuyện về Bạch Tuyết trông thật đẹp mắt,
ít nhất là về diện trang phục, phong cảnh, thiết kế và kỹ xảo hình ảnh.
Vấn đề là về mặt kỹ thuật như quay phim và biên tập phim, cả hai phim
đều không đâu vào đâu. Có quá nhiều hình ảnh động (những cảnh quay riêng
lẻ) trông riêng biệt thì đẹp mắt nhưng khâu lại với nhau thì chẳng có ý
nghĩa hay sức hút gì.
Jack cũng có vấn đề tương tự. Kỹ
thuật quay phim 3D của Newton Thomas Sigel có thể biến cây đậu thần đồ
họa vi tính trở thành một hình ảnh có thể khiến người sợ độ cao run rẩy.
Nhưng hình ảnh đó đưa vào chuyển động lại không thể bì với cảnh trèo
tường tòa nhà Burj Khalifa trong
Mission: Impossible – Ghost Protocol.
Điều tương tự xảy ra với những cảnh tương tác giữa người khổng lồ và
nhân vật do người thật đóng, vì họ không sử dụng sự kết hợp giữa đồ họa
vi tính với phương pháp kỹ thuật thực tế để kết hợp con người và những
nhân vật khổng lồ (ví dụ như với cảnh người khổng lồ trong
Lord of the Rings: The Two Towers hay khủng long trong
Jurassic Park).
Người khổng lồ trong Jack the Giant Slayer, John Kassir và Bill Nighy lồng tiếng
Nói chung, kỹ thuật làm phim và kỹ xảo trong
Jack không đạt
được độ ấn tượng cần thiết để biến bộ phim này thành một bộ phim thực sự
tuyệt vời về mặt hình ảnh. Phim có nhiều hình ảnh đẹp – dù là đồ họa vi
tính hay những cảnh hành động phù hợp với phim bom tấn mùa hè. Nhưng
khi nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy những hình ảnh đẹp này không được nối lại
với nhau một cách hiệu quả cho lắm. Đây chỉ là những bức ảnh đẹp của
những thứ trông đẹp mắt, chứ không phải một bức ảnh động tuyệt vời về
những thứ đẹp mắt.
Không có cốt lõi đạo đứcNói gì thì nói, phim hoạt hình cổ tích của Disney trong thập kỷ 1980, 1990 như
Beauty and the Beast,
Aladdin,
v.v... ít ra còn thể hiện một cách hiệu quả những bài học đạo đức trong
câu chuyện gốc. Thành thật mà nói thì nhiều khi những bài học đó được
thể hiện quá rõ ràng và một cách quá mạnh tay, nhưng ít ra cách thể hiện
đó hiệu quả và phù hợp với tất cả các đối tượng khán giả. Truyện cổ
tích tiếp tục được kể cũng là vì lý do này. Người kể chuyện nhận ra rằng
những bài học trong truyện vẫn có thể được áp dụng trong thế giới ngày
nay.
Điều này lại khiến ta phải nói tới việc phim cổ tích ngày nay muốn làm quá nhiều nhưng lại đạt được quá ít.
Red Riding Hood và
những phim Bạch Tuyết gần đây có thể thể hiện được phần nào giá trị nữ
quyền. Nhưng sức mạnh được thể hiện của các cô gái này lại trở nên quá
chung chung, được thấy quá nhiều trong những thập kỷ gần đây (và không
có được sự phức tạp và mâu thuẫn như trong các phim
The Hunger Games hay
Brave).
Đến cuối phim, thông điệp duy nhất được chuyển tải là “hãy trở nên tự
lập và tin vào bản thân nhiều hơn”, một thông điệp hay nhưng cũng không
được chuyển tải một cách mạnh mẽ hay hiệu quả.
Nicholas Hoult và Eleanor Tomlinson trong Jack the Giant Slayer
Jack cũng vướng vào cái bẫy này khi không thể hiện được sức
mạnh tinh thần của nhân vật chính (ngoài việc vượt qua nỗi sợ độ cao).
Jack tỏ ra trung thành, dũng cảm và sự dũng cảm đó cuối cùng cũng có
thành quả nhưng anh có được thành quả đó một cách quá dễ dàng, khiến bài
học trở nên kém hiệu quả. Các nhân vật khác của bộ phim cũng vậy, không
hẳn là những phép ẩn dụ hiệu quả (ví dụ công chúa lẽ ra tượng trưng cho
khái niệm nữ tính hiện đại) mà cũng không hẳn là những nhân vật hoàn
chỉnh.
Saoirse Ronan trong phim Hanna
Khác với một số phim khác ra mắt trong thế kỷ này lấy cảm hứng nhẹ nhàng hơn từ một số truyện cổ tích như
Pan’s Labyrinth hay
Hanna,
những bản chuyển thể này không cho khán giả lớn tuổi hơn đủ thứ để suy
ngẫm và tạo một tầm nhìn mới đối với truyện cổ tích. Ngược lại, chúng
cũng không đủ hấp dẫn và hoàn chỉnh để trở nên đáng nhớ đối với những
khán giả nhỏ tuổi tiếp cận với truyện cổ tích lần đầu. Nói trắng ra thì,
những phim này xem cũng được, không xem cũng không mất gì, và một
truyện cổ tích hay không thể như thế.
Hy vọng điều này có thể thay đổi khi Hollywood tiếp tục phát triển xu hướng làm phim cổ tích như vầy. Nếu không thì việc
Jack lận đận ở phòng vé cũng khiến các nhà làm phim phải nhìn lại cách chọn bình mới cho rượu cũ.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi