Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Pete và người bạn rồng

24/08/2016

Phải là những người ở một lứa tuổi nào đó mới nhớ được bản phim Pete's Dragon nửa hoạt hình nửa người thật đóng của Disney năm 1977... và chỉ những người đó mới có thể ưu ái cho bản phim người thật đóng kể lại câu chuyện này của David Lowery. Nói đúng ra, hai phim chả có điểm nào chung ngoài cái tựa, bộ phim mới nỗ lực để thân thiện với gia đình và có nét truyền thống (như để đối trọng với cái cách dở dở ương ương của bản phim hoạt hình pha trộn người thật với hoạt hình).

Tuy nhiên, đây không phải là bài bình phim Pete's Dragon. Đây là bài bình về việc sử dụng 3D của bộ phim. Để xem Disney muốn hấp dẫn khán giả gia đình như thế nào, rồi quyết định có nên chi thêm tiền cho vé 3D hay không mới là quan trọng. Thế nên, trước khi bạn lên đường tới rạp chiếu xem Pete's Dragon cuối tuần này, yếu tố 3D trong phim thế nào? Hãy thảo luận hết sức chi tiết nhé.

Tính phù hợp – 4/5

Pete's Dragon là phim người thật đóng kết hợp CGI (những lúc chú rồng Eliot xuất hiện). Nghĩa là, ngay từ đầu đã là không sẵn sàng cho 3D như phim hoạt hình truyền thống. Những phim có 95% CGI – như chính The Jungle Book của Disney – hay những phim được làm toàn bộ là hoạt hình có cơ hội gây ấn tượng với 3D tốt hơn. Phim người thật đóng thì khó. Xét vì phim nói về một con rồng kết bạn với một đứa trẻ đi lạc, và con rồng đó bay được, thì hợp với khái niệm về phim 3D rồi đó. Tuy nhiên, phim được làm như thế nào lại là chuyện khác.

Kế hoạch & Công sức – 2/5

Gần như tức khắc, bạn có thể nói 3D trong phim Pete's Dragon là một ý tưởng đến sau, vì mọi điều hay ho về bộ phim Pete đều ĐỐI NGHỊCH với trải nghiệm 3D. Phim chủ yếu diễn ra trong rừng, với những cảnh tranh tối tranh sáng. Ánh sáng chung tiệp với màu của sinh vật rồng CGI nghĩa là chẳng có gì nổi lên nhờ 3D. Ngoài ra, không có yếu tố nào trong sự hiện hữu của chú rồng – tức là khả năng bay được của nó – được đưa 3D vào. Pete's Dragon là một phim dễ thương bị chính yếu tố 3D của mình ngáng trở, và đó là một thất vọng khủng khiếp.

Trước màn ảnh – 2/5

Những phim quay bằng máy quay 3D, tức ngay từ đầu thực hiện việc kể chuyện bằng 3D, thường tận dụng lợi thế trước màn ảnh. Tức là có những thứ ‘xồ” ra khỏi màn hình, nhảy vào người khán giả. Những phim nào thêm 3D vào trong giai đoạn hậu kỳ thường chẳng được vậy. Pete's Dragon cũng thế. Và khó chịu là, với rồng Eliot bằng CGI luôn bay lượn, tác giả bài này cứ trông đợi cái cánh hay cái đuôi hay chút hơi thở nào từ lỗ mũi sinh vật số này phì ra khỏi màn ảnh để nhắc nhở là mình đang xem phim 3D. Chẳng có gì sất.

Sâu trong màn ảnh – 3/5

Tức là độ sâu của phông nền trong cảnh phim 3D – vốn là nơi để công nghệ 3D đương đại này tỏa sáng. Các nhà làm phim có thể sử dụng 3D làm cho môi trường trong phim của họ thực sự sống động, tạo ra những chiều sâu thăm thẳm trong tiêu điểm. Quay phim người thật đóng khó làm được điều này hơn, và Pete's Dragon chẳng làm nên chuyện gì đặc sắc với phông nền nhờ 3D. Rừng vẫn cứ âm u và khó lấy được trọng tâm. Những cảnh nền nào có người đa phần là nhòe, trình diễn một thứ 3D vô dụng. Sâu trong màn ảnh cũng thất vọng như trước màn ảnh thôi.

Độ sáng – 2/5

David Lowery quay Pete's Dragon theo một cách đặc biệt để nắm bắt một thần thái u buồn. Phim của anh nói về việc đi qua tuổi trẻ, và một cậu bé trai đang đeo bám thời gian của mình – cùng người bạn "tưởng tượng" – vì đó là tất cả những gì cậu biết, còn xã hội thì buộc cậu bé lớn lên và tước đi sự thoải mái đó. Đạo diễn dựa vào nhạc nền để kể điều đó, và những hình ảnh môi trường rừng rậm sum suê với những tia nắng đúng chỗ trông thật kỳ diệu... miễn bạn đừng xem bằng kính 3D. Nói nghiêm túc, cái u tối của cặp kính 3D cản trở tác giả trong lúc cố tập trung vào hình ảnh chú rồng của Lowery. Bối cảnh "mờ sáng và chạng vạng" của bộ phim bị cặp kính 3D gây trở ngại, mà công nghệ này chẳng làm được gì cho phim có những thứ nổi lên. Về độ sáng, 3D làm hại Pete's Dragon.

Thử bỏ kính – 2/5

Phép thử "bỏ kính" cho khán giả biết mức độ nhòe của hình ảnh, diễn ra là mức độ 3D được cung cấp khi đeo kính. Điểm "thử bỏ kính" càng cao tức hình ảnh rất nhòe và không trùng khớp khi tháo kính 3D ra. Điểm càng thấp (như điểm số mà tác giả đã cho bộ phim Pete's Dragon này) nghĩa là hình ảnh chẳng nhòe gì cả, vì chẳng đượng tăng cường 3D. Tác giả đã xem Pete's Dragon thoải mái không có kính – nhất là khi cậu bé Pete rời bỏ khu rừng – vì những cảnh ấy như phim 2D bình thường mà thôi, và chẳng cần gì đến kính.

Sức khỏe khán giả – 5/5

Ghi nhận chỗ phải ghi nhận: Pete's Dragon không hề có lúc nào làm bạn cảm thấy choáng váng khi xem. Nhìn chung, bộ phim là câu chuyện dân gian ề à, và những khi có cảnh hành động thì nhịp nhàng và được dàn dựng, nên bạn chẳng bao giờ vút lên rồi sà xuống. Cũng tốt.

BẢNG ĐIỂM
Tính phù hợp
4
Kế hoạch và công sức
2
Trước màn ảnh
2
Sâu trong màn ảnh
3
Độ sáng
2
Thử bỏ kính
2
Sức khỏe của khán giả
5
Tổng điểm
20 (trên tối đa 35 điểm)


"Thất vọng" là từ duy nhất có thể nghĩ đến khi nói về 3D trong Pete's Dragon. Chủ yếu là vì, nhìn chung, phim thì dễ thương và cảm động, và có thể nói đạo diễn David Lowery đã có sự lựa chọn hình ảnh khác biệt để định hình tinh thần và bối cảnh. Nhưng những lựa chọn đó thảy đều kháng 3D, khiến tác giả thực sự thắc mắc vì sao Disney lại chọn ra mắt Pete's Dragon ở định dạng này ngay từ đầu. Không hẳn 3D dễ sợ, chỉ là hết sức không cần thiết, mà nếu có, thì lại khiến xem phim phân tâm hơn. Bạn KHÔNG cần phải trả thêm tiền vé 3D để xem Pete's Dragon. Thực ra, nếu có xem thì CHỈ xem 2D.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend