Tin tức

2018 nhìn lại: Hay... tệ... điên rồ... ám ảnh... nhất trên phim

23/01/2019

Lượng phim nhiều khó tin phát hành trong năm 2018 khiến nhớ nổi tháng 12 có phim gì đã vất vả, nói gì đến phim từ tháng 1.

Nhìn lại năm 2018, còn khó hơn để nhớ những thứ mà bạn thề sẽ không quên: phút giây sống động trong bộ phim độc lập nhỏ xứng đáng có lượng khán giả lớn hơn, một màn diễn xuất thu hút mọi sự chú ý trong một phim hài hành động nhìn chung không ấn tượng, câu thoại trong một phim siêu anh hùng khiến bạn cười đau bụng nhưng bị dồn dập 20 phim siêu anh hùng khác ghi đè lên.

Tôn vinh những khoảnh khắc phim không thể quên được để chúng không trôi vào quên lãng là tinh thần đằng sau Giải điện ảnh Thrillist. Cả năm, Thrillist đã xem hết phim này đến phim khác, đã viết kín bao sổ tay và ứng dụng Notes với các ghi chép viết tháu liên quan đến phim, và giờ Thrillist đã chắt lọc chúng thành 16 hạng mục giải thưởng bạn sẽ không thấy ở giải Oscars đâu. [Thrillist còn thiết kế một tượng (giả) hẳn hoi gọi là tượng Thrillie, một tượng bé hình cuộn phim xếp thành chữ “T” để người thắng giải sẽ trân trọng mãi mãi.] Ai hay cái gì sẽ càn quét các Thrillie mới được khai trương này? Đây là các phim, màn trình diễn, và hiện tượng kỳ quặc, quái dị, truyền cảm hứng, ngu ngốc, và hút hồn, trong 2018, mà Thrillist vinh dự được tôn vinh năm nay.

Phim hay hay nhất: You Were Never Really Here

Trong một năm rối loạn rõ rệt như 2018, dễ nghĩ tới việc xem phim là hành động nghỉ dưỡng. Tìm lối thoát khỏi thực tế chỉ đơn giản là lẻn vào một rạp chiếu trống một nửa để xem bộ phim kinh dị “tầm cao” mới nhất từ A24, đặt vé cho tối mở màn của cơn mê sảng hy sinh bằng hành động mạo hiểm mới nhất của Tom Cruise, hay tải dịch vụ trực tuyến trên laptop giữa đêm thâu đãi cát tìm vàng. Tuy nhiên, ngay cả khi khán giả chuyển sang xem phim để tìm sự thoải mái và tính cộng đồng, vẫn có một mong muốn rõ ràng về câu chuyện, nhân vật và phong cách làm phim mà nói được sự cấp bách thấy rõ của hiện tại. Tính chất “ngày nay” là loại ngân lượng thượng hạng.

Nhiều phim hay nhất năm 2018 xuyên qua được tiếng ậm ừ khó chịu của vòng tròn tin tức hằng ngày bằng cách gióng lên một hồi chuông cảnh cáo. Ta đang nghĩ tới những mối âu lo liên quan tới kỹ thuật số qua lớp filter Snapchat trong Eighth Grade, những mối kinh hoàng sinh thái nhuốm màu tận thế trong First Reformed, những viễn cảnh phản địa đàng xung quanh ngựa trong Sorry to Bother You, hay sự kỳ quái trong chính trị vấy bùn của The Favourite. Những phim này đưa ra những cú đánh lớn và theo đuổi những ý tưởng vĩ đại. Kể cả một câu chuyện bề ngoài tưởng đơn giản – như một cô giúp việc chăm lo cho một gia đình trong Roma hay người tiều phu đi trả thù trong Mandy – cũng được biến thành một thứ to lớn, thậm chí như một bản hòa tấu, trong tay của một đạo diễn tài năng hay trên gương mặt của một diễn viên tài năng. Tham vọng có nhiều hình hài.

Về một số mặt, ý kiến chung về lựa chọn Phim hay Hay Nhất không mấy phức tạp. You Were Never Really Here, phiên bản thô ráp của dòng phim sát thủ của đạo diễn Lynne Ramsey với Joaquin Phoenix đóng chính trong vai một cựu quân nhân râu ria tên Joe, không cố gắng với tới tình trạng thế giới hay đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi thức thời. Bộ phim ngắn và mạnh mẽ, như cái búa Joe liên tục vung lên trước kẻ thù. Qua một cách tiếp cận nên thơ và lấp lửng, Ramsey rút cạn gần hết mọi khuôn mẫu của bạo lực phô trương và thói hoài nghi lém lỉnh trong dòng phim hành động gay cấn. Còn lại chỉ là sự căng thẳng tột độ bị vạch trần. Thật sự, có gì phản ánh 2018 chuẩn hơn thế?

Về nhì: Eighth Grade, The Favourite, First Reformed, Mandy, Roma, Sorry to Bother You.

Phim tệ hay nhất: Gotti

Khi hạ sát một phim bằng tuyên bố nó là “phim tệ nhất năm”, bạn cần nhắm cho chuẩn. May là Gotti, thiên truyện mafia thời Trump vừa tệ hại vừa trơ trẽn tới ngỡ ngàng, với John Travolta đóng vai ông trùm cùng tên, xứng đáng hứng mọi gạch đá phê bình nó nhận được trên con đường tới đích 0% trên Rotten Tomatoes. Là một phim tệ hay, Gotti, như chủ đề của nó, khác biệt, gây tranh cãi, và được yêu mến ở một số góc. Trong khi một số nhà phê bình cố gắng dìm danh tiếng của Gotti bằng việc nói nó chỉ là một phim chán tệ hại và không phải là một trải nghiệm dễ chịu đê mê, Thrillist chỉ nói thế này: Việc nó có đạo diễn là “E” từ Entourage không phải là điều hài hước nhất về nó. Xin mọi người cứ xem đi.

Buồn thay, công cuộc cạnh tranh cho danh hiệu Phim tệ Hay Nhất năm 2018 không sít sao lắm. Đúng, có cả phim về một vụ trộm trong cơn cuồng phong, được đặt tựa hữu ích là The Hurricane Heist. Và hẳn rồi, Dwayne Johnson đóng chính trong Rampage, phim hành động ngoạn mục dựa trên một trò chơi điện tử có The Rock làm bạn với chú gorilla khổng lồ tên George. Và, được rồi, Jared Leto đóng chính trong The Outsider, bộ phim Yakuza tệ hại trên Netflix chắc bạn xem rồi lăn ra ngủ. Nhưng những phim ít tệ hơn này chỉ là hạng xoàng và chúng không thể với tới tầm Gotti, ông trùm Teflon của vương quốc phim tệ.

Về nhì: Rampage, The Hurricane Heist, The Outsider

Hài hước có chủ ý hay nhất: Hugh Grant trong Paddington 2

Đây không phải là gièm pha các hài kịch gia thực thụ ngoài kia, nhưng một số các màn diễn xuất hài hước có cảm hứng nhất năm nay đến từ các diễn viên nổi tiếng qua các vai chính kịch – hay ít nhất có tiết chế hơn. Jesse Plemons là tên phát xít trong Breaking Bad, nhưng trong Game Night anh là một cảnh sát gây sởn tóc gáy, tuyệt vọng muốn được tham gia đêm chơi nhớ đời với nhà hàng xóm. Michelle Williams được đề cử Oscar cho vai diễn suy sụp trong Manchester by the SeaBrokeback Mountain, nhưng trong I Feel Pretty cô là một doanh nhân mỹ phẩm vui nhộn. Anne Hathaway khóc lóc suốt Les Misérables, nhưng trong Ocean’s Eight cô mua vui một cách thu hút trong vai một nữ diễn viên cao ngạo được chế một chút từ Anne Hathaway.

Nhưng không ai có thể vượt qua Hugh Grant trong Paddington 2. Grant có đóng phim hài suốt rồi, nhưng anh thường được biết đến trong vai chính phim lãng mạn, nói ậm ừ, tốt tính, có vẻ xuề xòa gợi cảm và luôn quyến rũ. Trong phim này, anh làm một thứ hoàn toàn khác. Anh là Phoenix Buchanan, kẻ thù của nhân vật gấu bông nhỏ bé tốt bụng, một diễn viên hào hoa tìm người giàu đổ tiền cho chương trình độc diễn của mình. Nhưng vào vai Phoenix cũng có nghĩa là vào các vai diễn của Phoenix. Trong khi săn tìm manh mối trong một quyển sách tranh hình nổi về London, anh hóa thành các nhân vật khác nhau, trong đó có Magwitch của Great Expectations và một bà xơ ngẫu nhiên. Đó là cách chế nhạo thông minh về các khó khăn của diễn viên, và dứt khoát là một trong những lần vào vai hài hước nhất năm.

Về nhì: Jesse Plemons trong Game Night, Michelle Williams trong I Feel Pretty, Anne Hathaway là chính cô trong Ocean’s Eight

Hài hước không chủ ý hay nhất: Mark Wahlberg trong Mile 22

Đầu năm 2018, Mark Wahlberg công bố đầy đủ lịch trình tập luyện và thời gian biểu hằng ngày trên Instagram của anh. Bao gồm những chi tiết như dậy lúc 2 giờ rưỡi sáng, đánh golf các buổi sáng, dành thời gian trong bồn lạnh, tắm hai lần, và đi ngủ lúc 7 giờ rưỡi tối. Mọi thứ về việc này đều hài hước và quá lố. Nếu chế độ toàn bữa ăn nhẹ này đóng góp cho vai diễn nhân viên an ninh quốc gia thông minh James Silva miệng bắn súng liên thanh, mắt trợn tròn, trong bộ phim điệp viên bắn phá lố bịch Mile 22 của Peter Berg, thì Thrillist sẽ nói thế này: Tiếp tục đi, Marky Mark. Dù anh đang làm gì thì cũng đang có tác dụng đấy.

Xin lỗi hết lời với vai diễn cô tiên đỡ đầu cuống quýt của Reese Witherspoon trong A Wrinkle in Time và ông trùm John Gotti như hết hơi của John Travolta trong Gotti, Wahlberg ở trên một tầm cao mới. Đây là một vai diễn thu thập mọi điểm cao thấp của các màn diễn xuất tốt hơn từ Wahlberg: Bạn có thể thấy thoáng qua sự hung hăng nam tính của trung sĩ cảnh sát trong The Departed, trí khôn ủ mưu của người lính cứu hỏa trong I Heart Huckabees, sự nhanh trí có học của giáo sư trong The Gambler, và hình ảnh anh hùng cộc cằn từ các phim khác hợp tác với Berg. Nhưng chúng được áp dụng hoàn toàn sai ở đây, dẫn đến vai diễn buồn cười nhất của nam diễn viên kể từ The Happening.

Về nhì: John Travolta trong Gotti, Reese Witherspoon trong A Wrinkle in Time

Diễn viên không phải người đáng chú ý nhất: Olivia, cô cún trong Game NightWidows

Diễn viên làm việc chăm chỉ nhất ngành giải trí là Olivia, cô chó sục trắng Cao nguyên miền Tây này là con vật có thành tựu nhất năm không có gì phải nghi ngờ. Đầu tiên Olivia xuất hiện trong phim hài ăn khách Game Night với tên Bastian, cún cưng của cảnh sát do Jesse Plemons thủ vai. Vào vai Bastian, Olivia vừa phải làm bạn diễn không nghỉ của Plemons luôn lo âu, và còn bị phủ lên người thứ ta tạm cho là sirô ngô màu đỏ không có hại với chó, khi Jason Bateman vô tình nhuốm đỏ cô chó do máu từ vết đạn bắn. Nhưng Olivia có một vai lớn hơn trong Widows, làm bạn đồng hành của Veronica đau lòng do Viola Davis thủ vai. Trong bộ phim đó, Olivia bị tay chính trị gia hiểm ác của Brian Tyree Henry dọa nạt, và cái mũi tí hon của nó đánh hơi được nút thắt lớn nhất của phim. Olivia là một cô chó ngoan hoàn hảo và các bạn đừng hòng làm Thrillist đổi ý.

Nhưng cô không phải là diễn viên chó ấn tượng duy nhất năm nay: Có bạn chó năng động vào vai Borras trong Roma và bạn chó lông xù Charlie của chính Bradley Cooper được vào vai bạn chó lông xù Charlie trong phim A Star is Born. Các con vật trên màn ảnh rộng khác đáng chú ý là bạn mèo con gây chú ý bên Melissa McCarthy trong Can You Ever Forgive Me?, và thủy điểu Horatio, Con Vịt Nhanh nhất Thành phố, được giới thiệu trong The Favourite. Và, vì ta đang không nói tới người đóng ở đây, sao không khen luôn cả Paddington trong bộ đồ tù nhân trong Paddington 2, con Yêu Tinh Cheddar nôn mì phô mai trong Mandy và cánh tay không thật của Jeremy Renner trong Tag. Nhân tính là cái gì chứ?

Về nhì: Charlie trong A Star is Born, bạn mèo con trong Can You Ever Forgive Me?, Horatio trong The Favourite, Quỷ Cheddar trong Mandy, Paddington mặc áo tù nhân trong Paddington 2, Borras trong Roma, cánh tay kỹ xảo vi tính của Jeremy Renner trong Tag

Thức ăn phụ hay nhất: Con tôm hùm trong Venom

Sẽ chỉ có một người chiến thắng duy nhất cho hạng mục này. Vai diễn của Tom Hardy trong Venom sẽ trở thành biểu tượng cho thời kỳ rối loạn, lệch lạc của 2018, nhưng không cảnh nào thể hiện sự rối loạn, lệch lạc này rõ hơn – với sự giúp đỡ rất nhiều từ độ hài hước – cảnh trong nhà hàng khi Eddie Brock nhảy vào bể tôm hùm và nhai nhồm nhoàm một con giáp xác sống. Đẩy cao độ quái dị của cảnh này: nó còn không có trong kịch bản gốc; Tom Hardy chỉ khăng khăng, “Tôi sẽ nhảy vào bể tôm hùm,” và khi Tom Hardy nói anh sẽ nhảy vào bể tôm hùm, anh không nói chơi. Với giọng nói độc quyền Venom kêu gào đòi thức ăn ở nền, một Eddie Brock sốt xình xịch đầm đìa mồ hôi bắt đầu giật các đĩa thức ăn tại một nhà hàng sang trọng, rồi phát hiện ra mọi món thịt đều đã CHẾT. Một sự thất vọng cho Venom. May cho Eddie, anh một mũi tên trúng hai đích, vừa hạ nhiệt trong bể trước khi cắn xé một con tôm hùm rõ ràng là giả (còn cái bể thì rõ ràng là chẳng có con tôm nào khi anh nhảy vào) khiến mọi thứ càng buồn cười hơn. Nhờ tài khéo léo và sẵn lòng ứng biến của Tom Hardy, anh sẽ mang về nhà một trong những giải thưởng quan trọng nhất của mùa giải năm nay.

Về nhì: Khoai tây rán trong Venom, pizza cuộn trong Green Book, cái bánh trong The Favourite, con gà Tilda Swinton ăn trong Suspiria

Phim bom xịt hay thực sự: Widows

Sao không ai xem Widows hết vậy? Chịu thôi. Khi Thrillist xem bộ phim gay cấn này của đạo diễn Steve McQueen tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào tháng 9 năm ngoái, Thrillist dự kiến nó sẽ là bộ phim khiến mọi người bàn tán suốt phần còn lại của năm. Riêng dàn diễn viên thôi cũng lý tưởng rồi: Viola Davis, Liam Neeson, Michelle Rodriguez, Brian Tyree Henry, Colin Farrell. McQueen là người đứng sau những phim như Shame12 Years a Slave, và ông lôi kéo cái đầu đầy uẩn khúc của nhà văn Gone Girl Gillian Flynn để giúp chuyển thể bộ phim truyền hình Anh Quốc cùng tên. Một hợp kim hoàn hảo. Tuyến truyện vụ trộm của một nhóm phụ nữ lập kế hoạch kết thúc vụ làm ăn của những người chồng đã chết, trở thành một câu chuyện nhiều tầng lớp về Chicago, chỉnh trang đô thị, chủng tộc, và giới tính, và ít những khoảnh khắc hú hét nhưng nhiều câu hỏi phức tạp. Một số người đổ lỗi doanh thu vé ảm đạm cho chiến dịch quảng bá – thay vì đẩy cao những nút thắt thú vị của phim, các trailer quảng bá nó như một phim Oscar nghiêm túc. Nhưng có lẽ bộ phim quá dày đặc, luôn sẽ dành cho những người hâm mộ tận tụy xem đi xem lại hơn là đám đông xem rạp.

Đó cũng là trường hợp cho một số phim hay nhất không được chú ý trong năm, gồm những phim về nhì trong danh sách. Ví dụ Suspiria, tái thể hiện bộ phim kinh dị kinh điển của Dario Argento do Luca Guadagnino đạo diễn. Đúng, nói về phù thủy trong trường múa ballet, nhưng nó cũng đi sâu vào cảm giác tội lỗi hậu Thế chiến II ở Đức. Trong khi đó, Annihilation, được Paramount phân phát trên Netflix ở mọi nơi trừ Mỹ, là một phim phiêu lưu khoa học giả tưởng rợn gáy đưa Natalie Portman vào một khu vực chưa được khám phá tên Shimmer và trở thành một khúc suy ngẫm về sự cô lập cảm xúc.

Về nhì: Suspiria, Annihilation

Ảnh chế trào lưu chất nhất: “Anh chỉ muốn nhìn em lần nữa” từ A Star is Born

Với thông tin di chuyển ngày càng nhanh hơn mỗi năm, việc tìm được một ảnh chế trào lưu để dùng cho hợp thời khó hơn bao giờ hết, và năm 2018 thấy nhiều hơn cả đủ những bài đăng trên mạng lấy cảm hứng từ phim. Đầy rẫy các ăn theo lời thoại “Chú Stark… Cháu thấy không ổn” vừa bi vừa hài trong Avengers: Infinity War, và nhân vật nổi tiếng trên mạng Gabriel Gundacker quyến rũ mọi người với bài hát liên quan tới Smallfoot “Zendaya Is Meechee.” Từ cái lưỡi to tướng gớm ghiếc của Venom tới Killmonger hét vào các đối tượng khác nhau “Đây là vua của các người ư?”, chọn ra ảnh chế trào lưu tuyệt nhất 2018 là một thử thách. Cuối cùng, ảnh chế từ A Star is Born chiếm mọi cảm tình, với câu thoại lặp lại bất tử, “Anh chỉ muốn nhìn em lần nữa.” Cảnh phim: Jackson Maine của Bradley Cooper nghiêng người ra khỏi cửa sổ xe SUV bóng bẩy, đưa ánh nhìn “này cô gái” tới Ally của Lady Gaga. “Này,” anh nói. “Gì thế?” cô hỏi, quay lại, tóc hất qua vai. “Anh chỉ muốn nhìn em lần nữa,” Cooper nói chậm rãi, và như Ally, thế giới mạng đã phải lòng anh.

Về nhì: Cái lưỡi của Venom, câu khiêu khích “Đây là vua của các người ư?” trong Black Panther, hiệu ứng tan rã của Avengers: Infinity War

Chiến dịch marketing ngông cuồng nhất: các poster của Aquaman

Có một nghệ thuật làm ra tấm poster phim hoàn hảo, thứ duy nhất cùng với trailer sẽ khiến khán giả đặt niềm tin vào bộ phim của bạn dù không hé lộ quá nhiều. Các poster Aquaman, một cuộc nổi loạn của các màu chói và một số diễn viên chúng ta yêu thích mặc các bộ trang phục kỳ dị nhất từng thấy, là kế hoạch quảng bá hay nhất cả năm 2018. Patrick Wilson hô hào một thách thức chiến tranh mặc áo giáp lấp lánh, Dolph Lundgren cưỡi một con rồng biển khổng lồ, Nicole Kidman cầm đinh ba lớn trong khi mặc bộ đồ bó sát màu bạc. Nhưng hay nhất là ảnh đầu tiên: Aquaman của Jason Momoa, cúi thấp trong tư thế chiến đấu với mọi sinh vật biển cả trên thế giới tụ tập xung quanh anh, trông như một poster phong cách Lisa Frank phản địa đàng vậy.

Các poster hút hồn này nghiền nát buổi họp báo Lầu Năm Góc quái dị của Gerard Butler để quảng bá Hunter Killer, nơi anh trả lời nhiều câu hỏi đi sâu vào ngành phim, và đánh bại chiến dịch phim gia đình Venom của Sony, tái thiết câu chuyện thành một phim hài lãng mạn trìu mến giữa một ký sinh và vật chủ con người không may. Các poster phim nhìn là xấu hổ của Sonic the Hedgehog đe dọa nhấn chìm (xin lỗi đã chơi chữ) Aquaman, nhưng chiến dịch quảng cáo của vị vua bảy đại dương vẫn có chiều sâu hơn (xin lỗi lần nữa).

Về nhì: Buổi họp báo của Hunter Killer, các poster của Sonic the Hedgehog, chiến dịch hài lãng mạn của Venom

Các em bé to lớn nhất: Những kẻ khóc lóc vì Avengers: Infinity War

Trong chặng đường dẫn tới Avengers: Infinity War, ai để ý dù chỉ một tí tới Vũ trụ Điện ảnh Marvel có thể đoán hai điều: Thanos chắc sẽ tìm thấy hết các Viên đá Vô Cực, và ít nhất là một vài thành viên Avengers sẽ chết. Đúng thế: chết! Lần này nguy hiểm là thật đấy! Những người hâm mộ truyện tranh khát máu ngóng mãi mới được xem các người hùng thua một lần – vì, thực sự, mạch thắng của họ thế đủ rồi. Vì ai cũng đi mua trước vé cho cuối tuần mở màn, những ai chưa chuẩn bị cho làn sóng tiết lộ nội dung vào thứ hai bị bất ngờ đến ghê. Nhưng thật sự, quý vị mong chờ cái gì chứ?

Ở những nơi khác trong hạng mục của những tranh cãi ngớ ngẩn là hằng hà vô số những cãi cọ và đấu khẩu ngu ngốc gần như không tin được, gồm những người bất bình về gia đình khác chủng tộc trong A Wrinkle in Time, và những kẻ bán tín bán nghi nghĩ mình có thể đứng lên phán như thánh về A Quiet Place rằng làm gì một cặp vợ chồng lại đi có em bé giữa một thế giới đại họa mà quan trọng nhất là phải giữ im lặng. Tuy nhiên, không gì có thể đánh bại điều có thể thắng giải năm ngoái: cơn giận dữ về Last Jedi khiến một đống đứa đầu đất đến ngày nay vẫn còn gửi những tin nhắn riêng tục tĩu cho đạo diễn Rian Johnson.

Về nhì: Những em bé của A Wrinkle in Time, A Quiet Place

Câu hạ nhục đỉnh nhất: “Các người là một lũ trẻ!” trong First Man

Có một âm điệu giọng nói riêng biệt khiến một số câu hạ nhục đỉnh hơn hẳn. Bạn muốn có giọng điệu khinh bỉ nhất mà bạn có thể trút ra để đưa những lời khinh thường nhục mạ một cách nhanh chóng và hiệu quả, để bạn có thể quay gót và sải bước ra khỏi phòng và đảm bảo bạn có được lời nói cuối cùng. Claire Foy tung ra một trong những câu thoại hay nhất trong First Man, vào vai người vợ Janet Armstrong của Neil Armstrong sợ hãi với cơn giận dữ chính đáng. Khi một toán nhân viên NASA có ý định xoa dịu cô, nói mọi thứ đều ổn trong khi chồng cô đang xoay mòng mòng trong chân không vũ trụ, cô biết đúng cách để bảo họ câm miệng.

“Tất cả những quy trình và thủ tục để làm như thể các người kiểm soát được tất cả,” cô bật vào mặt Kyle Chandler. “Nhưng các người là một lũ trẻ con làm mô hình từ gỗ balsa. Các người chẳng kiểm soát được cái gì hết!”

Lại một lựa chọn khó khăn khác cho hạng mục này, vì 2018 cũng thấy Dương Tử Quỳnh nói với Constance Wu, chậm rãi và thực tế, “Cô sẽ không bao giờ đủ” cho chàng quý tử con bà trong Crazy Rich Asians, và chúng ta cũng xem Venom (Tom Hardy) nói với Eddie Brock (cũng là Tom Hardy) nhiều lần rằng anh cũng chỉ là một kẻ bỏ đi giống hắn. Họ có nhiều điểm chung quá!

Về nhì: Đánh giá tàn bạo của Crazy Rich Asians, sự thật thà xuyên suốt của Venom

Cảnh muốn nhún nhảy nhất: Cái kết “Super Trouper” trong Mamma Mia! Here We Go Again

Năm nay, các nhà làm phim quay sang vũ đạo để thể hiện bản thân. Annihilation kết lại – cảnh báo tiết lộ nội dung – trong một cảnh như múa ballet tàn ác giữa Lena của Natalie Portman và song sinh ngoài hành tinh (Sonoya Mizuno) với biên đạo từ vũ công Bobbi Jene Smith. Suspiria có nhiều phân đoạn chuyển động, gồm một vũ điệu hai người muốn gãy xương và màn trình diễn lồng lộn của một bản tên “Volk”, với phần nhạc do Thom Yorke của Radiohead soạn. Không phải mọi điệu nhảy trên phim năm 2018 đều toàn nỗi kinh hãi hiện sinh. Trong The Favourite, một điệu nhảy xã giao giữa Tiểu thư Sarah (Rachel Weisz) và Masham (Joe Alwyn) mỗi lúc càng kỳ quái, còn trong Paddington 2, Hugh Grant có khoảnh khắc tỏa sáng của mình khi dẫn đầu một toán tù nhân trong một bài hát từ vở nhạc kịch Follies của Stephen Sondheim.

Điều đó cho chúng ta người thắng cuộc, cái kết “Super Trouper” từ Mamma Mia! Here We Go Again. Vì có phim nào trong mấy phim kia có Cher không? Không. Phần chạy chữ của phần hai rối loạn một cách vui vẻ của Mamma Mia! mang cả dàn diễn viên hát bài hát kinh điển của ABBA. Nó là sự mất trí đầy cảm hứng. Các phiên bản lớn tuổi của các nhân vật nhảy với phiên bản trẻ hơn của họ! Colin Firth cau có! Mọi người mặc quần bó! Trong một năm có thể cho là cực kỳ sầu thảm, nó thách bạn phải cười.

Về nhì: Annihilation, The Favourite, Paddington 2, Suspiria

Ma túy điên rồ nhất trong phim: Chất xúc tác hợp nhất ngựa người trong Sorry to Bother You

Một năm ra trò với ma túy trên phim, và không có loại nào Thrillist muốn chơi cả, cảm ơn. Đáng nhớ nhất: Có Mandy của Panos Cosmatos, một thủ lĩnh cuồng tín nhắm tới Mandy (Andrea Riseborough) và gửi hội đàn em bắt cóc và đánh thuốc cô, đầu tiên là nhỏ vào mắt cô một giọt thuốc LSD được pha chế tệ cố ý, và kết thúc bằng một vết cắn từ một con ong bắp cày ký sinh nhìn kinh tởm bị ngâm trong một lọ xanh nhầy chứa đấy hóa học độc hại. Rồi còn có Peter trong Hereditary của Ari Aster, vô tình rít một điếu cày chết chóc tại một bữa tiệc trước khi em gái Charlie (Milly Shapiro) bị sốc phản vệ vì vô tình ăn phải hạt giấu trong bánh chocolate. Và ai mà quên được Jackson Maine của Bradley Cooper, giữa đà đi xuống của mình, nghiền các thuốc không rõ tên để hít trong A Star is Born, một cảnh mà hình như đạo diễn nghĩ ra lần đầu trong mơ? Có những thứ này, và nhiều hơn nữa, trong một khung cảnh ma túy đáng sợ xuất hiện trên phim trong thời kỳ khủng hoảng thuốc phiện tệ nhất nước Mỹ từng trải qua, trên đỉnh của cuộc chiến tranh ma túy không điểm dừng khiến người da màu bị bỏ tù bất công vì những tội trạng nhẹ. Không muốn làm mất cuộc vui, vì ta đang phải tận hưởng ở đây, nhưng là sự thật!

Sorry to Bother You của Boots Riley, một phim châm biếm chỉ trích cái ác của chủ nghĩa tư bản, hiểu sâu sắc các thế lực đối nghịch nặng nề trong cuộc, và xoay biến sự hoài nghi và lố bịch thành một loại ma túy kinh khủng hoàn hảo trên phim: một chất xúc tác hợp nhất người ngựa giả vờ cocaine. Đầu tiên, ở đầu một bữa tiệc văn phòng sang trọng trong hồi ba của phim, CEO của Worryfree Steve Lift do Armie Hammer thủ vai hít một đường cocaine (đoán thế) lớn tới khôi hài. Sau đó trong phòng, Steve mời Cassius Green (Lakeith Stanfield) một chất tương tự vương trên đĩa salad có cái đầu ngựa sơn được gọi là Ngài Bobo, Cassius vừa hít vừa xem một video quảng cáo về cải tiến mới nhất của Worryfree để biến lực lượng lao động của họ “hiệu quả và có lời hơn”: biến đổi gene người thành người ngựa với đầu ngựa thân người bằng việc hít một chất trắng đáng ngờ được gọi là chất xúc tác hợp nhất. Steve đặt Cassius trở thành một người ngựa qua một hợp đồng năm năm để làm tay trong cho Worryfree, “Martin Luther King đầu ngựa thân người,” đưa cho anh một tờ giấy ghi “TÔI ĐỀ NGHỊ CHO ANH 100.000 USD :)”. Cuối hạn hợp đồng, họ sẽ thực hiện đảo ngược biến đổi gene. Cassius, cũng phải thôi, phát hoảng và bỏ đi. Nhưng đã quá muộn rồi – thuốc anh dùng thực ra là chất xúc tác hợp nhất, và trong cảnh cuối, ta thấy giai đoạn biến đổi ban đầu của anh thành có đầu ngựa. Đó là một bước đi gian tà, thực sự ác độc, có nhiều ý nghĩa. Với Steve Lift, ma túy là một ưu đãi vui vẻ, không rủi ro; cho mọi người khác, phần lớn là những người nghèo và yếu thế, nó đúng nghĩa là một dạng chế độ nô lệ.

Về nhì: kết hợp LSD/nọc ong bắp cày trong Mandy, hỗn hợp thuốc nghiền trong A Star is Born, cần sa Peter hít trong Hereditary

Cảnh chặt đầu ám ảnh Thrillist mãi mãi: Annie (Toni Collette) tự chặt đầu trong Hereditary

Ít thứ trong phim có thể gây rợn đến rùng mình như một cảnh chặt đầu đơn giản, và 2018, kỳ cục thay, đưa ra rất nhiều. Trong Hereditary, đầu của Charlie va vào một cái cột điện thoại và gãy nhanh gọn ra khỏi thân mình là một trong những cái chết bất ngờ nhất phim, và trở thành phân bón màu mỡ nhất năm cho các tiết lộ nội dung. (Hóa ra, tiết lộ phần này rất sướng!) Trong Suspiria làm lại của Luca Guadagnino, một phim đầy sự kinh dị liên quan đến cơ thể, Quý bà Blanc của Tilda Swinton bị chính tay đối thủ, Helena Markos (cũng là Tilda Swinton), chặt đầu, ở đỉnh điểm của một cuộc đổ máu cao trào. Nhưng cũng sai, vì đầu bà chưa bao giờ rời thân – nó chỉ gật về phía trước và ta nhìn thoáng được phần bên trong cổ. Với lại, bà có chết đâu – có người gắn lại đầu ngay mà. Phù thủy có khác!

Phần chặt đầu không gì sánh được đã cho Thrillist những cơn ác mộng lặp đi lặp lại là của Annette do Toni Collette đóng, tự dùng dây đàn piano cưa đầu mình trong Hereditary, một phim những cái đầu và những người không đầu là chủ đề trung tâm. Vừa chính thức bị linh hồn quỷ nhập, Annie đuổi theo con trai Peter lên gác mái, nơi người mẹ quá cố thờ quỷ của bà với cái xác không đầu được đào lên vừa nằm đó vài cảnh trước. Cậu con trai khóa cửa lại. Nhưng kìa! Vì đã bị quỷ ám, Annie vẫn tìm được đường vào, và Peter, nghe một âm thanh ghê rợn, chầm chậm ngước lên và thấy mẹ mình lơ lửng trên trần, khéo léo tự chặt đầu bà để bắt đầu nghi thức lên ngôi cho Vua Paimon. Mỗi phát kéo có chủ đích của sợi dây và những đợt máu phun được gài thông minh đều gây buồn nôn! Cảnh này giờ đã bị ghim vào bộ não tàn tạ của Thrillist mãi mãi!

Về nhì: Charlie (Milly Shapiro) trong Hereditary, Quý bà Blanc (Tilda Swinton) trong Suspiria

Giải Bộ não Thiên hà: Tấm bảng trắng trong A Quiet Place

Bạn không thể không thấy thương A Quiet Place. Một trải nghiệm ở rạp phim biến lời thoại ít ỏi và nhạc phim tiết chế thành có tính áp bức và lo âu hợp lý. Tuy nhiên, xem ở nhà… cứ nói là trải nghiệm yên lặng không thực sự có sức nặng, cũng như cảnh phim không thực sự mênh mông dù ngoài hay là trong bối cảnh. Dĩ nhiên, ta đang nói riêng đến tấm bảng trắng đầy ý tưởng thiên hà mà Lee Abbot của John Krasinski (ngoài lề: mấy người này có tên à?) được cho là đã nhìn vào ít nhất một năm rưỡi, khi tìm cách đánh bại các con quái vật ngoài hành tinh bị âm thanh lôi kéo, trong khi câu trả lời đúng nghĩa bao quanh anh trong cái hang ổ phát thanh suốt thời gian đó. Nhìn mà xem. Thật ngu quá thể ngu.

Cái bảng trắng xuất hiện vài lần xuyên suốt bộ phim, thậm chí tiến hóa từ một thứ ngu đần thành một mạng lưới ngu đần khi cốt truyện tiến triển. (Thrillist khuyên độc giả nhìn cả ảnh đầu tin và ảnh này trước khi đọc tiếp.) Nó đưa ra rất nhiều câu hỏi, phần lớn như rất nhiều câu hỏi viết ngay trên tấm bảng. Ví dụ, sao có thể định được số sinh vật khi chúng di chuyển siêu nhanh và trông có vẻ giống nhau? Những sinh vật ngoài hành tinh này có dấu vết phân biệt như nốt ruồi biến dạng hay hình xăm à? Liên quan, sao anh ta xác nhận được hai đặc điểm của chúng – những đặc điểm rõ rệt nhất, “Mù” và “Tấn công âm thanh” – trong một năm rưỡi? Sao một người suy luận được những sinh vật ngoài hành tinh mù lòa chết chóc không giao tiếp bằng một ngôn ngữ, vừa “có tổ chức” như thể chúng thuộc một đoàn thể lao động, và có “nhu cầu” có thể được thỏa đáp? Sao anh ta biết được chúng không giết để ăn thịt khi mà những sinh vật rất nhanh này cuỗm mồi và biến mất rất nhanh? Cảm ơn đã nhắc nhở là cần “Nhu yếu phẩm y tế” và “Chống âm thanh” để SỐNG SÓT. ĐIỂM YẾU của chúng là gì? Là tín hiệu phát thanh, đồ đần. Có lẽ ợ chồng anh chị nên suy nghĩ kỹ trước khi mang một em bé nữa vào thế giới địa ngục đó.

Về nhì: Không có ai. Năm nay 100% là năm của bảng trắng trong A Quiet Place.

Giải thưởng Nic Cage cho Diễn xuất Pháp sư thời hiện đại hằng năm lần thứ 1: Nicolas Cage trong Mandy

Gửi lời xin lỗi tới màn diễn xuất điên loạn kỳ quái của Tom Hardy trong vai Eddie Brock trong Venom, xác sống phát xít trong Overlord của Pilou Asbæk điên có tiếng, và Gerard Butler bản chất vào vai chính anh trong phim trộm quy mô gay cấn Den of Thieves, giải thưởng Nic Cage cho Diễn xuất Pháp sư thời hiện đại hằng năm lần thứ 1 phải dành cho người mang lại tên cho giải và người đã phát minh ra phong cách diễn xuất riêng biệt này: Nic Cage, cho vai diễn Panos Cosmatos trong phim kinh dị trả thù Mandy. Một số người chỉ đơn giản xem một màn diễn xuất của Nicolas Cage và quyết là anh đã bị điên – tâm thần, có thể nói vậy – nhưng nam diễn viên đã đặt tên cho phương pháp của anh là “Pháp sư thời hiện đại” vì anh thấy liên kết trực tiếp giữa các diễn viên ngày nay với những pháp sư của các truyền thống tôn giáo không thuộc Do Thái-Thiên Chúa giáo, những người đeo mặt nạ và tiên tri được tương lai. Anh đi xa tới mức khâu đá và các biểu tượng vào áo mình trước khi đến trường quay và làm các bạn diễn kinh hãi, hy vọng chiến thuật này sẽ giúp anh đạt được một chiều tâm linh cao hơn trong diễn xuất.

Nên: Nic Cage thắng cho Mandy, một bộ phim lạ lẫm khác, phù hợp với giọng điệu và hình ảnh của pháp sư tiêu biểu (và có lẽ duy nhất!) của truyền thống Pháp sư thời Hiện đại. Dù anh có đang rèn một cái rìu chiến lớn khó hiểu, gầm lên là anh đang săn “ác quỷ điên rồ”, hay chiến đấu cưa máy với một thành viên của một hội cuồng tín bị đánh thuốc, Cage hành động ở một tầm cao chắc chỉ hiện diện ngoài phương tiện phim ảnh và nghệ thuật diễn xuất. Nhiều người nói vai diễn Red Miller của anh là một trong những vai diễn hay nhất sự nghiệp, nhưng sự thật nó là một màn diễn xuất điển hình của Nicolas Cage, ý là: Nó điên rồ và dễ thưởng thức vô cùng. Như mọi nghệ sĩ vĩ đại, Cage đã khăng khăng theo ý mình, và thế giới yêu rồi ghét anh khi sở thích thay đổi và các vai diễn đến mà hợp hoặc không hợp với anh. Phim phải thuận theo Nic Cage, chứ không phải ngược lại. Đó là cách của Pháp sư thời hiện đại.

Về nhì: Tom Hardy trong Venom, Pilou Asbæk trong Overlord, Gerard Butler trong Den of Thieves

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Thrillist