Tin tức

Khán giả Hàn thích phim dựa theo chuyện có thật

31/03/2014

Lúc bắt đầu vào phim The Attorney, có một dòng chú thích: “Bộ phim này dựa trên câu chuyện có thật, nhưng xin nhớ rằng đây là một tác phẩm hư cấu.”

The Attorney phỏng theo “vụ án Burim” khét tiếng, xảy ra ở Busan năm 1981, khi nhà nước quân sự của Chun Doo Hwan bắt giữ hơn 20 sinh viên, giáo viên và công nhân là thành viên của một câu lạc bộ sách và kết oan tội họ. Bị cáo bị cản trở và tra tấn buộc thay đổi để ủng hộ chế độ của Chun Doo Hwan.

Dựa theo chuyện có thật, The Attorney, trái, và The Way Back Home, giữa,
trình chiếu khắp Hàn Quốc
[Ảnh: JoongAng Ilbo]

Bộ phim xoay quanh một luật sư tên Song Woo Seok, do nam diễn viên Song Kang Ho thủ diễn. Là một luật sư về thuế, Song kiếm rất nhiều tiền, nhưng anh bị giới luật sư ruồng bỏ vì anh vượt qua kỳ thi sát hạch mà chưa từng có học vị cử nhân. Cuộc sống của Song đảo ngược hoàn toàn khi anh đồng ý bảo vệ cho những người bị bắt giữ trong vụ Burim.

Trong thực tế, vị luật sư được miêu tả trong truyện là cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun.

Đến nay, The Attorney là một thành công lớn, thu hút hơn tám triệu lượt xem và kiếm được 58 tỉ won, tức 54,3 triệu đôla từ khi phim ra rạp ngày 18/12/2013 đến thứ hai tuần sau đó. Phim tiếp tục làm ăn tốt và hầu như chắc chắn đạt 10 triệu lượt xem.

Nhưng do những tranh cãi về chính trị vẫn còn xoay quanh cố Tổng thống Roh Moo Hyun, phim cũng làm nóng lên những bàn luận. Có người nói rằng phim quá chính trị, và có tin các nhóm cánh hữu đã mua hàng trăm vé xem phim một lượt, chỉ ngừng mua vé ngay trước khi phim bắt đầu chiếu để cản không cho người ta xem phim.

(Hãng sản xuất The Attorney, Next Entertainment World, phủ nhận việc mua vé hàng loạt này là vấn đề).

Cảnh trong phim The Attorney

The Attorney không phải là phim Hàn duy nhất dựa theo chuyện có thật làm ăn tốt. The Way Back Home, dựa theo câu chuyện về một phụ nữ nội trợ bị bắt ở Pháp vì vận chuyển ma túy, ra rạp ngày 11/12/2013 và cũng đã kiếm được gần 13 tỉ won.

The Way Back Home chỉ trích việc xử lý sự cố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho rằng bộ này vô trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân Hàn Quốc ở nước ngoài. Chiến dịch quảng bá cho bộ phim thậm chí còn có những áp phích viết, “Câu chuyện có thật mà đất nước này phớt lờ đi sẽ bị vén màn!”

Viên chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định câu chuyện trong phim không phải là toàn bộ sự thật. Tuy nhiên, xem ra khán giả ủng hộ thông điệp của nhà làm phim và lên án bộ này.

Cũng như The Attorney, The Way Back Home khẳng định phim là một tác phẩm hư cấu, nhưng bộ phim được khán giả xem là hiện thực.

Xem ra các phim dựa theo chuyện có thật được khán giả Hàn thích thú. Theo Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council), bảy trong tốp 100 phim được ưa thích trong vòng 10 năm qua là dựa theo chuyện có thật. Trong số đó là, Take Off (2009) thu hút 8,4 triệu lượt xem, May 18 (2007) 7,3 triệu lượt xem, Silenced (2011) 4,7 triệu, Marathon (2005) 5,1 triệu, Forever the Moment (2007) 4 triệu và Unbowed (2011) 3,5 triệu.

The Way Back Home

Một phim có tiếng khác đã hư cấu hóa một sự kiện có thật là bộ phim kinh điển Memories of Murder của Bong Joon Ho năm 2003, thu hút 5,3 triệu lượt xem.

Voice of a Murderer (2007) và Wish (2013) cũng làm tốt việc đưa lên phim những tội ác gây tranh cãi, dù không vào đến danh sách tốp 100 này.

“Những câu chuyện dựa theo sự kiện có thật khiến người xem nghĩ họ cũng có thể trải qua tình huống tương tự,” Ha Ji Hyun, giáo sư khoa tâm lý Đại học Konkuk, nói.

Có nhiều cách để một bộ phim nói về sự kiện có thật. Marathon Take Off là phim tâm lý cảm động, còn Memories of Murder là một phim ly kỳ.

“Những phim dựa theo chuyện có thật thể hiện những điều khó tin mà lại có thể xảy ra,” nhà phê bình phim Kang Yoo Yeong nói. “Những phim này đảm bảo tính đáng tin cậy, bổ sung thêm nhiều thú vị.”

Tuy nhiên, những phim như The Attorney The Way Back Home trở thành tiêu đề theo nhiều cách rất khác so với phim ly kỳ và tâm lý. Hai phim này không nói về sự kiện kịch tính mà về xã hội và cách con người trải nghiệm.

Silenced

Kang Seong Ryul, giáo sư tại Đại học Kwangwoon, liên hệ hai phim này là “những phim rút ra sự cảm thông bằng cách miêu tả một tình huống trong đó vắng bóng quyền lực nhà nước hay sự quản lý.”

Nhà phê bình văn hóa Jeong Deok Hyun đồng ý với Kang, bổ sung rằng “các phim chất vấn đất nước hay xã hội tạo ra nhiều phấn chấn cho khán giả.”

“Khán giả tin những phim ấy vì chúng cho họ biết những điều mà báo chí đã không làm được,” nhà phê bình phim Kim Young Jin nói. “Người ta nói xem phim Silenced hay Unbowed khiến họ nhận ra rằng tin tức báo chí không phải lúc nào cũng nói cho bạn biết hết mọi chuyện.”

Dù những phim này không cung cấp câu trả lời, Kim Young Jin nói khán giả thích thưởng thức kết thúc.

“Trong hiện thực khắc nghiệt, chúng ta dường như luôn thất bại, nhưng kết thúc của các bộ phim không phải lúc nào cũng vậy,” Kim Young Jin nói. “Phim cung cấp niềm vui của sự trừng phạt cái ác. Ngay cả những phim như The Attorney, kết thúc trong thất bại, khán giả cũng cảm thấy một sự phấn chấn.”

Unbowed

Khao khát biết sự thật bị che giấu đằng sau những sự kiện có thật và trải nghiệm một sự phấn chấn có hiệu ứng rất lớn. Nhiều khán giả Hàn bắt đầu nghĩ đến việc xem những phim như vậy tương đương với việc tham gia các phong trào xã hội và đăng tải những bình luận nhiều hơn thay vì chỉ ‘thích’ hay ‘không thích’.

“Sau khi phim Silenced ra mắt, trường học đó đã phải đóng cửa và cảnh sát Hàn Quốc phải mở lại cuộc điều tra,” Jeong Deok Hyun nói, nhắc đến bộ phim nói về một trường học dành cho người khiếm thính trong đó nhiều học sinh bị bạo hành tình dục hồi đầu những năm 2000.

“Một dự luật của Quốc hội được hiệu chỉnh và đặt lại tên theo tựa tiếng Hàn của bộ phim, ‘Dogani.’ Người ta thấy được phim ảnh làm thay đổi hiện thực và bắt đầu tập hợp trên các trang mạng xã hội với mong muốn thay đổi hiện thực,” Jeong Deok Hyun nói.

Tuy nhiên, nhà phê bình Jeong cảnh báo rằng khán giả cũng rất hay bỏ qua khác biệt giữa hiện thực và hư cấu, và “đem tiêu chuẩn thiện ác sử dụng trong phim để phán xét thực tế.”

Jeong nói The Attorney tạo ra một kiểu phản ứng giản đơn.

“Vụ Burim không nên là trung tâm của sự tranh cãi,” Jeong nói. “Trọng tâm nên là quá trình một con người biến chuyển từ một luật sư thực dụng thành một luật sư đấu tranh cho quyền con người.”

Another Family

Hãng sản xuất The Attorney nói họ đã dự kiến “có sự tranh cãi ồn ào” từ việc phát hành bộ phim này.

“Đã có sức ép lớn trong việc xử lý câu chuyện đó,” Choi Jae Won, CEO của Wethes Film cho biết, nói thêm rằng nếu ông muốn sử dụng bộ phim này vì mục đích chính trị, thì ông đã làm phim trước chiến dịch tranh cử năm 2012.

“Phim chỉ là phim,” ông nói. “Có chút này chút nọ chúng tôi mượn từ tiểu sử của cố Tổng thống Roh. Nhưng hầu hết nhân vật chính là hư cấu và chuyện xảy ra ở phiên tòa cũng hoàn toàn khác. Cái chúng tôi tạo ra là hư cấu, nhưng nhiều người cảm thông với phim trong quá trình suy diễn. Dù sao đi nữa, họ diễn dịch phim thế nào là quyền của họ.”

Khán giả Hàn có thể trông đợi nhiều phim dựa theo chuyện có thật nữa ra rạp. Another Family, về Hwang Yu Mi, 22 tuổi, chết vì bệnh bạch cầu năm 2007 sau khi làm việc trong nhà máy bán dẫn của Samsung, ra rạp ngày 6/2. Minority Opinion, về vụ hỏa hoạn năm 2009 giết chết năm người chống đối việc thu hồi tài sản ở Yongsan, trung tâm Seoul, cũng sẽ sớm ra rạp.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi