Tin tức

Ba bộ phim hàng đầu của Hàn Quốc trong một thế kỷ qua

08/04/2014

Khái niệm điện ảnh được cho là đã được giới thiệu lần đầu tiên vào Hàn Quốc năm 1901. Năm đó, chính nhiếp ảnh gia, lữ khách người Mỹ Burton Holmes (1870-1958) đã mang bộ phim điện ảnh đầu tiên đến Hàn Quốc và giới thiệu lên Hoàng đế Gojong (1863-1907). Mãi đến hơn 20 năm sau đó, một đạo diễn người Hàn Quốc mới làm nên một bộ phim điện ảnh.

Hiện nay, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã trải qua hơn một thế kỷ, và có một chặng đường đầy màu sắc. Năm 2012, lần đầu tiên lượng khán giả điện ảnh ở Hàn Quốc đã vượt mốc 100 triệu người. Chỉ một năm sau đó, thị trường Hàn Quốc đã bán được gần 200 triệu vé xem phim. Cái mốc 200 triệu có nghĩa là trung bình một người xem khoảng bốn bộ phim tại rạp vào năm ngoái.

Hơn 100 năm về trước, xã hội Hàn Quốc đã nếm trải sự đô hộ, độc lập, chiến tranh, kinh tế bất ổn và nhiều điều khác nữa. Chúng ta có thể tìm thấy cả niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, tất cả đều được đưa vào trong điện ảnh Hàn Quốc.

Trong buổi lễ kỷ niệm điện ảnh Hàn Quốc lần thứ 100 và trong một nổ lực nhìn lại lịch sử đã qua, Korea Film Archive (Cục lưu trữ Điện ảnh Hàn Quốc) đã chọn phim vào tốp 100. Tổng cộng có 62 chuyên gia tham gia vào cuộc khảo sát này và những tác phẩm được đánh giá trải rộng mọi thể loại, từ viễn tưởng, phim tài liệu đến hoạt hình. Những bộ phim này có thể được làm trong bất kỳ thời gian nào từ những năm đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của năm 2012. Tất cả đều được đưa ra để nghiên cứu và đánh giá.

Tiêu chuẩn chính chọn ra 100 phim là sự đón nhận của công chúng khi phim xuất xưởng và ảnh hưởng xã hội về mặt tư tưởng và đề tài. Theo trình tự thời gian mà nói, các bộ phim được sản xuất vào thập niên 1960 chiếm chủ yếu trong danh sách. Theo KFA, trong thập niên 1960, sự kiểm soát của chính phủ giảm đột ngột, điều đó khuyến khích và thúc giục các đạo diễn đưa ra những ý tưởng phim điện ảnh mới.

Về bộ phim xếp vị trí số 1 tiêu biểu cho lịch sử Hàn Quốc, thì có đến ba phim nhận được vinh dự này. Ba phim chiến thắng là The Housemaid / Người hầu gái sản xuất năm 1960, An Aimless Bullet năm 1961 và The March Fools năm 1975. Trong mỗi bộ phim, đạo diễn đã truyền tải một thông điệp và cả ba bộ phim đều nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn sau khi công chiếu.

The Housemaid (1960) do Kim Ki Yeong đạo diễn

Cảnh trong phim

Trong phim này, nhân vật chính là Dong Sik, anh dạy nhạc cho các đồng nghiệp tại nơi làm việc của mình là một nhà máy sợi. Anh xuất hiện trong cảnh đầu phim, đang đọc một bài báo về một vụ án mạng. Một đồng nghiệp nữ tên Gyeong Hee đến nhà anh để học piano. Vợ của Dong Sik bị kiệt sức sau khi dọn nhà mới và đã bị ốm. Thế là Dong Sik có dịp thuê một cô giúp việc. Anh hỏi ý Gyeong Hee về lời đề nghị này. Khi vợ của anh đang nằm ở nhà mẹ vợ để hồi phục sức khỏe, thì Gyeong Hee đã thổ lộ tình cảm của mình với Dong Sik, nhưng cô bị từ chối và bị đuổi khỏi nhà. Tiếp tục rình trộm qua một ô cửa sổ một cách bí mật, cô giúp việc sau đó vào phòng quyến rũ Dong Sik lên giường. Cuối cùng cô ấy mang thai. Lúc nghe tin này, vợ Dong Sik đã xô cô giúp việc xuống cầu thang và dẫn đến sảy thai. Cô ta đã hăm dọa họ, nói rằng cô ta sẽ tiết lộ hết mọi chuyện cho mọi người ở công ty. Cô vợ đưa chồng đến phòng cô giúp việc để bảo vệ danh dự gia đình. Dong Sik và cô giúp việc dùng thuốc độc sát hại nhau và cảnh kết phim, Dong Sik trở lại với vợ, nức nở trong vòng tay cô ấy. Bộ phim kết thúc với hình ảnh Dong Sik và vợ đang đọc báo cùng nhau.

Các nhà phê bình nói rằng việc tận dụng câu chuyện nền cho các chuyện nhỏ trong The Housemaid đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng vì xóa nhòa khoảng cách giữa phim và thực tế. Đây được xem như là một bộ phim rất độc đáo với phong cách tươi mới. Thông điệp chính – người đàn ông ám ảnh giữa lề lối gia trưởng và sự đổi mới, giữa tầng lớp xã hội và quyền lực xã hội, giữa địa vị và bạo lực, giữa lòng khao khát và sự đàn áp – tất cả đều đưa lên màn ảnh. Nhà phê bình Jeong Ji Yeon nói rằng, “Trong mắt đạo diễn Kim Ki Yeong, người phụ nữ có mong muốn bản năng và thống trị nam giới, và điều này phản chiếu sự thèm khát và đàn áp của đàn ông.”

An Aimless Bullet (1961) do Yoo Hyun Mok đạo diễn

Cảnh trong phim

Trong bộ phim thứ hai này, nhân vật chính là Cheol Ho, làm sổ sách kế toán. Anh là trụ cột chính trong gia đình bảy thành viên: mẹ anh, mang thương tích chiến tranh, vợ anh đang mang thai nhưng bị suy nhược, một bé gái và ba đứa em ruột nghèo khổ. Anh nghèo đến nổi không thể đến nha sĩ chữa răng. Mặc dù hoàn cảnh khắc khổ nhưng Cheol Ho không bao giờ cảm thấy tuyệt vọng.

Bạn của Cheol Ho, với hoàn cảnh tương tự, đã dấn thân vào con đường trộm cắp để thoát khỏi thực tại, nhưng cuối cùng thất bại. Cheol Ho phải đến đồn cảnh sát thăm bạn mình. Trên đường về nhà, với nhiều cảm xúc xáo trộn, anh nghe tin vợ mình sinh em bé. Anh lập tức đến thẳng bệnh viện. Lúc tới nơi, anh hay tin vợ mình đã qua đời. Cú sốc này hạ gục anh và anh ngất đi. Trong cảnh cuối, mặc dù không thể thấy thân xác vợ mình, Cheol Ho lang thang ngoài bệnh viện, đi quanh các con đường của Seoul và đến một phòng khám nha khoa.

An Aimless Bullet vẽ ra một bức tranh sặc sỡ với nỗi khổ đau, bất hạnh và sự nghèo túng hiện diện ở Hàn Quốc những năm 1960, khi quốc gia này đang cố vực dậy sau cuộc chiến Nam-Bắc Triều. Nhà phê bình Kim Jong Won đã gọi phim này là “một tấm gương tiêu biểu cho hiện thực.” Ông giải thích rằng nội dung phim thể hiện đặc trưng của giai đoạn đó và đề tài được nhấn mạnh một cách sinh động đã nâng cao nhận thức cộng đồng và là bộ phim xứng đáng được ngợi ca. An Aimless Bullet luôn chiếm giữ vị trí đầu trong các cuộc bình chọn vài thập niên qua.

The March of Fools (1975) do Ha Gil Jong đạo diễn

Cảnh trong phim

Bộ phim cuối cùng xoay quanh bốn nhân vật, tất cả đều đang ở độ tuổi 20. Byeong Tae và Yeong Cheol đều là sinh viên nghành nhân văn, cùng kết bạn với hai nữ sinh, Yeong Ja và Sun Ja, sinh viên ngành ngữ văn Pháp tại một trường đại học gần bên. Bốn bọn họ thường lang thang, chia sẻ những khó khăn và uống rượu cùng nhau. Byeong Tae luôn hỏi đùa Yeong Ja về chuyện cưới anh ta, nhưng sau đó cô ấy luôn từ chối khi nói về tương lai mơ hồ của anh với tấm bằng triết học.

Tuy nhiên, hai người tiếp tục hẹn hò, và ngày càng thường xuyên hơn. Đến một ngày, bỗng nhiên Yeong Ja nói với Byeong Tae rằng cô sẽ cưới một chàng trai khác do gia đình mình giới thiệu.

Trong thời gian đó, Yeong Cheol đem lòng yêu Sun Ja nhưng Sun Ja không thể chấp nhận anh. Lý do vì anh nói lắp, anh có một tương lai mù mịt và anh đã trượt kỳ kiểm tra sức khỏe nên không thể thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Hai chàng trai gặp nhau và nhìn ra biển. Yeong Cheol đạp xe lên đỉnh của một dốc đá và nhảy ùm xuống biển. Đứng trước bế tắc trong thời gian dài, mắc kẹt trong tuyệt vọng với bao nỗ lực, Byeong Tae cuối cùng cũng đi nghĩa vụ. Yeong Ja ra ga tiễn bạn. Kết thúc phim, hai người hôn nhau.

The March of the Fools phản chiếu mạnh mẽ văn hóa của giới trẻ nở rộ suốt giữa thập niên 1970. Đạo diễn đã hòa nhiều yếu tố văn hóa trong phim của mình, gồm đồ jeans, một bài dân ca nổi tiếng Whale-hunting, hẹn hò nhóm và văn hóa uống makgeolli, một loại bia gạo, tất cả đại diện cho giới trẻ Hàn thập niên 1970. Phim chỉ ra những khoảng cách giữa tưởng tượng và thực tại, và sự đấu tranh tư tưởng mà giới trẻ Hàn Quốc chịu đựng suốt những năm đi học. Nhà phê bình Sang Yong nói thêm những ống kính máy ảnh được phát minh gần đây được sử dụng hiệu quả trong việc quay phim cho phép tạo ra kỹ xảo độc đáo và phong cách tươi mới.

Cả ba bộ phim trên và 97 bộ phim khác do KFA bình chọn, sẽ được trình chiếu suốt cả năm nay tại rạp chiếu phim KOFA ở Sangam Dong, Seoul.

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea.net


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi