Tin tức

10 phim tình cảm hay nhất của điện ảnh châu Á

25/06/2014

Các phim tình cảm châu Á thường nhận những luồng phản hồi tồi tệ.

Ở nơi mà lâu nay các tác phẩm của ngành điện ảnh nằm dưới sự thống trị của những anh hùng hành động cơ bắp và những ma quỷ dòng phim kinh dị, thật dễ đi đến việc những khán giả tìm kiếm lãng mạn sẽ phải lạc giữa các sản phẩm toàn đớn đau và tréo ngoe hơn là những niềm vui đơn giản của tình yêu. Hoặc các bộ phim sẽ sến rển tới mức không tiêu hóa nổi.

Không có gì sai khi thỉnh thoảng bước tới mặt tối hay dành chút thời gian cho đứa trẻ ngây thơ trong mỗi người, nhưng nếu nghĩ phim tình cảm châu Á chỉ le ve rìa ngoài tâm hồn thì thực sự sẽ đánh giá thấp giá trị của dòng phim này.

Hãy điểm qua 10 bộ phim kinh điển khiến khán giả nghĩ tới và trân trọng bản chất tình yêu.

Điềm mật mật / Comrades, Almost a Love Story (Hồng Kông, 1996)

Sự tuyệt vời của bộ phim không chỉ ở việc đạo diễn Trần Khả Tân cho hai diễn viên Trương Mạn Ngọc và Lê Minh đóng cặp tình nhân định mệnh với nhau. Với những ai sống vào thời gian trước khi Hồng Kông trở về Trung Quốc năm 1997, Điềm mật mật gợi nhớ hoàn toàn không khí hồi hộp phủ lên Hồng Kông thời đó. Cặp diễn viên tan hợp hợp tan vào vai những người nhập cư tìm cuộc sống mới nhưng vẫn gắn bó với quá khứ đe dọa giết chết giấc mơ họ mang. Hãy nắm lấy cơ hội bằng hai tay mình – dù phải đợi để làm điều đó.

The Eel (Nhật Bản, 1997)

Chưa có ai không từng được bảo phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình. Trong thế giới vui tươi kỳ lạ đạo diễn Shohei Imamura tạo ra, một người đàn ông (Koji Yakusho) bị tình yêu ập đến (trong hình dáng của Misa Shimizu) đúng khi những năm tháng đen tối khiến anh quyết định ngừng giao tiếp với bất cứ ai trừ con lươn là vật nuôi yêu quý. Với những hoàn cảnh khó khăn khởi nguồn cho nhân vật chính, niềm vui thực sự nằm ở việc nhân vật dần tháo bỏ những lớp bọc họ dựng quanh trái tim mình.

Bá vương biệt cơ (Trung Quốc, 1993)

Bộ phim của đạo diễn Trần Khải Ca có cốt truyện trải dài 50 năm có lẻ đầy chấn động và âm mưu chính trị, nhưng tình yêu nồng thắm mới là dòng máu của câu chuyện này. Tỏa sáng rực rỡ ở trung tâm phim là Trương Quốc Vinh. Trong những khung hình gợi tả của nhà quay phim Cố Trường Vệ, Trương Quốc Vinh mang tới những khoảnh khắc xuất sắc nhất từng thấy trên phim trong vai ngôi sao Kinh kịch trong giày vò bởi tình cảm vô vọng, nhu cầu sống sót trong thế giới bạo tàn và những mối tình cuốn quanh nhưng không bao giờ chạm trúng anh. Tuyệt tác của Trần Khải Ca hiện giờ vẫn là bộ phim Hoa ngữ duy nhất đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

Yên chi khâu (Vết son môi) / Rouge (Hồng Kông, 1988)

Lý Bích Hoa là người đứng sau tác phẩm tạo cảm hứng cho Bá vương biệt cơ, nhưng tài năng của bà trong việc làm rõ những cơ chế bí ẩn, thâm sâu nhất của tình yêu đã tỏa sáng lần đầu tiên trong câu chuyện của Trần Chấn Bang và Như Hoa, đôi tình nhân tự lừa bản thân tin rằng họ có thể đánh lừa thần chết và nhân loại. Đạo diễn Quan Cẩm Bằng dựng câu chuyện bằng cách cho Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương toàn quyền trong vai chính. Những tia lửa tình cứ tung bay suốt phim, và không thể chói lòa hơn khi phim hé lộ chỉ một phần của lời thề tình yêu được thực hiện, còn Như Hoa chứng minh rằng cơn giận của địa ngục cũng không bằng của một người phụ nữ.

Tâm trạng khi yêu (Hồng Kông, 2000)

Gia tài phim của Vương Gia Vệ luôn nhấn chìm trong tình yêu nhưng như tựa đề bộ phim trên, chưa bộ phim nào của ông có nhiều nhung nhớ như vậy. Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ - cặp đôi chênh vênh trên bờ tình yêu cấm đoán – để cho mỗi ánh nhìn, mỗi động chạm qua làn áo nán lại, và quay phim Christopher Doyle để khán giả trong những góc nhìn riêng tư tới lén lút. Không khí phim được David Denby của tờ The New Yorker đúc kết trong bài báo của ông: “Đạo diễn khéo léo tạo ra một sự mong ngóng tới ngừng thở và khi không đem lại thỏa mãn ông đã đạt tới một sự éo le hoàn toàn mới.”

Cô nàng ngổ ngáo / My Sassy Girl (Hàn Quốc, 2001)

Không phủ nhận rằng Kwak Jae Yong đã thay đổi những quan niệm về tình cảm trên khắp châu Á khi tận dụng một blog trên mạng và tạo nên lịch sử phòng vé. Bất chợt – được truyền cảm hứng từ Jun Ji Huyn cá tính trong vai chính – người ta có thể theo dõi hàng loạt những người bạn trai đau khổ và mệt mỏi khắp châu lục khi họ lê bước theo những cô nàng ngổ ngáo mình yêu. Tình yêu đến từ phép cộng giữa cảm tình và tra tấn khi chàng trai xui xẻo (Cha Tae Hyun) gặp cô nàng trong giấc mơ và ác mộng của mình. Ngoài những tiếng cười là một lời nhắn nhủ ngọt ngào rằng tình yêu chân thật vượt qua mọi đau khổ và vấp ngã.

Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài / The Love Eterne (Hồng Kông, 1963)

Bộ phim này là nấc thang đưa Lăng Ba lên vị trí siêu sao cũng như củng cố vị trí của Lạc Đế trong hàng ngũ sao châu Á. Đúng vậy, bộ phim thuộc thể loại nhạc kịch – đúng hơn là nhạc kịch của thập kỷ 1960 – nhưng đạo diễn Lý Hàn Tường đã bám sát câu chuyện Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài kinh điển và bộ phim đã vươn lên hàng tuyệt tác khi quyến rũ khán giả khắp châu lục. Tới giờ vẫn thật khó mà không yêu vẻ quyến rũ của Lạc Đế trong vai cô gái giả nam trang chỉ một lòng yêu người bạn thân nhất của mình. Một trải nghiệm điện ảnh đầy phép màu.

Love Letter (Nhật Bản, 1995)

Đạo diễn Shunji Iwai không chừa chỗ cho cơ hội trong bộ phim cảm động được yêu thích này, ông chạm vào trái tim khán giả từ những phút đầu, nâng cao tinh thần họ với hàng loạt giây phút hài hước khi sự việc có chút nặng nề, và để câu chuyện lại vào tay một loạt ngôi sao xuất sắc với Miho Nakayama đóng kép hai vai chính. Iwai cho dàn máy quay lang thang qua vùng đồng quê ấn tượng ở Hokkaido để tạo ra khung cảnh như mơ của ký ức, nhớ nhung cùng mất mát khi hai phụ nữ đối mặt với tình yêu đã rời xa họ.

Tiểu thành chi xuân(Mùa xuân trong thị trấn nhỏ) / Spring in a Small Town (Trung Quốc, 1948)

Không mấy khi cả phim gốc lẫn bản làm lại đều được tung hô thành tuyệt tác của một đất nước, nhưng Trung Quốc đã làm nên điều đó với bộ phim này và bản tái khởi động của Điền Tráng Tráng (lấy tựa Springtime in a Small Town sản xuất năm 2002). Tuy nhiên, bản gốc dưới tay đạo diễn tài ba Phí Mục với bối cảnh vùng quê sau chiến tranh vẫn khiến khán giả đau nhói nhìn sự cam chịu thầm lặng của cặp vợ chồng (Vi Vi và Thạch Vũ) cố gắng sống với nhau sau khi ngọn lửa tình yêu ban đầu đã lụi tàn. Với đoạn kết, bộ phim mở ra một lời đáp cho lòng tốt và sự tận tụy bất chấp hy sinh.

Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi/You are the Apple of My Eye (Đài Loan, 2011)

Phim dành cho trẻ con ư? Có thể. Nhưng bỏ qua phim đầu tay của Cửu Bả Đao chỉ vì nó được toàn bộ thanh thiếu niên trên châu lục xem và yêu thích cũng là bỏ qua bộ phim ca ngợi những điều khiến tình yêu tuổi trẻ sống mãi. Một dàn diễn viên xuất sắc xoay quanh một nhân vật nữ họ đều theo đuổi (Trần Nghiên Hi), nhưng chỉ một chàng trai (Kha Chấn Đông) tiến tới. Bất ngờ thực sự đến ở đoạn kết, khi những nhân vật cùng khán giả ngừng lại và nghĩ về những mối quan hệ đã để lại dấu ấn trong lòng mỗi người.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi