Tin tức

Vũ trụ trên Trái đất: Bí mật trong Gravity của Alfonso Cuaron

01/04/2014

Tuy không đoạt Oscar Phim xuất sắc nhất, nhưng Gravity vẫn là một trải nghiệm phim mê hồn. Clive Irving của The Daily Beast có dịp trò chuyện với thiết kế của bộ phim, Andy Nicholson.

Không đoạt Oscar Phim xuất sắc nhất, Gravity vẫn là một trải nghiệm phim mê hồn

Phim luôn là loại hình truyền thông dựa trên ảo thuật. Nhưng với Gravity, đạo diễn Alfonso Cuaron cần định nghĩa lại ảo thuật có thể là cái gì, cần đi tới những giới hạn của những gì khả thi hiện tại. Bộ phim, với 10 đề cử tại Oscars vừa rồi, là một chuyến đi ly kỳ tới rùng mình trong vũ trụ với Sandra Bullock trong vai phi hành gia cố gắng sống sót trong một thảm họa để trở về trái đất an toàn. Thiết kế và hiệu ứng kỹ xảo, được chuyển tải một cách đứng tim trong định dạng 3D, khiến chúng ta trải nghiệm một cách xác thực kinh hoàng từng hiểm họa kinh hoàng đang diễn ra.

Bốn năm trước, khi Gravity mới bắt đầu quá trình ấp ủ lâu dài của dự án này, công nghệ kỹ thuật số trong phim đang phát triển nhanh chóng, và Cuaron biết công nghệ đỉnh cao nhất nằm ở London, nơi ông sinh sống hiện tại. Cuaron bàn luận những ý tưởng ban đầu cho bộ phim với nhà sản xuất David Heyman, nhà quay phim ưa thích lâu năm và ứng viên thường xuyên của Oscar Emmanuel Lubezki, và Tim Webber, phù thủy hiệu ứng thị giác của công ty Framestore tại London, người đã nhận đề cử Oscar cho kỹ xảo trong The Dark Knight.

Khi những ý tưởng đã hình thành, Cuaron có cuộc phỏng vấn một nhà thiết kế sản xuất người Anh ông chưa gặp bao giờ, Andy Nicholson, người từng hợp tác với Tim Burton trong một số phim, gần đây nhất là Alice in Wonderland. Nicholson đã đọc kịch bản một tuần trước đó.

Đạo diễn Alfonso Cuaron cùng George Clooney & Sandra Bullock trên phim trường

Cuộc thảo luận kéo dài hai tiếng thay vì 30 phút như dự định, Nicholson nói với The Daily Beast. Bàn về vai trò của phần hình ảnh trong phim, câu hỏi căn bản của Cuaron là: “Có thể làm được không?” Nicholson trấn an vị đạo diễn là có thể, và trong vòng vài tuần lễ anh đã tham gia vào nhóm người trụ cột đẩy phép màu của bộ phim lên một cấp độ mới. Cùng với Cuaron, họ đều được đề cử Oscar.

Thật sự, mười đề cử Oscar cho Gravity phản ánh mạnh mẽ chuẩn cách biệt sâu sắc của những thành tựu kỹ thuật bộ phim đạt được: Bộ phim đứng chung với American Hustle của David O’ Russell trong hạng mục nhiều đề cử nhất, dù chỉ có một diễn viên chính, Sandra Bullock, nhận đề cử Nữ diễn viên xuất sắc nhất (trong khi ghi nhận sự có mặt tuy ngắn ngủi nhưng chủ chốt của George Clooney), còn các đề cử của Hustle chỉ là một cách truyền thống để ghi công dàn diễn viên xuất chúng đã mang về một bộ phim ấn tượng đậm đà.

Có lẽ cái ngộ lớn lao nhất của Cuaron chính là vũ trụ không cần người ngoài hành tinh hay quái vật mới đáng sợ. Nicholson nói với người viết, trong cảnh mở đầu dài 16 phút không cắt, Gravity muốn truyền tải hai mặt của vũ trụ – bắt đầu với hình ảnh luyến tiếc về trái đất và bình minh, rồi sau đó trong tích tắc, mở ra một thảm họa. Khán giả rời rạp với dây thần kinh còn chếnh choáng với trải nghiệm đó, cùng với một khái niệm chân thực hơn về môi trường làm việc thù địch của các phi hành gia. (Các phi hành gia đã khen bộ phim không chỉ ở mặt kỹ thuật mà còn ở việc nhắc nhở chúng ta Trạm Không gian Quốc tế không phải chỗ cho những kẻ nhát gan.)

Nicholson nói, sự căng thẳng của kịch bản, do Cuaron và con trai ông Jonas viết, dựa vào từng giây hé lộ của câu chuyện trong môi trường dày đặc công nghệ mà sự sống còn dựa trên việc kết hợp ý chí bền bỉ và tài ứng phó kỹ thuật của con người. Hiệu ứng hình ảnh phải thật đặc sắc. Nhưng quan trọng phải hiểu rằng trước khi có kỹ xảo, một phim cần có dáng dấp, diện mạo riêng - phải được xây dựng và định nghĩa bởi mọi chi tiết, và với Gravity chi tiết là tất cả.

Gravity nhắm tới truyền tải sự mong manh của con người giữa vũ trụ yên lặng nhưng chết chóc

Cuaron muốn phim trông như thể họ mang máy quay vào vũ trụ, Nicholson nói. Bộ phim sẽ không chừa chi tiết nào ra ngoài khoảng ngắm – máy quay thường cách mọi thứ dưới một mét – và chuyển động rất chậm. Mọi bề mặt phải như thật.

Nghiên cứu của Nicholson cho thấy Trạm Không gian Quốc tế (ISS) đã có người ở trên một thập kỷ và có nhiều dấu hiệu cũ nát. Thực tế, ISS có vẻ là tổng hòa của phòng nghiên cứu, nhà trọ sinh viên và trạm sửa xe. Anh thấy những chi tiết sinh hoạt thường mang dấu ấn văn hóa – trạm chứa những chuyên gia đến từ rất nhiều quốc gia. Cuaron nói với Nicholson ông muốn một sự đa dạng, hay theo vốn từ riêng của nhà đạo diễn, nó phải “thật chi li”.

Trong hai nang thoát hiểm, một của Nga và một của Trung Quốc, Sandra Bullock trong vai phi hành gia tay mơ Ryan Stone phải sử dụng những bàn phím vi tính phức tạp. Kỳ diệu thay, Nicholson tìm được mã nguồn cho bảng điều khiển tàu Soyuz của Nga trên một trang web của Nga. Như các hình ảnh cho thấy, mỗi phím điều khiển đều có trong kịch bản và tương ứng với giao diện phím đạo cụ. “Sandra có biệt tài nhớ hết mọi chi tiết,” Nicholson khen ngợi.

Phần hình ảnh của Gravity chính xác từng chi tiết

Nicholson đã kiểm tra cảm giác thực trong trạm không gian và nang thoát hiểm cùng cựu phi hành gia Andy Thomas. Ông là người đã bay tới trạm Mir của Nga giờ đã ngừng hoạt động, trong phi thuyền cùng người vợ cũng là phi hành gia, Shannon Walker. Bà cũng từng bay trong một phi thuyền Soyuz tới trạm không gian quốc tế rồi trở về trái đất. (Soyuz được thiết kế trong thập niên 1960 và đã chứng tỏ là đáng tin cậy tới nỗi thiết kế của nó không thay đổi gì nhiều kể từ đó.)

Đội ngũ của Cuaron chế tạo một phiên bản mặt đất của một thế giới khác cực kỳ thù địch. Trong hàng trăm đạo cụ, từ những dụng cụ cầm tay cỡ to tới những đồ chuyên và dao kéo, đều được nghiên cứu, thiết kế rồi mô phỏng bằng đồ họa, tạo ra một thư viện có thể sử dụng để “dựng cảnh” bằng kỹ thuật số.

Đối với Emmanuel Lubezki, đạo diễn hình ảnh, thử thách là ở ánh sáng, khi phải làm việc ngoài những biên giới quen thuộc của việc quay phim. Thật cẩn trọng, ông phải tạo một cầu nối trơn tru giữa “ánh sáng ảo” như ông gọi – hiệu ứng vi tính để phản ánh chính xác thời điểm trong ngày và vị trí của mặt trời – và ánh sáng quen thuộc trên mặt và hành động của diễn viên. Như Lubezki nói, mọi “địa điểm” đều ở trên máy tính nhưng các diễn viên thì có thật, và rất nhiều phần chỉ có khuôn mặt họ.

Emmanuel Lubezki đã phải tạo ra ánh sáng từ căn bản tới đột phá nhất cho bộ phim

Cũng với sự xuất sắc như vậy, hiệu ứng kỹ xảo của Gravity không bao giờ lấn át câu chuyện đơn giản nhưng ấn tượng: sự bao la tàn bạo không thương xót của vũ trụ và sự mỏng manh của mạng sống con người một khi đặt chân tới đó. Có một sự nhạy cảm tinh thần trong diễn xuất của Bullock mà không máy tính nào có thể tạo ra. Nhưng phẩm chất ấy càng cảm động hơn rất nhiều bởi nó được thể hiện để chống lại cái thiếu tính người lạnh lẽo của mọi thứ cần thiết, về mặt thiết kế và công nghệ, để bất chấp trọng lực.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi